Đào tạo người chứng trẻ

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4111 | Cật nhập lần cuối: 2/29/2016 6:09:18 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 19
ĐÀO TẠO NGƯỜI CHỨNG TRẺ

Xin được trở lại với các độc giả Công giáo.

Chúa dạy hãy đi khắp thế giới loan báo Tin mừng. Do đó, việc loan Tin mừng không khép kín lại với một nhóm người cùng Dòng họ, nhưng nhóm người ấy chỉ đóng vai một nhúm men giúp cả khối bột dậy men. Gạch nối để Tin mừng lan từ họ này sang họ khác là những người con dâu và con rể, những người có quan hệ thông gia.

Các gia đình cũng như cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đào tạo cho con em mình có một đức tin đầy bản lãnh, thấm đều mọi mặt cuộc sống, để khi họ lên đường về nhà chồng hoặc nhà vợ, họ thực sự là những chứng nhân của Hội Thánh Chúa. Nhiều cha mẹ người lương thích cho con cái lập gia đình với người Công giáo bởi họ thấy đa số người Công giáo chung thủy trong hôn nhân. Thế nhưng đã có một số trường hợp rất đáng tiếc, chính bên người Công giáo gốc thiếu thiện chí, khiến hôn nhân tan vỡ. Những trường hợp đau lòng ấy đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm lại việc giáo dục đào tạo của chúng ta. Cần giúp bạn trẻ đi sâu vào cầu nguyện để có được đức tin, đức cậy và đức mến nồng nàn mãnh liệt, nhờ đó, dù phải qua đau thương thử thách tới đâu vẫn quyết một lòng trung thành với Luật Chúa dạy và làm chứng cho Chúa.

Thực tế của quá khứ cho thấy rất đông những người theo Đạo để lập gia đình có một đức tin không sâu và không bền, khiến nhiều phụ huynh Công giáo ái ngại khi thấy con em mình thương người ngoài Công giáo. Tuy nhiên không thiếu những trường hợp những người trở lại trong dịp kết hôn lại có một đời sống đức tin còn mẫu mực hơn nhiều người Công giáo đạo dòng. Sự khác biệt thật ra là do cách đào tạo và chăm sóc. Thành kiến xem thường ơn đức tin của người trở lại nhân dịp kết hôn, có thể khiến người ta dạy giáo lý cách sơ sài vội vã cho xong chuyện. Nhiều bậc phụ huynh cố ngăn cản tình duyên của con cái mình, cho tới lúc không ngăn cản được nữa, nhượng bộ cho con cái thì thời giờ học giáo lý không còn nhiều. Thêm vào đó, chuyện tin ngày giờ tốt xấu, kiêng kị tuổi tác nhiều khi cũng khiến người ta tiến hành hôn nhân vội vã, không kịp học giáo lý cho thật sâu.

Chúng ta cần nhìn vấn đề dưới ánh sáng đức tin. Nếu một sợi tóc trên đầu ta rơi xuống không ngoài ý Chúa thì sự kiện ánh sáng Tin mừng đến với rất đông bạn trẻ qua con đường hôn nhân không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đó là những nén bạc quý báu Chúa đang trao cho Giáo hội ở thời đại này, mọi thành phần Dân Chúa đều cần biết trân trọng góp phần sinh lợi, không để một nén bạc nào bị vùi lấp oan uổng.

Các bậc làm cha mẹ cần biết tin cậy vào tình thương Thiên Chúa, trân trọng ơn đức tin Chúa đang ban cho người con dâu hay con rể của mình và tôn trọng sự chọn lựa của con cái, để ứng xử sát thực tế hơn. Một khi thấy con cái đã quyết, cha mẹ cần sớm chấp thuận và hướng dẫn cho việc học giáo lý được tươm tất và đức tin kịp thấm sâu và nẩy nở.

Các vị dạy giáo lý cần vững tin vào ơn Chúa, dù thời gian rất ngắn cũng đừng vội vã. Hãy bước những bước đầu thật chính xác và chắc chắn. Hãy mở đầu bằng việc giúp học viên ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha, và cứ như thế cho tới lúc họ thực sự cảm nghiệm rằng Cha đang ở trong họ, đang ủ ấp họ và đang dẫn dắt họ trên mọi bước đường. Đức tin đến từ sự gặp gỡ Thiên Chúa cách thân tình và đầy yêu mến, chứ không đến do sự nhồi nhét một mớ hiểu biết. Những hiểu biết giáo lý rất quan trọng và cần thiết, nhưng ta đừng vội. Một khi học viên bắt đầu nếm cảm được Chúa, chính họ sẽ kiếm tìm và chỉ một khám phá nhỏ họ nhận được dưới ánh sáng của Chúa đủ khiến họ miệt mài trên đường theo Chúa. Các vị hãy sớm trao Kinh Thánh vào tay học viên và giúp họ khám phá từng chút một bằng sự suy nghĩ, cầu nguyện và đổi mới đời sống theo Lời Chúa. Cũng hãy mạnh dạn khuyến khích học viên chia sẻ ơn họ đang nhận được với đồng bạn trong lớp giáo lý và cả với những người chưa tin. Một đức tin được chia sẻ sẽ tựa như lửa, cháy lan và cháy bùng lên.

