Tạp chí "Lời Thăm" (1919 và 1922 đến 1943) - Tiếng chào rảo khắp Đông Dương

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 351 | Cật nhập lần cuối: 2/7/2023 8:17:01 AM | RSS

Tạp chí “Thật thú vị khi nói rằng báo chí chưa hiện hữu ở Việt Nam trước khi người Pháp đặt chân đến. Tin tức được phổ biến trong xã hội ngày xưa nhờ các phương tiện hết sức thô sơ: ở mức độ quốc gia, những người đưa tin đặc biệt được nhà vua sai gởi đi các chỉ dụ; ở mức độ địa phương thì dân làng được thông tin qua các thông báo dán ở đình làng hay qua các mõ làng. Không có phương tiện thông tin đại chúng vì thiếu kỹ thuật in ấn mạnh và nhanh chóng. Mãi cho đến thời thuộc địa Pháp, các ấn bản vẫn được in mộc bản, một kỹ thuật vừa thủ công vừa tốn kém.” (1)

Bước sang trang lịch sử bằng cách chuyển đổi phương thức thông tin, cột mốc đánh dấu của báo chí Việt Nam bắt đầu từ khi nào? “Dĩ nhiên ngày khai sinh của báo chí vẫn phải là theo các quan niệm cũ (1865). Sau thời kỳ phôi thai, báo chí Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một biến cố lịch sử vĩ đại có liên quan đến vận mệnh toàn thể dân tộc. Đó là Hòa ước 1884 hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre qui định việc đặt Việt Nam dưới sự bảo hộ của người Pháp. Theo các tài liệu được sưu khảo, báo chí xứ ta bước một bước lớn nhờ biến cố vĩ đại này. Hòa Ước 1884 đã đem lại sự phẫn nộ cho Triều Đình Huế cũng như các nhà ái quốc Việt Nam. Và chính sự phẫn nộ đó đã được biểu lộ một cách kín đáo trên báo chí, đến nỗi nhà cầm quyền Pháp phải dành những tờ báo của họ để đánh lạc hướng niềm công phẫn nói trên. Theo lịch sử đất nước, ta có thể nói rằng chính biến cố 1884 đã ghi cái mốc đầu trong tiến trình “bán ý thức” của báo chí”. (2)

Là một sản phẩm du nhập, báo chí quốc ngữ thời kỳ phôi thai này cũng có những đóng góp quan trọng trong giai đoạn phát triển chữ Quốc ngữ và văn chương Việt Nam: “Ý tưởng về nhật báo được phương Tây đưa vào Việt Nam và báo chí là một thể loại văn chương có thể nói là đã phát triển cùng với sự thiết lập nền cai trị của thực dân Pháp. Báo chí Việt Nam đã theo khuôn mẫu báo Pháp được xuất bản ở Đông Dương, nhưng cũng có những nét khởi đầu đặc sắc như mục “Văn uyển” và các bài dịch các tác phẩm văn chương từ tiếng Pháp và Hán sang tiếng Việt. Báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến và phát triển chữ Quốc ngữ cũng như đóng góp phần lớn trong việc hình thành ngôn ngữ và văn chương Việt Nam hiện đại”. (3) Văn học Quốc ngữ phát sinh từ báo chí trong khi ở phương Tây theo tiến trình ngược lại: văn học sinh ra báo chí.

