Sứ điệp Trống Đồng (9) - Nguồn gốc và ý nghĩa cơ cấu Việt Nho

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3127 | Cật nhập lần cuối: 4/21/2022 5:36:58 AM | RSS

1. Nhận xét đại cương về cơ cấu Việt nho

Với hai chữ cơ cấu chúng tôi muốn chỉ thị những hình thức và số độ được người xưa dùng để tóm lược toàn thể một nền văn hóa ở cấp độ tổng quan hơn hết. Những hình thái và số độ nọ thường xuất hiện ngay từ thời thái cổ làm nền tảng văn hóa nhưng sau con người tiến vào đợt ngôn ngữ trực thị không dùng đến nữa, nó chỉ còn sót lại như những trang hoàng không mấy quan trọng, nhưng xưa chúng là những phạm trù chỉ thị những định đề then chốt. Vì vậy muốn nghiên cứu về nguồn gốc một nền văn hóa cần tìm ra xa xưa tiên tổ ưa thích những hình thái những con số nào, nó kết hợp với nhau ra sao. Đấy là một bứơc tương đối dễ.

Bước hai khó hơn nhiều vì phải tìm ra ý nghĩa của số; thế mà ngay chính các số cũng đã bị lãng quên, phương chi ý nghĩa, nên sự tìm kiếm trở nên diệu vợi vớí ý nghĩa có thể khác nhau xuyên qua những quãng thời gian không gian dị biệt, lại do những sự hiểu sai đi bởi người dùng. Vì vậy mà sự gán ý thường không được nhất trí. Với Việt Nho thì tương đối dễ hơn vì các số còn được dùng nhiều cũng như ý nghĩa đã phần nào được chuyển thành công thức, có thể dùng mấy bộ số quen thuộc mà lần ra ý nghĩa toàn bộ.

Trước hết về số người ta tìm được nhiều nhất là các số 2, 3, 5. 9 như được nhận thấy từ:

- Đồ đá Bắc Sơn đã có số 2.

- Đồ gốm đời Phùng Nguyên thì có 3, và 2-3:5 (5 hòn sỏi, 3 mài nhẵn, 2 để thô) rồi bộ ba cái chạc.

- Đồ đồng với 3 chân 2 tai. Hoặc hình 2-3 trong cái qua, cái phủ Việt.

Số 9 là tuỳ phụ (vòng thành: do số 5-4 mà thành) cũng gặp rất nhiều trong huyền sử (Cửu Lạc, Cửu Trù, Cửu Đỉnh, Cửu Thiên Huyền Nữ v.v…) vì mấy số trên rất nổi cả trong di vật khảo cổ lẫn huyền thoại nên ta biết đó là số cơ cấu Việt Nho.

Bước hai là gán ý. Muốn đạt ý người xưa, phải dùng phương pháp tổng quan, xem bao trùm cả bầu khí văn hóa để tìm ra những ý chính, những định đề. Khi đi theo phương pháp như vậy ta sẽ nhận ra rằng với Việt Nho:

Số 2 là âm dương, trời đất như trong Kinh Dịch.

Số 3 là tam tài trong đó có người (thiên địa nhân).

Số 5 là ngũ hành chỉ linh thiêng.

Công thức của bộ số 2-3 là câu Kinh Dịch “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số”. Rồi thành ngữ vài ba với rất nhiều cặp số đôi 2-3 trong các truyện cổ… Do vậy ta biết ý nghĩa của số 3 là nền tảng nhân chủ vì nhân có là chủ tức có đủ mạnh mới bao quát nổi cả 2, nếu yếu thì 2 đứng riêng lẻ và văn hóa sẽ ngả vào một bên thành ra duy (số 1). Rồi nữa nhân có mạnh mới vươn lên làm chủ sự vật là số 5 (xem Ngũ hành sẽ rõ) nên gọi là nhân linh, ngược lại là vật chủ, 4 góc bánh chưng, chữ Nho kêu là “sử ư vật”: bị sai sử do sự vật, tiếng Pháp là chosisme, tiếng Mỹ là reified man: nhân hóa ra vật.

Tiếp theo việc gán ý là nhận xét. Nếu nhân chủ đi với bộ số 2-3 (nói riêng là 2, 3, 5, 9) thì các nền văn hóa nhận số 4-1 (với phụ số vòng thành là 7-8) không có nhân chủ chăng? Sau khi quan sát hai nền văn hóa Au An ta thưa là đúng. Cả hai bộ số nổi trong Au An là 4-1 thếmà xã hội chia theo đẳng cấp, căn cứ trên huyết thống thần minh hoặc trên tiền tài, rõ ràng là vật chủ.

