Tâm tư người loan Tin Mừng cho dòng họ

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4351 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 17
TÂM TƯ NGƯỜI LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ


Dấn thân tìm cách đem Tin mừng của Chúa đến cho người đồng tộc, tôi được biết một đại biểu nọ được Ban Chấp hành Dòng họ Tỉnh giao trách nhiệm chuẩn bị Đại hội Dòng họ tại địa bàn huyện. Ông vận động rất nhiệt tình nhưng lắm người nghi ngại không tham gia. Ông dẫn chứng rằng đây là một sinh hoạt đang được đồng tộc cả nước quan tâm, cả những người Công giáo cũng đang nhập cuộc. Một người phản bác:


- Coi chừng lại bị mấy anh Công giáo “phỉnh” theo đạo.


Câu nói đặc thù rất phổ biến và khá tiêu biểu. Hình như anh chị em người lương dị ứng, xem việc tin theo Chúa như một việc tệ hại cần đề phòng!


Sự kiện ấy dễ hiểu. Thử hình dung xem, một kẻ ác ý nào đó dùng tin nhắn điện thoại phát đi liên tục những điều vu khống bịa đặt về bạn một cách có hệ thống và bạn không thể thanh minh biện hộ gì cả. Mà dù muốn thanh minh biện hộ cũng chẳng biết những điều bôi nhọ ấy đã phát tán tới tận những ai. Có thể càng thanh minh, chuyện càng gây chú ý ầm ĩ, bạn đành thinh lặng. Chỉ sau một tháng thôi, cả thôn cả xã xầm xì đủ điều về bạn. Bạn chẳng bị thân bại danh liệt thì cũng thấy mặc cảm đủ điều. Đàng này những chuyện bịa đặt bôi nhọ Đạo Chúa kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến nay với đủ thứ thêu dệt truyền miệng thật hấp dẫn, thậm chí còn diễn thành tiểu thuyết và phim ảnh. Dân chúng chỉ được nghe mãi một chiều, “mưa dầm thấm lâu”, họ sẽ nghĩ gì về Đạo Chúa? Tôi đề nghị tổ chức ngày truyền thống từng dòng họ và mời anh chị em lương dân tới chính là để họ có thể thấy tận mắt mọi sự ngược hẳn điều họ đã hiểu lầm từ tấm bé.


Không kể những sách báo phim ảnh bài xích Kitô giáo đã gây ấn tượng lệch lạc sâu đậm trong tâm trí người dân, việc truyền giáo ào ạt và hời hợt cuối thập niên 1950 đầu 1960 có thể đã khiến quần chúng như bị chích vác-xanh “phòng dịch”, đẩy lùi sự xâm nhập của hạt men Kitô giáo. Cả việc dạy giáo lý dự tòng vội vã chiếu lệ nhiều nơi hiện nay cũng đang gây nên tác dụng hiểu lầm ấy.


Rất nhiều người tẩy chay, từ chối không cầm đến sách vở và băng đĩa Công giáo. Ý thức tình trạng ấy, tôi không phân phát sách vở Công giáo hàng loạt. Chỉ một số người đã có tình thân hoặc cảm tình rồi, tôi mới tặng sách. Ngoài ra, chỉ những ai xin, tôi mới tặng. Nếu thấy họ có vẻ muốn đọc, tôi gợi ý để họ xin rồi mới tặng. Chính Chúa Giêsu đã ân cần dặn môn sinh phải dè dặt, đừng tạo cớ cho người ta giày đạp “của thánh” và “ngọc quý” (x. Mt 7,6).

 

Tuy nhiên, tôi lại cũng có một ghi nhận khác. Đang khi từ chối sách vở và băng đĩa Công giáo thì người ta lại trân trọng tấm lòng. Có thể lúc đầu họ ngập ngừng, nhưng sau khi đã trắc nghiệm và thấy rõ sự chân thành của ta, họ rất quý mến. Người ta quý mến vì thấy tôi không chăm chăm nói chuyện Đạo, chỉ nói chuyện họ hàng. Tuy nhiên, khi được mời thắp hương thì tôi cho họ thấy lòng tin Kitô giáo của tôi. Tôi ghi dấu thánh giá chậm và rõ, rồi cầu nguyện lớn tiếng. Tôi nguyện kinh Lạy Cha và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, xin Ngài ban ơn lành cho bà con đồng tộc tại địa phương. Sau đó, tôi dâng lời cầu nguyện với các bậc Tổ tiên đồng tộc tại từ đường, xin các vị bầu cử trước nhan Thiên Chúa Tạo Hóa cho con cháu được mọi điều may lành.


