Kính Nhớ Tổ Tiên Ngày Tết
Đối với dân tộc Việt Nam, mùa Xuân bắt đầu bằng những ngày Tết, là những ngày đoàn tụ gia đình. Những ngày giáp Tết, ông bà cha mẹ ở nhà trông ngóng con cháu đi xa trở về, còn con cháu ở nơi xa dù đã thành danh, công tác hay còn đi học… cũng trông mong được trở về sum vầy bên những người thân trong ba ngày Tết. Sự trở về của những con, cháu - dù sống trên quê hương hay phiêu bạt khắp năm châu - còn là dịp để thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên.
Không chỉ là ngày lễ của người sống, những người đã chết cũng thực sự tham dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu trong ba ngày Tết. Trong truyền thống dân tộc, ngày 23 tháng Chạp, người ta tổ chức tiễn ông Táo về trời, và sau đó là mời tổ tiên về cùng “ăn” Tết với gia đình. Vào thời khắc giao thừa và sáng mùng Một tết, gia đình giàu sang hay nghèo khó đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn hoặc chí ít là mâm cơm đạm bạc để dâng lên ông bà, mong ông bà phù hộ cho một năm mới bình an, vạn sự như ý.
Tứ thời xuân tại thủ
Bách hạnh hiếu vi tiên.
(Xuân khởi đầu bốn mùa
Hiếu đứng trên trăm nết)
Còn trong đời sống người Kitô hữu, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn vì đó là một trong 10 Điều Răn mà Thiên Chúa trao ban cho con người: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (Xh 20,12).
Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời ông Mô-sê: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mc 7,10). Ngài phản đối việc hiếu kính “giả tạo” của con người, mặc dù đã được che đậy qua nhiều lễ nghi, phong tục, truyền thống. Ngài khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa, vì đối với họ, đã dâng lễ vật cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 15,4-6)
Người Công giáo Việt Nam ngay từ lúc học giáo lý vỡ lòng đã được dạy dỗ: “Thảo kính cha mẹ là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời”. (sách giáo lý Tân Định)
Với các tín đồ Công giáo vùng Á Đông, huấn thị “Plane compertum est” của Đức Thánh Cha Piô XII ngày 08/12/1939 đã công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam.
Từ đó nhiều phong tục đẹp mà cha ông đã lưu truyền từ đời này sang đời khác được đưa vào trong các nghi lễ Công giáo. Những ngày giáp tết, gia đình nào cũng sửa sang bàn thờ (trên là Thiên Chúa - dưới là gia tiên), ra nghĩa trang sửa sang, chăm sóc phần mộ ông bà. Và trong ngày đầu Xuân, nhiều gia đình đã đến nhà chờ Phục Sinh, hoặc ra nghĩa trang giáo xứ viếng mộ ông bà, cha mẹ hoặc những người thân yêu trong gia đình.
Cũng trong truyền thống đạo hiếu của dân tộc trong những ngày khởi đầu một năm mới, Giáo hội Công giáo Việt Nam dành ngày mồng Hai tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là những bậc có công thông truyền sự sống cho chúng ta. Ai cũng mong được đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ, ông bà dù còn sống hay đã qua đời.
Ngày đó, các người thân trong gia đình cùng nhau đến nhà thờ với tâm trạng bồi hồi xúc động. Có những gia đình đông vui với những mái đầu xanh bên mái đầu bạc, có những gia đình quạnh quẽ vơi bóng người thân… Nhưng tất cả đều cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã qua đời của mình.
Trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh, họ tin rằng niềm vui tết của họ chỉ là tạm bợ và chỉ là hình bóng của niềm vui vĩnh cửu trên thiên đàng. Nơi mà tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đi trước đang hưởng một mùa xuân đích thực, bất tận và hạnh phúc viên mãn.
Khi cha mẹ còn sống nếu con cái chỉ tỏ lòng yêu mến và biết ơn thì chưa đủ, còn phải thực hiện bằng việc làm là giúp đỡ cha mẹ, nhất là khi các ngài đã về già. Tuổi già với những khó khăn, hạn chế về thể xác là kết quả của những tháng ngày dài vất vả nuôi dạy con cái, vì thế việc chăm sóc cha mẹ già không phải là dễ. Nhiều người đã coi cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc cung phụng cho cha mẹ tiền bạc rồi cho đó là thảo hiếu cha mẹ, nhưng không hề về thăm hỏi cha mẹ dù là ngày lễ, tết (vì bận đi du lịch, thư giãn...!).
Khi cha mẹ qua đời, con cái vẫn còn bổn phận giúp đỡ cha mẹ qua Thánh lễ và kinh nguyện hàng ngày vì các ngài chỉ an nghỉ về mặt thể xác nhưng phần hồn vẫn còn hiện diện và trông chờ con cháu cầu nguyện cho các ngài. Nhất là trong những ngày đầu năm mới, ngày linh thiêng của người Kitô hữu, ngày mà bất kỳ người con nào cũng không được phép quên cha mẹ đã qua đời của mình, dù tóc đã bạc, răng đã long. Mỗi người con phải để cao bổn phận làm con của mình cho thế hệ mai sau được biết, để thế hệ này qua đi, vẫn còn có thế hệ kế tiếp sẽ làm công việc đền ơn báo nghĩa trong những ngày đầu năm mới.
Thắp lên những nén hương thơm ngày tết, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là cội nguồn sự sống đã tạo dựng nên muôn loài, tứ thời Xuân Hạ Thu Đông; tạ ơn Thiên Chúa đã cho ông bà cha mẹ sinh ra chúng ta làm người. Chúng ta tri ân các ngài vì công ơn sinh thành, dưỡng dục và không chỉ thông truyền sự sống làm người cho chúng ta mà còn thông truyền cả sự sống đức tin cho chúng ta.
Chúng ta có được như ngày hôm nay chính là nhờ công ơn của các ngài: những giọt mồ hôi, những vất vả, những lắng lo và hy sinh tột bực có khi phải đổ cả máu đào để nuôi dưỡng không chỉ phần xác mà còn cả phần hồn chúng ta. Các ngài như gốc mai đại thụ xù xì già cỗi để cho chúng ta là những cánh hoa vàng rực rỡ khoe sắc trong nắng xuân. Công ơn ấy cao ngất tựa Thái Sơn, bao la như biển Thái Bình mà những kẻ làm con không bao giờ đáp đền cho đủ.
Xin các ngài bầu cử cho chúng ta là con cháu, mỗi năm thêm một tuổi mới được sống xứng đáng hơn với kỳ vọng của các ngài. Biết dạy cho con cháu nhìn lại quá khứ để hãnh diện với công lao của tổ tiên và bảo tồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp. Góp phần làm rạng rỡ gia phong, cùng như góp phần xây dựng cộng đồng mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những bậc sinh thành của chúng ta còn tại thế. Xin Chúa ban cho các ngài được hồn an xác mạnh, vui hưởng tuổi già bên “con đàn cháu đống”, mỗi ngày một thêm phúc đức, làm trụ cột cho con cháu noi theo.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Nguồn: tgpsaigon.net