Đạo Mẫu (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 6859 | Cật nhập lần cuối: 2/28/2016 3:24:23 PM | RSS

Trong tín ngưỡng dân dã của người Việt và một số tộc người khác tục thờ Nữ Thần, thờ Mẫu và Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ (Đạo Mẫu) có vai trò và vị trí khá quan trọng, nó đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, do vậy, nó phổ biến khá rộng khắp, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi tới miền núi.

Từ Đạo Mẫu, ngoài những nghi lễ thờ cúng, nó còn sản sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa - nghệ thuật, tạo nên một thứ văn hoá Đạo Mẫu, chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc.

Sau đây, chúng tôi trình bày những nét rất cơ bản của thứ tôn giáo tín ngưỡng này với tên gọi chung là Đạo Mẫu.

I. ĐẠO MẪU, ĐIỆN THẦN VÀ THẦN TÍCH

Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần đạo Mẫu như sau:

- NGỌC HOÀNG

- TAM TÒA THÁNH MẪU (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu)

- NGŨ VỊ VƯƠNG QUAN (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ), thường thì người ta xếp Đức Thánh Trần vào hàng các Quan.

- TỨ VỊ CHẦU BÀ hay tứ vị Thánh Bà là hóa thân trực tiếp của Tam Toà Thánh Mẫu.

- NGŨ VỊ HOÀNG TỬ (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ)

- THẬP NHỊ VƯƠNG CÔ (gọi theo thứ tự từ l đến 12)

- THẬP NHỊ VƯƠNG CẬU (gọi theo thứ tự từ l đến 12)

- NGŨ HỔ ( năm con hổ)

- ÔNG LỐT (rắn)

Các vị Thánh trong đạo Mẫu không chỉ phân thành các hàng mà còn phân thành các Phủ. Phủ trong đạo Mẫu mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước nhất, Phủ trong Tam Phủ, Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (thuỷ phủ, miền sông biển), và Nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ,Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ và Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ. Giúp việc cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị Thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu cũng phân theo 4 phủ như các vị thánh Mẫu kể trên.

Hiện nay trong điện thần Thờ Mẫu đều tồn tại quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ. Tứ Phủ là gồm ba phủ trong Tam Phủ (Thiên, Địa, Thoải) và có thêm phủ Thượng Ngàn (Nhạc Phủ). Hiện nay chưa ai có thể trả lời chắc chắn Tam Phủ và Tứ Phủ của đạo Mẫu có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể tin rằng Tam Phủ có trước Tứ Phủ và việc tồn tại phủ thứ tư là Nhạc Phủ là một nét đặc thù của đạo giáo Việt Nam.

Có thể quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ đều bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ là ÂM và Dương, dần dần yếu tố ÂM trong lưỡng cực ÂM Dương phân hóa thành Địa Phủ, Thoải Phủ và Nhạc Phủ.

DƯƠNG THIÊN THIÊN

NHẠC THOẢI

ÂM ĐỊA THOẢI ĐỊA

Tứ Phủ ứng với bốn phương, bốn miền của vũ trụ, trong đạo Mẫu biểu hiện thành bốn màu cơ bản: Thiên Phủ ứng với màu đỏ, Thoải Phủ ứng với mầu trắng, Địa Phủ ứng với màu vàng và Nhạc Phủ ứng với mầu xanh. Đó cũng là màu sắc của trang phục các vị Thánh khi giáng đồng, là màu sắc của các đồ cúng lễ. Từ các màu sắc này chúng ta có thể dễ dàng phân biệt mỗi vị thánh thuộc vào phủ nào trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ.

Trong đạo Mẫu, nơi thờ phụng chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, cũng được gọi là Phủ, như Phủ Giầy (Nam Hà) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Cách định danh này có thể xuất phát từ quan niệm vũ trụ luận về các Phủ trong Tứ Phủ và cách định danh đương thời - cung Vua, Phủ Chúa thời Trịnh Nguyễn.

*

NGỌC HOÀNG là vị Thánh Cao nhất trong đạo Mẫu, có bàn thờ riêng trong các đền và phủ, tuy nhiên vai trò của Ngọc Hoàng trong nghi lễ và thờ cúng, trong tâm thức dân gian thì lại rất mờ nhạt. Như mọi người đều biết, Ngọc Hoàng là thần linh cao nhất trong đạo thờ Tiên của đạo giáo Trung Hoa, đã được gá lắp khá muộn màn vào đạo thờ Mẫu cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác của người Việt.

TAM TOÀ THÁNH MẪU. Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất, nhưng lại hóa thân thành Tam vị, Tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn.

MẪU THƯỢNG THIÊN sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Về phương diện vũ trụ quan, ta có thể thấy quan niệm về Mẫu nói chung và Mẫu Thiên nói riêng, trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là bốn vị Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, vốn liên quan tới Thần mưa của tín ngưỡng nông nghiệp. Thực ra những huyền thoại và thần tích của Mẫu Thượng Thiên đều trực tiếp liên quan tới Thánh Mẫu, Liễu Hạnh, là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên, vị thần chủ cao nhất và được thờ cúng nhiều nhất trong Đạo Mẫu ở nước ta.

Trong điện thần Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn, mà theo hiểu biết hiện nay sớm nhất cũng chỉ vào khoảng thế kỷ XVI, thời Hậu Lê, nhưng nhanh chóng trở thành vị Thần chủ của đạo Mẫu và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

Cũng theo quan niệm dân gian, Mẫu Liễu còn có thể hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi, hay thành Địa Tiên Thánh Mẫu - Mẹ Đất, cai quản mọi đất đai và đời sống sinh vật. Vào tới Huế, Thánh Mẫu Vân Cát (tức Mẫu Liễu) hoặc là đặt ngang hàng hoặc là đồng nhất với thánh Mẫu Thiên Ya Na nguyên gốc Chăm.

