Tu là cội phúc…

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 774 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Khi nhắc đến câu thơ: “Tu là cội phúc, tình là dây oan” thì hầu hết mọi người đều biết đây là câu thơ hay, mang tính đạo lý trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, được lưu truyền trong dân gian hàng trăm năm nay như một câu ca dao tục ngữ.


Cụ Tố Như dùng chữ “tình” là tình yêu đôi lứa, tình yêu chỉ có hai người thôi, ít lắm! Nhưng mà tình yêu đôi lứa là như vậy. Không phải tình nào cũng là dây oan cả, khi nói đến chữ “tình” ta đừng vội nghĩ ngay đến cái tình dây oan ấy, bởi vì còn nhiều thứ tình đẹp, cao thượng và bền vững hơn cái tình ích kỷ ấy nhiều, như tình bạn, tình thầy trò, tình cha mẹ, anh em thân bằng quyến thuộc như câu nói của người xưa: “Một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình”, hoặc một câu trả lời rất hay của người nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn khi có người hỏi, ông quan niệm thế nào về tình yêu và tình bạn khi ông vẫn tôn thờ chủ nghĩa độc thân: “Theo tôi, tình bạn đẹp hơn tình yêu; vì tình yêu thì mong manh như  nắng thủy tinh dễ vỡ tan như sương, như khói; còn tình bạn thì lâu dài và bền vững hơn nhiều”.

Tôi hơi dông dài về chữ tình trước khi kể một câu chuyện về cô bé Tuyết xinh đẹp như cái tên của cô, vì câu chuyện có liên quan đến chữ tình. Mồ côi mẹ sớm. Bố lấy vợ khác, cô bé phải sống những tháng ngày khổ cực buồn phiền vì bà mẹ kế độc ác không thua gì bà mẹ kế của ông Mẫn Tử Khiên trong câu chuyện cổ “Áo đơn mùa rét” của Lý Văn Phức. Ông Mẫn Tử Khiên có thể chịu đựng được những gì khổ cực nhất mà mẹ kế đối xử với ông, ông không giận mà thương được một con người rất khó thương. Tình thương của ông đã chuyển hóa được bà mẹ kế. Nhưng còn với cô bé Tuyết thì sao? 
 

Ảnh Tu là cội phúc, Minh họa.jpg

Ảnh minh họa


Cô không phải là ngài Mẫn Tử Khiên cho nên cô không thể chịu đựng được. Có rất nhiều lối thoát cho cô như là, cô sẽ về ở với bà nội, bà ngoại, chú bác cô dì sẵn sàng đón nhận đứa cháu cút côi tội nghiệp của mình, hoặc là cô đi lấy chồng. Nhưng trong lòng cô bé không muốn thế. Cô bé Tuyết đã chọn cho mình con đường xuất gia khi còn lứa tuổi mười sáu trăng tròn.

Cô bé Tuyết có duyên lành vào tu ở một ngôi chùa ngoại ô thành phố Nha Trang. Sư cô trụ trì hiểu được hoàn cảnh và nguyện vọng cho nên rất thương cô bé. Sau mấy tháng thử thách làm công quả. Cô bé được quy y đầu Phật với cái tên đạo mới: Tiểu Khương. Cô xinh đẹp lắm! Đã xuống tóc chỉ chừa một cái chỏm và mặc bộ nâu sồng thùng thình thôi mà cô bé vẫn xinh đẹp, khiến nhiều Phật tử đến chùa cũng thầm khen ngợi dung nhan tiểu Khương. Tiểu Khương không để ý tới điều này, nhưng khi đi chụp ảnh làm giấy tờ, cô mới nhận ra điều người ta khen là có lý.

Vậy đó, tưởng là biển lặng sóng êm với nơi này, chốn thiền môn an vui với tương chao dưa muối. Nhưng sóng gió đã đến với tiểu Khương.

Cái anh chàng lúc còn ở quê nhà hay chặn đường tiểu Khương đi học để tán tỉnh, hắn ta bỗng thình lình xuất hiện vào đây, giới thiệu với Sư cô trụ trì, tiểu Khương là vợ chưa cưới và xin cho tiểu Khương hoàn tục trở về quê với chàng ta. Nếu không thì anh chàng ta sẽ cắn lưỡi tự tử tại đây. Sư cô trụ trì hoảng hồn nhưng kịp bình tĩnh lại, dỗ dành anh chàng ấy về nhà đi, sư cô sẽ hỏi lại cho rõ ràng ngọn ngành nếu thật sự hai người thương nhau thì sư cô sẽ tạo điều kiện tốt nhất. Anh chàng kia nghe những lời nói phải của sư cô nên đành trở về nhà chờ đợi.

Sư cô tìm hiểu thêm mới biết đây là một anh chàng si tình với một cô gái đẹp, anh ta chỉ yêu đơn phương mà thôi. Sư cô thấy không ổn, vì vậy đã gởi tiểu Khương vào một ngôi chùa khác ở phía Nam, nhưng anh chàng tình si ấy cũng lần mò ra và tìm đến như lần trước. May sao sư cô trụ trì đã giao anh chàng ta cho một vị Phật tử là một tiến sĩ tâm lý học thuyết phục mới có kết quả. Anh chàng được vị Phật tử đối xử tử tế và cho tiền mua vé tàu Thống Nhất về quê với lời hứa sẽ không quấy rối tiểu Khương nữa, nhưng để cho an toàn Sư cô lại gởi tiểu Khương đến một ngôi chùa khác trong thành phố.

Thấm thoắt mười lăm năm trôi qua mau, tiểu Khương nay đã trở thành Sư cô Liên Khương, đã tốt nghiệp Học viện Phật giáo thành phố. Sư cô hoạt động Phật sự rất tốt. Đạo tràng ở chùa sư cô ngày càng đông Phật tử đến viếng, đến xin tu học những khóa tu Bát quan trai, vì trong những khóa tu ngoài những bài giảng của sư bà trụ trì còn có những bài pháp thoại ngắn của Sư cô Liên Khương rất hay và hấp dẫn, thấm đẫm chất liệu từ bi dễ đi sâu vào lòng Phật tử mến mộ.

Trong số những bài giảng của Sư cô, tôi được may mắn nghe  trực tiếp bài giảng có chủ đề “Tu là cội phúc” là chất liệu để tôi có thể viết được bài viết này hôm nay đây. Nội dung bài giảng của sư cô bằng chính cuộc đời của sư cô hư cấu. Phật tử ở đây hoàn toàn không hề biết về bí ẩn này. Sư cô đã chuyển hóa được bà mẹ kế đáng ghét ấy trở thành đáng yêu mẫu mực. Sư cô dứt một đoạn là tiếng pháo tay tán thưởng ủng hộ của Phật tử lại rộn lên không dứt.

Tôi, người viết lại câu chuyện này, muốn viết dài thêm nữa nhưng xúc động dâng trào, giọt lệ tràn ứa ra vì kính ngưỡng một nữ tu sĩ trẻ tài hoa, một thiên thần quét lá, sứ giả của Như Lai. Cầu nguyện chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ cho sư cô có đủ Phật lực để gieo rắc hạt giống từ bi của Bụt. Xin quý vị đánh cho ba tiếng chuông kết thúc để thở vào thở ra như một lời cám ơn đến vong hồn tiên sinh Nguyễn Du đã để lại cho đời lời thơ vàng ngọc “Tu là cội phúc, tình là dây oan”.


Diệu Ý
 Nguồn: giacngo.vn 

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...