Những chủ đề lớn trong triết học Tây phương
Để hướng dẫn sinh viên khởi sự đi vào khu rừng mênh mông của lịch sử triết học phương Tây, các sách giáo khoa triết Tây thường gom những cuộc tranh luận hay hệ thống triết học vào những chùm chủ đề lớn. Chẳng hạn chủ đề tri thức luận (epistemology) tập trung vào những câu hỏi như:
- Con người tri thức thế giới xung quanh như thế nào? Bằng những tư tưởng bẩm sinh có sẵn (innate ideas) hay bằng giác quan thuần túy (pure senses)?
- Có tồn tại một thế giới khách quan làm đối tượng cho tri thức? Bản chất của thế giới này như thế nào? Các triết gia nói đến sự “khai mở” (disclosure) của thế giới đối với chủ thể nghĩa là gì? Cũng có triết gia nói đến sự cấu thành (constitution) của thế giới trong nhận thức của chủ thể. Điều này có nghĩa là gì? Có thực sự tồn tại một thế giới biệt lập với nhận thức?
- Vai trò của chủ thể nhận thức trong quy trình nhận thức? Quan hệ giữa chủ thể nhận thức (năng tri) và đối tượng được nhận thức (sở tri) làquan hệ biện chứng (dialectical) hay quan hệ một chiều?
Các triết gia Pháp ít khi bận tâm đến vấn đề tri thức luận nhưng tri thức luận hay còn gọi là “lý thuyết tri thức” (theory of knowledge) là một chủ đề triết học hàng đầu trong giới triết gia viết bằng tiếng Anh, kể từ John Locke, đến David Hume, thông qua Bertrand Russell, đến Hilary Putnam, Michael Dummett, Nelson Goodman ngày nay. Triết học Đức, ngoại trừ truyền thống kéo từ Kant cho đến hiện tượng luận (phenomenology) Husserl, cũng không đặc biệt chú ý đến các vấn đề tri thức luận.
Chủ đề xã hội cũng có thể được chi tiết hóa thành những câu hỏi lớn như sau:
- Quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Xã hội tạo ra cá nhân hay ngược lại? Cá nhân quan trọng hơn hay xã hội quan trọng hơn? Tại sao?
- Quan hệ giữa cá nhân và nhà nước (state). Nhà nước có thể đồng hóa với xã hội (society)? Xã hội có thể đồng hóa với cộng đồng (community)?
- Tại sao lại cần đến nhà nước hay chính quyền (government)? Chức năng của nhà nước là gì?
- Xã hội tồn tại như một khái niệm trừu tượng hay trong những thiết chế (institutions) cụ thể?
- Đạo đức là một vấn đề xã hội hay vấn đề cá nhân? Đạo đức phải chăng chỉ là công cụ xã hội sử dụng để thuần hóa và trấn áp cá nhân?
- Có sự khác biệt giữa đạo lý (ethics) và pháp lý (law)? Có thật sự tồn tại những quyền tự nhiên căn bản (natural rights)?
- Marx nói “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Câu này thực ra có nghĩa là gì? Mối quan hệ xã hội tức là quan hệ giai cấp? Giai cấp là gì? Làm thế nào để nhận diện một giai cấp?