Tiếp theo ta lại hỏi rằng cả Việt lẫn Tàu (Nho) đều chung một bộ cơ cấu thì bên nào uyên nguyên hơn. Để trả lời một cách khách quan ta căn cứ trên hậu quả xã hội thấy bên Việt nhân chủ cao hơn:

Không có những vụ chôn người sống theo người chết như bên Tàu.

Chế độ tự trị xã thôn cao hơn.

Địa vị phụ nữ cũng cao hơn bên Trung Quốc v.v…

Như vậy ta phải kết luận Việt uyên nguyên hơn Nho.

2. Vị trí cơ cấu trong tâm lý

Sau đây là những suy tư rộng hơn về cơ cấu.

Trước hết theo tâm lý mà nói, chất liệu cơ cấu được khai quật từ miền ý thức giáp với bản năng và tiềm thức, một miền “no man’s land” đặc trưng của con người. Con vật sống trọn vẹn theo tiềm thức và bản năng. Nơi con người trái lại, tiềm thức với bản năng rút lui dần, nhường phần cho ý thức tham dự: đó là chỗ đặc trưng của con người. Con người vì thế được gọi là lưỡng thê (sống bằng cả tiềm thức lẫn ý thức), tức con người phải tự đặt ra những mô thức chỉ huy động tác của mình thay cho phần tiềm thức đã rút lui. Tiềm thức và bản năng chỉ được ban cho con người có một phần nhỏ, còn con người phải sáng tạo thêm, phần được sáng tạo gọi là cơ cấu, nó gắn liền với bản năng, tiềm thức, đến độ ý thức con người không còn ngờ là do mình sáng tạo ra, nên đổ cả cho trời, cho số kiếp v.v…

Chính vì cơ cấu nằm sát tiềm thức mà nó rất hiệu nghiệm đến độ ta có thể gắn liền dụng với cơ theo lược đồ “dụng, từ, ý, cơ”, trong đó cơ là động cơ tiềm ẩn sâu xa thúc đẩy việc làm (dụng) nhưng trước khi cơ đi đến dụng (việc làm, thể chế) thì có ý, rồi ý (tưởng) phát biểu bằng lời (từ) sau mới đến việc làm (dụng).

Việc được gợi ra do cơ bao giờ cũng công hiệu hơn là gợi ra do ý hay từ, nên nói cơ dụng đi liền. Còn khi sự thúc đẩy phát xuất từ ý (ý thức cá nhân) thường chỉ tận cùng bằng lời nói suông nên nói ý từ: ít khi đạt dụng. Vì ý ít tiếp cận với bản năng, nó từ sự vật mà có, vì thế ý thường chỉ hay đẹp trong lý thuyết ít gây nên được thực dụng là cơ chế xã hội (trong sách này hay dùng chữ ý hệ để chỉ hệ thống ý từ là hàm ý coi thường).

Vì thế nói là ý hệ, ý từ mà không là cơ-ý-từ-dụng, hoặc vắn tắt là cơ dụng. Cơ phải phát xuất từ bản năng, từ tiềm thức: triết nào theo sát tiềm thức bản năng mới là triết học đặt trên cơ. Cơ cùng cấp bậc với phần bẩm sinh con người. Nó làm nên tính nết, tính khí. Tính nết của một dân được gọi là sử mệnh tức là những đặc tính phú bẩm cho mỗi dân ám hợp với hoàn cảnh sử địa của dân ấy.

Sử mệnh cũng là một thứ sử nói lên trình sử tiến hóa theo đường lối riêng biệt của một dân. Lịch sử ghi biến cố và sự kiện theo ý thức và ý định con người, nó trải dài theo thời gian (diachronic); trái lại sử mệnh chỉ theo ý thức một phần nhỏ, còn phần lớn do tiềm thức nênnó siêu thời gian ở đâu và bao giờ cũng thế, gọi là đồng thời (synchronic). Sử mệnh không bàn về sự kiện lịch sử cho bằng nói lên lề lối sống của một dân, phương thức mà dân đó hiện thực một sử mệnh riêng biệt. Sử mệnh tuy có dùng chất liệu của sử, nhưng chỉ dùng như vật liệu để xây cơ cấu tiên thiên, nên sử liệu biến chất và trở nên rất tuỳ phụ. Chính cái cơ cấu tiên thiên hay cái dạng thức cơ bản nọ mới quan trọng chứ không phải vật liệu. Nói vậy có nghĩa là sử mệnh cũng do động cơ con người, cũng vâng theo sự định hướng của con người, nhưng đã thiết lập ở những bước sơ khởi. Có thể nói sử mệnh là tính nết của một dân nên ta sẽ hiểu rõ hơn về sử mệnh khi hiểu thế nào là tính nết.

