Phân tích các từ “Tuẫn đạo” và “Tử đạo”
Các thánh tử đạo Việt Nam là những tín hữu Công giáo Việt hoặc các vị thừa sai ngoại quốc được Giáo hội Công giáo Rôma tuyên thánh với lý do tuẫn đạo.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam có hàng trăm ngàn người đã tử đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo, trong số đó có 117 vị đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, và Anrê Phú Yên được tuyên Chân phước ngày 05 tháng 03 năm 2000.
Nhân dịp này, xin được một lần nữa phân tích các từ “Tuẫn đạo” và “Tử đạo”.
– Trong mục Lời Ăn Tiếng Nói của báo Thánh Nhạc Ngày Nay số 28, và trong sách Tìm hiểu Từ vựng Công Giáo, Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ có viết bài Martyr tuẫn đạo hay tử đạo? Nội dung bài viết đề cập đến từ “tuẫn đạo” và “tử đạo” và cho rằng trong các từ điển phần lớn chỉ có từ tuẫn đạo, và không có từ tử đạo, ngoại trừ quyển Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức.
Có đoạn cho rằng: “Trong tiếng Việt, thường dịch là “kẻ chết vì đạo, kẻ chết vì nghĩa, kẻ chịu đọa đày, liệt sĩ” hoặc “người chịu chết vì đạo, đấng tuẫn đạo, đấng tử đạo…” trong nhà đạo thường dịch là “tử đạo”, như Các thánh tử đạo Việt Nam. Khi dịch như vậy về mặt ngôn ngữ thì có vấn đề.”
Trong đoạn khác: “… dịch chữ martyr là tuẫn đạo, nghĩa là chết vì đạo vì “tuẫn” là “chết vì”. Xem ra sát nghĩa, dễ hiểu… Còn dịch chữ martyr là tử đạo, và hiểu là chết vì đạo, xem ra có gút mắc, vì chữ tử có nghĩa là “chết”, còn chữ “vì” thì do đâu mà ra?”
– Trên VietCatholic News (Thứ Sáu 25.04.2008) Lm. Fx. Nguyễn Hùng Oánh có đăng bài Thuật ngữ “Tuẫn đạo” viết thành “Tử Đạo”, có nên không? Trong đó, tác giả bài viết có ý nên dùng thuật ngữ “tuẫn đạo” thay vì “tử đạo”. Đoạn kết bài có nói:
4/ Cái lý của tiền nhân dùng thuật ngữ “Tuẫn đạo”
Từ ngữ TỬ được dùng: ngày sinh, ngày tử, giấy khai sinh, giấy khai tử, giờ sinh, giờ tử v.v... Từ ngữ tử là chữ Hán đã được dân ta dùng rộng rãi như chữ nôm.
Từ ngữ ĐẠO được dùng: đi đạo, vào đạo, theo đạo, có đạo, đạo Phật, đạo Gia-tô, đạo Công giáo như chữ nôm. Vì thế, tiền nhân chúng ta gồm những bậc túc nho, thâm nho đã không nói chết vì đạo là tử đạo mà nói chết vì đạo là tuẫn đạo. Dầu Eugène Gouin giải thích từ ngữ “tử đạo” có ba nghĩa khác nhau, thật sự chỉ có một nghĩa: “tử đạo” là con đường chết, hoàn toàn trái với ý nghĩa “tuẫn đạo”. Trong bầu không khí vua chúa quan quân đi bắt tín hữu của Chúa Kitô, chữ “tuẫn đạo” dễ hiểu và như là chữ vàng dành cho người công giáo hơn hẳn chữ “tử đạo” vừa khó hiểu vừa không phải là khẩu hiệu giúp người ta sống đạo. Vì thế, tiền bối của chúng ta đã dùng thuật ngữ “tuẫn đạo”.
Vậy, nên dùng thuật ngữ “tử đạo”, “tử vì đạo” hay “tuẫn đạo”?
Để làm rõ ý nghĩa của các thuật ngữ chúng ta hãy “Thám bản tầm nguyên / 探本尋源” (Thăm gốc tìm nguồn):
TUẪN ĐẠO LÀ GÌ?
– Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1932): tuẫn 殉 xem chữ tuận. Tra tiếp chữ tuận 殉 nghĩa là liều chết vì một việc gì. Thế nhưng, chữ tuẫn không đứng riêng một mình mà được ghép chính – phụ với từ khác; đó là cách kết hợp xuôi (dịch nghĩa chữ đứng trước là tuẫn, kết hợp với nghĩa chữ phía sau). Ví dụ lấy theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: tuẫn chức 殉職 – vì chức mà chịu chết; tuẫn danh 殉名 – liều chết vì danh; tuẫn đạo 殉道 – vì đạo mà liều chết; tuẫn giáo 殉教 – vì tôn giáo mà liều chết; tuẫn tiết 殉節 – vì tiết nghĩa mà liều mình. Như vậy, ghép tuẫn với từ phụ cho phép dịch là: liều chết vì “nghĩa của từ phụ”. Do đó, theo cách dùng chữ thuần Hán, tuẫn đạo nghĩa là liều chết vì đạo – đạo thánh Đức Chúa Trời. Cách diễn giải này giống như ý kiến của tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo?
– Theo Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo (in năm 1931 và quyển in năm 1954): tuẫn 殉 nghĩa là theo (không dùng một mình): tuẫn tiết. Tra tiếp, tuẫn danh 殉名 nghĩa là vì danh mà chết; tuẫn đạo 殉道 nghĩa là vì đạo mà chết.
– Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý: tuẫn đgt. nghĩa là hy sinh: tuẫn đạo, tuẫn nạn, tuẫn táng, tuẫn tiết. Tra tiếp, tuẫn đạo nghĩa là chết vì đạo. Vậy, chữ tuẫn cũng không đứng riêng một mình mà phải ghép chính – phụ, vì đây là gốc từ thuần Hán.
TỬ ĐẠO LÀ GÌ?
– Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý: tử đgt. nghĩa là chết. Không có ví dụ hay giải nghĩa từ tử đạo.
– Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1932): tử 死 nghĩa là chết – không hoạt động (Trong mục này, các nghĩa các từ được tra theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh). Chữ tử 死 có thể đứng một mình hoặc là trợ từ với một từ chính. Chữ tử có ba dạng kết hợp với từ khác:
+ Chữ tử được ghép phụ – chính với từ khác ở dạng kết hợp ngược (dịch nghĩa chữ phía sau trước, dịch nghĩa chữ tử sau). Ví dụ lấy theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: tử chí 死志 – cái lòng quyết chết; tử chiến 死戰 – đánh nhau cho đến chết; tử chứng 死症 – bệnh nguy hiểm đến chết; tử đảng 死黨 – đồng đảng đến chết mà không đổi chí; tử địa 死地 – chỗ đất chết. Như vậy, ghép tử – từ chính cho phép dịch là: “làm gì hay cái gì chết”. Với lý lẽ đó mà tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo? đã đặt câu hỏi: “Vậy tử đạo có phải là đạo chết không?” Quả là một câu hỏi cắc cớ đây. Thật ra, có lẽ do tác giả bài viết đã hiểu khác đi. Là từ thuần Hán, tử đạo 死道 chỉ có nghĩa là con đường chết. Lúc này chữ đạo 道 có nghĩa là con đường chứ không phải đạo lý. Do vậy, từ thuần Hán không có chữ tử đạo với nghĩa là chết vì đạo. Vậy, tử đạo đang dùng hiện nay có xuất xứ từ đâu? Xin đọc tiếp phần sau sẽ rõ.
+ Chữ tử được ghép chính – chính với từ khác ở dạng kết hợp ngang (hai từ ghép có nghĩa giống nhau hoặc nghịch nhau, dùng để nhấn mạnh ý). Ví dụ: sinh tử 生死 (sống – chết), tử vong 死亡 (chết – chết), tử hoạt 死活 (chết – sống).
+ Chữ tử được ghép chính – phụ với từ khác ở dạng kết hợp xuôi (dịch nghĩa chữ đứng trước là tử, kết hợp với nghĩa chữ phía sau). Ví dụ: tử trận 死陣 (chết ở chỗ chiến trường), tử nghĩa 死義 (vì nghĩa mà chết), tử tiết 死節 (vì tiết liệt mà chết). Rõ ràng, chữ tử với cách ghép chính phụ được hiểu là “vì cái gì đó mà chết” hay “chết vì cái gì đó”, chứ không hề gút mắc như tác giả bài viết Martyr tuẫn đạo hay tử đạo? đã nêu lên. Cách ghép chính phụ này ảnh hưởng đến việc hình thành ra từ tử đạo (vì đạo mà chết) – xem phần lý giải ở mục sau.