Nên khởi sự bằng cách đọc Rousseau (Le Contrat Social) trước, sau đó tiến đến Hobbes (Leviathan) mặc dù về mặt thời gian Hobbes đi trước Rousseau nhưng ảnh hưởng của Rosseau vẫn lớn hơn. Cần biết là tuy viết bằng một thứ ngôn ngữ kỳ quặc, triết học Hegel có những đóng góp sâu xa trong việc tìm hiểu sự hình thành của xã hội và quan hệ liên nhân trong biện chứng“Ông Chủ và Đầy Tớ” (Herr und Knecht) nổi tiếng, do đó cũng cần nên biết qua Hegel. Hegel, dù sao, cũng là người mở đường cho sự phê phán quyết liệt của Marx. Những tác giả triết học xã hội rất nên đọc là Max Weber, Emile Durkheim, Saint Simon, Auguste Comte, Raymond Aron, George Simmel, George H. Mead, John Dewey. Có những người, tuy được xếp vào hàng ngũ các nhà xã hội học, như Weber, Durkheim, hay Peter Berger và Pierre Bourdieu trong thời hiện đại, nhưng đã có đóng góp rất lớn cho ngành triết học xã hội (social philosophy) nên nếu có gọi họ là triết gia cũng không có gì quá đáng. Trường phái triết học Frankfurt tại Đức (với những đại biểu lừng lẫy như Horkheimer, Adorno, Benjamin, Marcuse, và sau này là Habermas) trong những thập niên 30 chính là sự tổng hợp giữa hiện tượng học, triết học Marx, phân tâm học, và xã hội học.
Triết học phương Tây có quan hệ đặc biệt với tôn giáo, tức Thiên Chúa giáo (Christianity), đặc biệt là triết học thời Trung Cổ, hầu như biên giới giữa triết học và thần học (theology) cũng nhập nhằng, khó phân biệt. Nếu người học có quan tâm đến triết học Tây phương từ viễn cảnh tôn giáo thì không thể bỏ qua việc tìm hiểu về tư tưởng Thiên Chúa giáo khởi sự đặc biệt từ Augustine đến Thomas Aquinas và Kark Rahner, Hans Kung, Paul Tillich, Kark Barth trong thời hiện đại. Nếu không hiểu thần học Thiên Chúa giáo thì cũng không hiểu những thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử văn minh phương Tây, quan hệ giữa thần quyền và thế quyền, sự hình thành của các nhà nước hiện đại, sự xung đột dẫn đến thời Cải Cách (the Reformation) lan tràn khắp châu Âu, cũng như không hiểu quan niệm về Tuyệt Đối Thể trong lịch sử triết học phương Tây mà chính Heidegger đã kết án là “lịch sử của một loại hữu thể luận thần học (Geschichte einer theologische Ontologie). Triết học phương Tây có một sự tranh luận dai dẳng kéo dài xung quanh vấn đề “Thượng Đế tồn tại hay không tồn tại” và quan niệm Thượng Đế (tức Thiên Chúa= theos/ deus) ở đây hoàn toàn nằm trong mô hình tư duy thuộc thần học Thiên Chúa giáo.
Cũng không nên có quan niệm cho rằng con đường dẫn đến triết học phải thông qua chính triết học. Kark Jasper là một triết gia lớn và được mời dạy triết nhưng ông được đào tạo chính trong ngành tâm lý học. Quyển Triết học nhập môn ( Einfuhrung in the Philosophie, N.X.B Thuận Hoá in lại, 2004)) của ông do giáo sư Lê Tôn Nghiêm dịch vẫn là một trong những dẫn nhập tốt nhất vào thế giới triết học. Wittgenstein, triết gia lớn nhất của thế kỷ XX, xuất thân là kỹ sư hàng không và chuyên về toán và lô gích chứ không hề học triết bao giờ. Dĩ nhiên cả Jasper lẫn Wittgenstein là ngoại lệ vì một sự nghiên cứu triết học nghiêm túc và lâu dài là mục tiêu tất yếu của người học triết cho nên điểm khởi sự có thể ở bên ngoài triết học (như tôn giáo, văn chương, âm nhạc, thi ca, phim ảnh, hội họa, khoa học, v.v. ) nhưng điểm cuối cùng phải được kết thúc trong chính tư tưởng triết học.
Bản thân tôi đã khỏi sự quan tâm đến các vấn đề tôn giáo khi nghiên cứu vở bi kịch Hamlet của Shakespeare để làm luận văn tốt nghiệp Cử nhân Anh văn (1981). Nghiên cứu những tranh chấp tôn giáo trong thời đại Shakespeare xung quanh vấn đề hồn ma cha Hamlet, tôi dần dần trở nên thực sự quan tâm đến những vấn đề tôn giáo, vì thấy chúng có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa và đời sống xã hội Tây phương, đặc biệt là những luận điểm thần học tranh chấp giữa Tin Lành (Prostestantism) và Công Giáo (Catholicism).
