Những cội nguồn ảo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4285 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 16
NHỮNG CỘI NGUỒN ẢO


Tuần Thánh năm 2010, tôi được đi thăm huyện đảo Lý Sơn. Những bia mộ ở đây có một nét đặc biệt. Tất cả các mộ họ Võ dù thuộc nhánh nào cũng bắt đầu bằng ba chữ “Thái Nguyên Quận”. Họ Nguyễn là “Trần Lưu Quận”, họ Bùi là “Hà Đông Quận”, họ Trần là “Vĩnh Xuyên Quận”, họ Trương là “Thanh Hà Quận”, họ Dương là “Hoàng Nông Quận”, họ Lê là “Kinh Triệu Quận” và họ Phạm là “Cao Bình Quận”. Phần đông cư dân trên đảo cho rằng đó là tên những châu quận trên đất liền mà các dòng họ này phát xuất. Tôi rất ngạc nhiên vì một vài địa danh rất lạ, mới được nghe lần đầu, và vì không có thời nào trong lịch sử đất nước đã được trực tiếp chia thành quận thay vì tỉnh. Khi đến thăm chùa Từ Quang ở An Hải, tôi nêu câu hỏi và thầy Thích Hành Hỷ đã cho một câu trả lời khá thỏa đáng. Theo thầy, việc ghi châu quận như thế chỉ áp dụng cho người chết chứ không cho người sống. Tập tục này được ghi trong quyển Lịch Vạn Niên. Một phụ lục của quyển này liệt kê 510 dòng họ, mỗi dòng họ có kèm theo tên một châu quận và một số dòng họ có chung châu quận. Người ta hình dung địa lý cõi âm có nhiều châu quận khác nhau, khi sống người ta có thể trôi dạt bất cứ đâu trên trái đất, nhưng khi chết thì ai về châu quận nấy. Như thế, ba chữ “Thái Nguyên Quận” trên bia mộ người họ Võ không phải là địa chỉ xuất phát nhưng là địa chỉ đến.


Tôi đã có dịp đến thăm cụ Vũ Hiệp tại tư gia ở đường Lý Tự Trọng, quận I. Là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về gia phả và các dòng họ Việt Nam. Theo cụ, gốc gác 510 dòng họ trước khi được xem như bản đồ địa lý cõi âm, thì đã là tư liệu địa lý nhân văn có thật tại Trung Quốc. Cụ cũng đồng thời lưu ý rằng việc gán ghép các dòng họ Việt Nam vào những nguồn gốc ấy của Trung Quốc là chuyện cần xét lại. Trước thời Bắc thuộc, tên gọi của người Việt giản dị như của đồng bào các sắc tộc ít người hiện nay, thường gồm một từ để chỉ nam hay nữ và một từ chỉ là tên gọi. Ngay cả nơi tên hai bà Trưng thì chữ Trưng không phải là tên một dòng họ (ngoài hai bà, ta không gặp một nhân vật nào khác có chữ Trưng đi trước tên gọi) mà chỉ là tên của làng Chưng, một làng sống bằng nghề chưng kén, kéo tơ, dệt lụa. Kén nhất được gọi là kén Trắc, kén hạng hai được gọi là kén Nhì hay khén Nhị. Như thế, Trưng Trắc có nghĩa là cô Nhất ở làng Chưng và Trưng Nhị là cô Nhị ở làng Chưng.


Theo ông Vũ Hiệp, do nhu cầu quản lý nhân khẩu để đô hộ, người Tàu đã bắt người Việt phải đi vào một hệ thống dòng họ. Do những điều kiện cụ thể từng nơi, từng thời điểm, người dân ở một khu vực nào đó được ghép vào một số dòng họ nhất định nào đó. Sự kiện này cũng đã xảy ra đối với một số cộng đồng sắc tộc ít người, chẳng hạn nơi thông tin sau đây trên trang Văn Hóa Học:


“Các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi vốn có tên mà không có họ, vì thế không có thuật ngữ riêng để chỉ dòng họ. Mỗi người có tên gọi riêng và kèm theo đó là một bổ ngữ chỉ giới tính…


Vào thời nhà Nguyễn và Pháp thuộc, để dễ theo dõi hộ tịch, hộ khẩu và số đinh trong các làng nóc miền núi Quảng Ngãi, các dân tộc miền núi trong tỉnh đều được đặt họ Đinh (theo họ cha), tức có nghĩa là thằng, đứa (con trai), dần dần con gái cũng theo họ cha mà ghi trong hộ tịch, hộ khẩu, hoặc kê khai đi học là họ Đinh (8).


