Thử tìm hiểu về Bàn thờ Ông Thiên qua vài trang sách cũ (1)
Nhắc tới miền quê thuộc miền Tây Nam nước Việt, không ai là không biết tục thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” nơi trước sân ở mỗi nhà; nhưng
Tác giả |
danh từ “Bàn Thờ Ông Thiên” có từ khi nào thì khó mà xác định một cách chắc chắn.
Lần giở lại các trang sách cũ, như quyển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huình-Tịnh Của (1) không có danh từ này. Rồi đến các tự điển như “Hán Việt Từ Nguyên” hoặc “Tầm Nguyên Từ Điển” của Bửu Kế (2) cũng không thấy nhắc đến danh từ này. Lần mò tìm trong “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển” của Trịnh Vân Thanh (3) cũng không có vết tích gì về “Bàn Thờ Ông Thiên”. Ngay như quyển “Việt Nam Tân Tự Điển” của Thanh Nghị, do nhà xuất bản Thời Thế (Sài Gòn), 1951, cũng không có ghi lại danh từ này dù việc thiết lập “Bàn Thờ Ông Thiên” đã có từ rất lâu trước đó.
Vì muốn tìm hiểu việc thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” rất phổ thông này nơi các làng quê, chúng tôi tìm đọc qua các sách vở có liên quan đến đất Nam Kỳ như “Một Tháng Ở Nam Kỳ” trong quyển Hành Trình Nhật Ký của Phạm Quỳnh (4), “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang” cũng như “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam (5) đều không thấy nhắc đến việc thờ Trời này.
Rồi chúng tôi dò tìm lại “Việt Nam Phong Tục” của Phan Kế Bính, “Làng Xóm Việt Nam” của Toan Ánh (6) đều không thấy vết tích gì về “Bàn Thờ Ông Thiên”.
Đến như cuốn “Thần, Người Và Đất Việt” (bản mới) của Tạ Chí Đại Trường (7) tác giả có khảo sát rất chi ly về các tín ngưỡng trong việc thờ phượng tế tự cùng các tôn giáo vùng đất Nam Kỳ, nhưng cũng không thấy nhắc đến việc cúng kiến nơi “Bàn Thờ Ông Thiên”.
Thành ra, càng tìm kiếm sách vở nhắc đến “Bàn Thờ Ông Thiên”, dù chưa gặp, nhưng tôi vẫn không nản lòng vì qua việc tìm kiếm này, tôi có dịp đọc lại nhiều sách cũ mà lúc bình thường tôi chưa đọc kỹ.
Thế rồi, qua cuốn du ký và biên khảo “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mưòi” của Nguyễn Hiến Lê, tác giả kể:
“Ngoài Bắc làng nào cũng có chùa, và phụ nữ thường đi lễ Phật đấy, song ít nhà có bàn thờ Phật và số người ăn chay không đáng kể.
Anh Bình mỉm cười:
- Anh quên rằng dân quê Bắc-Việt suốt năm ăn chay sao? “Tứ thời rau muống, tứ thời tương.”
- Ngay những nhà giàu ở thành-thị cũng ít ăn chay, ít lắm, mà có ăn chay thì chỉ ăn tại chùa, trong những dịp có hội hè, tế lễ thôi. Trong này mười gia đình thì tám chín gia đình có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ ông Thiên và nhà nào cũng có người ăn chay.
Bàn thờ của người Bến Tre
Đi ghe trong các kinh, rạch, vào lúc sẩm tối, ta thường thấy hai bên bờ, cứ vài chục thước lại hiện lên những đốm đỏ, nhỏ như đom-đóm; đó là hương thắp trước mỗi nhà. Có xóm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ. Có miền tới ngày rằm, mùng một, không sao kiếm được ở chợ các món thịt, cá. Nhà nào cũng ăn chay và có nhiều người ăn chay trường. Cảnh ấy, ở Bắc-Việt tuyệt-nhiên không thấy.”(8)
Ở cuối trang tác giả chú thích về “Bàn thờ ông Thiên”: “Một bàn thờ nhỏ đặt trên một cái trụ ở giữa trời tại giữa sân, trước nhà, để thờ Trời Phật” (9).