– Theo Từ điển Tiếng Việt của Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ học: tử đg (kết hợp hạn chế) nghĩa là chết. Ví dụ: Vượt qua cửa tử (khẩu ngữ). Vào sinh ra tử. Như vậy chữ tử khi dùng với nghĩa tiếng Việt thì kết hợp hạn chế (ít ghép từ), bởi vì chữ tử có thể đứng riêng một mình với nghĩa đầy đủ. Trong khi đó, chữ tuẫn trong tiếng Việt đứng một mình không có nghĩa.
– Theo Cao Đài Từ Điển của Nguyễn Văn Hồng, bút hiệu Đức Nguyên: tử 死 nghĩa là chết. Tra tiếp, tử tiết 死節 nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Từ điển này xem chữ tử 死 là từ chính, tiết 節 là trợ từ (ghép chính – phụ) nên dùng tương tự như tuẫn tiết. Nghĩa là chữ tử 死 được dịch là chết vì…
– Theo Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo (in năm 1931 và quyển in năm 1954): tử 死 nghĩa là chết. Tra tiếp, tử tiết 死節 nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Từ điển này xem chữ tử 死 là từ chính, tiết 節 là trợ từ (ghép chính – phụ) nên dùng tương tự như tuẫn tiết. Vậy, chữ tử 死 được dịch là chết vì…
– Theo Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (in năm 1895): tử 死 nghĩa là thác 𣨰 (từ Nôm có nghĩa là chết). Tra tiếp, tử tiết nghĩa là chết vì tiết nghĩa. Vậy, chữ tử 死 được dịch là chết vì…
Trong từ thuần Hán, tuẫn 殉 có nghĩa là “chết vì”, tử 死 có nghĩa là “chết”. Tuy nhiên, khi chữ Hán được Việt hóa về âm đọc, nghĩa từ và văn phạm thì chữ tử 死 khi đứng độc lập được hiểu là “chết”, khi được ghép chính – phụ với từ khác ở dạng kết hợp xuôi thì được hiểu là “chết vì”. Do vậy, tử đạo 死道 là từ Hán Việt (Hán được Việt hóa) có cách ghép chính phụ (tử 死 là từ chính, đạo 死 là trợ từ) được hiểu với nghĩa là “chết vì đạo” (nghĩa thuần Việt) hay thác vì đạo (nghĩa Nôm).
DIỄN GIẢI CHO TỎ TƯỜNG
Âm đọc chữ Hán hiện nay của người Việt là âm phản chiếu của âm Hán đời Đường. Ban đầu vay mượn những từ đơn tiết như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, phụ, mẫu, huynh, đệ, tử,… Sau này vay mượn song tiết như: tiên sinh, tiểu nhân, quân tử, quốc gia, thành thị, nhan sắc, tử tiết, tử đạo…
Chữ và ngữ âm Hán đời Đường du nhập vào nước ta theo hệ thống lớp học, khoa bảng. Sau này, khi nước nhà tự chủ được thì vẫn lấy chữ Hán làm ngôn ngữ chính của đất nước và vẫn phát triển học hành, thi cử bằng chữ Hán. Trong thi cử vẫn dùng sách và sử phương Bắc. Cho đến đời vua Tự Đức, nhà vua phải lên tiếng rằng: 邇來國史之學, 未經箸為功令, 故士之讀書為文, 惟知有北朝之史/ “Nhĩ lai quốc sử chi học, vị kinh trứ vi công lệnh, cố sĩ chi độc thư vi văn, duy tri hữu Bắc triều chi sử; bản quốc chi sử, tiển hoặc quá nhi vấn yên” (dịch nghĩa: Gần đây, về việc học quốc sử, vì chưa có lệnh ghi vào khóa trình, nên học sinh khi đọc sách, làm bài (thi), chỉ biết lịch sử Bắc triều; còn lịch sử nước nhà thì ít người học đến). (Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – quyển đầu)
Tiếng Việt có gốc Hán khoảng 70%, thế nhưng không hoàn toàn giữ nguyên nghĩa chữ Hán mà được hiểu theo nghĩa Việt. Ví dụ:
– Nghĩa từ phụ thuộc vào hoạt động của hình tiết:
+ Chữ gốc Hán nhưng du nhập đã lâu, hình tiết có thể hoạt động tự do trong câu, như: vạn, ức, triệu, cao, thấp, ngu, nịnh, nỉ, nhung, ông, bà, cô, cậu, đạo…
+ Chữ gốc Hán nhưng hình tiết không hoạt động tự do trong câu như: tuẫn (chết vì), tử (chết), thảo (cỏ), nhân (người), giáo (tôn giáo, dạy bảo)…
– Nghĩa từ hình tiết Hán bị thay đổi theo nghĩa từ hình tiết Hán Việt, nhất là hiện nay từ ngữ Hán Việt được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ví dụ:
+ Bồi hồi 徘徊 nghĩa Hán là dùng dằng đi lại, nghĩa Việt là ở trong trạng thái có những cảm xúc, ý nghĩ trở đi trở lại, làm xao xuyến không yên, thường là khi nghĩ đến việc đã qua.
