Tìm hiểu Đạo giáo (10)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4981 | Cật nhập lần cuối: 5/30/2016 9:54:54 AM | RSS

(tiếp theo)

Các dấu hiệu và biểu tượng

Dấu hiệu hoặc biểu tượng nào giúp nhận diện một tín đồ Đạo giáo hoặc một người sống theo TTCĐTH?

Tìm hiểu Đạo giáo (10)Những biểu tượng liên kết với các niềm tin tôn giáo và các tập tục dân gian thì rất nhiều trong những xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa Trung Hoa. Trong nhiều thế kỷ, những truyền thống tôn giáo chính của Trung Hoa-Đạo giáo, Khổng giáo, Phật giáo, và bình dân-đều cùng có chung nhiều trong số các biểu tượng và dấu hiệu đó. Sự trùng lặp biểu tượng của nhiều truyền thống làm cho chúng ta khó, nếu không muốn nói là không thể, nếu chỉ thoáng nhìn mà biết ngay được chủ nhân và người sử dụng những biểu tượng này thuộc về truyền thống nào. Những dấu hiệu và biểu tượng thường liên kết với TTCĐTH bao gồm vô vàn dụng cụ phòng vệ và ma thuật, bùa và ngải. Có lẽ biểu tượng được sử dụng rộng rãi nhất là biểu tượng nói lên sự hài hòa tuyệt vời giữa Âm và Dương. Xuất hiện trên mọi loại đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như nhẫn và mặt dây chuyền, cái gọi là thái cực là một vòng tròn gồm hai hình giống giọt nước mắt cong bằng nhau và đối nhau. Phân nửa tối hơn biểu trưng Âm, còn phân nửa sáng hơn biểu trưng Dương, nhưng phần hòa trộn cả hai được biểu trưng bằng một chấm tối ở đầu lớn hơn của Dương và một chấm sáng tương ứng của Âm. Đôi khi, như trên quốc kỳ Hàn Quốc, biểu tượng đó được bao quanh bởi tám quẻ (tam hào) [ba gua]. Các quả được tạo thành bởi những phối hợp những vạch Dương liền và vạch Âm đứt quãng. Những vật dụng giống như bùa thì hết sức phổ biến trong các xã hội Trung Hoa. Vải vóc và các món đồ trang trí khác, như đồ gốm, trưng bày nhiều đặc điểm biểu tượng đa dạng. Các biểu tượng mà chúng trình bày có thể bao gồm hàng tá động vật, cây cối, hoặc những vật vô sinh liên quan tới những khía cạnh bí ẩn lớn lao nhất của cuộc sống, của những vật mà con người mong ước nhất hoặc e sợ nhất. Ví dụ, con rùa và con hạc có nghĩa là sự trường thọ, con rồng có nghĩa là sự che chở, chim phượng hoàng có nghĩa là sự ấm áp. Con diệc và vô số loại chim khác thuộc điềm lành báo hiệu hạnh phúc; còn những sinh vật thuộc điềm xấu như chim cú, báo trước sự chết chóc và xui xẻo.

Tam hào đồ và lục hào đồ là gì?

Tam hào đồ là bộ ba vạch ngang xếp lên nhau theo chiều thẳng đứng được tạo nên theo từng tổ hợp khả hữu của vạch đứt (_ _) hay liền (__). Vạch liền biểu thị lẽ Dương thuộc về mặt trời và giống đực, cao, sáng, động, và khô. Vạch đứt biểu thị lẽ Âm thuộc về đất, mặt trăng và giống cái, tối, ẩm, bí ẩn và liên quan với thung lũng. Các tổ hợp Âm và Dương theo những tỷ lệ thay đổi tạo thành tám nguyên tố chính trong việc tạo dựng. Trình bày theo truyền thống thường sắp xếp tám tam hào đồ thành một hình bát giác mà ở tâm của nó có biểu tượng thái cực nói lên sự hài hòa Âm Dương thật hoàn hảo. Mỗi tam hào đồ được sắp xếp đối với hào đối diện của nó trong bộ. Do vậy, ví dụ, nếu bạn giữ một chiếc la bàn trước mặt bạn và cho nó chỉ về hướng bắc, ba vạch liền của Trời sẽ đứng đối diện ba vạch đứt của Đất tại điểm sẽ là bắc và nam. Ngay ở hướng “đông” là Nước, với một vạch liền giữa hai vạch đứt, đối với Lửa, có vạch đứt xen giữa hai vạch liền tại hướng tây. Tại hướng tây bắc, vạch đứt-liền-liền (từ trên xuống) của Hồ đối diện vạch liền-đứt-đứt của Núi. Và tại hướng đông bắc, vạch liền-liền-đứt của Gió cân xứng với vạch đứt-đứt-liền của Sấm. Lấy tám tam hào và sắp xếp chúng theo mọi tổ hợp khả hữu bằng cách xếp các tam hào đồ lên nhau bạn sẽ được sáu mươi bốn hình lục giác. Chất chồng trời lên trên trời và kết quả được gọi là “nguyên lý sáng tạo”. Thêm đất vào đất, bạn sẽ được “nguyên lý tĩnh”. Đất bên trên trời phát sinh “sự an hòa”, trong khi đó Trời trên Đất lại có nghĩa là “đình trệ”. Nguồn quan trọng duy nhất để giải thích những biểu thị bí ẩn này là Dịch Kinh (Yi/Jing). Tung và sắp xếp lại bộ năm chục que và đọc chúng dưới dạng các hình lục giác với sự trợ giúp của kinh đó còn là một hình thức bói toán khá phổ biến.

Dấu hiệu hoặc biểu tượng nào phân biệt các chuyên viên nghi lễ?

Các “thầy tế” hoặc “sư phụ” của Đạo giáo sử dụng rất nhiều lễ phục mang tính biểu tượng trong các buổi lễ. Hình như phỏng theo áo quần của vua chúa để cử hành các nghi lễ tôn giáo, hiện các thầy tế Đạo giáo mặc ba kiểu lễ phục là những áo choàng, ống tay rộng, có hình thái cực trước và sau, màu sắc khác nhau, tùy từng tông phái. Các vị chủ lễ còn mang một khăn trùm đầu đặc biệt gồm có mũ chỏm đen bên dưới một vương miện kim loại năm cánh (gợi lại năm nguyên tố). Giày mang trong khi hành lễ giống như những đôi hia mang tính biểu trưng ám chỉ khả năng đi lên trời khi họ dâng lời nguyện của dân chúng lên cho các thần.

(còn tiếp)

John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.415-418.

---------------------------------------

Tìm hiểu Đạo giáo (1)

Tìm hiểu Đạo giáo (2)

Tìm hiểu Đạo giáo (3)

Tìm hiểu Đạo giáo (4)

Tìm hiểu Đạo giáo (5)

Tìm hiểu Đạo giáo (6)

Tìm hiểu Đạo giáo (7)

Tìm hiểu Đạo giáo (8)

Tìm hiểu Đạo giáo (9)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...