Cùng với việc phổ biến chữ Quốc ngữ, báo chí Quốc văn bắt đầu xuất hiện dựa theo khuôn mẫu của phương Tây mà ban đầu chỉ có một quyền lực rất yếu, chưa được hoàn toàn tự do để trở nên một thứ quyền lực chỉ đứng sau quyền lực của nhân dân. “Một chính trị gia Pháp đã nói: “Một tờ báo, một ngòi bút, đó là đòn bẫy có sức mạnh kinh khủng”. Và một chủ bút một tờ báo đã chỉ chiếc ghế ngồi của mình: “Chiếc ghế này đáng giá ba ngai vàng”. Đấy là vài lời người ta đánh giá quyền quyết định của báo chí trong các xứ văn minh, về một nền báo chí toàn quyền nêu ý kiến, khuấy đảo đám đông, ủng hộ hay hạ bệ các bộ trưởng theo ý muốn và Chính phủ phải để tâm đến. Nhưng trong xứ chúng ta và vì những lý do khác nhau, thay vì có quyền lực chúa tể, báo chí chỉ có vai trò phụ thuộc: thường là thông tin, đôi khi có tính giáo dục, phản kháng lại càng hiếm hơn, nghĩa là hoàn toàn có tính chờ đợi. Có hai sự kiện giải thích cho tình trạng yếu kém này: 1/ Sự hiện diện mới mẻ. Báo chí Đông Dương chúng ta không thể một sớm một chiều mà có được đặc quyền như báo chí Pháp quốc đã có hơn 100 năm chinh phục, sau khi vấp phải đủ mọi chướng ngại, đặc biệt là những luật gian ác của bộ trưởng Villèle. 2/ Phạm vi nhỏ hẹp”. (4) Một nền báo chí tự do rất cần thiết để có thể nói lên chính kiến của người dân, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải làm sao có được nó, và muốn có thì phải đòi hỏi. “Tự do báo chí có thể tốt và có thể xấu, tuy nhiên, hầu như chắc chắn rằng nếu không có tự do thì báo chí chẳng là gì cả ngoại trừ là xấu mà thôi” (Albert Camus).

Và như đã nói ở trên, ngày khai sinh báo chí Quốc ngữ được ghi nhận với tờ báo đầu tiên là Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký, phát hành năm 1865. Tuy nhiên, có vài vấn đề cần phải làm rõ. Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. “Trương Vĩnh Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc văn đề là Gia Định Báo. Gia Định Báo là thủy tổ báo chí quốc ngữ ở xứ ta. Nghị định cho phép báo ra đời được ký ngày 01.04.1865, mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, thông ngôn của chính phủ Nam Kỳ. Mãi tới 16.09.1869 mới có nghị định của Thủy sư Đô Đốc Ohier giao hẳn tờ báo đó cho Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký là ông tổ nghề báo quốc văn ở xứ ta. Từ khi được Trương Vĩnh Ký trông nom, với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, nội dung tờ báo bớt khô khan và thêm phần phong phú: có bài khảo cứu, nghị luận, có mục sưu tầm tục ngữ ca dao, thi ca và cổ tích”. (5)

Sự xuất hiện từ rất sớm của “Gia Định báo”, tờ báo Quốc văn đầu tiên của Việt Nam, ở Nam kỳ cũng là điều dễ hiểu. Trước hết, Nam kỳ là xứ thuộc địa (colonie) do thực dân Pháp cai trị nên phần nào đó cũng dễ dàng theo khuôn mẫu văn minh của Pháp, còn Trung kỳ và Bắc kỳ là hai xứ bảo hộ (protectorats), trên danh nghĩa thuộc vua nhà Nguyễn. Thứ đến, Quốc ngữ đã được phổ biến rộng rãi ở Nam kỳ vì người dân ở đây không sùng bái chữ Hán, chữ Nho như ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Ở Nam kỳ, “Việc sử dụng chữ viết mới được phổ biến cách nhanh chóng nhờ các văn nhân Công giáo như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, những người đã đóng góp hiệu quả cho việc phổ biến nhờ những xuất bản của họ bằng Quốc ngữ. Thật vậy người Việt ở Nam kỳ không thấm nhuần văn hóa Trung Hoa như những đồng bào ở miền Bắc và miền Trung nên họ sẵn sàng từ bỏ thứ chữ Hán cổ điển để học Quốc ngữ và chữ Pháp. (6) Nhờ sự phổ biến chữ Quốc ngữ qua các phương tiện báo chí, nên các hoạt động văn học Quốc ngữ bắt đầu phát triển theo hướng từ Nam ra Bắc. “Thoạt tiên, văn học phát triển ở miền Nam (nhờ phương tiện ấn loát dồi dào) vang dội đến miền Bắc, khác hơn trường hợp trước kia, chữ Nho và việc khoa cử phát triển ở miền Bắc trước tiên rồi lần hồi vào Nam”. (7)

