Nghệ thuật Phục sinh: Vị Mục tử nhân lành

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 545 | Cật nhập lần cuối: 5/5/2023 8:03:05 AM | RSS

Nghệ thuật Phục sinh: Vị Mục tử nhân lànhChiêm ngắm và suy tư nghệ thuật thánh, tham dự vào Vizio Divina, mang lại cho các tín hữu một cách thế tuyệt vời để suy niệm sâu sắc hơn về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm cứu độ.

Theo chu kỳ Phụng vụ, vào Chúa nhật IV Phục sinh, Giáo hội mời gọi các tín hữu suy niệm một phần Diễn từ của Chúa Giêsu về vị Mục tử nhân lành như được thuật lại trong chương 10 của Tin Mừng Gioan. Đồng thời, đây cũng là dịp các tín hữu được nhắc nhở về việc Chúa Giêsu vừa quy tụ vừa bảo vệ những ai nghe tiếng và đi theo Người như thế nào.

Bartolomé Esteban Murillo, một trong những nghệ sĩ vĩ đại của thời kỳ Baroque ở Châu Âu, đã trình bày một số bức tranh đáng nhớ về Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành. Bức tranh mà ông thực hiện vào khoảng năm 1660, và hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Prado ở Madrid, có lẽ là bức tranh nổi tiếng và có dấu ấn sâu đậm nhất. Tác phẩm này có một số chi tiết quan trọng mô tả Chúa Giêsu là Đấng Quy tụ và Bảo vệ, vốn là những phẩm chất nổi bật của người mục tử.

Khi tiếp cận bức tranh này, điều đầu tiên khiến khán giả chú ý đó là Chúa Giêsu được miêu tả là một trẻ em. Không phải ngẫu nhiên mà Murillo quyết định sử dụng hình ảnh trẻ em, vì không ít lần Chúa Giêsu đồng hoá Người với trẻ em trong các câu chuyện Tin Mừng (x. Mt 18,3-4 và Lc 9,46-48). Hơn nữa, trong Diễn từ về vị Mục tử nhân lành, Chúa Giêsu nói với những người đang nghe Người rằng, “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Gn 10, 10).

- Liệu có ai có cuộc sống phong phú hơn một em bé tươi vui?

- Tôi có để mình ngày càng trở nên như trẻ thơ để cảm nghiệm niềm vui mà Chúa Giêsu muốn tôi trải nghiệm không?

Ánh nhìn của Em bé mục tử xuyên thấu tâm hồn người xem. Ánh nhìn này có thể khiến khán giả suy tư về mối tương quan của chính họ với vị Mục tử nhân lành. Qua đôi mắt, Chúa Giêsu muốn nói: “Ta muốn có một mối tương quan sâu sắc hơn với con. Ta muốn quy tụ con lại bên Ta và bảo vệ con”. Được thu hút bởi ánh nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta có thể “nhận biết tiếng của Người” rõ hơn (Gn 10, 4).

- Tôi có sẵn sàng để đón nhận ánh mắt của Vị Mục tử nhân lành và nghe tiếng của Người không?

Em bé mục tử cầm một cây gậy trong cánh tay phải của mình. Gậy vốn là công cụ đặc trưng của người mục tử, vì nó được dùng vừa để quy tụ vừa để bảo vệ.

- Những khí cụ mà Chúa Giêsu dùng để quy tụ mọi người vào mối tương quan với Người qua Giáo hội là gì?

- Đâu là những cách thế mà Chúa Giêsu dùng để bảo vệ đoàn chiên của Người?

- Chúa Giêsu đã làm gì để quy tụ và bảo vệ cá nhân tôi?

Tay trái của Em bé mục tử đặt trên một con chiên. Ánh nhìn trên khuôn mặt của Người thể hiện một sự nghiêm túc rõ ràng. Với ánh nhìn và cách đặt tay, vị Mục tử nhân lành muốn khắng định rằng: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,29-30). Khi nhìn vào bức tranh này,

- Liệu tôi có thể nhớ lại những lần tôi cảm nhận được bàn tay che chở của Chúa trong cuộc đời của mình không?

