Sứ điệp Trống Đồng (18) - Ở đời
Một không gian đời”
1. Nội dung hai chữ ở đời
“Ở Đời” là một việc hi hữu mới được triết học khám phá từ ít lâu nay. Kết quả cuộc khám phá này là những chữ viết nối nhau “ở-trong-thế-giới”, être–au-monde. Mấy nét nối đó biểu lộ sự sợ hãi khi nhân ra con người bấy lâu nay là con người sống bơ vơ không liên hệ chi với trời đất, và nay nhận ra đó là tai họa, nên khi viết phải dùng lu bù nét nổi: sơ con người lại bật ra khỏi thế giới nữa. Tại sao lại lo như vậy? Thưa vì cuối cùng người ta mới nhận ra rằng bấy lâu nay con người đâu có ở đời mà toàn ở trời hay ở đất. Tiếng ở có nghĩa là hướng tâm vào cái gì được coi như lý tưởng cùng cực. Nói ở trời có nghĩa là lý tưởng để ở trời, để ở lý giới, tưởng vậy là cao, kỳ thực “rằng cao thì thật là cao”… Nhưng người có cánh chăng? Thiếu không khí sống nổi chăng? Đó mới là những câu hỏi vật thể chứ thực ra tai họa của lối ở trời hay ở đất là vong thân: quên mình, quên con người để đi tôn thờ những lý tưởng phi nhân. Vậy mà tai họa đó là sự thông thường: trải qua bao thế kỷ hầu hết loài người không ở trời là duy tâm thì lại ở đất là duy vật. Không sao ở nổi đời gồm cả vũ lẫn trụ, gồm cả một thời gian ở với một không gian đời. Ngoại trừ Việt Nho đã biết ở đời, sự biết đó do bài học của Nữ thần mộc, tên huyền sử của minh triết nông nghiệp Viễn Đông.
Truyện kể vắn tắt rằng “Nữ thần mộc dạy anh em Lộ Bàn Lộc Bộc biết cách làm nhà chữ Đinh”, một câu truyện dài chỉ một dòng có thể chiếm giải quán quân về truyện cổ vắn nhất thế giới. Nhưng về hậu quả dài vô kể, nhất là gồm toàn ơn ích cho con người. Ta hãy phân tích từng chữ. Hỏi Lộ Bàn Lộ Bộc là ai? Làm nhà chữ Đinh có gì ý nghĩa?
Trước hết chữ Lộ có nghĩa là Đường y như chữ đạo. Còn Bàn với Bộc là những tên khác nhau chỉ mấy chi đại biểu của Bách Việt cũng có tên là Bộc Việt, và có liên hệ mật thiết với Bàn cũng đọc là Ban là Bà hoặc Ba hay Bành mặc dầu viết là một… Tất cả đều chỉ Việt tộc.
Còn Nữ thần mộc chỉ nền minh triết Đông phương xây trên nông nghiệp. Hành mộc chỉ mùa xuân, mùa ra đời của Hùng Vương, của con người (nhân sinh ư dần), mùa của sinh nở, của sự sống, ngược với hành kim mùa thu chỉ thu lượm, chỉ về chết. Bởi thế con người sinh ra ở cung Dần lúc khởi đầu mùa xuân để cùng muôn cây đâm hoa kết quả. Tóm lại Nữ thần mộc không chi khác hơn là nền minh triết nhân sinh dạy con người sống sao cho xứng địa vị cao cả của người Đại Ngã.