Có được những bút lục vừa kể chúng tôi mừng lắm, ít ra có một bậc tiền bối ghi lại việc thờ phượng Trời Phật này bằng giấy trắng mực đen thay vì mình chỉ biết qua truyền miệng với nhau. Thế nhưng, vì muốn tìm học hỏi thêm, nên chúng tôi tìm đọc lại “Văn Minh Miệt Vườn” của Sơn Nam, và bắt gặp nhà văn ghi lại đôi nét về khung cảnh nhà cửa miệt vườn như dưới đây:
“Chúng tôi thử phác họa một ngôi nhà ở Miệt Vườn, chủ nhân là dân điền chủ bậc trung. Nhiều ngôi nhà cất sau này dựng hàng rào sắt, có xây hồ nước lộ thiên, có lầu. Theo ý chúng tôi thì những ngôi nhà tân thời ấy, không tiêu biểu cho lắm, tốt hơn là nên chọn lựa một kiểu nhà hơi xưa, cất vào khoảng năm 1905-1910, lần hồi gia chủ mua sắm thêm bàn ghế bên trong, tu bổ lại.
Địa điểm chọn lựa là vùng Cái Bè, ở bờ sông Tiền, nơi nổi tiếng nhờ vườn cam và cũng là vùng đất xưa. Hy vọng rằng kiểu nhà sau đây- nhà của điền chủ- nói lên được phần nào cách ăn ở của người Miệt Vườn hồi đầu thế kỷ, với nhiều tiểu dị nhưng cũng có nhiều nét đại đồng. Những người phú nông, trung nông cất nhà theo quan niệm ăn ở và thẩm mỹ ấy, nhiều chi tiết được thay đổi tùy theo túi tiền của gia chủ.
Mỗi nhà là một cung điện bình dân, với nhà thủy tọa, với sân rộng, hòn non bộ, cây kiểng. Sau nhà là vườn tược, trước sân và bên hông thì trồng cây để lấy bóng mát. Nhà không quá kín đối với người ngoài.
Nhà mát cất ở mé sông, kiểu nhà thủy tọa, có “băn” bằng cây đóng chung quanh. Đây là nơi lý tưởng để ngắm cảnh khi trăng lên, khi nước lớn. Bên cầu mát là trại lá nhỏ để ghe xuồng đậu, từ chiếc ghe hầu, mui ghe chạm trổ phết vàng sơn son, đến chiếc ghe lườn, xuồng be, xuồng vỏ gòn.
Rời nhà mát, gặp con đường cái, chạy dài theo mé rạch. Qua lộ, đến cổng vào nhà. Cổng ít khi đóng lại, nhiều khi không có cửa. Cổng bằng cây, bằng gạch. Nếu túng thiếu hoặc yêu mến thiên nhiên, cứ trồng cây, uốn cho nhánh giao lại theo hình vòng nguyệt, hai bên là hàng rào bằng cây khô hoặc cây tươi như dâm bụt, cây trà kiểng, cây kim quít.
Từ cổng vào nhà là con đường lót gạch tàu, bên đường viền cỏ dền tây, bông nở ngày, bông vạn thọ hoặc cây đinh lăng.
Bàn thờ ông Thiên dựng giữa sân, gần đường cái. Nhiều khi gia chủ bố trí thêm một cây trụ, trên chót là cái lồng cửa kiếng, ban đêm thấp ngọn đèn dầu lửa cho vui. “(10)
Qua đoạn trích vừa kể bàn về ngôi nhà hồi đời xưa, tức là vào những năm 1905-1910 nơi miệt vườn đã có “Bàn Thờ Ông Thiên” tươm tất rồi với ngôi nhà tiêu biểu vừa kể. Điều đó cho thấy, sự thờ Trời Phật qua Bàn Thờ Ông Thiên có lẽ nó đã có khá lâu trước đó.