MẪU THƯỢNG NGÀN là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chinh sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở hầu khắp mọi nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính gắn bó với hai truyền thuyết ít nhiều có khác biệt, đó là Suối Mỡ (Hà Bắc) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). (1)

Khác với Mẫu Thượng Thiên (mà Liễu Hạnh công chúa là hiện thân) là người Trời, người Tiên, Mẫu Thượng Ngàn xuất xứ là người trần, tuy có là con gái hay cháu Vua Hùng. Đó là những người gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, người có phép tiên có thể mang lại yên vui, ấm no cho dân lành. Họ hiển Thánh và trờ thành vị thần bảo hộ cho rừng núi, bản làng.

Ở Tây Nguyên, tục thờ Mẫu do người Việt mang vào lại đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với ÂU Cơ - Mẹ Tiên, sau khi từ biệt với Bố Rồng - Lạc Long, đã mang theo 50 người con lên núi, sinh sống, phát triển thành các dân tộc thiểu số ngày nay và Mẹ Âu Cơ trở thành vị Thánh Mẫu cai quản vùng rừng núi. Bởi thế, các động Sơn Trang ở các đền Tây Nguyên thường tái hiện sự tích Lạc long Quân và Âu Cơ. (2)

MẪU THOẢI. Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tuỳ theo từng nơi có khá nhiều khác biệt, tuy nhiên, cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước. (3)

Như vậy, trong Tam toà Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên mà hoá thân là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vốn là con gái Ngọc Hoàng đã nhiều lần giáng sinh nơi trần thế. Còn lại Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đều có nguồn gốc Sơn thần và Thuỷ thần, ít nhiều gắn bó với các nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại của buổi đầu huyền sử dân tộc, như Tản Viên, Hùng Vương, ÂU Cơ (Mẫu Thượng Ngàn) hay Lạc Long Vương, Kinh Dương Vương, Kinh Xuyên (Mẫu Thoải). Trong Tam toà Thánh Mẫu ta còn thấy có sự kết hợp, đan quyện giữa tư duy mang tính vũ trụ luận (Trời, Đất, Nước), tư duy huyền thoại (Thiên Thần, Sơn Thần và Thuỷ Thần) và tư duy lịch sử (Lạc Long Quân - Âu Cơ Hùng Vương). Đây cũng là một khía cạnh tâm lý mang đặc thù Việt Nam.

NGŨ VỊ QUAN LỚN. Sau hàng Mẫu là Ngũ Vị Quan Lớn (hàng Quan), gọi tên từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ, tuy nhiên không phải là không có quan niệm về sự hiện diện của lO vị Quan Lớn thuộc hàng Quan. Thường thì 5 vị đầu hay giáng đồng hơn, có lai lịch hoặc là Thiên thần hoặc là Nhân thần, 5 vị còn lại thì ít giáng đồng, bởi vậy thần tích cũng không được rõ ràng. Ở đây một lần nữa ta lại gặp hiện tượng con số 5 và bội số 2 của con số này.

Trong Ngũ Vị Quan Lớn thì Quan Đệ Nhất và Quan Đệ Nhị có nguồn gốc Thiên thần. Quan Đệ Nhất vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống trần cứu giúp dân lành khỏi sự quấy phá của tà quan. Quan Đệ Nhị cũng là Thiên thần xuống trần gian trấn giữ Thượng Ngàn.

Nổi bật nhất trong hàng Quan là Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ. Hai vị này có đền thờ riêng, có thần tích và huyền thoại, đặc biệt là hay giáng đồng, nên được các tín đồ thờ cúng và tôn kính. Theo các huyền thoại lưu truyền trong dân gian cũng như lai lịch các bản văn chầu thì Quan Tam phủ là con Vua Bát Hải Đại Vương, hóa thân thành một võ tướng của Hùng Vương. Đền thờ chính của ông ở Ninh Giang, tức Đền Lảnh, ngoài ra còn có nhiều nơi thờ vọng, từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi ngược lên vùng núi.

Quan Đệ Ngũ còn gọi là Quan Tuần, Quan Lớn Tuần Tranh. Tuỳ theo từng địa phương mà lưu truyền các huyền thoại khác nhau về quan Đệ Ngũ. Quan Tuần gốc tích là con rắn thần ở sông Đò Tranh (Hải Hưng). Cũng có những nơi gắn Quan Đệ Ngũ với Cao Lỗ, một võ tướng của An Dương Vương hay chính là con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng, hiện được thờ ở Cửa Ông (Quảng Ninh) và ở Lạng Sơn. (4)

Các quan lớn trong văn chầu hay khi giáng đồng thường có tính cách quý phái, hùng dũng, nhân từ, hay làm những việc phúc đức nhưng cũng đáng sợ với người trần.

Các vị đều mặc võ quan, mang kiếm hay kích, mặc võ phục nhưng mầu sắc thì tuỳ thuộc các vị thần thuộc Thoải phủ (trắng), Thiên phủ (đỏ), Nhạc phủ (xanh) hay Địa phủ (vàng). Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ đều thuộc Thoải phủ, dòng Long Vương Bát Hải.

(còn tiếp)

GS-TS Ngô Đức Thịnh

Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam

Nguồn: daomauvietnam.com

________________________

Chú thích:

1. Xem: Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam. Nxb. Văn hóa thông tin. H., 1996, tr. 26

2. Xem. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Sđd, tr. 298.

3. Xem thêm. Ngô Đức thịnh (chủ biên), Sđd, tr. 29.

4. Trần Lâm Biền, Quanh tín ngưỡng dân dã Mẫu Liễu và Điện thờ, Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, số 5/1990.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...