Xin hỏi bài dạy ra sao? Thưa nó ẩn tàng trong ba chữ “nhà chữ Đinh” đó. Muốn hiểu được bài dạy cần trước hết phải hiểu chữ Đinh là gì? Nhà là chi… Muốn hiểu đựơc chữ Đinh hãy đặt vào toàn bích là vòng giáp niên: Giáp, At, Binh, Đinh, Mậu, Kỷ… cùng với thập nhị chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thình, Tị… lúc ấy sẽ nhìn ra lối ở đời phải như thế nào. Con người là linh thì hoa trái đạt được không phải cái chi to lớn trên bình diện vật chất thuộc lượng số mà phải tìm trên nẻo tinh thần mới đáng tên là nhân linh: điều đó đựơc biểu tỏ trong bảng chu niên đại để như sau:
Ta biết linh với thần như nhau tức vô hình, nên đường đi lên nhân tính phải đi từ lượng tới phẩm, từ thô dại tới tế vi mà biểu thị là từ to tới nhỏ (như đã bày tỏ trên về luật Xứ Nghệ). Người sinh ở cung Dần, một con vật rất hùng tráng nên rất thích hợp để chỉ con người cương kiện nhân chủ. Tuy nhiên đó mới là khỏe xác thân, cần phải tiến nữa. Không được ở lì lại cung Dần rồi đi chinh phục, nhưng phải lớn lên theo hướng tâm linh là đưa cái sức lực to lớn đặt vào tâm hồn, nói cụ thể là phải tiến tới tế vi. Điều đó biểu thị bằng cách bé đi, nên tự Dần đi tới Mão, mà nghĩa siêu hình là Cửa, ý nói từ lượng chất phải đi vào cửa phẩm tính, đi vào cửa tinh hoa, đặng nhập thần. Vậy cần một con nhỏ hơn cọp, đó là mèo. Cọp to xác đi sao được vào nẻo tâm linh. Truyện cổ gọi mèo là dì cọp, dạy cho cọp đủ các động tác trừ miếng leo trèo.
Đó là câu truyện tuyệt cú nói lên đường đi vào nẻo tâm linh phải đi từ to tới nhỏ. To xác thì khỏe xác chứ đi được qua cửa hẹp tâm linh chỉ bằng rồng (Thìn) nhỏ đến độ mắt không thấy được nữa.
Ở đây cần mở dấu ngoặc để đưa ra vài câu hỏi tuỳ phụ nhưng đầy ý nghĩa. Thứ nhất tại sao cũng là Mão mà Việt kêu mèo, còn Tàu kêu thỏ?
Thứ hai truyện cổ nước ta cho mèo là dì cọp, hơn thế nữa còn là thầy dạy cọp đủ mọi ngón võ, nhưng lại hóm hỉnh không chịu dạy cho món trèo leo, tại sao mèo bé hơn lại là dì cọp, hơn nữa còn là thầy cọp và tại sao lại hóm không dạy hết nghề? Đó là những câu hỏi không biết đã có ai đặt ra chưa, kể cả cụ Nguyễn Trãi khi viết về mèo:
Hơn chó được ngồi khi mặt bếp,
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây.
Xin độc giả khoan đọc tới để thử tìm câu giải đáp. Sau đây là câu đáp theo triết lý an vi. Câu thứ nhất nếu xét sâu thì cả hai đều đúng vì thỏ chỉ trường thọ hoặc biết xem xa; còn mèo cũng đúng vì đọc lên nó gần với âm mão hơn, mão có nghĩa là cửa, nên mèo nhảy qua cửa được (*), nhưng đến đây lại xuất hiện câu hỏi phụ: cửa gì và có cần phải nhảy qua chăng? Lời đáp câu hỏi phụ này nằm trong câu hỏi thứ hai, mà câu đáp như sau:
(*) Cả hùm với mèo đều được tế trong lễ tạ ơn (Nho gọi là chá), còn thỏ thì không. Như vậy là có chứng từ để đoán mèo có trước thỏ. Thỏ đến sau nên không được tế (Kinh Lễ IX 2, 9).