Nhưng đọc sách thần học hiện đại của Karl Barth, Paul Tillich, Kark Rahner, Dietrich Bonhoffer, tôi có cảm giác hầu hết các tác giả đều khẳng định một cách khơi khơi như chính họ là thư ký riêng của Giêsu hay Thiên Chúa. Sự bất mãn với phong cách lý luận này dẫn tôi đến ngưỡng cửa triết học, là nơi chấm dứt mọi khẳng định tùy tiện và khởi sự những lý luận hoàn toàn trông cậy vào lý tính tự nhiên của con người, không viện dẫn sự mặc khai hay những tín điều cho sẵn nào cả. Về sau, khi trở lại nghiên cứu tôn giáo một cách nghiêm túc hơn, tôi hiểu được nguyên nhân của sự bất mãn của mình khi đọc sách thần học. Việc nghiên cứu thần học khởi sự và chấm dứt trong đức tin. Không có đức tin, thần học chỉ là một mớ chữ nghĩa và lý luận trống rỗng. Ngay cả đọc kinh điển Phật giáo cũng thế, nếu không có một niềm tin sùng bái vào bản thân Đức Phật, làm sao chúng ta có thể chấp nhận thông điệp của Kinh Pháp Hoa? Làm sao chúng ta có thể thành tâm nguyện "Nam Mô" hay "A Di Đà phật" để mong cầu vãng sinh Tịnh Độ?
Thế giới này được sáng tạo ra bởi một Trí Năng Hoàn Hảo hay trong sự tình cờ ngẫu nhiên? Có tồn tại một thực thể linh thánh, tuyệt đối bên ngoài cuộc đời trần tục nhiều đau khổ này? Sự đau khổ hay tội ác trong cuộc đời hiện tại có thể được lý giải, biện minh bằng sự công chính của nước trời vĩnh cửu sẽ đến trong tương lai? Hay Thiên Chúa chỉ là ảo tưởng khờ dại của những kẻ bất lực trước thời cuộc, trước hoàn cảnh một niềm an ủi giả tạo trong một thế giới mà mọi niềm hi vọng đã bị tước đoạt mất? Thực sự có nghiệp báo hay không hay tất cả chỉ là ngẫu nhiên may rủi? Tại sao Tần Thủy Hoàng lại được làm vua bá chủ thiên hạ còn Khổng Tử lang thang thất nghiệp khắp nơi? Mạnh Tử là thánh hiền nhưng nói chẳng ai nghe. Sàm tấu như Tần Cối lại giết được Nhạc Phi và diệt cả nước Tống vào tay nước Kim. Sáu triệu người Do Thái sẽ nghĩ gì về Yahweh của họ trong tấn thảm kịch Holocaust? Còn biết bao nhiêu bất công xã hội khác như một dấu hỏi nặng nề chất vấn sự tồn tại và công chính của Thượng Đế. Có thực sự một ông Trời cầm cân nảy mực ở trên cao không? Đó là những vấn đề cần thảo luận trong triết học nhìn từ viễn cảnh tôn giáo.
Nếu chúng ta nhìn tại những sách giáo khoa triết học của các giáo sư Đại học Văn Khoa trước năm 1975 (Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị) và nhiều tác phẩm triết học viết ra như sách của Phạm Công Thiện, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng, một đặc điểm chung là các tác phẩm này hầu như không bao giờ đề cập đến triết học lịch sử (philosophy of history) và triết lý khoa học (philosophy of science). Ngay cả triết gia hiện sinh ăn khách nhất như Jean Paul Sartre cũng chỉ được giới thiệu như là tác giả của L’Être et le Néant (Hữu Thể và Vô Thể), trong khi Sartre còn là tác giả của Critique de la Raison Dialectique (Phê Phán Lý Tính Biện Chứng), một thiên khảo luận sâu sắc về triết học lịch sử và lý tính lịch sử (rationalité historique). Triết học lịch sử có giá trị như một sự suy tư có phê phán về những biến cố này.