Riêng Trung kỳ, tờ “Tiếng dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam được cho là tờ báo đầu tiên, giấy phép xuất bản do Toàn quyền Pasquier ký ngày 12.02.1927. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn có khoảng cách khá xa so với tờ “Lời Thăm” của địa phận Qui Nhơn, xuất bản số đầu tiên vào ngày 01 tháng 01 năm 1922, và hẳn còn xa hơn nữa nếu tính đến tiền thân của “Lời Thăm”, tức là tờ “Lời thăm các thầy giảng”, phát hành số báo đầu tiên ngày 20.09.1919. (8)

Câu chuyện “Lời Thăm” bắt đầu với sáng kiến của cha Perreaux. “Năm 1919 cha Perreaux đi lính bên Tây mới về Đức cha Grangeon cử cha làm bề trên Hội Thầy Giảng; cha nghĩ các thầy thì đông mà ở tản tác trong sáu bảy tỉnh rất khó mà hội hiệp để dạy bảo khuyên răn cùng thông tin tức các sở cho nhau; cha liền lập ra một cơ quan để cho các thầy giảng được thông công cùng nhau và được nghe lời cha dạy bảo răn khuyên. Cơ quan ấy là “Lời thăm các thầy giảng”. Lúc Lời Thăm các thầy giảng mới ra đời thì chỉ thăm các thầy mà thôi, lần lần lại đến thăm các Đứng linh mục trong địa phận, rồi lại thăm đến các nhà giáo hữu; lần lần đến thăm các địa phận xung quanh, thăm cả các bạn lương giáo; sau lại đến thăm cả xứ Đông pháp, đến cả các nước láng giềng. Thế là Lời Thăm các thầy giảng bành trướng ra rất chóng; và bởi đi thăm đủ người trong các giới nên phải mất ba tiếng sau, (9) chỉ còn Lời Thăm không mà thôi”. (10)

Kể từ tháng 1 năm 1922, tập “Lời thăm các thầy giảng” được cải tiến và phát hành số đầu tiên dưới tên gọi “Lời Thăm”. Thay vào đó, các thầy giảng vẫn có một cơ quan thông tin khác của riêng mình là tập “Thơ tín vãng lai”, do cha Thiềng phụ trách phần biên tập. “Tập “Lời thăm các thầy giảng” xưa lập ra cho các Thầy giảng địa phận ta đây; mà nay ra khác; những tin nhỏ mọn về mỗi thầy, không lẽ in vào đó mà phát cho thiên hạ. Nên ta (Đức cha Grangeon) nhứt định in lại tập khác nhỏ riêng cho các Thầy địa phận ta, và phát ra mỗi tháng một kỳ, hiệu là Thơ tín vãng lai. Vậy các cha các thầy gặp được gì hữu ích, như việc dạy chầu nhưng, bao đồng; kẻ ngoại trở lại đạo; rửa tội cho con trẻ ngoại giáo khi mong sinh thì v.v. thì hãy viết, gởi cho cha Thiềng ở trường Đại An, đặng người soạn lại mà gởi cho ta giao nhà in”. (11)

Ban đầu, từ số 01 tháng 01 năm 1922, “Lời Thăm” là nguyệt san mỗi tháng 1 kỳ. Nhưng từ số 25, ngày 1 Janvier 1924, tờ báo được phát hành một tháng 2 kỳ, là bán nguyệt san, theo ý muốn của các Đại diện tông tòa họp tại Sàigòn tháng 6 năm 1935. Vì thế giá báo cũng tăng lên: “Tất cả các cha trong địa phận đều đã biết rằng tờ báo “Lời Thăm” từ nay trở đi xuất bản hai kỳ một tháng, với 40 trang in, nghĩa là thêm 200 trang mỗi năm. Lý do đầu tiên cho sự cải tiến này là hy vọng đem lại nhiều điều bổ ích qua việc phân phối rộng rãi hơn, nhưng cũng bởi vì để đáp ứng lại lòng mong muốn đồng nhất của các Đại diện tông tòa tại Đông Dương họp tại Sàigòn vào tháng Sáu vừa qua. Không khó để mọi người hiểu rằng phát triển như vậy thì buộc phải tăng giá đặt mua báo lên 50 xu; đây là con số tối thiểu cần thiết để sống và duy trì và ngay cả phát triển theo nhu cầu của mình, ngay cả đối với công việc của chúng ta là hoàn toàn có tính cách nhiệt tình và tông đồ.” (12) Và chỉ bốn năm sau, sau số 19 phát hành ngày 1 tháng 10 năm 1939, bán nguyệt san Lời Thăm đã trở thành tuần san với số 20 tháng 10 năm 1939, phát hành ngày thứ Năm hàng tuần.

