Sứ điệp Trống Đồng (4) - Cảnh thái hoà trên mặt trống

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2916 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


Chương trên đã kể ra các yếu tố có liên hệ mật thiết với văn hóa Việt gặp được trong trống đồng. Đó là cái nhìn sơ khởi có tính cách thăm dò lên sổ. Chương này trái lại sẽ nhìn mặt trống cách cơ cấu nghĩa là chú ý đến sự bố trí sắp đặt của những yếu tố đã nhận ra ở chương trước, để tìm ra cái đường hướng căn cơ.


Vậy khi nhìn toàn thể theo lối cơ cấu ta thấy đó là lối thái hòa tức có hai yếu tố quan trọng một là hài hòa: tất cả người vật đều hòa với nhau được biểu thị bằng ca vũ, cũng như cùng tiến bước theo lối tả nhậm. Yếu tố thứ hai nằm trong chữ thái (thái hòa) tức không phải một sự hài hòa hạn cục phần mở, nhưng là mối hòa hợp bao la như vũ trụ gồm cả trời, đất, người. Thật không thể đạt sự hòa hợp lớn lao hơn được nữa, như vậy có nghĩa là nền đạo lý tiềm ẩn bên trong đã đi đến chỗ cùng lý tận tính: vì những yếu tố tối quan trọng làm nên đạo trời, đạo người đều hòa hợp. Nói khác có đủ Thiên sinh đại biểu do mặt trời ở trung tâm, Địa dưỡng đại biểu do chim muông đất nước ở vòng ngoài, Nhân hòa là những con người đang ca múa ở vòng giữa. Đó là cái nhìn cai quát theo lối cơ cấu. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào từng chi tiết và trước hết là trời.


Sứ điệp Trống Đồng (4) - Cảnh thái hoà trên mặt trống


 

1. Thiên sinh


Điều trước tiên này cần phải giải nghĩa, vì thoạt xem vào mặt trống ta không thấy trời mà chỉ thấy có mặt trời. Với lối nói thường không có chi khác lắm, nhưng nhìn theo lối triết thì cả là một sự khác biệt sâu xa. Vì tự thờ mặt trời đến thờ trời có một chặng đường cần phải vượt.


Hãy phác qua lại những chặng đường đó theo lối nhìn thiên văn, tức căn cứ vào những hiện tượng thiên nhiên cũng như các thiên thể. Theo đó đường tiến triển của tâm thức con người có thể chia đại khái như sau:


Thờ thần khí tượng.

Thờ mặt trăng mặt trời.

Thờ trời.


Giai đoạn một hoàn toàn bái vật, con người thấy mình xuất hiện giữa bao ác thú: hùm, beo, hổ, báo luôn luôn chực hại mình, rồi các hiện tượng thiên nhiên mưa, bão, sấm, chớp, tuyết, lụt, đầy tính cách đe dọa đời sống khiến con người cảm thấy mình quá bé bỏng, đời sống mong manh, nên tâm thức đầy sợ sệt cần sự trợ giúp bao che, đây là giai đoạn thờ các thứ vật làm thần bản mệnh gọi là vật tổ, cũng là thời thờ các thần khí tượng: thần mưa, thần gió, thần sét, thần sông, thần núi… Chỗ nào cũng thấy có thần, tức một sức huyền vi vượt quá tâm sức con người nên con người tìm cách van xin nài nỉ, cuối cùng đi đến hối lộ là cúng tế. Đây là giai đoạn hoàn toàn sinh lý bái vật (biologic animism).