Năm 1969, khi Bác Hồ mất, hầu hết người Cor ở Trà Bồng đổi sang họ Hồ. Số đông người Hrê ở Ba Tơ lấy họ Phạm (họ của đồng chí Phạm Văn Đồng), phần lớn đồng bào người Hrê ở Sơn Hà, Minh Long, đồng bào Ca Dong ở Sơn Tây vẫn còn giữ họ Đinh.”


http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-tap-the/2284-quan-he-gia-dinh-lang-xom-cua-nguoi-quang-ngai.html

Trường hợp họ Vũ Võ lúc đầu cũng thế. Bàn về ông Vũ Hồn (804-853), người được coi là thủy tổ họ Vũ-Võ tại Việt Nam, cụ Vũ Hiệp nêu một nhận xét lý thú rằng cả gia phả, tộc phả và thần phả đều không nói Vũ Hồn có một người con nào. Tác giả Tiến sĩ Vũ Huy Thuận, trong bài “Giới thiệu sách cổ văn hoá làng Mộ Trạch” (http://hovuvovietnam.com/ Gioi-thieu-sach-co-van-hoa-lang-Mo-Trach) cũng có viết: “Ngọc phả làng Mộ Trạch kể lại rằng: Cụ Vũ Hồn (804-853) sau khi từ quan (843-844) đã đến nơi đây lập trang trại đặt tên là “Khả Mộ trang”... Khi cụ mất (853), dân Khả Mộ trang lập miếu thờ cụ như vị sáng lập thôn Khả Mộ (đến triều Trần 1226 được đổi tên là Mộ Trạch). Để tưởng nhớ công lao của cụ, dân trong làng đều mang họ của cụ. Họ Vũ. Cũng từ đó, Cụ không chỉ được thờ như vị thành hoàng làng, mà còn được coi là thủy tổ họ Vũ Mộ Trạch.”


Gần đây người ta phát hiện ra đền thờ hai nhân vật họ Vũ sống nhiều thế kỷ trước ông Vũ Hồn: đền thờ bà Vũ Thị Thục, nữ tướng của Hai Bà Trưng và đền thờ nhà giáo Vũ Thê Lang, được cho là của thời Hùng Vương. Dù vậy ông Vũ Hồn vẫn được đa số người họ Vũ-Võ ngày nay dành cho danh hiệu thủy tổ họ Vũ-Võ ở Việt Nam, và theo tôi, điều ấy chính đáng, bởi một lẽ duy nhất là đại chúng đương thời đã vì cảm mến ông mà cải sang họ Vũ-Võ, coi ông như tổ phụ.


Có những người gốc họ Võ nhưng nhiều thế hệ qua đã mang một họ khác. Lại cũng có những người mang họ Võ nhưng thật ra là từ một dòng họ khác cải sang. Việc khám phá ra chuyện cải họ có thể khiến nhiều người bị hụt hẫng. Khi hoàn thành bài viết về họ Võ tỉnh Phú Yên, trong đó có thông tin về một nhánh họ Võ ở xã Hòa Thắng trước kia là họ Lê, tôi gởi cho một người con gái nhánh này xem. Cô hồi âm cho tôi như sau:


“Chào bác ! Con đã đọc bài viết về họ Võ mà bác đã trải qua không ít công sức để truy tìm về cội nguồn của dòng họ Võ. Con thật sự bất ngờ về một sự thật mà lâu nay con thuộc thế hệ trẻ nên không biết được, đó là con thuộc về nguồn gốc họ Lê chứ không phải họ Võ. Điều này làm con có một chút ngậm ngùi.


Trong ý nghĩ của con lại đặt ra một dấu hỏi.


