Dân Do Thái mừng Năm Mới ra sao?

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1097 | Cật nhập lần cuối: 2/5/2021 6:13:04 AM | RSS

Dân Do Thái Có Ăn Tết Không?

Dân Do Thái mừng Năm Mới ra sao?Dân Do Thái mừng năm mới với Tết Rosh Hashanah. Tết này kéo dài hai ngày và bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Tishrei, tháng thứ bảy trong lịch Do Thái, nhằm vào tháng Chín hoặc tháng Mười theo lịch chúng ta đang dùng. Mặc dù có vẻ kỳ lạ khi ăn mừng năm mới vào đầu tháng thứ bảy, nhưng Tishri là tháng đầu tiên trong lịch dân sự vì ngoài lịch dân sự ra người Do Thái còn dùng lịch tôn giáo nữa. Ngày chính xác của Rosh Hashanah thay đổi hàng năm, vì nó dựa trên Lịch Do Thái, không phải theo dương lịch mà chúng ta đang dùng.

Rosh Hashanah không được đề cập trong Ngũ Kinh Torah, nhưng xuất hiện dưới tên khác trong Kinh thánh. Mặc dù ngày lễ này rất có thể đã được thiết lập vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, nhưng cụm từ “Rosh Hashanah” chỉ được tìm thấy ở sách Êdêkien 40,1 và trong Mishna, một bộ luật của người Do Thái được biên soạn vào năm 200 sau Công nguyên. Các học giả đã truy ra nguồn gốc Tết Rosh Hashanah chính là Lễ Hội Kèn Trompet được nhắc đến trong sách Lêvi 23, 23-25 và Dân số 29, 1 của Ngũ Kinh.

Lễ Tết Rosh Hashanah Có Ý Nghĩa gì?

Rosh Hashanah là ngày đầu năm mới theo lịch Do Thái, và Lễ Tết này có 4 ý nghĩa chính:

1/ là Ngày Phán Xét - Người Do Thái trên khắp thế giới được mời gọi tĩnh tâm và xem xét những việc làm trong quá khứ và xin Chúa tha thứ những tội lỗi của họ.

2/ là Ngày Thổi Kèn Shofar - Shofar một loại kèn âm nhạc cổ xưa thường làm bằng sừng của một con cừu đực được thổi nơi các đền thờ để báo trước khởi đầu của tuần lễ trọng dài 10 ngày của Do Thái giáo. Âm thanh của chiếc sừng có ý nghĩa đánh thức người nghe khỏi giấc ngủ tinh thần của họ, giúp họ nhận thức được hậu quả những việc họ đã làm. Âm thanh ai oán của nhạc cụ cổ xưa này như một lời kêu gọi ăn năn và nhắc nhở người Do Thái rằng Chúa là vua của họ.

3/ là Ngày Tưởng Nhớ - Khi người Do Thái nhớ về lịch sử của dân tộc họ và cầu nguyện cho đất nước quê hương.

4/ là Ngày Tết – Người ta ăn mừng ngày lễ với những tấm thiệp đẹp gửi đến nhau, với những lời cầu nguyện đặc biệt, những nghi thức nhiều ý nghĩa và những món ăn truyền thống.

Phong tục và biểu tượng của Rosh Hashanah

- Vào hai ngày Tết Rosh Hashanah, người Do Thái nghỉ làm và họ dành thời gian tham dự nghi thức được tổ chức tại các hội đường Do Thái. Những nghi thức này bao gồm việc cầu nguyện, hát thánh ca và lắng nghe các bản văn phung vụ do các giáo sĩ Do Thái đọc từ một cuốn sách cầu nguyện đặc biệt tên là Machzor chỉ dùng cho hai ngày lễ Rosh Hashanah (cũng là Ngày Xét Xử - ngày 1 tháng Tishri) và Yom Kippur (Ngày Đền Tội - ngày 10 tháng Tishri).

- Sau khi các nghi lễ tôn giáo kết thúc, nhiều người Do Thái trở về nhà để thưởng thức một bữa ăn lễ hội mang đậm tính biểu tượng và truyền thống. Một số người chọn mặc quần áo mới và tô điểm bàn tiệc bằng các khăn trải bàn sang đẹp. Bữa ăn thường bắt đầu với nghi lễ thắp sáng hai ngọn nến và có các loại thực phẩm tượng trưng cho những mong muốn tích cực cho năm mới.

- Vào ngày lễ Rosh Hashanah, một số người Do Thái thực hành một phong tục được gọi là Tashlich ("xua tan tội lỗi"). Họ tìm đến nơi gần bờ nơi có nước chảy, đọc một lời nguyện rồi trút hết những gì trong túi quần túi áo ra, có người ném đá sỏi hay những mẩu bánh mì vào dòng nước. Khi chiếc bánh tượng trưng cho những tội lỗi trong năm qua bị cuốn đi, những người theo làm tục lệ này sẽ được thanh tẩy và tâm hồn họ được đổi mới.

-Táo và mật ong: Một trong những phong tục phổ biến nhất trong ngày Tết Rosh Hashanah là ăn những lát táo nhúng mật ong, sau khi đã đọc một lời cầu nguyện đặc biệt. Người Do Thái xưa tin rằng táo có đặc tính chữa bệnh, và mật ong tượng trưng cho hy vọng năm mới sẽ ngọt ngào. Thức ăn mừng lễ Rosh Hashanah thường bao gồm nhiều loại đồ ngọt vì lý do này.

- Bánh challah tròn: Vào ngày Sa-bát và các ngày lễ khác, người Do Thái ăn những ổ bánh mì theo luật định được gọi là challah. Vào Tết Rosh Hashanah,bánh nướng challah thường được tạo hình tròn để tượng trưng cho bản chất tuần hoàn của cuộc sống hoặc vương miện của Chúa. Nho khô đôi khi được thêm vào bột để người thưởng thức có một năm mới ngọt ngào.

- “L’shana tovah”: Người Do Thái chào nhau vào ngày Tết Rosh Hashanah bằng cụm từ tiếng Do Thái “L’shana tovah”, có nghĩa là “chúc một năm tốt lành”. Đây là phiên bản rút gọn của lời chào Rosh Hashanah “L’shanah tovah tikatev v’taihatem” (“Cầu mong bạn được khắc ghi và niêm phong trong một năm tốt lành”).

Đêm giao thừa ngày 31 tháng 12 dương lịch, hay người Israel gọi là "Sylvester", đã trở nên phổ biến hơn ở Israel trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều người Israel, nhất là giới trẻ, tham gia vào lễ hội NYE –New Year Eve / Đón Giao Thừa, mặc dù đây không phải là ngày lễ được chính thức công nhận ở Israel. Nơi các thành phố lớn ở Israel, người người ta ăn uống, tiệc tùng, khiêu vũ, tham dự các buổi trình diễn âm nhạc, và coi bắn pháo bông như những người dân khác trên thế giới. Với niềm hy vọng vào một năm mới chan chứa niềm vui, họ chúc nhau một năm mới an lành.

Tác giả bài viết: Luke Quang
Nguồn: gpquinhon.org

* Tài Liệu Tham Khảo:

1/ Holman’s Bible Dictionary, 2004. Mục từ: Festivals

2/ The New Lion Bible Encyclopedia, 2012. Mục từ: Jewish Festivals and Holidays

3/ Catholic Encyclopedia, New Advent, 2020, Mục từ: Feast of Trumpets, Jewish Calendar

4/ Catholic Bible Dictionary, Scott Hahn, 2009. Mục từ: Trumpet, Day of Atonement

5/ Wikipedia, 2021. Muc từ: Rosh Hashanah

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...