Ở một số trường hợp, sau khi tôi cầu nguyện như thế, người ta đã nêu những câu hỏi và tôi trả lời. Đúng là tôi không tuyên truyền về đạo nhưng chỉ trả lời thắc mắc của họ.


Cũng có một cơ hội thường gặp khác mà tôi có thể dựa theo để nói lên quan điểm Kitô giáo cách hồn nhiên. Đó là khi người ta than phiền về tình cảnh suy đồi đạo lý, với những bản tin cụ thể, lặp lại từ báo, từ đài… Tôi chia sẻ với họ rằng đây chính là lý do khiến tôi dấn thân cho trào lưu nối kết dòng họ. Là linh mục, tôi xác tín rằng cần phải kết hợp mọi lời kêu gọi thành một bản hợp ca. Có nhiều cơ quan đoàn thể lên tiếng, các gia tộc lên tiếng và chức sắc các tôn giáo lên tiếng. Dù tất cả đều lên tiếng cùng một lúc nhưng không có sự đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ không tạo được kết quả. Chẳng khác nào nhiều người đơn ca cùng một lúc, mà mỗi người hát một bài riêng hay một kiểu riêng, thì tất cả chỉ tạo nên một tạp âm gây khó chịu cho người nghe. Có thể số người hát ít hơn nhưng phối hợp hài hòa với nhau thì sẽ tạo được âm hưởng tốt, thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn.


Để phát triển xã hội,Singapore bắt đầu từ giáo dục và Bộ Giáo dụcSingaporeyêu cầu mỗi học sinh phải theo một trong năm tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Tựa như phong trào Hướng Đạo quốc tế, đạt được kết quả giáo dục cao là nhờ luôn đòi hỏi mỗi đoàn viên đều phải thực hành một tôn giáo. Nam Hàn cũng đang làm điều tương tự. Họ đã phát triển nhờ dân chúng có lòng tin tôn giáo sâu sắc: Phật giáo, Tin lành, Công giáo. Để mọi người dân đều tích cực xây dựng quê hương đất nước, Nam Hàn không những phát huy tinh thần dân tộc qua Thái Cực Đạo mà còn hỗ trợ các tôn giáo đóng góp hữu hiệu vào công cuộc giáo dục.


Việt Nam không có Thái Cực Đạo nhưng có tinh thần uống nước nhớ nguồn, đồng tộc yêu thương đùm bọc, biết nhắc bảo nhau, và đồng thời cũng có tôn giáo. Trước thảm trạng nền đạo đức đang lao nhanh xuống vực thẳm, muốn phục hồi lại lòng tốt, muốn tái tạo lại lương tâm, chỉ riêng dòng tộc hay chỉ riêng tôn giáo thôi không đủ. Cần kết hợp cả hai.


Những lý do thời cuộc khiến nhiều người ngại nói đến hai chữ truyền giáo, nhưng theo tôi, đã đến lúc cần mạnh dạn nêu rõ sự cần thiết của yếu tố tôn giáo trong việc giáo dục lương tâm cho người dân, cách riêng là các bạn trẻ.


Với những tâm tư ấy, tôi viết loạt bài chia sẻ này không riêng cho các linh mục và anh chị em đồng đạo nhưng chung cho hết mọi người ViệtNamđang tha thiết với việc phục hưng tấm lòng cho đồng bào, cách riêng là cho lớp trẻ. Ước gì mọi người Công giáo đều nhập cuộc tìm hiểu lại Đạo Hiếu cách nghiêm túc và ước gì mọi anh chị em ngoài Kitô giáo hãy một lần cầm lấy Kinh Thánh, đọc và nghiền ngẫm, để hiểu rõ và xác tín rằng cả đôi bên đang cùng bước chung một đường.


Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ 

 

= = = = = = = = = =

* Bài liên quan:

 

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam 

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh 

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em 

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh 

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa 

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Đường về quê hương các Thánh

Phong trào liên kết dòng họ

Cơ hội chia sẻ lòng tin

Những cội nguồn ảo

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...