Dần dần nhận ra nài van vô ích thì đi đến ma thuật nhằm sai khiến quỷ thần như hô phong hoán vũ, độn thổ đằng vân… Rồi cũng không xong thế là người ta đổi đối tượng thờ cúng, bỏ những thần khí tượng vì tính chất bất đồng không theo luật lệ nào hết: lúc cần mưa thì nắng, lúc cần khô ráo thì lụt, lúc nóng bức không có được hột gío nào, lúc lại thổi ào ào đổ cả nhà cửa, đã vậy lại còn thiên tư. Trước khi đánh nhau bên nào không cầu xin, tại sao cho chúng nó thắng mà để mình thua. Thế là xảy ra sự đổi đối tượng mong tăng năng suất: người ta chuyển từ thờ khí tượng sang thờ những thiên thể xoay chuyển cách thường hằng. Trong đó chú ý trước hết là việc thờ mặt trăng. Mặt trăng không bốc đồng, tuy tròn khuyết khác nhau nhưng được cái đều đặn có thể dùng làm lịch săn bắt. Cuối cùng thì đến mặt trời lúc nào cũng tròn xoe, nhưng lại có 4 mùa phân minh cần thiết cho giai đoạn nông nghiệp. Đây là giai đoạn bio-solar: coi mặt trời như nguồn sống mà con ngừơi có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng hoặc hút lấy sinh lực.


Giai đoạn ba là thờ trời (bio-céleste): chia ra hai ngã, mộot thuộc khoa học (ý hệ), một thuộc tâm linh.


Mỗi giai đoạn trên có thể chia hai hay ba đợt, thí dụ về vầng nhật có hai đợt, một là kiểu ngoại sinh với lối ma thuật đen cũng gọi là dưỡng sinh hướng ngoại (vitalisme avec magie noire) với niềm tin mọi vật đều có sự sống nhất là mặt trời được coi là nguồn mạch, con người phải nuôi dưỡng bằng của quý nhất là máu người. Đó là niềm tin để nảy sinh nghi thức giết người để tế vầng nhật bên Phenicie, Astec…


Đợt sau tiến hơn khi dùng lối ma thuật cảm thông tuy còn nằm trong thuyết dưỡng sinh, nhưng đã đưa vào con người thay vì lấy sự sống con người để nuôi vầng nhật, bây giờ con người cố hấp thụ nguồn sống và sáng của vầng nhật vào nuôi mình. Đây có thể là bước đầu của văn hóa trống đồng vì các hình tam giác gốc biểu thị con người đang hướng về mặt trời để đón nhận hai luồng sinh khí và linh khí. Tuy nhiên muốn quy định chính xác đem lối trên trống đồng đã bứơc đến đợt thờ trời chưa, cần phải chú tâm tới huyền thoại, thói tục và cả ngôn ngữ đương thời nữa.


Theo đó ngay từ thời trống đồng đã thấy có những truyện biểu lộ cuộc di tản thờ vầng nhật sang thờ trời, thí dụ truyện Hậu Nghệ bắn chín mặt trời còn để lại có một. Truyện đó biểu thị sự bỏ giai đoạn quá tôn thờ vào mặt nhật có hại cho con người như nơi người Phenicie và Astec. Hơn thế nữa đã vượt cả giai đoạn ma thuật hấp thụ sinh lực của mặt nhật để tiến đến giai đoạn thờ trời hay là bio-céleste. Tiếng Việt kêu vầng nhật bằng tên mặt trời là hàm ý đó. Mặt trời không còn là bá chủ nữa mà chỉ là thay mặt cho trời kiểu đại diện, nói gọn là mặt trời.


Suy đoán này y cứ trên sự kiện là văn hóa Đông Phương không cắt đứt với dĩ vãng, dầu có bước lên đợt trên cũng còn duy trì tinh hoa của giai đoạn trước. Theo đó khi đã vào giai đoạn thờ trời vầng nhật vẫn còn được duy trì như vị đại diện cho trời. Còn mặt trăng tuy mất chức ông nhưng được giữ chức trọng đại biểu thị luật lệ thường hằng của minh triết, nên được kêu là cô Hằng, Hằng Nga. Từ ông Trăng mà ra cô Hằng tuy có xuống chức nhưng cũng có lên kiểu cách mạng Việt ta thường đùa: “Được làm vua thua làm đại sứ”.