Đây cũng là một đề tài suy tư triết học rất hấp dẫn và thú vị. Chẳng hạn Oswald Spengler trong bộ sách lừng danh Der Untergang des Abendlandes (Sự suy tàn của phương Tây), Arnold Toynbee trong bộ AStudy of History (Nghiên cứu Lịch sử), đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn xuyên suốt toàn bộ lịch sử nhân loại trong một viễn cảnh triết học. Trong lịch sử có một định luật chi phối toàn thể? Lịch sử chỉ là một chuỗi những biến cố ngẫu nhiên, rời rạc, vô ý nghĩa? Hay trong lịch sử tiềm ẩn một tý tính nền tảng? Hegel trả lời lịch sử là sự tiến lên của Tinh thần (Geist) hướng về tự do (Freiheit), về Tri Thức Tuyệt đối (absolul Wissen). Marx cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực căn bản của chuyển động lịch sử. Spengler cho rằng lịch sử phát sinh, hình thành, phát triển, và suy tàn, tan rã, tận diệt, như cơ thể một sinh vật. Quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai, tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn và tri thức lịch sử của người nghiên cứu.
Điều chắc chắn là khi tìm hiểu về triết học lịch sử, chúng ta sẽ phát hiện ra mối quan hệ chằng chịt phức tạp giữa sử gia và các biến cố lịch sử. Chúng ta sẽ nhận thức ra một điều rằng các biến cố lịch sử không đến với chúng ta trong trạng thái tinh nguyên thuần túy, mà trái lại luôn luôn qua trung gian (mediated) bởi các giải thích của các sử gia. Học sử Tây phương chính là đọc Herodotus, Tacitus, Thucydices, Cicero, Gibbon, Mommsen, Spengler, Toynbee, Durant, Braudel – v.v… Học sử Trung Quốc chính là đọc Tư Mã Thiên, Lưu Hướng, Ban Cố, Phạm Viện, Lưu Tri Cơ, Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Chương Học Thành, Tiền Mục, Tiền Đại Hân, Quách Mạt Nhược, Mã Đoàn Lâm v.v.. Học sử Việt Nam chính là đọc Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Vũ Quỳnh, Ngô gia văn phái, Hoàng Xuân Hãn, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Keith Taylor, John Whitmore, David Marr, O. Wolters, Charles Fourniau, v.v. và v.v…
Chúng ta không bắt tay với chính sự kiện lịch sử. Sử gia là người giới thiệu và giải thích các biến cố lịch sử, thậm chí ngay cả khi ông ta từ chối vai trò đó và tự gán cho mình vai trò nhân chứng thuần túy. Sử gia là một nhân vật trung gian giữa nhà văn và triết gia. Giống như nhà văn, sử gia có nhiệm vụ kể lại một câu truyện. Michelet kể lại lịch sử nước Pháp, Mommsen kể lại lịch sử La Mã, Tư Mã Thiên kể lại lịch sử Tần Hán.
Các biến cố lịch sử đã được nhào nặn, xử lý, và thuật số hóa trong trí tưởng của sử gia, nghĩa là có đầu đuôi, thứ tự, bố cục, tình tiết, như một tác phẩm văn học giống như triết gia, sử gia tiến hành giải thích các biến cố lịch sử, ban cho chúng một ý nghĩa, phục sinh quá khứ trong cái nhìn của hiện tại. Sử gia, trái với ý nghĩa thông thường, không đơn giản chỉ là người sao chép những sự kiện đã phô bày ra đấy. Ông vừa là nhà văn (sáng tạo, tổng hợp, lựa chọn, kết hợp) vừa là triết gia (có khi một cách hoàn toàn vô ý thức, như Hoàng Xuân Hãn khi viết sử Lý Thường Kiệt, hay hoàn toàn có ý thức gắn liền lịch sử vào bộ khung tư tưởng Nho giáo, như Tư Mã Thiên, Ban Cố hay Lưu Tri Cơ khi viết sử Trung Quốc, như Gibbon khi viết sử La Mã).