Một thiếu sót lớn của cộng đồng Công giáo ViệtNam là hiện chúng ta không có những sách vở cần có cho các dự tòng và tân tòng. Sách vở Công giáo ViệtNam ngày nay phát triển hỗn độn, đang khi có những thứ thừa mứa thì sách cho trẻ em và sách cho những người muốn tìm hiểu Đạo Chúa lại quá thiếu. Cả Kinh Thánh, chúng ta có những bản dịch tốt, những sách in rất trang trọng, nhưng tìm một quyển Tin mừng theo Thánh Luca in rời để trao cho dự tòng thì không có. Chúng ta đã có bản Tân Ước loại chữ lớn, ước gì sẽ có cả 11 chương đầu Sáng thế ký, in rời, với những chú dẫn thích hợp với người muốn tìm hiểu.

Tệ hơn nữa, khi các bạn trẻ muốn mua một quyển sách thích hợp để tặng cho bạn trai hoặc bạn gái của họ, thì không biết tìm ở đâu. Giáo hội Phật giáo có một tổ in ấn và phát hành thuộc thành hội TPHCM và từ đó sách vở Phật giáo lan tỏa đến mọi miền đất nước. Giáo hội Cao Đài cũng có một hệ thống phát hành tương tự. Phải chi Giáo hội Công giáo Việt Nam có một cơ sở tổng phát hành, rồi mỗi Giáo hạt có một bộ phận cung ứng sách cho các giáo xứ trong Hạt, các bạn trẻ sẽ dễ dàng trao tặng cho bạn bè của họ những băng đĩa và sách vở giới thiệu Tin mừng với hình thức thích hợp với tuổi trẻ. Họ có thể thành tông đồ cho những người bạn chưa tin, rồi những người bạn này khi đã được ơn đức tin, lại thành chứng nhân giữa gia đình và gia tộc của mình. Đây là trách nhiệm của các hội doanh trí tại các giáo phận. Điều Dân Chúa đang mong chờ nơi các hội doanh trí có lẽ không chỉ là đóng góp xây thêm nhà thờ nhưng là sự suy tư, động não và tích cực góp phần thiết thực để đào tạo cho Giáo hội những chứng nhân trẻ giàu tâm huyết và khả năng, mà trước mắt là cung ứng dồi dào thức ăn tinh thần cho họ. Nếu quý vị băn khoăn tìm một dự án tông đồ mang tính trí thức, tôi nghĩ dự án ưu tiên nhất cần được chọn là xây dựng cho Giáo phận của quý vị một hệ thống phát hành sách.

Tuy nhiên trách nhiệm lớn nhất trong việc đào tạo người chứng trẻ thuộc về các mục tử. Khi một cha sở giành lấy cho mình việc chăm sóc những tín hữu mới, chắc hẳn ngài sẽ có hàng ngàn sáng kiến. Năm 1990 khi được gặp Đức Cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng tại Bắc Ninh, rồi mấy năm sau được thăm ngài tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội, tôi rất cảm kích vì chính ngài đích thân lo cho các dự tòng trí thức. Tôi cũng gặp được một bản sao y hệt nơi người kế vị ngài là Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Cả hai vị đều là bản sao của nhóm 12 Giám mục thuở ban đầu, và hơn nữa, bản sao của chính Chúa Kitô, Đấng đã thức thâu đêm để trao đổi với một người trí thức là Nicôđêmô. Rồi cả khi đã mỏi mệt vì đường xa, ngồi bệt bên bờ giếng, Ngài không ngại dành bận tâm cho một phụ nữ đến lấy nước ở đó. Điều an ủi là cả hai đều đã trở thành những chứng nhân cho Ngài…

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ

----------------------------------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Phong trào liên kết dòng họ

Cơ hội chia sẻ lòng tin

Những cội nguồn ảo

Tâm tư người loan Tin Mừng cho dòng họ

Ngỏ lời với bạn đọc ngoài Kitô giáo

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...