Tìm hiểu Đạo giáo (20)
(tiếp theo)
Bát Tiên là gì?
Người ta tin rằng có ba nhân vật lịch sử và năm nhân vật huyền thoại là đã đạt được tính bất tử có tên tuổi nổi bật trong truyền thuyết tôn giáo Trung Hoa. Các nguồn tài liệu Đạo giáo nói tới nhiều vị tiên đạt được tính bất tử, nhưng tám vị này là quan trọng nhất. Truyền thuyết tôn giáo Trung Hoa chứa đựng nhiều bộ tám (ví dụ: các hào đồ, báu vật, phương hướng vũ trụ). Các vị Tiên (xian) có phần tương đồng với các vị thánh của Kitô giáo và các bạn hữu của Thượng Đế của Hồi giáo. Lã Động Tân (Lu Dong Bin), nguyên thủy là một tổ sư của trường phái Toàn Chân trong thế kỷ thứ VIII, thường dẫn đầu nhóm. Ông thường ăn mặc như một học giả và mang một cái chổi đuổi ruồi. Một số hình ảnh trình bày ông cầm thanh kiếm thần, một trong Tám Biểu Tượng Đạo giáo. Lã là vị bảo trợ của thợ cắt tóc và được ca tụng về khả năng chữa bệnh. Lý Thiết Quài (Li Tei Guai) một nhân vật huyền thoại thuần túy có biểu tượng là trái bầu và cái nạng, xuất hiện như một người ăn xin cà nhắc. Ông bênh vực kẻ thân cô thế cô và là vị bảo trợ các y sĩ. Trương Quả Lão (Zhang Guo Lao) sống vào khoảng giữa năm 650 và 750 Công nguyên, có khả năng tàng hình, ông xuất hiện đang cỡi (thường ngồi ngược!) trên chiếc xe tơ trắng mà ông có thể cuốn lại và nhét vào tay áo. Biểu tượng của ông là một nhạc cụ gõ được làm bằng ống trúc và hai cây gậy và ông là đấng bảo trợ các cụ cao niên.
Hà Tiên Cô (He Xian Gu), vị tiên nữ duy nhất trong nhóm, giữ một cái môi tre, một bong sen hoặc một lẵng hoa, và đôi khi là trái đào tiên bất tử. Người ta cho rằng bà sống vào khoảng năm 700 Công nguyên, nổi tiếng về sự khổ hạnh và lòng nhân ái. Hàn Tương Tử (Han Xiang Zi) là vị bảo trợ của các nhạc sĩ. Ông mang một ống tiêu và nổi tiếng về sự ăn tiêu hoang phí và thích cảnh tĩnh mịch của núi non. Chung Ly Quyền (Zhong Li Chuan) được xem đã từng là chiến binh, bị bại trận và đã trở thành một nhà luyện đan. Nhân vật già nua và béo phệ này cuối cùng đã lên trời trên lưng một con cò, tay cầm một chiếc quạt. Lam Thái Hòa (Lan Cai) là một nhân vật kỳ lạ giữa các những nhân vật lạ lùng này. Một chân trần còn một chân mang giày, đôi khi xuất hiện như một phụ nữ, đôi khi là một cậu bé, ông mang một giỏ bong và là vị bảo trợ những người bán hoa. Tào Quốc Cửu (Cao Guo Jiu), vị bảo trợ của các diễn viên. Truyền thống đã làm cho vị Tiên thứ tám này trở thành người anh của một nữ hoàng nhà Tống và cho ông ăn mặc áo quần lộng lẫy của hoàng gia. Cả tám vị hiện vẫn được tôn kính ở khắp nơi, được người ta tìm đến vì năng lực ma thuật của họ.
Trong Đạo giáo có loại nhân vật được xem như Thánh không?
Có lẽ trong Đạo giáo, thứ gần nhất với những gì mà nhiều người ám chỉ là “thánh” chính là lý tưởng sự phát triển con người được gọi là hiền triết (zhen ren). Không giống như người bình thường, hiền triết ôm ấp tri thức của mình, vì không cần phải gây ấn tượng hoặc thuyết phục tha nhân. Do vậy, một hiền triết giống như Đạo thinh lặng, không phô trương. Hiền triết cũng không dốc sức trong quá trình hoạt động, vì không muốn phí phạm sức lực về mọi việc. Hiền triết hiểu rằng việc không chịu đầu hàng không được lẫn lộn với lòng can đảm. Hiền triết biết cách cho đi mà không bị trắng tay, biết cách lấy vào mà không bị đầy ứ. Hoàn toàn hài hòa cùng tự nhiên, hiền triết hành động mà không có chủ đích, học tập mà không dự định. Đàng khác, cách truyền thống tôn giáo Trung Hoa thường nâng những con người tầm thường lên một địa vị bên trên con người thuần túy. Nhưng không có một quy trình chính thức chuẩn mực để thể hiện việc nâng cao này. Về khía cạnh này, Đạo giáo gần với Hồi giáo hơn là với Kitô giáo, ví dụ, trong quá trình phong thánh đòi hỏi điều tra và xác minh kỹ lưỡng và lâu ngày. Các vị hoàng đế và các giới chức khác đôi khi công bố việc này bằng sắc lệnh, nhưng các hiền triết thường được công nhận là nhờ vào sự vận động của người dân hơn là bằng sự công bố từ trên cao. Trong khi các vị thánh trong các truyền thống khác đạt tới mức độ của sự hoàn thiện tinh thần do ơn thánh, hiền triết Đạo giáo lại là thành quả của sự tự lực.
Đạo giáo có các Nhà thần bí không?
Các bản tường thuật truyền thống về nhiều tín đồ Đạo giáo danh tiếng thường mô tả những trải nghiệm nội tâm của họ bằng lời lẽ hợp với những trải nghiệm liên quan tới thuật thần bí. Một nhà thần bí, theo lối nói thông thường, là một con người mà qua nhiều tập luyện theo nghi lễ hoặc sùng mộ cảm nghiệm được tính siêu việt thiêng liêng. Vượt khỏi và trên chính mình, nhà thần bí khu trú, chí ít là tạm thời, trong một chiều kích rất khác. Một số người nói tới những nhân vật Đạo giáo vĩ đại như những “nhà thần bí tự nhiên” vì họ trầm mình vào thiên nhiên. Họ cảm nghiệm sự đồng nhất với vũ trụ qua trực giác hơn là bằng lập luận. Trong một trạng thái như xuất thần, nhà thần bí đánh mất toàn bộ cảm quan về ngã tính (selfhood) và tính cách của họ trở nên một với Đạo. Một số người đã đề cập tới cảm nghiệm như “sự chay tịnh của tâm linh” trong đó con người lắng nghe bằng đôi tai của tinh thần. Cảm nghiệm này được trải nghiệm chính xác ra sao, các nguồn tài liệu của Đạo giáo bất đắc dĩ phải nói tới, nhưng chúng sẵn sàng cống hiến lời khuyên về cách vun trồng cái cảm nghiệm ấy. Như một ngoại lệ, một số nguồn tài liệu Đạo giáo còn ám chỉ rằng nhà thần bí chủ động cảm nghiệm một dạng thức kết hiệp với thần linh hơi mang tính cá nhân hơn là giống những gì mà Ấn giáo và các truyền thống khác gọi là “khoa thần bí hữu thần”.
(còn tiếp)
John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.434-437.
---------------------------------------