Ta biết trong những bảng chu niên cổ nhất Dần trấn phía Tây với danh hiệu Bạch Hổ. Cớ sao lại sang Đông để làm chi đây? Có thể thưa hai lối: một là Việt đã đưa Dần sang để biểu thị đức hùng cường (ta biết Hùng Vương sinh ra ở cung Dần). Hai là Tàu đã sai cọp sang Đông du học đạo người của Di Việt nên cung Dần trước đọa ra Di, nhưng không may bà thầy chỉ dạy cho có vòng ngoài là văn minh, còn vòng trong văn hóa bí truyền, dành lại cho Việt tộc (Nữ thần mộc chỉ dạy riêng có Lộ Bàn Lộ Bộc) vì thế Việt kêu mèo là bà thầy của cọp. Mèo hơn ở chỗ nào mà đáng làm thầy. Nếu xét theo vòng ngoài cọp phải hơn, điều đó hiện rõ, nhưng nếu xét theo vòng trong mèo lại hơn, vì đường của tinh thần là đi từ to tới nhỏ, từ thô dại tới tinh vi, để chỉ phẩm tính khác với số lượng. Nếu vậy mèo hơn vì bé con lại thân cận với người: gần đền thì rạng, gần người thì khôn, nhờ đó biết leo cây tức là đi lên nét dọc để vào vòng trong chỉ bằng thìn là rồng. Rồng hơn mèo vì vô hình: có ai thấy rồng bao giờ đâu. Vì vô hình nên rồng biến hiện cùng khắp: lúc dưới nước khi trên trời. Nếu bắt về được mà nuôi chúng ta sẽ có một nền siêu hình thực sự vô hình, có khả năng thâu nhập vào cùng khắp đời sống: do thực sự vô hình. Điều ấy cọp không học được, trong huyền sử nước Tàu không thiếu truyện liên hệ chẳng hạn dòng họ của Đại Vũ có ngừơi bắt rồng về nuôi rồi ngả thịt, hy vọng thâu được nhiều đức của rồng. Kết quả là sau đẻ ra Bao Tự làm sụp đổ nhà Hạ (truyện này báo hiệu cho vụ thâu trống đúc ngựa của Mã Viện). Rồng là giống vô hình đâu có ăn thịt được như thế. Rõ rệt là chưa đựơc dạy cho bài học siêu hình chỉ thị bằng leo cây, các cây vô hình như cây “không tang”, “không đồng” chẳng hạn: rồng thực sự cũng phải đi lối “không” như vậy tức đi tự to tới nhỏ. Sở dĩ rồng là con vật cao quý nhất trong bảng chu niên vì rồng bé nhất, bé đến độ vô hình không còn ai thấy được nữa. Chính vì vậy mà rồng được dùng để chỉ cái đức của con người lung linh ẩn hiện khi dưới vực thẳm lúc bay lượn trên trời. Trong truyện cổ không thiếu những truyện đặt liên hệ mật thiết giữa cái trống và rỗng là do đó. Ca dao miền sông Cầu hát “Trống rồng canh đã điểm ba”. Hoàng đế bắt Giao long lột da làm trống tiếng vang xa 500 dặm. Vang 500 dặm là vang khắp vũ trụ (2-3) nhờ trống để Trống một mặt, còn rồng thì vô hình: cả hai đều chỉ linh hay thần đều “vô phương”, “Thần vô phương”.
Đến đây ta hiểu tại sao Nữ thần mộc dạy làm nhà chữ Đinh vì can Đinh đứng kế cung Thìn (xem lại bảng chu niên chương trên).
Vậy làm nhà chữ Đinh chẳng qua là cách nói bóng để nhấn mạnh trên điểm nối đất với trời để thành ra nhân. Nhân chỉ đại nhân khi đi vào nội tâm, điều mà Nho đã công thức hóa bằng câu “hợp ngoại nội chi đạo”. Ngoại là vòng địa mà điểm nối vòng trong rõ nhất là thìn đứng liềnvới đinh thuộc vòng thiên. Đấy cũng là ý nghĩa sâu xa của lễ thành nhân kêu là thành Đinh. Lễ thành Đinh, nhà chữ Đinh liên hệ với cung Đinh: ngày tế các hi hiền hi thánh. Đinh là cửa đi vào thâm tâm “Mậu kỷ” để nối ngang với dọc thành ra chữ Đinh T( một nét ngang một nét dọc ta đọc là Đinh, Hy Lạp đọc là Tau).
