Phong trào liên kết dòng họ

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4207 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 14
PHONG TRÀO LIÊN KẾT DÒNG HỌ


Cuộc kỷ niệm 50 năm huấn thị Plane compertum est là dịp để người Công giáo Việt Nam hòa nhịp với trào lưu chung khắp nơi. Sau ngày đất nước thống nhất, biết bao người lặn lội tìm lại tông tích người thân, bà con họ hàng và tìm lại gia phả. Đầu những năm 1990, nhiều ban liên lạc dòng họ ra đời và các cuộc gặp gỡ ngày càng nở rộ. Thoạt đầu là những nhóm liên lạc ở các thành phố lớn. Mấy năm sau những ban liên lạc địa phương đã nối kết với nhau thành ban liên lạc cả nước, rồi tiến đến thành lập Hội Đồng Dòng Họ cả nước. Ngày càng nhiều những đại hội toàn quốc của các dòng họ, có dòng họ còn phát hành cả thẻ hội viên...


Cùng lúc, trước tình cảnh việc học sa sút, nhiều gia tộc đã tổ chức việc khuyến học cho con em; nhiều từ đường được tôn tạo hoặc xây mới; nhiều tác phẩm nghiên cứu riêng về từng dòng họ được ấn hành. Những sự kiện từ dưới lên đã cộng hưởng với các ban liên lạc hoặc Hội đồng Dòng tộc từ trên xuống, tạo nên một luồng văn hóa lôi cuốn cả sự chú ý của tổ chức UNESCO.


Vào Google và gõ: "gia phả - dòng họ - nguồn cội", chỉ trong 6 trang, ta đã đọc thấy 18 trang web riêng của các dòng họ:


trinhtoc.com, hovuvovietnam.com, donghoninh.wordpress.com, nguyendac.com, hophamlangnhuong.com, hodinhvietnam.com, hothaicamlo.info, hodangbinhnghi.com, hodovietnam.vn, hohoanghuynhvietnam.vn, hopham.org, mactoc.com, hokhuatvietnam.org, hothan.org,danggia.org, hotvietnam.org, dangtocvietnam.com, trandang.net. Ngoài những trang web riêng các dòng họ, có những trang web chuyên đề nghiên cứu về gia phả hoặc lo dịch vụ làm gia phả: www.giaphavietnam.com, www.phahe.vn, vanhoadongho.vn,...


Ta có thể gõ tìm "nguồn gốc họ ..." và dễ dàng tìm được thông tin của cả những họ ít gặp như họ Trình, họ Lữ, họ Lại, họ Thân, họ Kiều...


Gõ "ban liên lạc (các) dòng họ" hoặc "đại hội dòng họ...", ta còn khám phá ra rằng việc liên kết các họ tộc không dừng lại trên các phương tiện thông tin mà còn đi vào hoạt động thực tế khá rầm rộ.


Phong trào liên kết dòng họ phát triển hết sức nhanh. Mở trang mạng một dòng họ nào đó và bấm vào “kết nối” hoặc “liên kết”, ta sẽ thấy mỗi dòng họ không phải chỉ có một website… Đọc thử một số thông tin, ta sẽ thấy chỉ dăm tháng sau đại hội dòng họ cấp tỉnh một nơi nào đó, các đại hội cấp thành phố, huyện và thị xã đã nối đuôi theo.


Phong trào có một ưu điểm là vượt trên ranh giới địa phương, không phân biệt lương giáo. Nếu người Công giáo biết quan tâm nhập cuộc thì đây là cơ hội rất tốt để hòa đồng với bà con cùng dòng họ.


Phong trào này thúc đẩy người ta tìm dựng lại gia phả, lập lại từ đường, tổ chức lại các ngày giỗ chung (ở miền Trung gọi là "tế hiệp"). Một số bà con ở thôn quê cảm thấy an tâm vì giờ đây đã có một chỗ dựa, đã được thuộc về một tổ chức sinh hoạt văn hóa, vừa mang tính huyết tộc, vừa mang tính tâm linh. Cũng có thể vì thế họ thấy không cần phải có một tôn giáo... Đây cũng là điểm đáng cho các giới chức Công giáo suy nghĩ khi theo đuổi ước mơ chia sẻ Tin mừng với đồng bào.


Số nhà thờ dòng họ tân tạo ngày càng nhiều (“nhà thờ” là một kiến trúc biệt lập, dành riêng cho việc thờ phụng, phân biệt với “từ đường” là gian thờ trong nhà vị trưởng tộc, thường có tính cách hạn hẹp trong vòng ba hay bốn đời). Trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2013, chỉ riêng dòng họ Võ đã có thêm ba nhà thờ mới, hai do bà con góp sức chung công, một do những người khá giả trong gia tộc… Cùng lúc, có những nhóm đồng tộc nghèo và ít người, không sao làm nổi nhà thờ riêng. Có lẽ chính cái nghèo ấy đang biến họ thành đối tượng của lòng thương xót Chúa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Chính Thiên Chúa là Cha nhân ái đang dành cho họ một mái nhà chung, nhà thờ hay từ đường trăm họ, nơi Ngài quy tụ dân nghèo của Ngài.


Trào lưu văn hóa tâm linh này còn song đôi với sự bùng phát những tin tưởng về phong thủy, dễ khiến người lương thêm khép lòng lại với Tin mừng. Ngược lại, nó cũng ôm theo cả những mâu thuẫn, khiến người ta lúng túng. Nếu người Công giáo biết dấn thân nhập cuộc kịp thời thì đây lại có thể thành một cơ hội mới của Tin mừng, cơ hội để truyền giảng cho mọi người nhận ra chỉ có một Thiên Chúa là Cha Chung, là Nguồn Cội đích thật duy nhất.

 

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ 

 

= = = = = = = = = =

* Bài liên quan:

 

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam 

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh 

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em 

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh 

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa 

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...