Ngay văn hóa Tây phương tuy đi lối cách mạng tức huỷ bỏ giai đoạn trước, vậy mà cũng không thể căn cứ vào một vài điểm để kết luận, thí dụ không thể căn cứ vào tên ngày chủ nhật là Sunday mà kết luận Tây Au còn ở giai đoạn thờ vầng nhật. Vì thế để xác định tâm thức của một giai đoạn cần chú ý đến nhiều dữ kiện khác nhau, mặc dù mặt trống biểu lộ tục thờ thái dương thần nữ nhưng theo môi sinh tinh thần phải kết luận là nó đã vươn tới đợt tâm linh có cơ cấu: mặt trống chính là biểu thị cái tổ của cơ cấu. Theo đó trời có đối đáp là đất được biểu thị bằng nước; ở giữa có người: rõ rệt đã bước vào tam tài với hậu quả khác biệt. Muốn thấy rõ điều đó chỉ việc suy về hình tam giác gốc sẽ thấy hình này biểu thị mặt trời (mũi nhọn) chiếu giãi ánh sáng soi và nuôi vạn vật (H.37). Đấy là gốc rồi sẽ được thể hiện vào đời sống: bên ta là nón chóp, bên Ai Cập là Kim Tự Tháp. Sau đây là vài sự dị biệt:


1. Kim Tự Tháp: đỉnh là mặt trời soi xuống bốn góc của tháp.

2. Tháp này bao trùm xác chết.

3. Xác của vua: như vậy là Ai Cập thời Kim Tự Tháp còn nằm y nguyên trong giai đoạn thờ vầng nhật.


Sứ điệp Trống Đồng (4) - Cảnh thái hoà trên mặt trống

H.37: Kim Tự Tháp: đầu nhọn chân vuông (đầu bé, chân quá to, đúng là 4-1)


Còn bên Lạc Việt thì tam giác gốc được cụ thể hóa bằng cái nón chóp. Cái chóp (của nón chóp) là mặt trời, nó tỏa ánh sáng và sức sống xuống đến vành tròn (hàm ngụ số 3) chụp lên đầu mọi người để chỉ ai cũng được trời che: ai cũng có thiên sinh, phải đối xử với nhau như anh em.


1. Vậy nón chóp là một vật dụng để che đầu người sống.

2. Đầu của mọi người mà không riêng ông vua. Chỉ một so sánh nhỏ đó đủ chứng tỏ tâm thức được ghi trong trống đồng đã đạt giai đoạn thờ trời tức giai đoạn tâm linh rồi: vì nó đã vượt qua chết để đi vào sống, vượt quân chủ chuyên chế để tiến đến toàn dân (công thể).


(H.38: Nón chóp: tiêu biểu Trời che)


Ở đây phải nói đến sự khó khăn trong những lần vượt từ giai đoạn dưới lên trên: từ giai đoạn chú ý tới sinh lý trong bái vật đến giai đoạn chú ý đến u linh (sáng) trong việc thờ trời. Lý tưởng là sẽ hội nhập cả hai yếu tố: cả sống lẫn sáng cho thành toàn vẹn. Nếu chỉ theo có sống biểu thị bằng các thần khí tượng như thần sấm, gió, mưa… sẽ đâm ra lộn xộn chẳng có chừng mực nào. Bởi thế cần sáng soi cho có luật lệ thường hằng. Vì vậy sáng xuất hiện sau được biểu thị bằng mặt trăn, mặt trời và các sao. Nếu chỉ có sống như ban đầu là bái vật với các dị đoan buộc liền với các vật tổ, các thần thị tộc đầy tính thiên tư, bốc đồng và nhất là chuyên chế; còn nếu chỉ chú ý đến đức sáng và luật thường hằng, biểu thị bằng quãng cách của các ngôi sao như khoa học thiên văn thì có lợi cho khoa học, nhưng về đàng triết sẽ là ý hệ tức chỉ có ý niệm suông mà thiếu tình cảm tâm linh, nên không ăn vào đời sống được: đời sống ngoắt ngoéo co giãn chứ không thẳng tắp như đường đi của các thiên thể.


