Tìm hiểu Đạo giáo (11)
(tiếp theo)
Du khách sẽ xem gì nếu vào một đền thờ của Đạo giáo hay TTCĐTH?
Đền thờ Trung Hoa truyền thống thuộc bất cứ tông phái nào, thường được bài trí theo sơ đồ mặt bằng của các cung điện vua chúa cổ xưa, hàng rào quanh đền và các cấu trúc chính bên trong thường hướng về phía nam. Khi tới gần đền, trước tiên du khách sẽ thấy một chiếc cổng đồ sộ tạo lối vào đi qua tường vây quanh phía ngoài đền. Những mái cong thật trang nhã được trang trí bằng vô số những nhân vật bằng thủy tinh hoặc gốm nhỏ muôn màu đứng trên đỉnh cổng cũng như các tòa nhà chính ở bên trong. Trong một số đền công phu hơn, cổng chính mở thông vào cái sân trước có mái che, hoặc một tiền sảnh để người cúng bái cảm nhận sự thay đổi tâm tình trước khi bước vào chính điện. Quanh vành đai của sân chính là những gian thờ nhỏ của các phụ thần. trước điện chính hay các gian thờ nhỏ thường có cái vạc lớn đổ đầy cát để cắm nhang.
Ở một trong hai đầu mái (và cả các cấu trúc khác trong đền nữa) du khách sẽ bắt gặp một thủy vật lai kỳ lạ, đầu rồng đuôi cá, được gọi là cực văn (ji wen). Các cột hoặc trụ được trang trí bằng những con rồng đá được chạm sâu xoắn ốc từ đế lên tới đỉnh thường đứng cạnh lối chính dẫn vào điện thờ. Những cột, được trang trí tương tự, đôi khi nhô ra khỏi hai đầu của nóc nhà, các cột trụ đỡ bầu trời. Các đền của Trung Hoa thường tạo ra một khoảng trống có mái che trong một mái cổng bao quanh sân chính và một khoảng trống ngay chính sân trong. Chính điện có thể là một gian khá lớn.
Các nơi thánh của Đạo giáo và TTCĐTH có được đánh dấu bằng các dấu hiệu và biểu tượng riêng nào không?
Không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được thiết kế bên ngoài của một nơi thánh với đồ trang trí của các truyền thống tôn giáo của Trung Hoa. Đền thờ Hồi giáo (kể cả những đền trong khung cảnh Trung Hoa) có tháp riêng biệt, nhà thờ có tháp hình chóp và thánh giá, đền Ấn giáo có mặt tiền và tháp đánh dấu các điện thờ bên trong. Một số đền chùa Phật giáo Trung Hoa nói lên tính đồng nhất của nó bằng những ngôi chùa hoặc tháp, nhưng sự thể không phải lúc nào cũng thế. Nóc đền thờ Trung Hoa thường trưng bày các nhân vật nhỏ nhiều màu sắc, nhưng những nhân vật này không phải là dấu chỉ đáng tin cậy của tính tôn giáo riêng của nơi thánh đó. Các nhân vật đầy sức sống trên nóc đôi khi là những cảnh lấy từ nhạc kịch hoặc tiểu thuyết cổ điển của Trung Hoa, được chọn đặt ở đấy vì chúng ám chỉ những nhân đức đạo lý quan trọng nào đó. Bên trong đền có những gợi ý rõ ràng hơn, nhưng dù thế, người ta vẫn phải nhìn kỹ mới phân biệt được đâu là biểu tượng thánh của Đạo giáo và đâu là biểu tượng của TTCĐTH. Ví dụ, một tượng Bồ Tát Quan Âm (nguyên thủy là của Phật giáo) có thể xuất hiện trên một bàn thờ nhỏ ở khu có mái che phía trước sân trong, nhưng điều đó không có nghĩa đây là một đền Phật giáo; và có thể cũng chẳng thuộc Đạo giáo mà thuộc TTCĐTH “vay mượn” từ Phật giáo. Biểu tượng riêng nhất của Đạo giáo là bàn thờ chính. Đứng trước vị thần trung tâm trên bàn thờ là một cây đèn luôn thắp sáng tượng trưng cho trí tuê và ánh quang của Đạo. Hai cây nến tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng đứng cách hai bên cây đèn độ dăm mười phân, gần phía mặt tiền của bàn thờ hơn một chút. Các tách nước (dương), trà (âm), và gạo (dương và âm kết hợp) đặt trước các cây nến. Sát ra mặt trước của bàn thờ hơn nữa là năm mâm trái cây, mỗi mâm có một màu khác nhau, tượng trưng cho năm nguyên tố. Chính giữa mặt trước là một lư hương, vật nhắc nhở sức nóng thanh luyện ba sinh lực được tượng trưng bởi ba que nhang.
Tượng và hình ảnh khác có quan trọng trong các đền Đạo giáo hoặc TTCĐTH không?
Trừ các đền chính của Khổng giáo và của Vua chúa, những nơi cử hành nghi lễ Trung Hoa hầu như luôn đầy hình tượng thần thánh và nhiều nhân vật thánh khác nữa. Trong nhiều thế kỷ, tín đồ Đạo giáo và những người sống theo TTCĐTH từng cảm thấy không cần đến các hình tượng. Nhưng khi Phật giáo có mặt, truyền thống phát triển mạnh hình tượng, đã tác động tâm lý tín đồ Đạo giáo nói riêng và dân chúng Trung Hoa nói chung. Trong đó một số thần có nguồn gốc thần linh, số khác khởi từ con người, hoặc mang tính lịch sử hay tính truyền thuyết, nhưng sau này đã được phong thần.
(còn tiếp)
John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.418-420.
---------------------------------------