Sứ điệp Trống Đồng (17) - Từ triết học cơ khí đến triết lý cơ thể
1. Xem mặt đặt tên
Giữa hai nền triết lý Đông Tây có một sự khác biệt nền tảng nằm trong hai cặp chữ cơ khí và cơ thể. Sự dị biệt dễ nhận thấy hơn cả trong quan niệm của Tây phương về con người được đổ khuôn theo sự vật, nên có triết lý cơ khí, Việt Nho quan niệm con người theo vũ trụ chi tâm, nên có triết lý cơ thể. Sự khác biệt nền tảng này thực ra cũng chỉ là hệ luận do quan niệm chữ thời của mỗi bên được áp dụng vào người. Nếu quan niệm con người một chiều vũ nó sẽ bị chi phối do bộ định đề cơ khí (set of mechanistic premises), còn quan niệm lưỡng thê về con người gồm cả vũ lẫn trụ con người sẽ sống theo bộ định đề cơ thể (set of organic premises). Đó là đại để vấn đề. Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào chi tiết để xem thế nào là bộ định đề cơ khí và cơ thể.
Triết học cơ khí được biểu lộ trong bảng Hoàng đạo (zodiac) với 12 con dã thú quen nghe tới là:
(H.80: Hoàng Đạo)
Miên Dương: The Ram
Kim Ngưu: The Bull
Song Tử: The Twins
Bắc Giải: The Crab
Sư Tử: The Lion
Sử Nữ: The Virgin
Thiên Xứng: The Balance
Thiên Yết: The Scorpion
Nhân Mã: The Archer
Mai Yết: The Goat
Bảo Bình: The Water Bearer
Song Ngư: The Fishes
Bảng Hoàng đạo này có thể coi là tờ văn tự bán đoạn mại con người vì nó gồm toàn thú vật, thiếu vòng trong của con người nội ngã, con người tất nhiên sẽ không tránh được cái nạn “gần mực thì đen” gần con vật sẽ sống kiểu con vật như được biểu thị trong cung Nhân Mã nơi người đã hóa ngựa quá nửa, đem lại cảm tưởng chung khi xem vào bảng trên là sự đầy ắp tính chất du mục tranh đấu. Cả những con bé nhất (cua) cũng biết cắp, hay đốt chết người (bò cạp). Có thể bênh vực rằng đó chẳng qua là bảng tiêu biểu, ghi lại những biểu hiệu xa xưa, chứ nay đâu còn như vậy? Nhưng không may cái bảng duy vật đó đã được công thức hóa do triết học để thành những định đề cơ khí đặt con người vào cùng bình diện sự vật, bóc lột người mất thế tự động, tự thành, tự đạo.
2. Đồng nhất với trình sử con người
Cao lên một độ nữa là thuyết tiền định, nói theo Calvin thì ai được cứ rỗi hay bị trầm diệt đều đã do Thượng Đế ấn định trước khi sinh ra, con người không có sức nào thay đổi được nữa. Thuyết này xuất hiện tự đời Hy Lạp với danh xưng Moira, và đã luôn luôn ngự trị tới nay. Đến nỗi xem trên toàn thể tiến trình triết Tây có thể nói tiền định hay định mệnh đã thắng ý chí con người. Nói khác con người bị tước đoạt quyền quyết định về số kiếp của mình, chỉ có trời chứ không có ta chút nào. Hay nói hạ tầng chỉ huy thượng tầng cũng thế. Hết thượng thiên đến hạ địa. Chẳng thấy con người đâu cả.
