Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam
LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 02
VẤN ĐỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM
Tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Đang khi một số tôn giáo Á Đông tin luân hồi, cho rằng con người chết rồi đầu thai hóa kiếp thành loài này loài khác thì Đạo Hiếu dạy rằng linh hồn Ông Bà Tổ Tiên bất tử, linh hiển và gần gũi con cháu. Đạo Hiếu và Đạo Chúa có chung một niềm tin linh hồn bất tử, tiếc thay, đã gặp một sự hiểu lầm suốt mấy thế kỷ.
Hoàn cảnh thế kỷ XVII đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo, trong đó tổ tiên được coi như những vị thần. Ngộ nhận này một phần là do chưa nghiên cứu cặn kẽ:
- Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, gia chủ không tụng kinh (đọc lớn một công thức) cũng không niệm kinh (đọc thầm) mà chỉ nói với tổ tiên của mình như một đứa con nói với người cha hiện đang còn sống, trong ngôn ngữ thông thường.
- Nhiều vị tưởng chữ "lễ" trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là "các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo". Thật ra, chính Đức Khổng Tử đã giải thích chữ "lễ" theo một nghĩa khác. Theo ngài, các "lễ" hoặc các nghi thức chỉ là phương tiện cho người quân tử dùng để xử kỷ tiếp vật trong mỗi tình huống cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội; chúng bộc lộ ra bên ngoài những tình cảm bên trong mà người ta cảm thấy trong tình huống này hoặc tình huống nọ. Vậy, các nghi thức chỉ là những quy phạm của phép xã giao, các quy tắc phép lịch sự mà mục đích gần nhất là giáo hóa con người. Đó là những quy luật của "lễ phép xã hội", như chính Khổng Tử nói, khiến ngày qua ngày người ta đến gần điều thiện và tránh xa điều ác mà không ngờ. Nghi thức khi cúng gia tiên cũng mang ý nghĩa ấy, chỉ là những lễ phép bày tỏ lòng kính trọng quý mến đối với tổ tiên mình.
- Lý do mạnh nhất đẩy Giáo Hội đến chỗ chấp nhận theo một thái độ ngờ vực đối với sự thờ cúng tổ tiên, chính là vì một số người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ "đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)", cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là "hồn bạch", thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của một số người. Theo những tin tưởng chính thống của người Hoa cũng như người Việt, sau khi chết, con người được coi như đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này để an nghỉ ở cõi "suối vàng".
Tại các từ đường, người ta chỉ giữ lại bài vị của năm đời, còn các bài vị của những thế hệ xưa được đem chôn. Nếu thật người ta tin bài vị là nơi hồn nương tựa thì sẽ không chôn như thế, vì không còn bài vị, những hồn ấy sẽ ở đâu? Vả lại, ngày nay, các gia đình dễ dàng thay thế các bài vị bằng những bức chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Nếu hồn không ở trong các bài vị thì vai trò của các bài vị ấy là gì? Dưới con mắt của người Hoa cũng như là người Việt, ít ra là của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Loan Tin Mừng cho dòng họ - Chia sẻ 02