Do đó nếu đem được luật thường hằng vào đời sống sẽ có triết lý nhân sinh, có đạo tức là có các nguyên lý thường hằng hướng dẫn và bây giờ sẽ là tâm linh. Đó là ba phạm trù quan trọng thường gặp trong bộ triết an vi: nói theo bài này thì bái vật là duy sinh (thờ thần khí tượng), ý hệ là duy tâm (sáng) thờ mặt trăng hoặc mặt trời. Tâm linh là sáng và sống hòa hài: sáng chỉ bằng thờ trời bao gồm cả mặt trời mặt trăng và các sao, còn sống chỉ bằng đất nước. Nên ghi thêm là Tây Au chỉ đạt đợt ý hệ, nên lịch duy dương, còn triết thiếu nguyên lý mẹ rất quan trọng cho con người, nên phải dùng nguyên lý sự vật cho cả người như sẽ nói dưới phần III.

 

2. Địa dưỡng


Đất là một trong tam tài, giữ về dưỡng nuôi. “Thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa”. Ý nghĩa sâu xa là khi con người hiện thực nổi chiều kích đại ngã tâm linh thì được sống trong hạnh phúc. Trong đó của ăn là một thành phần chính. Bằng cách này hay cách khác khi xã hội được cai trị theo lối tâm linh thì dân nứơc không bao giờ thiếu những thứ cần thiết về ăn mặc, hơn nữa còn giúp vào việc dưỡng nuôi giáo hóa muôn vật như được biểu thị trên mặt trống: nhờ có vòng các tam giác gốc chỉ thị sự sống toàn triệt cả âm lẫn dương, cả trời cả đất mà vòng ngoài cùng ta cảm thấy cảnh sống tưng bừng cả người lẫn vật, sống theo đợt tiến hóa cao nhất tức giai đoạn phong lưu: làm ít chơi nhiều, thảnh thơi như các chim luôn luôn ca hát múa nhảy: ít phải lo đến vấn đề ăn mặc, nơi ở, chốn làm. Đem so với hoàn cảnh con người hiện tại thì phải nói là nhà dột từ nóc: nóc là thiên là vũ trụ, là đại ngã tâm linh đã bị bỏ quên, bỏ đói, nên vòng ngoài bị dột nát: toàn tranh đấu, giành giật, hết còn là Địa dưỡng. Lao động tối tai mặt mũi mà vẫn đói khổ, hay sống chật vật, sống hùng hục như trâu kéo cày, không sao vươn cao lên đợt con người phong lưu được. Ay cũng chỉ vì sự hiểu sai về con người, nên chúng ta sẽ bàn kỹ về người hơn.

 

3. Người hay là Nhân Hòa


Bây giờ bàn đến nhân với sứ mạng là hòa, chập cả hai chữ lại là nhân hòa. Hòa chi đây? Nói theo triết Việt nho là hòa trời với đất, cơ cấu gọi là hòa vòng trong với vòng ngoài hoặc nói theo lối thông thường là hòa lương tri với minh triết. Hễ hai đợt này hòa nhau sẽ có tâm linh, còn thiếu thì chỉ là bái vật với ý hệ. Vậy mà trong dĩ vãng con người ít đạt được tới minh triết. Có nghĩa là triết lý (vòng trong) với lương tri (vòng ngoài) không hòa nhịp được với nhau. Tất cả lỗi ở tại phía triết vì đã bám vào ý niệm sự vật hay sự kiện nào đó rồi nâng nó lên đợt cơ cấu, tức trao cho nó quyền tuyệt đối điều động vượt cả ý muốn cá nhân. Hãy lấy thí dụ Plato là triết gia thượng thặng của Tây Au đến độ Whitehead đã có thể nói rằng 25 thế kỷ triết học Tây Au chẳng qua chỉ là cước chú những trang sách Plato. Đó là câu nói thật, nên nhìn ra con đường tiến triển của Plato cũng là nhìn ra con đường của các triết gia khác.