- Có bao giờ tôi nghĩ mình là một con chiên yếu đuối, thậm chí bất lực không?

- Chúa có thể hiện sự dịu dàng đối với tôi ngay giữa sự yếu đuối như vậy không?

Đằng sau Em bé mục tử và con chiên, ở phía bên phải của bức tranh, là một đàn chiên. Điều này trước hết khiến người xem liên tưởng đến lời của Chúa Giêsu: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).

- Tôi có nhận ra rằng Thiên Chúa muốn mỗi người là một phần trong đàn chiên của Ngài không?

- Ngay cả với tư cách là một con chiên, tôi có quyết tâm và sẵn sàng giúp đỡ những con chiên khác gia nhập đàn chiên duy nhất của Chúa là Giáo hội không?

- Tôi có thể làm điều đó như thế nào trong cuộc sống của mình?

Có vẻ như Murillo đã phác hoạ đàn chiên ở xa, như muốn liên tưởng tới dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu về 1 con chiên lạc (x. Mt 18,10-14 và Lc 15,1-7) trong số 99 con vẫn ở lại trong ràn. Con chiên ở ngay bên cạnh vị Mục tử nhân lành, được bàn tay Người vuốt ve, cũng tượng trưng cho “một người tội lỗi ăn năn sám hối”, vốn là căn nguyên của niềm vui hơn là “chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7).

- Tôi có sẵn lòng để coi mình như một con chiên lạc không?

- Tôi có đồng ý và sẵn sàng để Chúa thay đổi con đường tội lỗi của tôi và dẫn tôi trở về với đoàn chiên không?

Cuối cùng, có một chi tiết quan trọng nữa trong bức tranh. Ngay phía sau Em bé mục tử là một phần của tòa nhà bị phá hủy, và về phía sau xa hơn có một cây cột bị đổ sập. Có vẻ như Murillo muốn dùng những hình ảnh này nhằm diễn tả rằng: Chúa Giêsu và giáo huấn của Người đã chiến thắng tà giáo cổ xưa, đặc biệt là ngay tại Đế quốc Roma: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không theo họ…. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy…” (Ga 10,8-10). Sự thanh thản của vị Mục tử Nhân lành, Đấng quy tụ, bảo vệ và ban sự sống dồi dào, hoàn toàn tương phản với phế tích và đống đổ nát.

- Liệu có những lĩnh vực nào trong cuộc sống của tôi mà Chúa phải lật đổ và khắc phục không?

- Tôi có được dẫn vào sự thật trọn vẹn, dần dần loại bỏ lối sống cũ của sự tìm kiếm của cải, thú vui, quyền lực hoặc danh tiếng để thay vào đó là tìm kiếm Chúa không?

Mặc dù bức tranh của Murillo trình bày tương đối ít chi tiết, nhưng những chi tiết được thể hiện lại rất sâu sắc. Qua tất cả những chi tiết ấy, khán giả có thể nhận thức sâu xa hơn về Chúa Giêsu như là Đấng quy tụ và bảo vệ, Đấng không chỉ che chở đàn chiên ở trong ràn mà còn dong duổi tìm kiếm những con chiên đang đi lạc. Để rồi, mỗi người có thể suy tư về mối tương quan của chính mình với vị Mục tử nhân lành và với Một đoàn chiên đích thực, là Giáo Hội. Chắc hẳn việc lớn lên trong cảm thức này sẽ giúp mỗi người chúng ta nhận thức trọn vẹn hơn chiều sâu của Mầu nhiệm Vượt qua và Mùa Phục sinh.

Derek Rotty
Nt. Anna Ngọc Diệp

Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (03.04.2023)
Nguồn: hdgmvietnam.com

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...