“Ngày nay “Lời Thăm” sở dĩ có tên tuổi trong làng báo; cái công nghiệp ấy là của cha sáng lập, cái tài thao lược lịch lãm của vị tổng lý, cái tài nhả ngọc phun châu văn chương cẩm tú của ông chủ bút và tòa soạn “Lời Thăm””. (13) Ngoài những cây bút “cây nhà lá vườn”, “Lời Thăm” còn nhận được sự cộng tác của tác giả quen thuộc khắp ba miền, chẳng hạn Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn ở Huế, ông Đoàn Độc Thư ở miền Bắc và ông Jacques Lê Văn Đức miền Nam và nhiều cây viết khác nữa… Tất cả đều cùng một mục đích là “truy cho ra điều chân chính để làm phương châm dìu dắt đồng bang ta lên tới tuyệt đỉnh văn minh”, bởi vì sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng Trung Hoa, nay dân đất Việt mong muốn “thoát Trung”, thoát khỏi lối văn minh cũ rích, ù lì và câu nệ này: “Ôi! Ngán thay! Quốc dân ta bước phải một bước hẩm hiu: hơn 10 thế kỷ say ngủ dưới một bóng cây cổ thụ khô héo; nhập nhiễm những cái hủ tục, hô hấp phải luồng không khí mê hoặc dị đoan, ảnh hưởng phải lối văn minh cũ rích, ù lì và câu nệ! Thành ra mình cũng cùng người đội chung một trời đạp chung một đất, mà người đã thoát khỏi vòng nô lệ những thói tục dã man, đã theo đuổi kịp những thuần phong mỹ tục tiến lên hầu tới chót đỉnh văn minh; mà mình còn đang lẩn quẩn lần mò dưới đáy vực thẳm sâu tối mù tối mịt!” (14)

Để có thể tồn tại và hạ giá thành nhằm phổ biến rộng rãi hơn, báo “Lời Thăm” còn nhận quảng cáo. “Giá lời rao (annonces): cả trang 10$ - nửa trang 6$ - ¼ trang 4$ - 1/8 trang 3$ - 1/16 trang 2$ - Còn muốn rao trót năm, xin gởi thư hỏi giá bao nhiêu”. Và các thương hiệu thường xuyên được quảng cáo là: hãng xe hơi Garage Bonnard; Magasin de soie Au Printemps Cochinchinois, 80 Blv. Charner, Saigon; Thuốc “Nam Hồng tể”, n. 6 Rue Jean Monlau, Saigon; Thuốc hút hiệu JOB; Dầu Cù Là của nhà thuốc Nguyễn Văn Tri; Hotel de la Concorde, Quinhơn; Lò ngói Vàm Cỏ Đông, Chợ Lớn; Sữa Nestlé hiệu Con chim; Bác sĩ Trương Đình Ngô, 49 đường Jules Ferry, Qui Nhơn; Thuốc Bác sĩ Tín, 10-12 Boulevard Odend’hal, 54 Av. Gia Long, Qui Nhơn… Và báo Lời Thăm được phát hành rộng rãi qua các bưu cục khắp Đông Dương, rất thuận tiện: “Khi đổi chỗ thì phải cho biết: trước ở đâu, bây giờ ở đâu. Có cách rất tiện là muốn mua báo Lời Thăm hoặc trả tiền, cứ tới Nhà thơ (dây thép, bưu điện) đóng tiền, lãnh biên lai không cần phải thơ từ gì mất công. Trong khắp Đông Pháp, nhà thơ nào cũng được. Nếu nhà thơ nào không nhận lãnh cách nói trên thì xin cho Chủ nhiệm Lời Thăm biết tên nhà thơ ấy” (Circulaire No 47 B du 22 Décembre 1931).