Vậy con đường tiến của Plato đã hiện hình lên trong các sách của ông với hai đặc điểm này: trước hết là các sách ban đầu đều kính trọng tự do của người đối thoại, nhưng càng về sau thì càng đi sát gần đến độc thoại. Thứ đến trong các sách đầu Socrates xuất hiện như một ông thầy đáng quý tôn đầy uy tín, nhưng rồi càng về sau Socrates càng bị lu mờ. Trong quyển Phoedus Socrates còn sống động và tỏ ra có cảm tình với các thi sĩ được coi trọng gần ngang hàng với triết gia, cho là cũng được thần hứng hướng dẫn. Nhưng đến quyển Sophist là đối thoại muộn thi sĩ bị đặt ngang hàng với những biện sĩ nói quẩn. Socrates hết sống động mà chỉ còn là nhà suy luận trừu tượng khô khan. Đến quyển Parmennide Socrates rút lui xuống vai thụ động ngồi nghe Parmennide giảng giải về các luật của biện chứng pháp. Đến quyển cuối cùng là Laws còn thảm nữa: Socrates bị thay thế do một người khách lạ đến từ Athens để lên án tử cho những ai không chịu tôn thờ các thần nhà nước, tức là chính “tội” mà Socrates đã bị kết án tử hình. Ta dễ thấy được người khách lạ chính là Plato đã biến thể, đã trở nên duy lý, trở nên một ý hệ gia đầy óc độc chuyên đã đòi lại quyền ăn nói từ tay Socrates. Có thể nói chính Plato đã lên án tử cho thầy. Thật là xa với ý muốn ban đầu biết bao. Hỏi cái gì đã làm Plato thay đổi đến thế. Thưa đó chính là cái hệ thống tư tưởng duy lý đã biến Plato từ một môn đệ thành khẩn đọa ra một quan án khắc nghiệt, từ một người yêu chuộng tự do đốc ra một nhà chuyên chế độc tài.


Vậy mà đó cũng chính là con đường của hầu hết các triết gia Tây Au đặt trên nguyên lý sự vật. Tuy họ nói nhiều điều hay nhưng là do lương tri nên không hiệu nghiệm bằng cơ cấu. Bao điều nói hay không được thực thi nhưng vài điều nói dở lại được hiện thực. Thí dụ chỉ một điều cực tôn thần thị xã là cái đã bắt Socrates phải bức tử được thì hành. Chỉ có điều thần thánh hóa chính quyền trong Hegel được thực thi, Kant cũng vậy.

Đó là then chốt của sự lẩn quẩn trong làng triết: muốn một đàng đi một nẻo, biến triết thành một trò chơi trống rỗng xa đời sống, không chu toàn nổi vai trò hướng dẫn cuộc đời. Thế mà cuộc sống cứ phải sống, nghĩa là phải được chỉ huy cách nào đó, nhưng hại thay triết học đã lầm đường, y như bái vật đã lầm trước vậy. Nếu thế ai sẽ chỉ huy cuộc sống thay cho triết lý đang bị mắc kẹt? Thưa là lương tri.