2. Đường vô xứ Nghệ
Vì thế sau can Đinh đến hai can Mậu kỷ không đặt ở vòng ngoài theo địa chi mà để vào chính giữa. Hai chữ Mậu kỷ hay tu kỷ giống nghĩa chữ tu thân. Nhưng chữ này đã bị xuyên tạc bởi thanh giáo, nên đọc lên làm người ta phát ơn vì những khắc nghị hy sinh, dồn nén làm thui chột con người. Bởi thế chúng ta sẽ dùng nhiều hơn thành ngữ Mậu kỷ để nói lên sự quan trọng nền tảng là phải phát triển con người Đại Ngã tâm linh. Người xưa quen thêm bộ thảo vào chữ mậu để nhấn mạnh ý làm nảy nở, phản lại ý tu thân theo thanh giáo đã nhầm làm teo lại, cản ngăn sự tiến triển con người. Phát triển con người chính là phát triển tâm linh đại ngã, cái linh đó không ở đâu xa mà ở nội tâm, nên sau Tiên Nho quen nói “tồn tâm dưỡng tính”, đó mới là nghĩa vụ chính của con người. Nói đến tâm linh là phải nói đến nguyên lý mẹ, nói đến Nữ thần mộc, suối nguồn của tình cảm. Tình cảm có cùng cực mới đạt vũ trụ chi tâm: bao trùm khắp vạn vật.
Đó là nguyên lý căn bản hơn hết trong triết lý nhân sinh. Vì thế triết nhân đã cụ thể hóa và nhà chữ Đinh: một loại thập tự nhai mà Hy Lạp kêu là chữ Tau và rất được quý trọng vì nó nói lên đức tính của con người vẹn toàn. Triết Việt đã nhân hình hóa rất rõ trong tư thế đứng hai tay chống vào hông như tượng trên các cán giao tìm được ở Đông Sơn cùng thời với trống đồng, hoặc rõ hơn nữa là tượng núi Nưa mà ta có quyền gọi là tượng Nữ thần mộc.
Đó quả là hình đại ngã tâm linh hay con người toàn vẹn gồm cả tâm lẫn sinh, tâm chỉ bằng tay chiêu, sinh chỉ bằng tay mục, cả hai đều chống vào mình. Tức tìm linh lực ngay nơi mình, không cần tìm ở ngoài. Đó là đức hùng cùng cực nên lễ thành đinh chỉ được cử hành vào tuổi thành nhân.
Ta hãy bàn thêm về hai chữ Mậu kỷ theo nghĩa làm phát triển cái thân và khi phát triển đến cùng cực thì gọi là thánh, thánh có nghĩa là chí thành, thành người toàn vẹn. Đây là việc quan trọng hơn hết trong đời nhưng đã bị quên lãng, hơn nữa còn đi trái ngược lại. Đó là do du mục đánh lộn sòng bằng đồng nhất hóa tu thân với diệt thân. Diệt thân bằng tự hạ, coi mình là hèn hẹ, đầy tự ti, bất lực… Đó là những tác động huấn luyện con người trở nên ngoan ngoãn để phục tùng các thế lực ngoại lai như tiền tài, danh vọng, thành công. Đó cũng chính là những bước sẽ đưa tới sự phục tùng chính quyền chuyên chế đủ loại nên được các chính quyền chuyên chế tán dương. Các chính quyền này chống lại triết lý nhân sinh bằng các thuyết lý diệt sinh ngay trang dưới tấm áo nhân đức: hy sinh, tự bỏ mình… trong đó toàn là những hệ quả của lối ở trời hay ở đất, ít có nền triết nào dám chống lại các “đức” đó, vì dễ bị mang tiếng là vô luân, lại vì khó nhận ra nơi phát xuất của chúng nên rất nhiều nền đức lý đã vô chiêu đề nhân đức, mà thực ra là vật đức chống lại con người, khiến con người quên vun trồng cái gốc căn bản hơn hết là tu thân, để đi tu những cái chi chi đến nỗi hè nhau chạy vào nẻo vong thân hết trọi. Điều đó có thể chỉ bằng Nữ thần bạt là nữ thần Đại hạn còm nhom do tu thân hiểu theo nghĩa diệt sinh, mũi hểnh lên. Trời thương không nỡ làm mưa, sợ “thần” chết sặc, thành ra thần Bạt gây hạn hán khô cạn. Chính thần Bạt đã giúp Hoàng Đế chiến Si Vưu của tộc Việt, tức giúp du mục đàn áp tinh thần nông nghiệp. Nông nghiệp cần nước lại bị hạn hán đành chết khô. Ap dụng vào người thì nữ thần Bạt là lối tu thân diệt sinh dẫn đến vong thân làm cho thân tâm khô cạn.
