Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên HĐ Giám mục Á châu

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1140 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á”

Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu


***

“Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1, 3)


Chúng tôi, các giám mục đại diện của các Hội đồng Giám mục thành viên và các Hội đồng Giám mục liên kết, thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Xuân Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Mười Hai 2012. Tham dự Hội nghị, có: Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha; Đức Tổng giám mục Saviô Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; quý đại biểu huynh đệ của các Liên Hội đồng Giám mục châu Đại dương, châu Mỹ Latinh và châu Âu; quý đại biểu một số tổ chức quyên góp và tài trợ; quý Đức cha và Thư ký các văn phòng FABC; và quý khách mời. Tổng số đại biểu tham dự là 111 vị (gồm: 7 hồng y, 69 giám mục, và 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân).


Chúng tôi cảm tạ Chúa về biến cố lịch sử bản Quy chế thành lập FABC được Tòa Thánh chuẩn nhận 40 năm trước đây. Quả là một hồng phúc đặc biệt cho chúng tôi vì dịp kỷ niệm 40 năm FABC lại trùng với bốn biến cố quan trọng: Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, và Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 vừa kết thúc về Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo.


Tất cả những biến cố này nhắc chúng ta ý thức về căn tính sâu xa nhất của mình: chúng ta là một cộng đoàn đức Tin được Chúa kêu gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần gian. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã chúc lành cho FABC trong công cuộc canh tân sứ vụ yêu thương và phục vụ tại châu Á.


Chúng tôi hết lòng biết ơn Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt các giáo phận Xuân Lộc và TP.HCM, đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu và hiếu khách. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam.


Chúng tôi cũng bày tỏ tình hiệp thông và liên kết, cũng như sự khích lệ, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Các đại biểu của Giáo hội Trung Quốc đã không có mặt tại Hội nghị của chúng tôi. Chúng tôi thiết tha mong mỏi sẽ có ngày cuộc quy tụ huynh đệ được mở rộng thêm ra với sự tham gia tích cực tại FABC của Giáo hội Trung Quốc. Chúng tôi hiệp nhất với Giáo hội Trung Quốc trong lời cầu nguyện cho mọi người của đất nước rộng lớn này được bình an, hưởng niềm vui và hy vọng đã được Chúa Kitô mang đến.


Chúng tôi hết lòng biết ơn tất cả anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ, các linh mục và giám mục đang thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thậm chí phải liều cả mạng sống. Tinh thần quả cảm và hết lòng phục vụ Tin Mừng của anh chị em đã soi sáng và củng cố chúng tôi rất nhiều.


Tuần lễ diễn ra Hội nghị thực sự là một Tuần Đức Tin. Ngọn lửa niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.


Trong ánh sáng của Lời Chúa, Hội nghị của chúng tôi nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ mà Chúa Thánh Thần soi dẫn. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng tôi đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin của mình. Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.


Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội đã được Hội nghị bàn đến.


Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.


Chúng tôi đề nghị với anh chị em một số chiều kích cơ bản của nền linh đạo này:


1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x. 1 Ga 1, 1-3). Cuộc gặp gỡ cá vị này và đời sống người môn đệ là điều hết sức cần thiết. Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á.


2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Truyện kể về Giáo hội tại châu Á đan xen với truyện kể về các vị thừa sai và các vị tử đạo. Các vị là những giáo dân, tu sĩ nam nữ và hàng giáo sĩ đã dám liều mạng sống mình vì Đức Kitô. Câu chuyện về các ngài thôi thúc và khích lệ chúng ta. Các ngài là hiện thân của niềm say mê truyền giáo theo một cách thức mà loài người không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể (x. Lc 18, 27). Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23). Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Bởi lẽ chúng ta xác tín rằng mọi niềm khao khát của các dân tộc Á châu đều được kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống.


3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Việc loan báo Chúa Giêsu tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống và các tầng lớp xã hội –toàn bộ cuộc sống con người. Do đó linh đạo Tân Phúc âm hóa không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội. Trên hết, linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa không tách Đức Giêsu Kitô ra khỏi Nước Chúa, cũng không tách những giá trị của Nước Chúa ra khỏi Con người Đức Giêsu. Tập trung vào Nước Thiên Chúa là trao bản thân mình cho Chúa Giêsu và tầm nhìn của Người về một nhân loại mới đúng theo khuôn mẫu của Người.


4. Quyết tâm hiệp nhất. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, với Người và với nhau (x. Ga 17, 20-22). Qua cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã phục hồi mọi sự nơi chính mình Người, và đưa nhân loại cùng toàn thể thụ tạo vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Thần. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Chân phước Gioan Phaolô II nhắc chúng ta nhớ “hiệp thông và sứ vụ gắn kết với nhau không thể tách rời”. Thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi “là nguồn mạch và là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa đến sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 24, trích dẫn Thông điệp Christifideles laici, số 32). Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 25). Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.


Trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm sự hài hòa giữa những căng thẳng và xung đột đang gia tăng, mọi thành phần dân Chúa –giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như thiếu niên nhi đồng– đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, sứ giả của Lời Chúa, người kiến tạo hòa bình và xây dựng sự hiệp thông. Một sự hiệp thông như vậy cần được thể hiện qua chính sự hiệp thông sống động của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận.


5. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.


6. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.


7. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.


8. Liên đới với những nạn nhân. Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm hóa.


9. Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ vẫn chưa được khắc phục. Những nguyên nhân do con người gây ra đã góp phần đáng kể làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Mối quan tâm đến sinh thái, việc bảo toàn công trình tạo dựng, bao gồm sự công bằng và đồng cảm giữa các thế hệ, là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.


10. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta, hy sinh như thế là dấu chứng tối hậu chúng ta tận trung với Người và với sứ mạng của Người. Xin các vị tử đạo tại đất nước chúng ta, trong đó có nhiều vị đã được tôn kính trên bàn thờ, giúp chúng ta biết noi gương các ngài và chuyển cầu cho chúng ta được thêm mạnh sức. Chúng ta tri ân Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố nhiều vị chứng nhân người Á châu là những đấng tử đạo của Giáo hội, “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”.


Kết luận


Trong Năm Đức Tin này, vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm FABC, chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa.


Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn Kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị Á châu, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.


Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.


“Đoàn chiên nhỏ bé” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (x. Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.


Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường Á châu để “kể chuyện Chúa Giêsu”. Chúng ta không sợ. Chúng ta đã được Chúa bảo đảm, “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).


Xuân Lộc và TP.HCM, Việt Nam

Ngày 16 tháng Mười Hai 2012

 

 
Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: hdgmvietnam.org
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...