Việc nghiên cứu tìm hiểu triết học lịch sử không có gì tốt hơn là khởi sự với bộ Sử ký của Tư Mã Thiên, đã hai lần được dịch ra Việt ngữ (một bản của Nguyễn Hiến Lê, và một bản của Nhữ Thành), mặc dù không trọn vẹn (thật ra ngay cả Burton Watson và Chavannes qua bao nhiêu năm vẫn không sao dịch nổi trọn bộ Sử ký sang Anh và Pháp văn, đành phải bỏ ngang). Nếu biết Pháp văn, nên đọc trích đoạn Michelet khi ông tường thuật về Cách mạng Pháp và sau đó so sánh cách giải thích của Michelet với các sử gia hiện đại, đặc biệt là Francois Crouzet, chuyên gia lớn nhất hiện nay về Cách mạng Pháp. Sử Việt Nam thì không nên bắt đầu với Lê Văn Hưu vì bộĐại Việt sử ký quá khô khan, chẳng có gì hấp dẫn. Nên khởi sự bằng cách đọc những lịch sử đã được tiểu thuyết hóa trước, như Hoàng Lê Nhất thông chí của Ngô gia văn phái chẳng hạn. Gần đây tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã viết về Hồ Quý Ly theo phong cách tiểu thuyết hóa lịch sử như thế. Việc này cho phép thấy rõ vai trò quan trọng của sử gia trong việc giải thích các nhân vật lịch sử, đặc biệt những nhân vật hàm hồ mang tính lưỡng diện rất cao như Hồ Quý Ly, Trần Thủ Độ, Napoléon, Robespierre, Danton, Mirabeau, v.v..
Cũng nên nói đến một thử “trí tưởng tượng lịch sử” (historical imagination), vì sử gia không sáng tạo (create) hoàn toàn theo phong cách nhà; văn sử gia “kiến lập” (construct) quá khứ thông qua “trí tưởng tượng lịch sử”. Trí tưởng tượng lịch sử cho phép sử gia nhìn thấy mối liên hệ (continuities) giữa các sự kiện ngẫu nhiên cũng như tính ngẫu nhiên (contingency) trong các mối liên hệ lịch sử. Ông có thể nhìn thấy sự đứt đoạn, những chỗ trống, trong một chuỗi dài biến cố, cũng như tính liên tục giữa các khu vực cô lập trong đời sống xã hội: kinh tế, tài chính, tín ngưỡng, văn học, thơ ca, điện ảnh, nghệ thuật, âm nhạc. Michel Foucault, chẳng hạn, tìm thấytính liên tục (continuity) và đồng dạng (isomorphism) trong sự phát triển của ba ngành khoa học hoàn toàn khác hẳn nhau, kinh tế, ngôn ngữ học, và sinh vật học, trong thế kỷ XVII tại Pháp. Nhưng cũng chính Foucault nhấn mạnh tính đứt đoạn giữa mô hình tư duy trong thời Phục Hưng và mô hình tư duy khởi sự từ thế kỷ XVII trong lịch sử tư tưởng và xã hội Pháp. Nói tóm lại, sử học có thể là điểm khởi đầu tốt nhất của suy tư triết học. Hơn bất cứ ngành khoa học xã hội nào khác, sử học là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc giải phóng tâm thức con người ra khỏi những thành kiến chật hẹp mang tính chất làng xã, quốc gia, bè phái và một tri thức sử học căn bản sẽ giúp tư duy triết học, đặc biệt tư duy triết học về những vấn đề chính trị- xã hội, tránh không bay bổng trong các đám mây mù trừu tượng phi thực tế.
Dương Ngọc Dũng
ĐƯỜNG VÀO TRIẾT HỌC, Nxb. Tổng hợp, 2006.
Nguồn: triethoc.edu.vn