Thiền phái Lâm Tế
Thiền phái Lâm Tế là một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia Thất tông tức là thiền chính phái được Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền (không rõ năm sinh, mất năm 867) sáng lập.
Nghĩa Huyền người huyện Nam Hoa (Tào Châu), là truyền nhân đời thứ 6 kể từ Lục tổ Huệ Năng. Sau khi xuất gia, Sư học đạo với Thiền sư Hy Vận ở núi Hoàng Bá, rồi đến học đạo với Thiền sư Đại Ngu. Năm 854, Sư đến Trấn Châu thành lập viện Lâm Tế sát bờ sông Hô Đà, từ đây Sư thâu nhận đồ chúng tu học rất đông đảo. Năm 867, vào ngày 10/04, Sư thâu thần thị tịch, đệ tử nối pháp có các vị Quán Khê-Chí Nhàn, Bảo Thọ Chiểu, Tam Thánh-Tuệ Nhiên, Hưng Hóa-Tồn Tưởng... chừng 20 người, về sau tạo ra một tông phái lớn, tông Lâm Tế.
Thiền phái Lâm Tế thuộc hệ tư tưởng Tổ sư Thiền. Tôn chỉ của thiền phái này mang tư tưởng: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (Không lập cước trên văn tự ngôn ngữ, truyền ngoài giáo điển, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật).Từ tôn chỉ ấy, phương pháp thiền của phái này không theo hệ thống tư duy thông tục, siêu việt tất cả những phương pháp của luận chứng hợp lý - Tư duy không cần phương pháp, tư duy là để tạo cơ hội cho sự thức tỉnh của tuệ giác. Và đây cũng là cương lĩnh cho phương pháp thiền của Lâm Tế.
Với thiền phái Lâm Tế, Tổ sư Nghĩa Huyền đã thể hiện được một phong cách và nghệ thuật rất riêng nhằm khai mở thiền cơ cho đối phương, có thể nói là rất hùng hồn và vô cùng độc đáo. Những phong cách và nghệ thuật ấy được thể hiện qua: Tứ liệu giản, Tứ tân chủ, Tứ hát, Tứ chiếu dụng, Bát bổng và đặc biệt là Thiền công án. Qua các phong cách này, thiền giả tùy duyên tiếp nhận để khai ngộ chân tâm.
Tứ liệu giản
Đây là một phương pháp được coi là hay nhất để giúp hành giả khám phá ra được những công án khó khăn và bí hiểm nhất ở trong thiền. Bốn liệu giản gồm: “Đoạt nhân không đoạt cảnh. Đoạt cảnh không đoạt nhân. Nhân cảnh đều đoạt. Nhân cảnh đều không đoạt”.
- Đoạt nhân không đoạt cảnh: Đoạt nhân có nghĩa là bác bỏ khước từ cự tuyệt, phản đối hoặc tước đoạt cái người đến tham vấn; và không đoạt cảnh có nghĩa là không phản đối lời của người ấy.
- Đoạt cảnh không đoạt nhân: Cũng như sự phân tích về hai chữ đoạt nhân và không đoạt cảnh ở trên, chỉ khác là ngược lại. Đoạt cảnh là khước từ lời của người đến tham vấn. Không đoạt nhân nghĩa là không phản đối người đến tham vấn. Nói chung, đoạt cảnh không đoạt nhân là loại trừ, bác bỏ những ngôn từ của người hỏi nhưng không bác bỏ loại trừ người hỏi.
- Nhân cảnh đều đoạt: là làm cho đối phương không còn bị mắc kẹt vào ý niệm về chủ thể và đối tượng, về tâm và cảnh...
- Nhân cảnh đều không đoạt: Chiêu thức này được xem như là hư chiêu, nhân cảnh tự nó phơi bày.
Đây là Bốn liệu giản của Tổ sư Lâm Tế đề xướng và sử dụng. Bốn liệu giản này là một phương pháp khai mở thiền cơ cho đối phương, là phương pháp hay nhất trong các phương pháp; có công năng đập vỡ và phá giải được những công án đầy bí hiểm mà ở nơi đó tri thức, ngôn từ, ý niệm không thể nào đi vào được.