+ Viễn chinh 遠征 nghĩa Hán là đi chinh chiến nơi xa, nghĩa Việt là đi đánh nhau ở phương xa, ngoài bờ cõi nước mình. Do vậy, trong những năm kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân của Trương Định hoạt động chính ở vùng Mỹ Tho, Gò Công (theo địa danh ngày nay); khi đến Biên Hòa để chiến đấu thì có thể dùng từ viễn chinh theo nghĩa thuần Hán, nhưng hiểu theo nghĩa Hán Việt thì không ổn, vì vẫn chiến đấu trên đất nước của mình. Từ viễn chinh dùng cho quân Pháp lúc đó thì đúng.
– Tại sao từ tử đạo được dùng phổ thông hơn từ tuẫn đạo?
Người xưa học chữ Hán đã soạn ra quyển Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, đến Ngũ Thiên Tự. Sau khi đã biết tối thiểu 1.000 chữ, 3.000 chữ hay 5.000 chữ Hán rồi người ta mới học Tam Tự Kinh. Để dễ học, dân gian đã diễn Nôm thành bài thơ lục bát:
Cơ (nền), quốc (nước), gia (nhà),
Khánh (mừng), thánh (thánh), tòa (tòa), đế (vua).
Văn (văn) vũ (vũ) phù (phù)
Lãm (cầm) tổng (tóm) đồ (lo) bảo (gìn) …
Thế nhưng, trong sách Ngũ Thiên Tự (5.000 chữ) không có chữ tuẫn 殉 mà chỉ có chữ tử 死 với nghĩa là chết. Trong Ngũ Thiên Tự có từ đạo 道 với hai nghĩa là đạo hay đường. Có lẽ vốn từ dân gian chỉ cần đến 5.000 chữ là đủ rồi, vậy dùng từ tử đạo 死道 với nghĩa phổ thông Hán Việt (từ Việt gốc Hán) để nói về hành động chết vì đạo là chính xác và hợp lý. Vậy cụm từ tử đạo hay thánh tử đạo thoạt nghe qua tưởng là thuần Hán, thế nhưng lại là từ Việt gốc Hán và được sắp xếp chính – phụ theo kiểu Việt hoàn toàn.
Như vậy, tuẫn đạo 殉道 là từ thuần Hán với nghĩa là chết vì đạo; tử đạo 死道 là từ Việt gốc Hán với nghĩa chết vì đạo. Còn nếu muốn nói rõ hơn bằng cách dùng từ tử vì đạo 死為道 thì cũng đúng vì đây vẫn là từ Việt gốc Hán (vì 為 là chữ Nôm, có gốc là vị 為 của chữ Hán) mà thôi.
Trong kho tàng sách Công giáo hán nôm, ban đầu dùng từ tử vì đạo, về sau dùng từ tử đạo.
Michel Nguyễn Hạnh
Sài Gòn, ngày 19 tháng 06 năm 2023
Nguồn: tgpsaigon.net (19.06.2023)