Đồng thời với lịch của địa phận, Lời Thăm cũng xuất bản lịch của riêng mình gọi là “Lịch Lời Thăm”. Chẳng hạn Lịch Lời Thăm năm 1931: “Mỗi cuốn chừng 150 trang, in giấy theo cỡ giấy báo Lời Thăm. Mới xuất bản và bán tại nhà in Quinhơn. Giá mỗi cuốn 0p.30 –Franco: 0p.41 – Recommandé: 0p.51. Sách nầy có in lịch để xem mỗi ngày trong năm 1931; những bài thuyết luận, nhiều chuyện tiểu thuyết; những câu phương ngôn; những chuyện phong kỳ; những điều nên biết; những chuyện giải trí v.v. Lại có thêm nhiều bóng hình in riêng vào giấy láng tốt”. (15)

Năm 1931, cha Maheu qua đời tại Pháp, cha Perreaux được chấp nhận thay thế làm Tổng lý báo Lời Thăm. “Hồi 9 giờ sáng 30/04, Hội đồng Chính phủ ban thường trực họp hội đồng, có xét bản dự định thay đổi đạo nghị định ngày 6 Décembre 1930 về việc thu giấy phép bà Nguyễn Đức Nhuận ra báo Phụ nữ tân văn. Thế thì tờ báo này lại sắp được xuất bản chăng? Dự thảo nghị định cho phép ông Nguyễn Công Tiễu xuất bản một tờ tạp chí, nhan đề là Khoa học tạp chí. Và M. Phạm Ngọc Vinh xuất bản một tờ tạp chí nhan đề là Từ bi am, cho phép cố Perreaux thay cố Maheu mới tạ thế làm tổng lý tạp chí Lời Thăm. Cấm mấy tờ báo chữ Nho: Kiao-king-Yue-Kan ấn hành ở Quảng Đông, Lui-Hing Tsa-Tche xuất bản ở Thượng Hải, Tchong-Yan-Tcheon-Pao xuất bản ở Nam Kinh không được lưu hành và tàng trữ ở Đông Dương”. (16) Năm 1934, cha Pierre Huy thay thế cho cha Perreaux xin nghỉ vì lý do sức khỏe. “Bởi nghị định ngày 31 tháng 03 năm 1934, cho phép ông Đào Thiên Thủy xuất bản tờ tuần báo bằng Quốc ngữ “Hải Phòng Tuần Báo”. Nghị định cho phép ông Pierre Huy, linh mục bản xứ ở Qui Nhơn, thay thế cha Perreaux làm quản lý báo “Lời Thăm”. Nghị định cho phép ông Bùi Văn Còn, thương gia ở Sàigòn, xuất bản ở Đông Dương tờ tuần báo bẳng Quốc ngữ “Kịch Bóng” (Ciné-Théâtre)…”. (17)

Trong bài viết tổng hợp tình hình “Báo chí ở nước ta” của tờ Phụ Nữ Tân Văn, Số 231, 11 Tháng Giêng 1934, tác giả đã thử đánh giá hiện tình báo chí của cả nước qua con số vì “cứ tính số báo chí mà đo được trình độ văn minh vậy”. “Muốn biết một nước học thức khuếch trương mà bởi đó văn minh tiến bộ - theo cái thiển ý của tôi, tưởng cứ xem sách vở báo chí xuất bản hằng ngày. Như nước Pháp chẳng hạn, đã được liệt vào hạng các cường quốc văn minh nhất thế giới, thì nội kinh thành Paris kể có hơn 100 nhật báo. Tại nước Đức năm 1926 tính được 3.812 nhật báo, và 4.309 tuần báo. Tại Hoa Kỳ 2.400 báo chí … Nước Nam ta tuy vào buổi bán khai, thế mà cũng đã biết đua nhau vùng dậy khỏi giấc mơ mộng ngàn năm, cũng đã tận tâm khuếch trương về việc xuất bản báo chí. Thấy thế tôi đã cố công sưu tầm cho hết báo chí, không được chính tờ báo mà đọc mà hưởng, nhưng ít ra cũng biết được cái “tên” của nó, từ buổi sơ khai cho đến ngày rày”. Và trong một bản danh sách dài, tác giả đã liệt kê được 155 tờ báo vào năm 1931, trong đó có tờ Lời Thăm.