Có thể nói Tây Âu không có triết gia theo nghĩa người vun tưới cả ý, tình, chí mà chí có ý gia vun tưới nguyên có ý tức chỉ có một chiều: chọn địa bỏ thiên hay chọn thiên bỏ địa mà quên khả thể thứ ba là chính con người. Thế là người mất đất đứng trong vũ trụ quan tĩnh lặng một chiều sự vật. Từ đấy thiên địa trở nên xa lạ không liên hệ với người mà chỉ là những ý niệm im lìm nằm cản luồng linh lực nuôi dưỡng nhân tính. Chính vì lý do đó triết học Tây Âu trở nên xa lạ với con người. Từ đấy con người chỉ con sống hoi hóp dưới ánh sáng của lương tri công cảm. Đấy là hậu quả của nguyên lý đồng nhất làm thành cái đê ngăn lấp sống Tương. Đó là nhị nguyên đối kháng hay nói rõ hơn đó là bệnh một chiều. Chính nó mới là nguyên tội truyền dòng nối dõi cấm cảnh mọi nền thuyết lý của Tây Âu không làm sao trở thành nhu đạo phụng vụ con người, ngược lại đã trở thành dụng cụ đóng đanh con người: con người thực bị căng ra giữa bên này là khuynh hướng nhân bản được nuôi dưỡng do lương tri công cảm, còn bên kia là các lý thuyết chống nhân bản.
Thí dụ điển hình là Plato với ý hệ đồ sộ nhưng cuối cùng đã xuất hiện nguyên hình là một triết thuyết phản dân chủ, phản tự do, đứng hẳn về phe chuyên chế. Không còn chi điển hình bằng Kant môn đệ của J.J. Rousseau đề cao tự do con người cùng cực: Kant cũng nói theo để đề cao tự do con người đến độ đưa ra được thuyết cùng đích tự nội cho con người (la règne des fins en soi) nghĩa là người khỏi cần tìm lý do tồn hữu bên ngoài mình. Vậy mà cuối cùng cũng đặt nền cho triết lý chuyên chế với quan niệm nhà nước là mệnh lệnh tuyệt đối, người dân bắt buộc phải tùng phục không được chối cãi (conception of the state as a categorical imperative, of a citizen as moraly bound to unquestioning obedience).
Rồi tới Hegel cũng muốn cứu gỡ con người khỏi thảm trạng vong thân, đã đưa con người lên tận mây xanh phong cho làm Thượng Đế, nhưng thảm thay lại là Thượng Đế vong thân. Thế là cuối cùng trở nên nạn nhân cho bộ máy nhà nước đựơc qua niệm như ý niệm thần minh giáng thế (the state is the Divine idea as it exists on earth…) và xuất hiện như bánh xe lịch sử nghiền nát mọi cá nhân là những con người thực, những con người sống trong thịt trong xương. Khác biệt hẳn với con người phổ quát được quan niệm như Thượng Đế. Chỉ với ba thí dụ trên về ba triết gia thượng thặng đại biểu cho ba thời đại triết học Tây Âu đủ thấy tất cả chỉ là ý hệ gia vâng phục bộ nguyên lý đồng nhất và công ty của nó, nên thiện chí cứu gỡ con người có thừa nhưng cuối cùng đều trở thành bồi bút cho chuyên chế. Câu nói “Đường dẫn xuống hoả ngục lát toàn bằng thiện chí” thực là chí lý. Tất cả tai họa nằm ẩn trong miền của các nguyên lý, của định đề. Chỉ có một đường là cách mạng triệt để bằng cách đổi hẳn bộ định đề cũ để thay vào bộ định đề khác mới mong thành công. Hỏi đó là những định đề nào? Cho tới nay chưa có một thử thách nào đáng kể, vậy ta hãy trở lại xem bộ định đề của Việt Nho có thể dùng được chăng.
3. Bầu trời của con người nhân chủ
Trước hết hãy xét xem con người theo Việt Nho có bị quan niệm theo cung cách của sự vật chăng, tức duy động hoặc duy tĩnh. Ta được thích thú mà thưa là không. Trái lại con người được quan niệm như một thực thể lưỡng thê hay nói bóng con người được định nghĩa như đức của trời của đất giao hội, hoặc dùng hình ảnh là bánh dầy bánh chưng hay con Rồng cháu Tiên cũng đều mang ý lưỡng nghi, tức con người phải thích nghi với trời động, vừa với đất tĩnh. Theo đó bản tính con người động mà tĩnh, tĩnh mà động. Đến nỗi có xử kỷ tiếp vật đúng được như vậy mới kể là “có đạo”: “xuất tính chi vị đạo”. Vì sự cố gắng xuất tính đó tiền nhân đã trù liệu cho quan niệm lưỡng thê tẩm nhuận trọn vẹn đời sống con cháu tự lúc mới lọt lòng mẹ cho tới khi mãn phần.
