Tín ngưỡng thờ Trời ở Nam bộ
Thờ Trời là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Đây là một dạng tín ngưỡng sơ khai của con người khi chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên nên cho rằng: mỗi sự vật, hiện tượng xung quanh mình đều có các vị thần linh chi phối, dần dần hình thành nên tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ở Nam Bộ, Trời là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhất.
Thần thoại sáng thế của người Việt kể rằng thoạt kỳ thủy, trời đất là một khối mờ mịt, hỗn độn. Từ trong khối hỗn độn đó, thần Trụ trời đào đất, đắp đá thành một trụ cao to, chống màn trời lên khỏi mặt đất, làm cho trời đất phân định rõ ràng: trời tròn như cái chén úp xuống, đất phẳng như cái mâm vuông. Trời ở trên cao (dương), tạo ra mưa nắng, bão táp; Đất là mẹ, ở dưới mang nữ tính (âm), hàm chứa khả năng sinh sản. Tín ngưỡng cha Trời, mẹ Đất còn mang nội dung mối quan hệ ba ngôi tam tài (tam hoàng): Thiên hoàng (Trời), Địa hoàng (Đất) và Nhơn hoàng (Người); Người ở giữa Trời và Đất phải thông thiên, đạt địa(1).
Ông Trời trong tâm thức dân gian là vị thần tối cao, linh thiêng nên ai ai cũng hướng về. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ thể hiện uy trời. Dân gian hay nói “trời cao có mắt” nhằm chê trách những ai ở đời không có đức, làm nhiều việc ác với hàm ý là sẽ bị quả báo; những kẻ đầu trộm đuôi cướp, lưu manh ba đá, làm việc không có quy tắc, không có kỷ luật, qua mặt người khác là thứ “bán trời không mời thiên lôi”; những người phá làng, phá xóm sẽ bị thiên hạ chửi là “đồ trời đánh”; để nói tránh việc tuổi già sắp chết thì bảo là “gần đất xa trời”; những người không thể thay đổi được hoàn cảnh thì cho rằng đó là do “số trời đã định”; những kẻ vô lo, sinh con đàn cháu đống, không ngại hoàn cảnh khó khăn thường bảo là “trời sinh voi sinh cỏ”… Còn khi nói “thiên bất dung gian” là ý nói Trời sẽ không tha những kẻ gian; “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” hàm ý việc tính toán là do con người, còn thành công hay không là ở Trời; “thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong” là ý nói thuận theo Trời thì sống, trái ý Trời là chết…
Ông Trời tuy ở trên cao, có quyền năng siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với dân gian. Đặc biệt, ông Trời còn có chức năng như vị thần công lý là khuyến thiện trừ ác. Hễ ai làm điều ác thì Trời sẽ không tha, còn ngược lại nếu làm điều thiện sẽ được Trời ban phước lành. Vì lẽ đó, ông Trời thường là đối tượng để con người hướng đến cầu cạnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nếu gặp chuyện chẳng lành trong cuộc sống người ta đều kêu Trời để than thở, những khi ốm đau bệnh tật người ta cũng van vái Trời cao…
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời.
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Trong văn hóa truyền thống, hình tượng ông Trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt đã được cung đình hóa bằng một nghi thức trọng thể của quốc gia, đó là tế Giao (cùng với Đàn Nam Giao - tế Trời còn có Đàn Xã Tắc - tế Đất). Việc tế Giao đã được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến và là một nghi lễ quan trọng nhất của quốc gia, được bộ Lễ đứng ra tổ chức và nhà vua trực tiếp cử hành. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của một vị Hoàng đế phải làm sau khi lên ngôi”(2).
*
Ở Nam Bộ, hình thức thờ Trời được thể hiện bằng bàn Thiên được đặt trước cửa nhà. Bàn Thiên ở Nam Bộ rất đơn giản. “Trụ cột cao độ 1,5m (bằng gỗ hoặc bằng gạch), trên có bệ thờ vuông, với một lọ cắm nhang, một lọ hoa, ba chung nước lã, có nơi thêm vào một lọ gạo và một lọ muối. Bàn Thiên thường được dựng trước sân nhà; nếu sân đất, người ta tráng xi măng hoặc lót gạch khoảng một thước vuông chung quanh bàn Thiên; ở vùng thị tứ, chợ búa, bàn Thiên có khi đặt trên sân thượng. Mỗi tối gia chủ thắp nhang khấn nguyện Trời Đất rồi xá bốn phương”(3). Tuy đơn giản là thế, bàn Thiên ở Nam Bộ chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của con người đối với bề trên. Đó còn là nơi con người gởi gắm bao ước mơ cao đẹp của mình lên đấng Trời xanh, ngõ hầu mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Bàn thiên của người Việt. |
Một vài nơi, hình thức Bàn Thiên có khác. Thí dụ vùng “Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhất là các xã Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu; vùng Thất Sơn (An Giang), nơi có khá đông tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (phái Ngô Lợi - núi Tượng) như các làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập… có dạng bàn Thiên hai tầng. Tầng trên thờ Trời (còn gọi là thờ Chánh Đức Thiên La thần), tầng dưới thờ Đất (còn gọi là Thổ Trạch Long thần), bộc lộ rõ tín ngưỡng cha Trời- mẹ Đất, một dạng tín ngưỡng cổ sơ thờ sức mạnh vô hình hoặc hữu hình của thiên nhiên có khả năng phò trợ hay làm hại con người còn đậm nét. Đồng thời cũng có tính pha tạp với nội dung âm dương giao hòa của thuyết âm dương ngũ hành với ước vọng phong điều vũ thuận vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt”(4). Có nơi lại làm bàn Thiên ba tầng. Tầng trên thờ Trời, tầng dưới thờ Đất và tầng giữa thờ Người, theo thuyết tam hoàng.
