Đào sâu linh đạo làm con thảo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3833 | Cật nhập lần cuối: 2/7/2016 1:39:29 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 21
ĐÀO SÂU LINH ĐẠO LÀM CON THẢO

Như đã nói, dạy giáo lý không chỉ là truyền đạt những hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình tình thương của Ngài, nhưng là dẫn vào một nếp sống mới, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, tức là sống theo linh đạo của người làm con Thiên Chúa. Nói một cách giản dị, đó là sống theo Kinh Lạy Cha.

Ngày nay ở Việt Nam dường như sự phục hưng tinh thần gia tộc, với việc xây dựng từ đường, tôn tạo mồ mả cha ông đi đôi với sự phát triển những tin tưởng về phong thủy. Ngoài việc xem phương hướng, coi ngày giờ, người ta còn dùng những đồ vật trấn phong thủy như la kinh, la bàn, đá phong thủy đồ thị, đồng tiền cổ của các đời vua, xương thú vật, cẩm thạch, đá thạch anh, bùa chú, châu sa thần sa… Các cửa hàng phong thủy lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở các thành phố, với những món hàng giá lên đến vài chục triệu đồng, cũng có những món hàng cao cấp lên đến tiền tỉ. Nhưng phần lớn các món hàng phổ thông được bán với giá vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng là bán chạy nhất và nhiều người ưa chuộng hơn cả. Trước đây việc phát huy Tây học, cuộc vận động của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả cùng thời cũng như ảnh hưởng Kitô giáo qua môi trường giáo dục đã đẩy lùi các tin tưởng và thực hành phong thủy, nhưng vài chục năm trở lại đây người ta lại đua nhau chạy theo phong thủy, mong nhờ đó mà mình và con cháu làm ăn phát đạt.

Thách đố lớn trong việc loan Tin mừng cho người cùng Dòng họ, là nêu lên được tính lừa dối của quan niệm phong thủy. Chính các con cái Chúa phải bước đi vững vàng trong tinh thần siêu thoát và giúp các tín hữu mới bước đi như thế, thoát khỏi não trạng ham mê tiền bạc vật chất. Muốn vậy, cần giúp họ xác tín và sống mãnh liệt các ý lực của Kinh Lạy Cha.

Kinh Lạy Cha giúp người tín hữu thoát ra khỏi chính mình. Những ý nguyện nơi phần thứ nhất của kinh này dạy ta đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Ý nguyện của phần thứ hai nhắc ta sống phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Chính trên những cơ sở ấy mà ta có thể sống yêu thương, hiệp thông, tha thứ và quên mình vì ích chung (x. Mt 6,25-34).

Để chữa lành bệnh dịch bạo lực và gian dối đang lan tràn hiện nay, cần phải giúp mọi người nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao và là anh em của mọi người. Nếu không biết đến vị Cha Chung đầy nhân ái của muôn loài, Đấng thấu suốt cõi lòng và ân thưởng cả những điều quảng đại bé nhỏ nhất (x. Mt 10,41-42) thì quả là khó mà quảng đại quên mình vì ích chung. Ích chung đòi phải quên lợi riêng, cho nên ai cũng ngại. Nhờ nhận biết mình là con Thiên Chúa, người tín hữu sẽ quả cảm sống tinh thần vì ích chung, bắt đầu từ chính mình. Chính tinh thần vì ích chung sẽ giúp ta dám sống công bằng và chân thật, là những giá trị đang trở nên hiếm hoi giữa một xã hội đang quay cuồng chạy theo vật chất.

Muốn xây dựng một thế hệ hào hùng, thượng võ và quả cảm quên mình vì đồng loại, trước hết cần dạy cho họ biết hiếu thảo với Cha Cả trên trời, Đấng đang liên lỉ ngỏ lời với con cái mình cách thầm lặng nơi lương tâm họ. Việc giáo dục này chúng ta có thể thực hiện được bằng cách cố gắng thêm một chút để sống trọn lý tưởng hiệp thông của Tin mừng và chia sẻ với các tín hữu mới lý tưởng chính chúng ta đang sống. Đây là vấn đề và thách đố đặt ra không phải cho những người đồng tộc nhưng là cho cộng đồng tín hữu Công giáo, ở bình diện giáo xứ cũng như giáo phận. Với kinh nghiệm bản thân về giáo hội Việt Nam, tôi nghĩ rằng đó là điều có thể làm được.

Tôi đã giữ được một kỷ niệm rất êm đềm và thánh thiện về Đà Lạt, là đã được sống tại đó trong thời gian giáo phận này được chuyển mình triệt để nhờ mọi người cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tập sống theo khôn mẫu Giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi. Hiệp thông, quả là Nước Trời giữa trần gian, dĩ nhiên là đang còn bất toàn với bao đấu tranh cần thiết. Tiếp đó, cuối năm 1990, được về Bắc Ninh và Phát Diệm, rồi những năm sau đó được trải qua một vài tuần chầu lượt tại Giáo phận Vinh, tôi được nhìn thấy thêm một phiên bản thực hành, không cần lý thuyết.

Về sau, tôi còn được nhìn thấy sự thể hiện tình hiệp thông tuyệt vời tại đơn vị hàng xóm: Giáo phận Kontum. Tại những nơi tôi có dịp sống và làm việc như Nha Trang, Sài Gòn, cũng như tại Giáo phân mẹ Qui Nhơn, tôi vẫn luôn được đầy an ủi do tình hiệp thông của bề Trên cũng như của anh em chung quanh. Tuy nhiên, cung cách thể hiện của cộng đoàn Công giáo tại Kontum, như tôi được nghe và được thấy, quả là một bảo chứng để khẳng định rằng lý tưởng hiệp thông trong Công vụ Tông đồ là điều khả thi ngay ở thời đại này và theo cách của thời đại này. Tôi chỉ được thấy Đức Cha Paul Seitz một vài lần. Tôi chỉ được gặp gỡ nói chuyện với Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung một vài lần, còn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và anh em linh mục Kontum thì nhiều lần hơn. Điều khiến tôi xúc động là qua đó khuôn mẫu của các vị Thừa Sai nghèo, quên mình cho Tin mừng và cho Dân chúng vẫn còn được “sao y bản chánh” cho đến nay. Hiệp thông và hiệp nhất, quả là sức hút và chất men của Nước Trời.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ

------------------------------------

* Bài liên quan:

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Phong trào liên kết dòng họ

Cơ hội chia sẻ lòng tin

Những cội nguồn ảo

Tâm tư người loan Tin Mừng cho dòng họ

Ngỏ lời với bạn đọc ngoài Kitô giáo

Đào tạo người chứng trẻ

Dạy Giáo lý theo Kinh Lạy Cha

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...