Quá khứ của lịch sử là một sự bí ẩn chưa có sự khẳng định nhất định. Ví như trước thời ông Cao tổ của con thuộc về dòng họ Lê, vậy các đời trước hơn nữa liệu các cụ cao tổ thuộc về họ gì ? và những biến đổi của nó như thế nào ? điều này làm con phân vân. Nhưng rồi con suy nghĩ rằng dù con mang dòng họ nào thì con vẫn biết ơn các cụ tổ đã sáng lập ra các dòng họ để con cháu ngày nay được mang tên dòng họ của các cụ lưu truyền lại. Và điều này đã làm con cảm thấy vui bác à, con mong rằng sau này con sẽ có nhiều cơ hội được hiểu về nguồn gốc đích thực của các cụ tổ mà hiện đang là một dấu hỏi rất lớn trong suy nghĩ của con bác ạ!.


Cảm ơn bác nhiều lắm.


Con chúc bác có nhiều cơ duyên hơn nữa để tìm về cội nguồn nơi đích thực vẫn còn là một sự bí ẩn.


Chúc bác luôn sức khỏe và an lành.


Võ Thị Kim Đoan                    (sđt: 0988-234-828)


Nữ độc giả của tôi là một Phật tử ăn chay trường, nên sớm nhận ra ngay mọi sự đều vô thường và tương đối. Tôi muốn nói thêm với cô rằng, khi phải giấu họ Lê, ông Cao của cô đã chọn họ Võ chứ không phải một họ nào khác, hẳn là do ông cảm kích lòng tốt của một vài người họ Võ nào đó. Tương tự, nếu có người họ Võ nào đó phải thay tên đổi họ và đã chọn họ Lê chứ không phải họ khác, thì chắc hẳn vì ông thấy người họ Lê đáng mến. Nếu các vị tổ phụ nhân loại hướng lòng ta đến vị Cha Chung trên trời thì những thực tế về quan hệ họ hàng máu mủ dẫn ta đến cảm nghiệm anh em bốn biển một nhà. Điều thứ hai này bắt nguồn từ điều thứ nhất: Mọi người trên thế giới không thể là anh em với nhau nếu không có chung một người Cha.


Chúng ta đọc thấy trên nhiều bia mộ cụm từ sau đây: “Mộ thủy tổ họ…”, “Mộ cao tổ họ…”. Vị nằm ở đó được coi là “thủy tổ” nhưng người ta không biết tên, mặc dù có khi chỉ là người sống cuối thế kỷ XIX. Gia tộc phía nội tôi cũng nằm trong trường hợp này, vị tổ khuyết danh sống vào giữa thế kỷ XIX. Việc truy tìm thủy tổ một dòng họ quả là chuyện mịt mờ vô vọng nhưng cũng có cái hay là đánh thức nơi mọi người mối bận tâm đi tìm nguồn cội đích thực và cuối cùng của nhân loại là chính Thiên Chúa Tạo Hóa.


Hiểu như thế, ta sẽ tiến tới một thái độ trung dung về vấn đề gia phả. Một đàng, ta tâm đắc với lời Thánh Phaolô dạy ở đầu thư thứ nhất gửi cho Timôthê: “Đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết” (1Tm 1,4). Một đàng, vì ích lợi giáo dục, ta sẽ cổ võ đồng tộc và đồng đạo xây dựng lại bản gia phả giới hạn với những bậc Tổ Tiên hiện còn biết được, bởi lẽ đây là một công việc mang tính sư phạm, có tiềm năng đóng góp vào sự phục hồi tấm “lòng lành”, cõi lòng hướng thiện cho thế hệ trẻ giữa dòng cuồng lưu của sự suy đồi đạo lý.


Trong bài tiếp sau về “tâm tư của người loan Tin mừng cho người cùng dòng họ”, tôi sẽ chia sẻ thêm về điều ấy.


Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ 

 

= = = = = = = = = =

* Bài liên quan:

 

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam 

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh 

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em 

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh 

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa 

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Phong trào liên kết dòng họ

Cơ hội chia sẻ lòng tin

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...