Tài đức Ngài Minh Thiện trong việc phiên dịch Kinh sách Tam giáo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2338 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, đến ngày kỵ nhật, người còn sống thường hồi tưởng lại công đức của người quá vãng, hoặc nhớ lại những gương tốt lành để noi theo, với tấm lòng biết ơn và kính trọng. Hôm nay, 15-11 Canh Dần (20-12-2010), nhân kỷ niệm lần thứ 39 ngày đăng Tiên của ân sư Nguyễn Minh Thiện, chúng tôi – đệ tử thuộc họ Ngọc – xin được thành kỉnh bày tỏ một phần về đức khiêm cung hòa ái của Ngài trong việc phiên dịch sách kinh Tam Giáo.

Sau lễ nhập môn, tôi được tiếp xúc với kinh sách Minh Lý, tôi vô cùng cảm kích vì tất cả kinh tụng đọc, kinh dạy làm người, thánh ngôn tu học… đều được Phật Tiên, Thần Thánh, Thầy Tổ, trực tiếp ban cho và đều bằng chữ Việt dễ đọc, dễ hiểu.

Điều làm tôi chú ý là, ở mặt sau mỗi trang bìa kinh sách Minh Lý đều có ghi: lời tựa, lời khuyên, lời kỉnh cáo, lời của dịch giả… Cuối mỗi lời, ghi tên Nguyễn Minh Thiện kính đề. Tôi bị cuốn hút bởi cách viết của Ngài. Ngài viết như đang nói chuyện, ngôn từ tự nhiên, bình dị… Nhưng đã toát ra đức hạnh của một cao nhân.

1. Với các kinh sách do Phật Tiên ban trao, Ngài rất mực kỉnh trọng. Qua Lời Khuyên Về Việc In Kinh, Ngài đã viết: “Kinh là lời châu ngọc của Thánh Hiền, Tiên Phật truyền lại, nếu để sai một chữ thì mất nghĩa lý rất nhiều. Mỗi khi cho dứt một bài kinh, Thần Tiên dạy đọc lại coi có chép trật hay thiếu sót chi chăng. Thần Tiên còn chịu khó nhọc thay, lẽ nào chúng ta là người phàm lại dám dể duôi trong việc làm.”

Ở mặt bìa trước của quyển kinh gồm năm tập Bố Cáo, Sám Hối, Tịnh Nghiệp Vãn, Nhựt Tụng, Giác Thế có dòng chữ được đóng khung là “Giữ bản quyền”. Ngài giải thích: “Khi tiếp kinh, Thần Tiên hằng căn dặn: ‘Chư nhu ráng sao lại cho kỹ cang nếu sai siển thì có tội lớn đó, vì kinh để truyền lại nhiều đời.’ Chúng tôi chiếu theo lời dạy có lưu trữ một bản chánh đặng ngày sau cứ đó mà in ra hoài hầu tránh khỏi sai lầm đáng tiếc.”

Đọc những lời Ngài viết đã giúp tôi hiểu: Kỉnh trọng Phật Tiên ngoài tôn kính ra còn phải biết vâng lời.

2. Về kinh sách phiên dịch, Ngài nói rõ lý do:  Theo đuổi mục đích phổ thông đạo lý bằng tiếng Việt. ‚ Chọn kinh sách hữu ích hoặc Tàu hoặc Tây, hoặc xưa hoặc nay mà dịch ra quốc văn để làm tài liệu nghiên cứu, gọi là kinh phiên dịch hay sách phiên dịch. ƒ Rút những phần cốt tủy trong các kinh sách ấy để dung hòa những thuyết nên dung hòa gọi là sách trứ tác.

Theo thiển ý của tôi, mục đích cuối cùng của việc phiên dịch kinh sách của Ngài là Ngài nghĩ đến tương lai nền Đạo Việt Nam. Ngài rất cần có sự chung tay góp sức của nhiều người đồng tâm để lo cho Đạo. Ngài viết: “Đạo là việc rất lớn, mênh mông như biển rộng, cần phải nhiều người học thức tán thành, họa may có nên được một nền Đạo vẻ vang cho xứ ta chăng.”

Ý tưởng và việc làm cao cả của Ngài là luôn vun đắp cho nền Đạo Việt Nam, vậy mà Ngài vẫn khiêm tốn: “Có người đã xuất bản kinh sách rồi. Tôi tuy bất tài, song cũng mạn phép chen chúc với bạn đồng chí, tùy sức mà giúp công cho Đạo. Chớ còn xướng lên chỉ giáo cho ai thì tôi đâu dám.”

