Tìm hiểu Đạo giáo (2)
(tiếp theo)
Kinh Thánh Đạo giáo nguyên thủy là gì?
Các văn bản thánh đầu tiên và nhiều ảnh hưởng nhất của Đạo giáo là Đạo Đức Kinh. Được truyền thống gán cho là của Lão Tử, kinh này thực sự đã có từ khoảng giữa năm 300 và 250 trước Công nguyên. Nguồn tác giả và bối cảnh lịch sử trực tiếp chưa được xác định. Sự việc kinh này được gán cho là của “Lão Sư” có lẽ xuất phát từ ước muốn mang lại cho nó tính hợp pháp và đáng tin cậy lớn hơn. Tám mươi mốt bài thơ ngắn mang tính thách đố chứa đầy nghịch biện khi chúng cố mô tả cái không thể mô tả được bằng cách nói tới cái không thể mô tả là gì. Y như giá trị của một cái tách là tính trống rỗng ở bên trong, nên Đạo tiến triển (rõ ràng) bằng cách đi trở lui. Như toàn bộ thiên nhiên hoạt động mà chẳng có nỗ lực ý thức, kẻ nỗ lực hy vọng thành đạt sẽ mất tất cả. Giáo pháp hấp dẫn kỳ lạ của Đạo Đức Kinh nhấn mạnh Đạo của tính rất mực giản đơn. Được chia làm hai phần, bài thơ từ một đến ba mươi bảy tập trung vào Đạo, bài thơ từ ba mươi tám đến tám mươi mốt tập trung vào Sức Mạnh của nó. Một số bài mô tả Đạo như nguyên lý tiêu cực và Sức Mạnh của nó như năng lực tinh thần chủ yếu. Bất cứ ai cố định nghĩa Đạo đều phải biết rằng Đạo luôn mơ hồ. Đạo là nguồn mọi năng lực nhưng vượt qua sự khám phá. Bất khả thức nhưng bất khả cưỡng, phi ngôi nhưng hằng hiện diện, sức mạnh của Đạo giống như nước: nhu nhuyễn nhất trong mọi nguyên tố thế nhưng lại làm tan thứ cứng nhất. Dù bản văn đôi lúc có thể gây ấn tượng là nó biệt đãi Âm nữ tính đầy bí ẩn, lấn át Dương nam tính, có lẽ do nó cần đối đầu với những thiên vị xã hội đang thịnh hành. Cuối cùng, sự sống chỉ có thể tiến triển khi có sự cân bằng hoàn hảo Âm và Dương, núi đồi và thung lũng, sáng và tối, khô và ẩm, hiển hiện và khuất lấp.
Còn những bản văn thánh nguyên thủy nào khác là đặc biệt quan trọng đối với tín đồ Đạo giáo?
Bộ kinh được biết đến là Trang Tử, tên được đặt theo người mà đệ tử của ông ta có thể là tác giả của kinh này, đã có vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Tác phẩm cũng được biết đến như Tác phẩm Kinh điển Thánh của Nam Hoa (Nan Hua), thị trấn mà người ta tin rằng Trang Tử đã về hưu ở đó. Trang Tử, triết gia Đạo giáo (khoảng năm 389-286 trước Công nguyên), một nhân vật tương đối ít được biết đến. Nhưng tác phẩm mang tên ông lại nổi bật như một văn bản nền tảng của triết lý Đạo giáo. Giải thích của nó về những khái niệm cơ bản cũng ảnh hưởng tới nhiều tín đồ Đạo giáo. Bên cạnh việc nó mạnh dạn công kích tính không đầy đủ của giáo thuyết Khổng Tử, tác phẩm Trang Tử, chủ yếu cũng trình bày cùng một vũ trụ quan như Đạo Đức Kinh, mà đặc biệt là tầm quan trọng của vô vi (wu wei) và những hàm ý chính trị của nó. Trang Tử nhấn mạnh những khái niệm trường thọ và bất tử mà sau này thành ra rất có ý nghĩa đối với nhiều tín đồ Đạo giáo. Có lẽ quan trọng hơn chính là khái niệm thanh luyện tâm hồn được gọi là “sự chay tịnh cõi lòng”. Giáo thuyết của Trang Tử đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chủ thuyết thần bí Đạo giáo, qua việc năng nói tới sự đồng nhất hóa với Đạo. Một triết gia Đạo giáo khác là Liệt Tử, người ta cho rằng ông đã trước tác một tác phẩm mang tên ông. Thế nhưng, cuốn sách còn có tên là Tác phẩm Kinh điển Đích thực về Tánh không Khai mở (The True Classic of the Expanding Emptiness), hầu như chắc chắn thuộc về thời sau này, và có lẽ Liệt Tử là một nhân vật truyền thuyết. Chất chứa tài liệu của nhiều loại văn chương khác nhau, đặc biệt dưới dạng kể chuyện như giai thoại và dụ ngôn, có lẽ cuốn sách được biên soạn vào khoảng năm 300 Công nguyên. Tám chương của sách sắp xếp riêng rẽ theo chủ đề, như về số mệnh và sự tự do của con người, những cách thiết lập các chuẩn mực đạo đức, và sự thử thách của việc đi theo Đạo. Lần đầu tiên ở đây chúng ta nghe nói tới Bồng Lai Đảo (the Isles of the Blest), quê hương của các vị Tiên. Giống Trang Tử, tác phẩm sau này cũng nói nhiều về sự tự do hoàn toàn khi trở nên một với Đạo.
Lão Tử là ai?
Lão Tử rất có thể là một nhân vật hoàn toàn mang tính truyền thuyết mà “tên” của ông chỉ có nghĩa là “ông thầy hay lão sư”. Truyền thống cho rằng ông sinh vào khoảng năm 604 trước Công nguyên, khiến ông trở thành một người cùng thời cao niên hơn Khổng Tử (Khổng Phu Tử, 551-479 trước Công nguyên). Còn Khổng Tử lại là người hầu như đúng là cùng thời với Đức Phật. Truyền thuyết cho rằng Lão Tử là một ký lục làm trong văn khố dưới triều nhà Chu từng thực hành “Đạo và Sức mạnh của nó” chú trọng sự khiêm cung và sự mai danh ẩn tích. Khi bắt đầu thâm tín rằng sự tan rã xã hội và sự suy đồi của triều nhà Chu là điều không thể đảo ngược được, ông quyết định sống ẩn dật. Cỡi trên lưng trâu, lão sư đã đi tới biên giới. Một viên chức hải quan van xin cụ ghi chép lại giáo thuyết cao quý của ông trước khi ra đi. Lão Tử đã viết Đạo Đức Kinh rồi ra đi, để lại một gia sản đầy những huyền bí. Những câu chuyện mà mãi về sau này, có lẽ từ thời mà tín đồ Đạo giáo và tín đồ Khổng giáo tranh giành nhau người theo, kể tới cuộc gặp gỡ giữa Lão Tử và chàng trai Khổng Tử. Lão Tử đã khuyên chàng trai ấy là, việc nghiên cứu lịch sử của chàng nào có lợi gì mà hãy quan sát thiên nhiên và sẽ thấy rằng lòng yêu mến Đạo là tất cả những gì mà người ta cần tới. Truyền thống chung thường đồng hóa Lão Tử là người đầu tiên dạy rằng người dân thường có thể đi tìm và đạt được sự bất tử. Một số học giả cho rằng hình bóng truyền thống về Lão Tử có thể được đề cao do việc người ta đã sai lầm đồng hóa ông với Hoàng Đế (Huang Di/Yellow Emperor) truyền thuyết trị vì hồi giữa thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Lão Tử được chính thức công nhận là vị thần khoảng năm 666 Công nguyên.
(còn tiếp)
John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.397-400.
---------------------------------------