Nữ thần Bạt còm nhom chính là biểu hiệu những nền văn hóa vong thân: thay vì phát triển thân tâm (Mậu kỷ) lại chỉ lo tu ngữ luật, tu biện lý, tu hình học, La Mã tu luật học. Hiện nay là tu kỹ thuật, tức đúc súng đạn “dĩ đánh nhau vi bản”. Ngân khoản võ bị vượt xa ngân khoản văn hóa vô vàn. Đó là dấu tỏ con người chỉ biết có bài học của nữ thần Bạt, nên đang rảo bước trên nẻo vong thân đầy hiểm nguy: quên 2 chữ Mậu Kỷ của Nữ thần mộc.
3. Tại sao nhà trước nước?
Sau tu thân đến tề gia. Các ý hệ cũng như đức lý đã nhãng bỏ tu thân (nhãng bỏ ở đời để đi ở trời, ở đất) cũng bỏ tề gia luôn vì gia là khu nữu của lối ở đời.
Sự lơ là với gia đình có đã từ lâu lắm, từ lúc con người tiến vào văn minh như đã nói trong bài tổng luận Kinh Hùng: từ đấy các nền đức lý phi nhân hầu không bao giờ để ý đến gia đình, mãi tới gần đây mới lác đác nói tới nhà, thì không phải do bài học thâm sâu của nữ thần mộc mà do tâm trạng trống trải không nhà (homeless) tức là tâm trạng hoang mang của những con người què quặt vì thiếu bầu khí làm phát triển những đức quan trọng nhất của con người như biết yêu mình, yêu người là những đức tính chỉ nảy nở trong bầu khí chân thực của công thể là gia đình. Những tổ hợp mà người ta quen gọi là gia đình ngày nay thực chất chỉ là tổ hợp kinh tế, lao tác… Chứ tinh thần gia tộc đâu có còn được bao nhiêu.
Chính vì thiếu gia đình nên mọi mối liên hệ xây trên tình người đã bị thui chột, làm nảy ra tai nạn khủng khiếp là trong xã hội chỉ còn lại một liên hệ duy nhất là chủ nô mà hình thức hiện nay là bóc lột và bị bóc lột. Thế là bây giờ chúng ta mới hiểu được tại sao Nho giáo đặt tề gia trước cả trị quốc, vì muốn trị quốc một cách ơn ích cho con người thì phải đặt trên nền tảng gia đình để cho tình người nhu nhuận liên hệ giữa dân và nhà cai trị.
Như vậy là đã phần nào đáp câu hỏi tại sao Nữ thần mộc lại dạy làm nhà mà không thấy dạy trị nước? Ý nghĩa thâm sâu nằm trong chỗ tìm môi sinh ứng hợp cho con người. Nếu đã đem ra mẫu ngườitự cường tự lực gọi là văn lang với hồn thần, tất phải tìm cho nó bầu khí thuận lợi: bầu khí đó với con người là gia đình, đó là cái mẫu tổ hợp thuận lợi hơn hết. Theo cơ cấu có hai mẫu tổ hợp, một cho hồn khóm (những người cần cậy dựa vào ngoại lực), một cho hồn thần tức có tinh thần tự lập. Hồn thần cần môi sinh đầy tình để nó có cơ hội phát triển mọi khả năng về ý, tình, chí ta sẽ gọi là công thể. Còn xã hội thiếu tình gọi là cộng đồng hay đoàn lũ: con nào cũng y hệt nhau chỉ có cộng vào kiểu lượng số.