Hãy xét một mẫu truyện lấy trong việc có liên hệ với lúc xuất hiện của con người đó là lối tính tuổi. Khi nói tôi sinh ra năm Giáp Dần thì câu đó đã hàm chứa trọn vẹn quan niệm lưỡng thê về con người rồi, tức động mà tĩnh, tĩnh mà động. Sự vụ như sau: chữ Giáp là thiên căn chỉ đức trời (tròn), chữ Dần chỉ đức đất (vuông). Hai đàng tròn vuông được lồng vào nhau làm nên những nét đặc trưng cực kỳ quan trọng mà xưa rày ít được chú ý nên cần được vẽ như lược đồ sau:
(Hình lược đồ)
Bảng trên gồm cả động lẫn tĩnh. Động là vòng tròn chở theo 12 địa chi đại diện cho 12 con vật tương đương với vòng Hoàng đạo. Còn tĩnh là hình vuông mang theo 10 tên chỉ thiên can nghĩa là gậy trời.
Đây là cái khác đầu tiên với bảng Hoàng đạo Tây Âu một chiều, còn đây là hai chiều tròn vuông. Động mà tĩnh, tĩnh mà động như một vòng vũ mà ở giữa là con người. Cho nên có thể nói đây là cái lược đồ tiên thiên. Còn hình ảnh hậu thiên tức đã hiện ra hình cụ thể hơn, là bản vũ trên mặt trống: nơi người cùng chim trời cá nước đều đang vũ bài ca hòa hợp. Sau đây còn ba điểm dị biệt khác cần được chân nhận:
Một là sự liên hệ mật thiết giữa con người với vũ trụ, đến nỗi chính bản tính con người được quan niệm bao gồm cả trời cùng đất. Khi nói tôi sinh ra năm 1914 thì chỉ có hàng ngang, còn khi nói tôi sinh ra năm Giáp Dần có cả dọc ngang xoắn xuýt: dọc là Giáp, ngang là Dần, làm nên con người đại ngã tâm linh ăn thông với vũ trụ, có quyền lực lớn lao chứ không thụ động như sự vật.
Điểm hai là quyền lực đó được biểu lộ trong việc các con vật đã thuần phục con người như được thấy rõ trong 7 con gia súc: trâu, mèo, dê, gà, chó, heo đã được thuần hóa. Bốn con kia tuy là thảo dã nhưng không xa lạ, toàn những vật quen biết nên rất cụ thể đó là cọp, rắn, khỉ, chuột và nhờ quyền lực con người đã đổi tính nết: cọp trở nên dần, có hùng mạnh nhưng hùng mạnh về tinh thần. Rắn tiếp nối chỗ của rồng, để nói lên sự biến đổi (lột xác). Còn rồng vì vô hình sẽ đảm nhiệm trong trách đặc biệt là biểu thị đức con người.
Điểm ba tất cả 12 con đều được linh thiêng hóa tức được bao vây bởi vòng trời để biểu thị được đi lên nhân tính. Đặc biệt nhất là con người xuất hiện ở cung Dần có nghĩa là một thực thể tự lực, tự cường, mạnh như cọp, nhưng đức cường đó đã hướng vào linh vào thần là cái trọng về phẩm nên sẽ nhỏ đi lần, từ cọp xuống mèo, có vậy mới trông nhảy lên thìn là vật vô hình đúng luật xứ Nghệ theo đó đường tiến về linh thiêng là đường tiến về tinh tế từ to đi tới nhỏ, nhỏ cùng cực là vô hình. Vì có vô hình mới là thần theo câu “thần vô hình”. Cho nên vòng ngoài phải biết lột xác (như rắn), phải tiến mau như ngựa, nhưng luôn luôn liên hệ với mặt trời như mùi: đó là đường tâm linh; còn phía Tây thiên về lý trí chỉ bằng con khỉ (thân) kèm với hai con lắm mồm là chó với gà: tuy lắm mồm nhưng được việc: chó coi nhà chuyên môn báo động, gà chăm lo đánh thức để dậy đúng giờ. Mùa đông là thời ấp trứng (tí) chỉ tâm linh cần được ấp ủ, trong Minh triết biểu thị bằng làn nước sở nguyên dành cho hai con ưa nước là lợn và trâu.
4. Ba nguyên lý con người
Bây giờ sẽ bàn đến ba điểm then chốt của con đường đi lên nhân tính đó là ba nguyên lý hòa, nhân, linh.
Điểm then chốt đầu tiên là Hòa. Hòa ai không muốn nhưng đấy mới là quả. Chúng ta cần biết gốc thực của nó ở đâu mà vun tưới. Nhưng cho tới nay cái gốc thực đó ít đựơc biết tới, người ta thường đi vun tưới cho những cái gốc đâu đâu, mà bỏ bê cái gốc đích thực dẫn tới Hòa. Vậy gốc chính thực của Hòa nằm trong hai chữ Mậu Kỷ ở trung cung, nó biểu thị Đại Ngã (ngược với vòng ngoài là tiểu ngã), nhờ đó con người linh hơn vạn vật. Việc quan trọng nhất của con người là phải làm sao cho cái mầm linh nơi mình phát triển đến cùng cực; đó là ý nghĩa của chữ Mậu Kỷ cũng kêu được là tu thân. Vậy cái thân này không chỉ có vòng ngoài nuôi dưỡng bằng vật thực, còn một tầng tâm linh nữa cần nuôi dưỡng bằng những định đề ngược chiều: không thể dùng cùng một bộ định đề vòng ngoài có tính chất một chiều nhỏ hẹp, phải dùng bộ định đề khác có tính chất bao la ứng hợp với cả con người Đại Ngã, đầy tính chất uyển chuyển, linh động, có mà như không, không mà lại có. Muốn cho con người được như vậy cần phải đặt quan niệm về vũ trụ tương ứng mới đủ sâu sắc và ơn ích. Nói khác ý tưởng lưỡng thê đó cần mở rộng ra tận vũ trụ, đó là điều mà cơ cấu chỉ bằng số 2. Số 2 chỉ Thái Hòa: hòa vũ với trụ. Đó là hòa cùng cực, bao trùm khắp hết. Như vậy vật nào cũng phải được quan niệm như kết quả của hai luồng lực chạy ngược chiều, không vật nào nằm ngoài luật này hết. Để nói cho cụ thể mà lại bao quát thì kêu là hòa trời hòa đất, vì trời đất bao gồm mọi vật, vật nào cũng phải tham dự vào cả hai, kể cả con người nên mới định nghĩa người là cái đức của trời cùng đất “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Nhưng con người khác vạn vật ở chỗ phải nhận thức ra điều đó và phải tham dự vào việc giao thoa của cả hai luồng lực. Mức độ lớn lên nhân linh tuỳ thuộc vào độ nhận thức ra mối liên hệ giữa mình với vũ trụ.
Việc này cũng gọi là “sáng tạo” nên chính con người phải góp phần kiến tạo ra con người Đại Ngã, con người được ban ra chưa có tu luyện mới là tiểu ngã, có thể dịch là ngợm (homoculus). Con người đại ngã do chính con người “làm ra” được biểu thị trong truyện Bàn Cổ xếp đặt lại trời đất núi sông rồi làm ra người. Điểm Thái hòa này khác hẳn với vòng ngoài thiếu hòa mà chỉ biết có đồng nhất chọn một bỏ một: A là A mà không là B. Đó là luận lý đồng nhất vòng ngoài. Ngược lại vòng trong theo luận lý bao hàm có thể công thức hóa A hàm ngụ B, hay nói theo Nho là “âm trung hữu dương căn”.
Do đó bờ cõi trở nên mông lung chập chùng hai bên ăn ngoàm vào nhau: âm ăn ngoàm vào dương và ngược lại, để chỉ rằng hai bên không thể ly lìa.
5. Ba giềng
Ba giềng là tiếng Việt, chữ Nho là tam tài. Tài là tác.
Tam tài có nghĩa là tam tác: nếu trời làm, đất làm, người cũng làm. Nói khác, yếu tố cấu tạo nên con người phải là tác, nếu trời là hóa công, đất là hóa công, người cũng hóa công, hóa công ngay từ địa hạt làm nên con người. Phải làm sao đưa ra được quan niệm con người đầy tác động tính nghĩa là tự cường tự lực cho tới hết độ có thể, chiến thuật tâm lý bắt buộc phải như vậy mới thoát khỏi vong thân, đạt được con người đại ngã phải quan niệm con người như một tài, một tác nhân lớn lao vũ trụ, rồi phải nuôi dưỡng bằng những cảm nghĩ đầy tác lực, như những tình cảm tích cực thuộc yêu thương quảng đại, độ lượng, bao dung… Chính những tư tưởng cao thượng quảng bác này làm con người tâm linh phồng to lên như tam tài. Theo quan niệm trên tự do chính là bản chất con người, ngôn ngữ Tây phương không có từ nào bao quát đủ để dịch chữ tự do, chỉ có libre, free là những từ mới nói lên được khía cạnh tiêu cực tức cứu gỡ ra khỏi, chưa nói lên được ý hướng tích cực là đi tới đâu. Eric Fromn nói là mới có freedom from chưa là freedom to. “To” hay là điểm tới của con người phải là đại ngã tâm linh có tâm rộng như vũ trụ, phải cảm được sự thực trong câu “Ngô tam tiện thị vũ trụ”, tâm tôi chính là vũ trụ, mới thực đạt Tự Do.
Trong tiếng Việt hai chữ tự do bao gồm cả hai khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực, có thể đặt phương trình: tự do = do tự, nghĩa là do tự chính mình chứ không phải do ngoài thúc đẩy. Nói tự do là nói phát xuất tự thâm tâm không gì ngoài thúc đẩy, nói bóng là “Bàn Cổ thủ xuất”: ông ra đầu tiên, không ai đẩy ông ra cả, rõ ràng tự ý ông ra. Đó là nói lên nội khởi tính cùng cực, đến nỗi thoát ra khỏi nguyên lý căn do. Với nguyên lý căn do không có nội khởi: phải do ngoài động mới có động. Theo đó âm phải do dương, còn với nội khởi thì âm dương cùng có một trật nên kêu là nguyên lý đồng thời: synchronicity, khác với nguyên lý căn do ở chỗ A đẩy B rồi B đẩy C như các bánh xe trong máy, cái nọ đẩy cái kia, căn có trước quả. Ơ đây A, B, C cùng tự động một trật kiểu ca vũ. Trong vũ không phải A thúc đẩy B, B thúc đẩy C, nhưng vừa nghe cha, cha, cha tất cả mọi người cùng múa, múa theo một mẫu mực nào đó. Quan niệm vũ trụ như “hóa nhi đa hí lộng” là vậy.
Việt Nho đề cao mẫu mực ngược với Tây Au đề cao luật pháp: pháp luật do từ ngoại áp đặt vào, pháp thường đi với hình. Trái lại, mẫu mực để cho tất cả tự nội: mẫu mực đi với lễ gắn liền với nhạc. Mẫu trên các mẫu, bao trùm mọi mẫu gọi là Hồng Phạm: Mẫu lớn. Chính Hồng phạm là Việt Nho, trong đó con người động ứng đúng cung cách nhân chủ theo nghĩa con người tự làm chủ lấy mình, không làm tôi ai, dầu là tiền tài danh vọng nói bóng là đất trời.
Đại để đó là mấy nguyên lý, hay nói cao hơn nữa là mấy định đề hướng dẫn triết lý Việt Nho. Ta thấy nó ẩn ẩn hiện hiện, nên rất lơ mơ, hơn thế nữa lấy lơ mơ làm lẽ sống, cho rằng chỉ sống vì lơ mơ, nghĩa là con người phải khác vật thể được điều lý do những nguyên lý rõ ràng:
Có là có, không là không: đồng nhất.
Động là do một vật đi động trước (căn nguyên).
Ngược lại cõi nhân linh lại đi theo một mớ định đề uyển chuyển có mà như không. Bé như con người tiểu ngã lại đòi phồng lên to bằng vũ trụ. Phải chăng là kiêu thái vô duyên. Thưa không, đây chính là con đường trung thực để con người đạt thân, mà đạt thân cũng là đạt hạnh phúc.
(còn tiếp)
Kim Định, SỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG,
An Việt San Jose, 1999, tr. 345-360.