Ngài dịch rất nhiều sách Tam Giáo về Nho, Phật, Lão. Lời tựa nào Ngài viết cũng đều khiêm nhường: Trong Châu Dịch Xiển Chơn, Ngài viết: “Nay tôi xin phiên dịch cuốn thượng để cầu các bực cao minh chỉ giáo thêm...” Trong Dưỡng Chơn Tập, Ngài viết: “Tôi chẳng nệ tài sơ trí thiển, dịch ra để cống hiến cho đồng bào tường lãm…”

Đọc đến lời tựa Kinh A Di Đà, tôi càng cảm phục hơn bởi tâm đức của Ngài luôn sáng trong, hạnh hòa ái của Ngài luôn rộng khắp: “Đạo Minh Lý tuy theo tông chỉ Tam Giáo, nhưng trong các kinh cầu siêu, chúng tôi đều có nguyện với Đức Phật A Di Đà. Cũng như Đức Phật Thích Ca dạy phải tin nơi Đức Phật A Di Đà. Tiên Phật giáng bút theo thời kỳ nầy cũng dạy phải tin như vậy. Thế thì còn chi ngần ngại mà không hết lòng tín ngưỡng nơi Đức Phật A Di Đà.”

Đã thế mà Ngài còn hướng dẫn tỉ mỉ cho những ai có căn duyên muốn đến với pháp môn Tịnh Độ: “Các bạn tu hành đã vào cửa Đạo, khá ráng niệm kinh A Di Đà, hay là nếu không có đủ ngày giờ cứ niệm bài ‘Sám Thập Phương’ hay là bài ‘Sám Nhứt Tâm’ có in trong bản kinh nầy, nhiều lần càng tốt. Còn nếu không có ngày giờ đi nữa, giữ niệm sáu chữ ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ cho thường thì cũng đặng bổ ích.”

3. Điều đặc biệt nhất ở phần phiên dịch kinh sách của Ngài là Ngài dịch và chuyển hẳn thành thơ lục bát hay song thất lục bát, thể thơ gần gũi với người dân Việt Nam; còn nếu là thơ thất ngôn cũng dễ nhớ vì đều là từ thuần Việt, vần thơ ăn vận với nhau từ đầu đến cuối nên rất dễ thuộc.

Thí dụ 1: Kinh Tỉnh Thế Ngộ Chơn, diễn âm như sau:

Nhứt quyển chơn ngôn tế cáo bẩm,

Thiện nam tín nữ lý cùng thanh.

Nhơn sanh bá tuế như xuân mộng,

Ly hiệp bi hoan tợ hý văn.

Thế thượng vạn ban đô thị giả,

Nhơn gian đạo đức quả vi chơn.

Ngài diễn nghĩa sang thơ lục bát:

Chơn ngôn một quyển rạch ròi,

Thiện nam tín nữ tìm tòi lý sâu.

Người sanh trăm tuổi chiêm bao,

Như trong tuồng hát vui, sầu, hiệp, tan.

Trên đời giả cuộc muôn vàn,

Nhơn gian đạo đức là đàng chánh chơn.

Cứ thế câu trên nối vần câu dưới suốt 412 câu.

Thí dụ 2: Tín Tâm Minh là bản kinh nổi tiếng của Đệ Tam Tổ Tăng Xán. Toàn bài gồm 584 chữ. Ngài Minh Thiện lọc lại 20 vế, gồm 80 chữ, diễn sang nghĩa Việt; theo thể thơ 7 chữ, với 20 câu, gồm 140 chữ.

Chúng tôi được học bài dịch Tín Tâm Minh của Ngài trong các khóa tu, được vị tiền bối là ông Khai Sắc biên soạn, giảng giải tỉ mỉ, từ đề tựa cho đến ý nghĩa nội dung từng câu, với nhan đề: Một Cách Giải Bài Tín Tâm Minh. Chúng tôi cũng đọc bài dịch của Ngài trước mỗi thời tịnh. Tôi xin dẫn chứng.

Diễn âm:

Chí Đạo vô nan

Duy hiềm giản trạch

Đản mạc tắng ái

Văn Phòng Đối Thoại Đại Kết và Liên Tôn trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh 

Tel: +84.8.3911.8863; Email: doithoailienton@gmail.com; nhipcautamgiao@gmail.com

Copyright © Văn Phòng Đối Thoại Đại Kết và Liên Tôn - HĐGMVN

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...