Tứ tân chủ
Tứ tân chủ nghĩa là bốn loại chủ khách. Hiểu theo dụng ý của nhà Thiền thì chủ là cái bản tánh thanh tịnh, là cái chân tâm thường trụ, bất biến xưa nay nơi tự tâm; còn khách là những vọng thức, phân biệt sai lầm... đến đi, sinh diệt trong từng sát-na ở tâm thức. Phương pháp chủ khách được thực hiện qua bốn trường hợp sau: “Khách trong khách. Chủ trong khách. Khách trong chủ. Chủ trong chủ”. Bốn trường hợp của chủ khách này cũng nhằm vạch rõ cho hành giả nhận chân được con đường để tiến thẳng đến mục tiêu tối đỉnh của Thiền.
- Khách trong khách: Theo Thiền sư Tổ Nguyên: “Hướng vào sự trái với lý, tự mê muội bản chơn ấy là khách trong khách”. Sự là hành động tạo tác, là vọng tướng phân biệt, là giả tưởng không thật có sanh có diệt. Lý là chỉ cho chủ thể, là mục đích cần đến, cái đó vốn tự có, không phải đến đi sanh diệt.
- Chủ trong khách: Cái lý và cái sự chẳng tách rời nhau, cái tốt cái xấu, cái chơn cái vọng,... chúng không phải tách rời nhau mà tất cả chỉ là hai mặt của một thực tại. Cái tốt có mặt là bởi có sự hiện hữu của điều xấu, cái chơn hiện hữu là bởi cái vọng có mặt. Nếu bỏ vọng để tìm chơn thì không bao giờ được, bỏ xấu để tìm tốt thì cũng chẳng lúc nào thành, tất cả chúng làm nên cho nhau, có mặt trong nhau - nên trong kinh có câu: “Phiền não tức Bồ-đề” là nghĩa này vậy.
- Khách trong chủ: Cũng như sự phân tích ở trên, trong lý có sự, trong sự có lý. Đặc biệt ở đây nhấn mạnh thêm, cái lý thường sanh ra cái sự.
- Chủ trong chủ: Trường hợp này nhằm chỉ cho những người khi đã thấy được cái lý chơn thật, tức khi nương vào phương tiện để đến cứu cánh, và đã đến với cứu cánh rồi thì buông bỏ phương tiện, như khi người đã qua sông thì bỏ bè lại chứ không cần ôm đi theo.
Đó là bốn loại chủ khách mà Lâm Tế thường dùng cho bốn hạng người: hạng người chạy theo với khách cảnh, hạng rơi vào chủ thể độc lập, hạng phân biệt nhị nguyên và hạng mắc kẹt vào pháp sở hành.
Tứ hát (bốn loại hét)
- Hét là một phương pháp đánh thức mê tâm của người học Thiền quay về chứng nhập với chân lý nhiệm mầu một cách nhanh nhất. Tiếng hét không chỉ bắt đầu từ Thiền sư Lâm Tế mà đã được Thiền sư Mã Tổ - Đạo Nhất (sinh năm 709 - mất năm 788) sử dụng trước đó khá lâu. Mã Tổ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Thiền. Ngài hét to khi Bá Trượng đến tái vấn Thiền, tiếng hét chát chúa đến nỗi Bá Trượng điếc tai ba ngày. Nhưng tiếng hét của ngài Lâm Tế lại càng hùng hồn hơn, có công năng và hiệu dụng hơn. Và tiếng hét được coi là phương tiện tuyệt kỹ nhất của Lâm Tế.
Tổ sư Lâm Tế phân biệt có bốn cách hét: “Có tiếng hét như gươm báu vua kim cương. Có tiếng hét như bốn vó sư tử vàng trụ bộ trên mặt đất. Có tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ. Có tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét”.
- Tiếng hét như gươm báu của vua kim cương: Đây là tiếng hét mang chất liệu chắc cứng và sắc bén có công năng chặt đứt mọi ý thức ngôn từ vọng tưởng, chấp trước và phân biệt về phàm thánh, ngã nhân, thiện ác... để rồi đi vào với tự tánh chơn thường, rỗng lặng.
- Tiếng hét như bốn vó sư tử vàng trụ bộ trên mặt đất: Đây là tiếng hét có công năng và sức mạnh đập tan mọi ý niệm nhị nguyên, sai lầm điên đảo.
- Tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ: Đây là tiếng hét mang chủ ý dò xét, phản chiếu để thấy rõ được nguyên hình của đối phương cầu pháp đang còn bị trói buộc, mắc kẹt vào những đối tượng nào, những sai lầm nào.
- Tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét: Đây là tiếng hét đập phá lại tiếng hét tri thức.
Trên đây là bốn loại hét của Tổ sư Lâm Tế nhằm khai mở thiền cơ cho học trò, và phương pháp này đã trở thành rất phổ biến trong truyền thống của tông Lâm Tế.
Tứ chiếu dụng
Tứ chiếu dụng cũng là một phương pháp khác nhằm chỉ cho hành giả thấy được cái thấy bằng trực giác, không suy lường phân biệt, không đắn đo suy nghĩ. Bốn chiếu dụng gồm: “Trước chiếu sau dụng. Trước dụng sau chiếu. Chiếu dụng đồng thời. Chiếu dụng chẳng đồng thời”.
Trước chiếu sau dụng là có người; trước dụng sau chiếu là có pháp; chiếu dụng đồng thời là đuổi trâu của người cày, đoạt cơm của kẻ đói, đập xương lấy tủy, xuống tay mạnh bạo; chiếu dụng chẳng đồng thời là có hỏi có đáp, lập chủ lập khách, hợp nước hòa bùn, ứng cơ tiếp vật. Nếu là người vượt hạn lượng thì trước khi chưa nêu ra, kêu đến liền hành động, vẫn còn chút ít so sánh.
Bát bổng (tám loại gậy)
Bát bổng có nghĩa là tám phương pháp dùng gậy đánh vào đối phương, tùy theo từng khả năng đạt Thiền của họ mà có những đường gậy mang nội dung khác nhau. Lối đánh này là phương pháp quen thuộc nhất của Đức Sơn - Tuyên Giám. Với Lâm Tế thì chuyên sử dụng tiếng hét nhiều hơn. Tuy nhiên về lối đánh, Lâm Tế sử dụng cũng không phải ít, ngài đã phân biệt có tám cách đánh gọi là Bát bổng như sau: Thưởng bổng: gậy thưởng. Phạt bổng: gậy phạt. Tung bổng: gậy tung. Đoạt bổng: gậy đoạt. Ngu si bổng: gậy ngu si. Hàng ma bổng: gậy hàng ma. Táo tích bổng: gậy quét dấu vết. Vô tình bổng: gậy vô tình.
Tám loại gậy này dùng để thức tỉnh người còn mê mờ trong hành thiền nhằm đưa đến sự liễu giải triệt ngộ hoàn toàn.
Thiền công án
Đối với tông phái Lâm Tế, khán thoại đầu hay công án được xem là phương pháp chủ chốt nhất. Còn những phương pháp khác như đánh, hét, chủ, khách đều chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là đập vỡ khối công án cứng ngắc mà hành giả đang bám lấy.
Công án được bắt nguồn từ lối vấn đáp, tức là hỏi và trả lời giữa thầy và học trò. Nó không mang tính lý luận, và cách giải đáp càng không thể dựa trên nền tảng của tri giác nhận thức, trên ý niệm phân biệt suy lường và luận lý. Công án chẳng phải là một câu nói tối nghĩa, khó hiểu, chẳng phải có thâm ý hài hước, mà nó có một mục tiêu chính xác và rõ ràng: làm khởi nghi và đẩy khối nghi đó của hành giả đến chỗ tận cùng bế tắc. Thiền công án không phải được bắt đầu từ Tổ sư Lâm Tế, tuy nhiên phương pháp này đến thời của Lâm Tế mới sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến ở trong tông phái nói riêng cũng như trong Thiền học nói chung.
Tóm lại, với các phương pháp dạy thiền khá đặc thù mang đậm phong vị văn hóa Trung Hoa, Thiền sư Lâm Tế đã tiếp cho Thiền tông Trung Hoa thêm một sức sống mãnh liệt làm cho nó trở nên phong phú, đa dạng và cũng không kém phần sinh động, táo bạo bởi những cú đánh, những tiếng hét đến tê người, hay những câu hỏi chết lịm.
Với những đặc thù này, thiền phái Lâm Tế được truyền vào nước ta. Tuy nhiên, sắc thái của thiền Lâm Tế Trung Hoa theo thời gian đã bị văn hóa Việt Nam dung hóa mãnh liệt. Cốt cách thiền Lâm Tế thì vẫn như vậy nhưng phương thức hành đạo tại Việt Nam hoàn toàn có sự sai khác, thiền phái này dần thích ứng và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Thích Trung Định/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn