Phật giáo có duy tâm?

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3152 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
 
 

Hiện nay, không ít nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về Phật giáo thường đưa ra kết luận, Phật giáo là duy tâm. Dẫn chứng là, trong kinh Hoa Nghiêm, Phật thuyết nhất thiết duy tâm tạo hay tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Theo họ, đạo Phật cho rằng tất cả đều từ tâm mà ra, toàn thể thế giới quanh ta là do tâm tạo nên, không có một thế giới thực, một thế giới độc lập tồn tại khách quan với con người. Vậy là, thế giới con người đang sống với nó là không thực có, đó chỉ sản phẩm của tâm tạo tác mà thành, sự tồn tại và biến hiện của nó phụ thuộc hoàn toàn vào tâm.


Tuy nhiên theo chúng tôi, nhận định trên đang còn phiến diện và chưa thực sự lột tả được nét tinh tế, vi diệu của giáo lý nhà Phật. Theo quan điểm triết học truyền thống, việc phân chia thành duy tâm và duy vật dựa trên việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, vấn đề tư duy và tồn tại. Chủ nghĩa duy vật cho rằng bản chất của thế giới là vật chất, tinh thần cũng là một dạng tồn tại của vật chất­ 1, là sản phẩm của tiến trình phát triển của xã hội. Chủ nghĩa duy tâm thì khẳng định ngược lại, bản chất thế giới là tinh thần, thế giới vật chất được hình thành phụ thuộc và chịu sự quy định của thế giới tinh thần.


PHAT HOC.jpg


Trước hết, khi bàn về bản thể luận, Phật giáo cho rằng thế giới gồm hữu tình và vô tình, xét về mặt bản thể đều do tứ đại2 duyên sinh, và sự tan hoại cũng do duyên diệt, ở đó không do bất kỳ một lực lượng siêu nhiên nào sáng lập. Con người cũng vậy, con người tồn tại là do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp thành và chuyển hoạt theo lý nhân quả. Do vậy, việc vội vàng dựa vào một câu nói khi chưa tìm rõ ngọn nguồn để đi đến kết luận Phật giáo duy tâm là không thuyết phục.


Triết học Phật giáo là hệ thống đồ sộ với đầy đủ những sự tinh tế, khoa học và mầu nhiệm. Vì thế, khi nghiên cứu về bất cứ một luận điểm nào trong đạo Phật cũng cần xét một cách toàn diện và tỉ mỉ, nếu không chỉ thấy cây mà không thấy rừng, và không nắm hết được tinh thần giáo lý nhà Phật. Trong Phật giáo, khi nói về tâm thì cần phải thấy rằng, không phải tất cả tâm đều mang nghĩa như nhau. Xét về góc độ tâm lý học chiều sâu, Phật giáo đã bóc tách hoạt động tâm thần con người thành nhiều tầng bậc khác nhau (điều này hơn bất kỳ một khoa học, trường phái tâm lý học hiện đại nào, xét cả về chiều rộng và chiều sâu). Nhục đoàn tâm, duyên lự tâm, chơn tâm, vọng tâm, tích tập tâm, tập khởi tâm, tích tụ tinh yếu tâm, tâm vương hay tâm sở, mỗi tầng bậc đó ứng với một trình độ, với một hoàn cảnh nhất định của con người mà tâm tương ứng đó được biểu hiện. Vì thế, khi nói vạn pháp duy tâm tạo, hay tam giới duy tâm thì chúng ta không thể vội vàng quy chụp rằng Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của một thế giới vật tự nó mà cần phải xác định khi nói tâm tạo là hướng vào loại tâm nào, để có cái nhìn thấu đáo nhất về thế giới quan Phật giáo.


 Thuật ngữ nhất thiết hay vạn pháp ở đây được hiểu là hết thảy các pháp hữu tướng và vô tướng, kể cả các pháp được hình thành từ sự hoạt động của ngũ câu ý thức và độc đầu ý thức, những sự hiện hữu đó đều từ tâm mà ra. Tâm ở đây không phải về bản tính thiện ác của con người, cũng không phải là một trạng thái tâm lý của con người, mà đó chính là tâm suy tưởng, vọng khởi. Nên trong kinh Hoa Nghiêm Phật dạy, tất cả mọi hiện tượng sinh diệt đều từ tâm vọng tưởng mà ra, hay đây là tâm do duyên mà sinh. Do vậy, khi nói vạn pháp duy tâm tạo không đồng nghĩa với việc phủ nhận sự tồn tại của thế giới khách quan. Hơn nữa, khi bàn về thế giới thì Phật giáo đã chỉ ra rất rõ cho chúng ta biết rằng, có sự hiện hữu tồn tại của thế giới vật chất - vật tự nó, sự tồn tại đó không phụ thuộc vào ý thức và ý chí của con người. Thế giới đó tồn tại và tác động vào con người thông qua hoạt động của các giác quan và những cảm thức cá nhân của mỗi người, nhưng sự hoạt động của các giác quan ở mỗi cá nhân là không như nhau khi cùng hướng về đối tượng, đối tượng mang tính biểu tượng đó được hình thành dựa trên nhiều yếu tố như; mức độ rõ ràng trong hoạt động của các giác quan, văn hóa, trình độ, quan niệm và hướng tiếp cận của mỗi cá nhân. Vì thế, cùng một đối tượng mà có sự nhìn nhận và phân tích khác biệt từ đó hình thành nên những luận thuyết khác nhau dẫn đến những cuộc tranh luận không ngừng nghỉ. Đức Phật đã chỉ ra rằng, khi con người đang còn chấp thủ, với những tham ái thì thế giới của họ như thế nào là do chính họ xây dựng nên, ví như người ham sắc thì thế giới của họ không thoát khỏi sắc, tham tiền thì thế giới đó chịu sự quy định của tiền bạc, sự khác biệt đó do chấp thủ và tham ái ở những mức độ khác nhau tạo nên. Do vậy, “Hết thảy các pháp là do tâm tạo: tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu ta nói hay làm với ác tâm, khổ đau sẽ theo ta như bánh xe lăn theo con bò kéo”. Hay “Hết thảy các pháp do tâm tạo: tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu ta nói hay làm với tâm thanh tịnh, thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng không rời hình” (Kinh Pháp cú, 1 và 2).