Lương tri là sự hiểu biết thông thường tự nhiên ban cho để con người duy trì sự sống, tuy không sâu xa như minh triết, không giải quyết được những vấn đề lớn lao như tính mệnh, thời gian, vũ trụ, nhưng cũng có tính chất tổng hợp nên cũng thường được gọi là minh triết nhân gian, minh triết cấp thời, của con người bé nhỏ. Còn Minh Triết viết hoa mới là tổng hợp với Đại Ngã, nói theo cơ cấu là với vòng trong. Lương tri chỉ có vòng ngoài. Vòng ngoài hay vòng thành thuộc sự vật, hoặc biến cố đã hiện hình. Lý tưởng của con người phải là đạt cả vòng trong ngoài mới đáng tên “lưỡng thê” (sống cả hai đợt), mới có thể đạt thái hòa, trong ngoài ăn khớp; lúc ấy và chỉ lúc ấy thôi con người mới có thể an nhiên tự tại. Thế nhưng trong thực tế ít người đạt được vòng trong. Một trong những lý do là tại triết học đã xây trên ý niệm hay những tin tưởng thuộc vòng ngoài, nên dù xây đắp bao nhiêu nó vẫn không giúp thấu vào đợt Đại Ngã tâm linh được, mà đã như vậy nó sẽ mắc bệnh duy đủ chứng tức đề cao khía cạnh này, lấn át khía cạnh kia: đưa ra những mệnh lệnh trái ngược với con người toàn thể, nếu cứ theo riết sẽ gây đau khổ cho con người, vì là đường diệt sinh. Vậy mà đó là sự thường tình của triết học, của các thuyết lý thanh giáo, nhưng được trình bày cách hấp dẫn bằng mặc cho những tên lớn lao và được ca ngợi như những đức tính cao cả. Nhưng tựu trung vẫn chống lại đời sống. Thí dụ những cấm kỵ cổ xưa về tình dục truyền sinh, về ăn uống… Thế mà con người lại phải sống, thành thử lương tri phải sửa đổi lại mệnh lệnh của triết học hay thuyết lý bái vật. Nó phải tìm cách thích nghi thế nào cho đời sống ít ra có thể tạm sống: đấy gọi là “luật điều chỉnh của lương tri”.


Thành thử các nền đức lý cũng như triết thuyết đều lâm cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược: kèn là nguyên lý của triết học đều ngược chiều sống. Nếu có được ít nhiều xuôi chiều là nhờ có trống lương tri nhưng không đổi được cơ cấu. Vì vậy triết học không được coi trọng bởi nó tỏ ra không thực tế bằng lương tri. Nhiều nền triết học hay đức lý còn tỏ ra tệ hơn nữa khi ban ra mệnh lệnh trái khoáy: như coi đàn bà là hiện thân của quỷ ma để đi dụ dỗ; coi nhạc như tiếng của hỏa ngục… Xem cổ sử nhân loại ta sẽ thấy văn hóa xưa đầy những điều dại dột được đề ra như lệnh truyền, nhưng đi ngược nhân tình đến độ lương tri không thể điều chỉnh nổi nữa, lúc ấy nó phải lờ đi. Thế là thuyết lý trở nên đồ xa xỉ để khỏi nói là vô tích sự và thường được ví với ông chủ điên, còn lương tri ví như con sen có công cảm lành mạnh khoẻ khoắn mà phải giúp chủ mát, thành thử khi ông chủ ban ra những lệnh truyền có hại cho đời sống, thì con sen cảm thấy lờ mờ là có hại, nên bỏ ngoài tai, để cứ thu xếp mọi việc như thực tế. Tuy thế thường ít có thể nhìn ra, nhưng sự thực đến 90% triết học cũng như đức lý đều nói lên những điều dại dột nền tảng như vậy (nhưng được che đậy bằng những tư tưởng hay đẹp vòng ngoài và bằng sự sửa chữa của lương tri). Cũng may nhờ có lương tri mà loài người đã lờ đi những lới huấn đức của bao thuyết lý, chứ nếu nghe theo hết thì hẳn vũ trụ này đã trở nên nhà thương điên toàn triệt. Sở dĩ có sự ghê gớm như vậy vì triết học hay đức lý lấy thực làm phi thực, lấy phi thực làm thực và gọi đó là sự thật. Thế mà muốn sống con người không được xa lìa sự thực. Bi kịch của con người l&ag

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...