Tín ngưỡng thờ Trời của người Hoa được thể hiện qua bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu thường được đặt ở chùa, để cúng tế Trời Đất mỗi khi trong chùa có lễ. Hình thức thờ Trời của người Hoa cũng có khi là một gian thờ Ngọc Hoàng trong chính điện của một ngôi chùa. Trong tâm thức của người Hoa, Ngọc Hoàng được hình dung như một vị vua ở hạ giới. Ông ngồi trên ngai vàng, mặc đại triều phục với áo dài thêu rồng, đội miện hoàng đế làm bằng một miếng ván nhỏ có treo mười ba chuỗi ngọc màu, xâu chỉ đỏ ở đằng trước và đằng sau, hai tay bưng một bài vị theo nghi lễ hoàng đế.
Người Khmer cũng tin vào ông Trời, họ cho rằng Trời quyết định mùa vụ trúng hay thất. Vì vậy, phần lớn nhà của người Khmer ở Nam Bộ đều có bàn Thiên ở trước sân. Có điều, không như người Việt cho rằng bàn Thiên chỉ thờ Trời, theo người Khmer, bàn Thiên còn là nơi thờ Phật, thờ các vị thần Đất… Điều này còn được thể hiện trong lễ cưới của người Khmer, ông Achar dắt cô dâu chú rể đến ngồi dưới bàn Thiên để chọn giờ tốt.
Ngoài những dịp lễ Tết, người Khmer đều thắp nhang trên bàn Thiên hằng ngày để cầu các vị thần phù hộ gia đình được khỏe mạnh, phum sóc được bình an, đồng ruộng trúng mùa, cây trái xanh tươi, trĩu quả…
Bàn Thiên của người Khmer khác với bàn Thiên của người Việt và được gọi là đền thờ Ông Thiên. Đền được dựng bởi: “bộ cột tre 4 cây to bằng cườm tay, cao độ 2,2m được đục lỗ gắn đà ngang dọc bốn bên. Phần trên làm thành một ngôi miếu nhỏ lợp lá, có bốn cửa, mỗi cửa ngang 0,15m, cao 0,2m. Bên trong đặt một lư hương, một bình hoa, ba cái chung tức óp (nước ướp nhang thơm và đèn cầy). Bên cạnh song song là hai chiếc Sla tho (cây bông) làm bằng hai khúc cây chuối lớn bằng cườm chân. Đoạn cây chuối được trang trí sau khi khắc cân đối eo thân cây và vạt nhọn hai phần đầu, cắt bằng cân đối và gắn ba chân bằng ba thẻ tre. Đôi khi người ta làm Sla tho trên bằng trái dừa khô. Thường thì từ phần trên của eo cây bông được uốn những lá trầu xếp đôi, những miếng cau tươi chẻ nhỏ, mỗi miếng nhỏ bằng 1/6 của trái cau và nhiều loại bông hoa được ghim vào những cây tăm hay chân nhang và đơm xen kẽ vào thân cây bông, trông rất đẹp mắt”(5).
Bàn thiên của người Khmer. |
Ở một số nơi, bàn Thiên của người Khmer cũng làm như bàn Thiên của người Việt, gồm một cột gỗ hoặc xi măng trên đó là một miếng xi măng hay miếng gỗ. Trên miếng gỗ đó có ba chung nước, một lọ hoa. Một vài nơi, bàn Thiên lại được làm sặc sỡ hơn. Đó là một trụ cột xi măng cao khoảng 1,4m- 1,6m, trên đó là mô hình một ngôi chùa nhỏ được trang hoàng đẹp mắt, màu sắc rực rỡ và được trang trí rất cầu kỳ gồm các đường nét, mái nóc uốn cong, trang trí hình rắn thần Nagar... Bàn Thiên này thường đặt giữa hồ sen ở trước nhà, trông rất đẹp mắt.
Ngày nay, xã hội đã phát triển, một số tín ngưỡng cổ sơ đã không còn tồn tại, nhưng tín ngưỡng thờ Trời vẫn mãi còn trong tâm thức người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
TRẦN PHỎNG DIỀU
Nguồn: baocantho.com.vn
-----------------------------
Chú thích:
1. Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nxb Trẻ, tr.144.
2. Đinh Hồng Hải (2003), Hình tượng Ông Trời trong tín ngưỡng của người Việt, Tạp chí Xưa và Nay, số 134, tháng 2.
3. Nguyễn Hữu Hiếu, sđd, tr.144.
4. Nguyễn Hữu Hiếu, sđd, tr.145.
5. Võ Thanh Bằng (2008) (chủ biên), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb ĐHQG TPHCM, tr.354.