Hãy nói theo danh từ xã hội cho rộng ý. Ta sẽ gọi cộng đồng là xã hội lý theo nghĩa lý là lý sự. Còn công thể là xã hội tình theo nghĩa tình là tình người. Mỗi bên có một số nét đặc trưng tạm quy tụ vào 5 điểm sau:
Xã hội lý:
1. Là xã hội vòng ngoài, đặt cơ sở trên sức mạnh.
2. Lấy sự chiếm đoạt làm đầu, gây nên kẻ có người không, người nô kẻ chủ.
3. Cuộc sống được định nghĩa là cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa các giai cấp, tức giữa kẻ có với người không, giữa tư bản với vô sản, vô sản làm nô lệ, hữu sản làm chủ.
4. Liên hệ xã hội chỉ còn là chủ nô, dưới nhiều hình thức mà quan trọng hơn hết là kẻ thống trị và kẻ bị trị, giữa thống trị và phục tùng.
5. Đây là lối tổ hợp gọi là đoàn lũ hóa kiểu du mục gồm những cá nhân trơ trụi, liên hệ với nhau chỉ bằng luật pháp với quyền lợi, trên nữa không còn chi. Hạ tầng chỉ huy thượng tầng, homo homini lupus.
Xã hội tình:
1. Đặt nền ở vòng trong tức đặt cơ sở trên tình người.
2. Lấy sự san sẻ làm hướng đi, lấy bình sản làm tôn chỉ: lẽ sống là liên đới nằm giữa hai thái quá là thống trị và phục tùng. Còn đây là cai trị và tự trị.
3. Cuộc sống được quan niệm như một cuộc hòa nhạc, một bản ca vũ mà những hội hè đình đám là sự thể hiện cụ thể.
4. Vì xây trên tình người nên có tới 5 mối liên hệ là: a/ vợ chồng, b/ cha con, c/ vua tôi, d/ anh em, e/ bạn bè.
5. Đó là lối sống công thể: tất cả coi nhau như trong một gia đình, liên hệ đựơc điều động bằng lễ: homo homini deus. Người coi người như thần như linh (nhân linh ư vạn vật).
Đối chiếu mấy nét định tính của hai loại xã hội trên sẽ thấy xã hội lý vâng theo bộ định đề sự vật nên trọng về lượng (sức mạnh) với lối tổ hợp kiểu đoàn lũ: bên trên thiếu đạo theo nghĩa thiếu bộ định đề riêng cho con người, đành mượn bộ định đề của sự vật, được cụ thể hóa bằng pháp, bằng hình. Còn xem ngang thì thành viên chỉ là dân trơ trụi thiếu nhân, tức chỉ là cá thể, coi nhau như thù địch. Thù địch lớn nhất là chính quyền dưới hình thức khổng lồ và chuyên chế cùng cực để đè bẹp cá thể cô đơn, bất lực, không được một vòng đai nào lót giữa, y hệt đoàn vật: mỗi con liên hệ trực tiếp với cái gậy của người chăn.
Xã hội tình vâng theo bộ định đề riêng của con người, khác hẳn sự vật, nên coi trọng những định đề của nhân linh, nói vắn tắt là trọng Đạo. Vì thế phải tổ hợp theo lối đoàn thể tức mối liên hệ giữa các thành viên vâng theo lối cơ thể là cộng tác đồng đều. Người đói mọi phần thân thể đều còm. Người no mọi phần đều nảy nở, không c&oa