Phật giáo thừa nhận có sự tồn tại của một thế giới vật tự nó - thế giới thanh tịnh, thế giới tự bản nguyên nó là vậy, không có sự tác động của bất kỳ một ngoại giới nào. Và có một dạng thế giới khác là thế giới do tâm tạo, thế giới này do tâm làm chủ, trong sự hình thành của nó thì tâm do duyên sinh đóng vai trò tạo tác nhưng đó không phải là tất cả, mà với tâm duyên sinh đó hướng tâm thức của con người nhìn về thế giới thanh tịnh, nhưng do còn chấp thủ và tham ái nên không thấy được thế giới như thật mà tự tạo tác cho mình những cảnh giới sai biệt, điều này phụ thuộc vào sự vận hành của tâm khởi.


Khác với nhà triết học I. Kant, khi khẳng định có sự tồn tại của thế giới vật tự nó (thế giới có đầy đủ chân lý) nhưng I. Kant cho rằng con người không thể sống trải được với nó mà chỉ trải nghiệm được trong thế giới hiện tượng. Thừa nhận thế giới thanh tịnh là có thực, tồn tại tự thân, đó là thế giới mà không phải ai cũng trải nghiệm được. Nhưng không phải con người bất lực trước nó, để sống được với cái tự thân thì phải có điều kiện (thật ra con người luôn sống với nó nhưng do tính chấp thủ và tham ái con người không thể nhận diện được nó mà thôi, đó như chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa) là con người cần trở lại với bản lai diện mục của mình, trở về với bản tâm thanh tịnh. Bởi chỉ khi trở về với pháp thân của mình thì con người mới dứt được mọi chấp thủ, tham ái và qua đó cũng chặt đứt xiềng xích trói buộc con người với sự khổ não, trở về với tâm thanh tịnh, con người nhìn về thế giới không còn bị quy định bởi năng lực hữu thức của cá nhân, mà ở đó con người sống với thế giới mà nó đang là. Đức Phật chỉ ra, này Bhaggava, điều này được giảng dạy, được tuyên bố là sai lầm, là trống rỗng, là dối trá, điều đã được các Sa-môn, Bà-la-môn lên án sai lầm cho rằng: Sa-môn Gotama và các đệ tử của Sa-môn Gotama đi lầm đường. Sa-môn Gotama tuyên bố rằng bất cứ ai khi đạt được cảnh giới giải thoát “thanh tịnh” thì thấy thế giới là “bất tịnh”. Nhưng Như Lai không tuyên bố như thế. Ðiều mà Như Lai tuyên bố là bất cứ khi nào mà một người chứng đắc cảnh giới “giải thoát, thanh tịnh”, người ấy thấy rằng thế giới là “thanh tịnh”(Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua Kinh tạng Pali, Nxb.Phương Đông, 2009, tr.83).

 

Vì vậy, khi xét về mặt bản thể không thể quy kết Phật giáo là duy tâm và phản khoa học. Những phát hiện về mặt bản thể tạo tác nên vũ trụ trong khoa học càng khẳng định tính đúng đắn của đạo Phật, những thành quả khoa học đó trở thành những bằng chứng thép để nói lên rằng, những điều Đức Phật đã nói cách đây hơn 2.555 năm nhưng không hề có sự sai biệt.

 

 Huệ Bá

Nguồn: giacngo.vn

------------------

Chú thích:


1. Sự phân chia giữa tư duy và tồn tại chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, ngoài ra sự phân định đó là tương đối. Đặt vấn đề là vậy, nhưng việc giải quyết mối tương quan giữa tư duy - tồn tại thì không phải chủ nghĩa duy vật nào cũng giống nhau.


2. Tứ đại, đất, nước, gió, lửa là bốn dạng vật chất làm cơ sở tạo dựng nên vũ trụ, những dạng vật chất này tồn tại khách quan không thuộc về một lực lượng siêu nhiên nào.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...