Suốt thời gian hiện diện, cũng như tất cả những tờ báo khác, Lời Thăm sống còn nhờ số độc giả của mình và có lúc phải lao đao vì số độc giả suy giảm. “Buổi đầu, cha Maheu mới khoáng trương, thời khá thạnh. Bạn đọc kể có đôi ba ngàn. Thạnh suy đắp đổi, năm 1928, cha Maheu phụng mạng đứng lập sở phung Qui Hòa, mà Lời Thăm sang tay khác, thì số độc giả sút lần, rồi cứ sút mãi, cho đến nỗi tưởng đã đi đời. Một bước nguy nữa! May có Đức cha Tardieu, ngài quyết bảo tồn không để chết, mà rằng: Một cơ quan truyền bá ý tưởng Công giáo, dẫu trót năm làm ích cho một người mà thôi, cũng chưa đến nỗi hoài công. Sống cam khổ, cũng cứ ráng sống chờ ngày thái lai”. (18)

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả dài hạn khắp mọi miền và giáo quyền địa phận, tờ Lời Thăm đã vượt khó để tồn tại qua những đợt suy thoái chung của nền báo chí còn non trẻ. Tờ báo Dân ra ngày 22 tháng 10 năm 1938 đã thống kê tình trạng báo chí Trung kỳ. Tính cho đến thời điểm này: 3 tờ bị rút giấy phép, 14 tờ tự đình bản và 3 tờ chết yểu, còn lại là các tờ Tiếng dân, Tràng An, Vì Chúa, Viên Âm (Huế), Lời thăm (Qui Nhơn), Sao mai, Ý dân, Tuần lễ, Phục hưng, Y học, Tạp chí (Vinh). (19)

Nhưng rồi chiến tranh xảy ra và buộc chúng ta phải hy sinh nhiều thứ, ngay cả những gì tâm huyết nhất: tờ Lời Thăm, tiếng chào thân thiện gởi đến các độc giả khắp miền Đông Dương, đã đình bản vào năm 1943. Hiện nay, các số báo Lời Thăm vẫn còn được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) và Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, chờ đợi các nhà nghiên cứu khám phá về một tờ báo ra đời ở miền Trung sớm hơn cả tờ Tiếng dân đến 5 năm!

Một số hình bìa của Tạp chí Lời Thăm

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org (06.02.2023)

_________________________

Chú thích:

(1) Thu Hang Le, “Le Viêt Nam, un pays francophone atypique: regard sur l’emprise française sur l’évolution littéraire et journalistique au Viêt Nam depuis la première moitié du XXe siècle”, Documents pour l’histoire du français langue étrangère ou seconde. 40/41 | 2008.

(2) Nguyễn Viết Chước, Lược sử báo chí Việt Nam, 1974, Nam Sơn.

(3) Nguyễn Thế Anh, “Vietnam”, trong Patricia Herbert, Anthony Crothers Milner, South-East Asia: Languages and Literatures: a Select Guide, University of Hawaii Press, tr. 82-83.

(4) Bích Thủy, “La presse annamite en Indochine”, trong Le Colon français républicain, 2 février 1929.

(5) Nguyễn Khánh Đàm, Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ, Sài Gòn, 1942.

(6) Nguyễn Thế Anh, “Introduction à la connaissance de la Pénisule Indochinoise: Le Vietnam”, trong tạp chí Dòng Việt, California, 1993, tr. 125.

(7) Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tổng hợp, Tp. HCM, 2016, tr. 363.

(8) Mémorial, Mission de Quinhon, số 154, 26 Septembre 1919, tr. 124.

(9) Nghĩa là từ “Lời thăm các thầy giảng” mất đi ba từ (tiếng) “các thầy giảng” để trở thành “Lời thăm”.

(10) Lời Thăm, 15 Juillet 1935, tr. 209.

(11) Mémorial, Mission de Quinhon, Septembre 1923, tr. 199.

(12) Mémorial, Mission de Quinhon, No 30, Décembre 1923, tr. 243.

(13) Lời Thăm, 1 Janvier 1937.

(14) Minh Tâm, “Quốc dân ta đối với tờ “Lời Thăm”, Lời Thăm, số 202, 15 Mai 1931.

(15) L’Écho annamite, 27 Décembre 1930.

(16) Trung hòa nhật báo, Số 1042, 5 Tháng Năm 1931.

(17) Avenir du Tonkin, 8 Aout 1935.

(18) Lời Thăm, số 4-5, 1943, tr. 452.

(19) Xem Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tổng hợp, Tp. HCM, 2016, tr. 295

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...