Bàn Thờ Ông Thiên bên hai gốc mai vàng ngày Tết
Trở lại nhận xét của Nguyễn Hiến Lê về tín ngưỡng của dân Nam-Việt trong cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, tác giả viết:
“Ở chùa bước ra, tôi nói với anh Bình:
- Theo Chu Duy-Chi, tác giả cuốn “Trung-Quốc Văn-Nghệ Tư-Trào Sử-Lược”, thì miền nam Trung-Hoa khí hậu mát-mẻ, đất cát phì nhiêu, việc mưu-sinh nhẹ-nhàng, nên dân-gian thường được nhàn-hạ, có thì giờ không-tưởng, suy-nghĩ về lẽ huyền bí của Vũ-trụ, tìm cách thoát tục tu tiên. Óc tưởng-tượng của họ phong phú mà óc thực tế thì kém, văn-chương lãng-mạn phát-đạt hơn văn-chương tả thực. Trang-Tử và Khuất-Nguyên đều là người phương Nam, còn Khổng-Tử là người phương Bắc.
- Thuyết ấy áp dụng vào nước ta cũng có chỗ đúng. Như ở Nam-Việt này, đạo Khổng không phát triển bằng các tôn-giáo Lão, Phật.”(11)
Chính vì ảnh hưởng bởi Lão Giáo và Phật Giáo hơn các tôn giáo khác cho nên việc thờ Trời Phật qua Bàn Thờ Ông Thiên của dân Nam-Việt là một lẽ hết sức tự nhiên. Thêm vào đó, theo Nguyễn Văn Huyên, trong Văn Minh Việt Nam, bàn về đạo Lão, tác giả viết:
“Vị thần tối cao của những người theo đạo Lão, điều khiển tất cả các thần khác, là Ngọc Hoàng. Ông ở trung tâm của Trời…” và “Ngọc Hoàng thường được gọi là ông Trời hay Trời. Trong ý thức dân gian, Trời là căn nguyên của các hiện tượng khí quyển và sự che chở cho người trần. Trời là nguyên nhân nội tại của tất cả; Trời chủ trì cái sống, cái chết, hạnh phúc, sự giàu nghèo, v.v… Trời chẳng phải là sức mạnh mù quáng; Trời xem xét, suy nghĩ, phán xét. Về mặt vật chất thì Trời được tiêu biểu bằng vòm trời tạo thành một nửa thế gian, nửa kia là Đất. Toàn thể vũ trụ được gọi là Trời Đất”.(12)
Lương Thư Trung
Nguồn: baotreonline.com
------------------------------
Phụ chú:
(1) “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huình Tịnh Của, Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL&Cie, 1895.
(2) “Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” của Bửu Kế, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1999. ‘Tầm Nguyên Từ Điển” của Bửu Kế, nhà xuất bản Thanh Niên, 2005
(3) “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển” của Trịnh Vân Thanh, bản in 1966.
(4) “Hành Trình Nhật Ký” với “Một Tháng Ở Nam Kỳ” của Phạm Quỳnh , đăng trong tạp chí Nam Phong , xuất bản năm 1917 tại Hà Nội; Xuất bản thành sách tại Paris năm 1997. In lần thứ hai tại San Jose, An Tiêm xuất bản, 2002
(5) “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang” của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ, Việt Nam, năm 2003.
“Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không ghi năm.
(6) “Việt Nam Phong Tục” của Phan Kế Bính, nhà xuất bản Miền Nam, không ghi năm.
“Làng Xóm Việt Nam” của Toan Ánh, do Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, không ghi năm.
(7) “ Thần, Người và Đất Việt” (Bản Mới) do nhà xuất bản Văn Học, California, Hoa Kỳ, năm 2000.
(8) “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, Du Ký và Biên Khảo, của Nguyễn Hiến Lê, loại sách “Học Làm Người”, Sài Gòn, 1954, trang 114.
(9) “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, sđd, trang 114.
(10) “Văn Minh Miệt Vườn” của Sơn Nam, nhà xuất bản Hồng Lĩnh, 1992, trang 111.
(11) “ Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, sđd, trang 113.
(12) “Văn Minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên, nguyên văn tiếng Pháp, bản tiếng Việt do nhà xuất bản Hội Nhà Văn & Công ty Văn Hóa Phương Nam ấn hành, năm 2005, trang 336.