Tính nết (character) là bộ cơ cấu riêng của mỗi cá nhân mặc nhiên đặt ra cho mình, lâu ngày trở thành tập quán có sức mạnh gần như tự nhiên, nên tập quán cũng gọi là tự nhiên thứ hai (habitus secunda natura), tiếng Anh gọi là có bộ cánh thứ hai: get a second wing. Nho nói: “tập dữ tính thành”: do tập luyện mà thành tính nết, nên về một vài phương diện nói tính nết hay cơ cấu là một. Cơ cấu này một phần nương theo cơ cấu chung của xã hội nơi cá nhân đó sinh sống, một phần nương theo những yếu tố riêng thuộc gia đình, giáo dục, thổ ngơi và nhất là tính khí. Tính khí là phần thuộc sinh lý như tính thuỷ, tính hỏa, nóng nảy, điềm đạm. Tính khí (temperament) không nằm trong quyền xếp đặt của con người. Việt Nho chỉ thị bằng 12 chi, còn tính nết bằng thập thiên can, nó là phần chính của văn hóa, nó thuộc vòng trong tức là phần do con người, khi phần tính nết mạnh thì có tính mệnh, khi nó yếu phải theo địa chi hay hoàn cảnh là định mệnh.

Vậy sử mệnh của một nước chính là tính nết của nước ấy. Tính nết mạnh thì có nhân thoại hay huyền sử, triết có cơ cấu. Tính nết yếu phải vâng phục ngoại lực thì sẽ là thần thoại, vâng phục thần quyềnmà hình thức thái thậm là vua thần, hoặc vâng phục định mệnh theo địa tức theo luật thiên nhiên trọn vẹn khách quan, gảy bỏ phần tham dự của con người, cơ cấu trở nên lu mờ. Hình thức thông thường của nó là độc tài chuyên chế của vương quyền xưa, còn nay là cơ giới quyền trong đó con người với các nhu yếu không được kể tới. Xem thế ta thấy liền sự quan trọng đến mức nào của cơ cấu chung cũng như riêng, nên cần phải tìm hiểu sự hình thành của cơ cấu thêm nữa.

3. Định phương của cơ cấu hay là sự hình thành cái khung cơ cấu.

Cơ cấu gồm cả hai vòng trong ngoài. Chất liệu vòng ngoài là những yếu tố làm nên bức dư đồ cần cho cuộc sống. Cụ thể là bốn hướng đông, tây, nam, bắc, là tả hữu, là trục phân và trục chí (sẽ nói sau), đó là khung của không gian. Rồi tới thời gian được lần lần nhận ra: bứơc đầulà giữa ngày đêm, sáng tối, rồi tới tuần trăng khuyết tròn, sau đến bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cuối cùng đến vòng năm, rồi vòng sao mộc tinh v.v…

Như vậy cơ cấu ra đời rất sớm cùng với ý niệm không gian và thời gian, là những cảm nghĩ xuất hiện cùng với sự sống: thức ngủ, đi lại, gieo trồng, là những cái gắn liền với số độ và hình thể. Thí dụ trời đất là trên dưới làm nên nét dọc; nam bắc đông tây làm nên nét ngang, cộng dọc ngang lại thành bốn phương. Vì số 4 gợi ra hình vuông nên quen nói đất vuông, những nền văn minh ưa số 4 đặt nền trên không gian. Còn thời gian là hình tròn do vòng năm noi theo thứ tự bốn mùa tiếp nối là “xuân, hạ, thu, đông” mà không theo đối đáp như kiểu 4 phương. Thời gian vòng tròn cũng là nét dọc. Không gian nét ngang. Đem dọc thời gian lại với ngang không gian thì ra thập tự nhai – với 4 cạnh bằng nhau, về sau thập tự nhai biến thể thành ra các thập tự khác như thập tự chữ Đinh (chữ Tau T bên Hy Lạp), thập tự chữ Vạn (hữu nhậm), thập tự chữ Vãn (tả nhậm), thập tự Xéo X (chữ nghệ), thập tự hoa quỳ 4 cánh hoặc 8 cánh có tính hướng dương…

Hoặc gấp nét thập tự lên thì ra lược đồ của đền thờ gọi là templum như đền của dân Etrusque, gồm hai nét dọc bắc nam gọi là Cardo, hai nét ngang đông tây là decumanus (Astro p.34). đó cũng là lựơc đồ Việt tỉnh cương (nói Việt vì chữ tỉnh thuộc loại tượng hình, đã có lâu đời với giếng có đặt 4 thanh gỗ quanh miệng rồi nhân đó cũng gọi chùm sao ở Việt phương có hình tương tự ) (H.69). Đó cũng là lược đồ nhà Minh đường bên Nho. Tất cả đều là thập tự nhai kép nét hoặc biến dạng. Vì thập tự nhai xuất hiện rất sớm cũng như biểu thị những chân lý nền tảng, nên gặp được khắp nơi và ở đâu đâu cũng được kính trọng như vật linh thiêng. Vì thế thập tự nhai có thể coi như dấu hiệu của thời đại đồng nguyên thuỷ mà ta dùng được như sợi dây quán xuyến Ariadne để tìm ra nền thống nhất của văn hóa loài người. Vì các số cơ cấu phát sinh rất sớm ngay trong thời con người còn dùng toàn trực thị và tiềm thức, nên chúng đi với những chân lý rất nền tảng. Bởi cái gì nền tảng nhất cũng đơn giản nhất và xuất hiệnngay từ buổi sơ nguyên, do vậy được nhiều nơi kính thờ: dân Crete thờ số 3, số 4 thường được Âu Tây cổ đại coi là biểu thị Thượng Đế. Nhiều triết học xưa được xây trên các số như môn triết Sankhya bên Ấn Độ hay Pythagore bên Hy Lạp, hay Việt lý ở những bước đầu. Do đó, căn cứ trên sự khác biệt về các số cũng như về dạng hình của các thập tự mà ta có thể tìm ra nét đặc trưng của các nền văn hóa một cách khá xác thực, y như cử chỉ hành vi vô tình biểu lộ tính nết của cá nhân, bên ngoài ý thức của người đó vậy.

Sứ điệp Trống Đồng (9) - Nguồn gốc và ý nghĩa cơ cấu Việt Nho

H.69: Hình giếng gốc truyện Việt Tỉnh Cương

Sứ điệp Trống Đồng (9) - Nguồn gốc và ý nghĩa cơ cấu Việt Nho

H.69bis: Từ giếng (1) biến ra chữ tỉnh (2) và (3), rồi biến ra ngũ hành (4) rồi ra nhà Minh đường (5). Ap dụng lên trời ra sao Tỉnh. Dưới đất ra Việt Tỉnh Cương.)

Đã có số tất có hình, thí dụ số 1 là nét chấm, số 2 là hai nét gạch song đôi (song trùng), số 4 là hình vuông, số 3 vòng tròn v.v… Vì thế cơ cấu cũng gắn liền với hình y như với số. Hình năng gặp là ngang dọc, thập tự, vuông tròn, tả hữu, còn số thì từ 1 đến 5 là chính thuộc vòng trong; từ 6 tới 9 là tuỳ phụ thuộc vòng ngoài.

Xem như trên ta có thể căn cứ vào loại số và hình thể được nhấn mạnh trong mỗi nơi để phân loại văn hóa. Về số có thể phân chẵn lẻ để chỉ trời đất. Chỉ trời là các số lẻ 1, 3, 5; số chẵn chỉ đất 2, 4. Về hình có thể là vuông tròn, dọc ngang, tả hữu cũng cùng một ý, tức ngang đi với vuông, chỉ đất (4 phương), dọc đi với tròn, chỉ trời (vòng đi của mặt trời mặt trăng).

Tiến thêm một bứơc nữa tròn đi với thời gian và các số lẻ 1, 3, 5, chỉ năng động tính. Vuông đi với đất, với không gian, với các số chẵn 2, 4 chỉ nọa tính (bất động).

Theo cơ cấu ta có thể chia văn hóa loài người làm ba loại tiên thiên như sau:

a. Một loại ưa số chẵn mà cùng cực là số 4 với hình vuông, đi theo nguyên lý cha, đề cao công bằng chính trực, sự rành mạch thẳng băng 4 góc.

b. Loại hai ưa số lẻ mà cùng cực là số 1, hình tròn, đề cao thái nhất 0=1, theo lý 1 tròn là nguyên lý mẹ, nhưng sau bị cha đoạt, cho nên giống với số 4 theo luật: hai thái cực liền ngõ nhau: les extrémités se touchent.

c. Loại ba ưa chẵn lẻ hòa hợp với số 2-3 còn hình là tròn vuông đúc kết, mẹ cha tương tác (Mẹ Âu Cơ gặp Bố Lạc trên cánh đồng Tương), đề cao linh phối qua số 5 như kết quả của 2-3.

Xin nhắc lại là những hình và số ở đây phải hiểu theo cung cách cơ cấu nghĩa là thấp thoáng uyển chuyển, không có vụ chỉ độc hình vuông mà không có tròn hay ngược lại. Chỉ cần đúng lối 60% trở lên ở những điểm then chốt là đủ để định tính một nền văn hóa, nói ngặt chỉ cần 51% đã thắng phiếu. Xem ra có một thời loài người nói chung thiên trọng về hình tròn như thời Cự thạch (mégalite) với các lối xây cất theo vòng tròn (Hy Lạp kêu là Tholos) tìm ra được nhiều nơi như bên Pháp (kêu là Menhir và Dolmen), bên Anh (kêu là Stone-henge) và khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Australia. Bên Viễn Đông nơi cánh đồng Chum, hay trong bản đồ dẫn thuỷ nhập điền của Phù Nam và lược đồ thành Cổ Loa. Còn vuông là từ lúc loài người bước vào văn minh mà nơi phát xuất được ghi nhận là Sumer thấy được rất nhiều hình vuông như đền thờ hình Trapeze trên có khối vuông (sanctuaire surmonté d’un carré), sau đến Ziggurat cũng đều vuông.

Vì cuộc tiến hóa con người mỗi ngày một trở nên dị biệt tuỳ không gian và thời gian mà những yếu tố căn bản trên không đi đôi nhất luật: sự phân chia tròn vuông, chẵn lẻ chỉ nên hiểu là những nét lớn, bỏ nhẹ các ngoại lệ, nhất là xuyên qua thời gian dài. Vậy chỉ nên hiểu là thiên trọng, thí dụ khi xem hình đền Ziggurat ta thấy toàn vuông, tuy xét kỹ cũng có tròn, nhưng tròn quá nhỏ và lại ẩn bên trong ở cái thang xoáy ốc đi lên, nên có tính chất ích dụng mà không là tiêu biểu. Còn với đền tế thiên hình tròn vừa to vừa lồ lộ nằm trên hình vuông, không có mục đích nào khác ngoài biểu tượng. Hiểu theo lối co giãn đó có thể nói đại để văn hóa Tây Au theo số 4 hình vuông. An Độ hình tròn nhưng vì chúng giống nhau ở chỗ thái quá nênghép 2 số lại. Tây Au là 4-1, An Độ là 1-4, còn văn hóa Việt Nho là 2-3 như sẽ bàn sau.

4. Định hướng của cơ cấu

Định hướng là bước thứ hai sau bước một có thể gọi là định phương. Định phương giúp nhận ra đường để đi, để tác động. Còn định hướng mới nói lên rõ mục phiêu, nói lên đối tượng để đạt tới. Chính sự định hướng cung ứng những động cơ sâu xa (mortivation) thúc đẩy động tác con người, đem lại cho chúng một ý nghĩa. Vì nó sâu xa nên vượt khỏi tầm nhận thức, nó khác với mục đích, mục tiêu (but, purpose) là những điều do ý định, do lý trí đưa ra nên có chủ đích.

Hai cái đó (động cơ của cơ cấu và mục đích của lý trí) nhiều khi không ăn khớp nhau nơi một người: tiềm thức muốn một đàng ý thức lại muốn một nẻo như được biểu lộ một cách vô hình trong những thí dụ thú vị cung ứng do Freud xuyên qua những cái quên lãng hay nhỡ miệng. Đó là do tiềm thức. Đây là phân biệt quan trọng để giúp hiểu tại sao có nhiều nền thuyết lý nghe rất tốt lành nhưng thi hành ra có hại vô kể vì tốt lành do ý thức, nhưng cơ cấu đặt sai, lâu dần bỏ hẳn cơ cấu, dành trọn chỗ đứng cho ý hệ, rồi ra sức nhồi nhét ý thức muốn giải phóng con người, nhưng cơ cấu thuộc loại đàn áp người, nên thi hành ra là tha hóa con người.

Xét về đàng định hướng trong lịch sử nhân loại thấy rất nhiều chiều quyết định mà ta có thể quy vào 3 lối: một là phụng sự tự do, sự sống con người, căn cứ trên lễ tục. Hai là phụng sự luật pháp, đề cao nhà thống trị, thần thánh hóa nhà nước dẫn đến chuyên chế đàn áp. Ba là giàn hòa kêu là nhân trị bao gồm cả lễ cả pháp gọi gồm là lễ phép.

(còn tiếp)

Kim Định, SỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG,

An Việt San Jose, 1999

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...