Về mẫu người quân tử

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3252 | Cật nhập lần cuối: 10/24/2016 10:58:08 AM | RSS

Về mẫu người quân tửLý thuyết Tam tài có cả một quá trình "ngàn năm văn hiến", nên một vài suy nghĩ dưới đây không biết có đúng với lý thuyết Tam Tài không?

- Trước hết, nếu nhận xét qua các hệ thống thần học hiện đại, ta phải nhận rằng có hai lối suy luận: Hoặc là từ dưới lên trên như là Phoi-ơ-bắc; hoặc là từ trên xuống dưới như là phái duy tâm. Xác định lại, chúng ta thấy rằng thuyết Tam Tài nằm trong chiều hướng duy tâm, nghĩa là từ trên xuống dưới.

Còn trong Kitô giáo, mỗi câu hay mỗi mệnh đề trong Thánh Kinh bao giờ cũng bao gồm hai yếu tố chính yếu. Trước tiên, mạc khải từ trên đi xuống, nhưng đồng thời cũng phải phản ảnh cái môi trường mà con người lãnh nhận mạc khải. Không thể có một yếu tố được, phải luôn luôn là hai. Một mạc khải cho dù là Lời của Đức Giêsu, thì cũng bao gồm hai yếu tố đó. Chúng ta tin có mạc khải trong lời của Đức Giêsu, nhưng Ngài nói lời của con người, cho nên lời đó cũng nằm trong môi trường của con người. Môi trường đó bao gồm thời đại, và tất cả những yếu tố lịch sử, xã hội… Thiếu một phần nào trong hai yếu tố đó, thì thần học của chúng ta bị mất chân đứng.

***

Nhìn lại hoàn cảnh Việt Nam, nếu muốn xây dựng một nền thần học dựa trên lý thuyết Tam Tài, chúng ta gặp nhiều khó khăn:

A- Thuyết Tam Tài là duy tâm. Thuyết Tam Tài cũng vẽ ra một mẫu người, và con người đó bao giờ cũng vừa mang cái xung khắc, vừa cái hòa hợp. Cái đối chứng của con người bao giờ cũng mang cái xung khắc và cái hòa hợp đó. Con người mà lý thuyết Tam Tài vẽ ra, là con người trung gian, con người giao hòa. Con người Tam Tài phải là con người mẫu. Con người mẫu đó trước tiên là con người hòa hợp, thứ hai là, nếu chúng ta so sánh với Cựu ước, thì con người hòa hợp đó có thể nhìn trong viễn tượng của Isaïe, con người trong thời "messianique", thời kỳ cứu độ. Con người đó có thể diễn tả là sống chung với thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, thú dữ ở với chiên bò…

Hay nói xa hơn, chúng ta có thể so sánh con người mẫu ở đó với con người ở vườn địa đàng, con người proton cũng là con người eschaton.

Hỏi rằng con người mẫu của thuyết Tam Tài so sánh với con người của Isaïe, của thời đại cứu độ, so sánh với con người của vườn địa đàng, con người trước khi phạm tội như thế nào? Ta gọi con người proton tức của ban sơ là so sánh với con người eschaton của thời cánh chung. Rồi chắc chắn chúng ta phải suy tư về vai trò của Đấng Kitô trong sự hình thành con người thứ hai này.

Trở lại với thuyết Tam Tài, chúng ta thấy rằng trong thuyết Tam Tài có đạo Nhân, và thực ra chỉ con người quân tử mới hòa hợp thôi, chứ không phải là tất cả mọi người đều hòa hợp…

Đấng Kitô có phải là mẫu người quân tử không? Quân tử của thuyết Tam Tài có hai điểm chính yếu: Tri mệnh và Nhập thế. Tri mệnh là biết ý định của Trời, và nhập thế là phải đem cái thiên mệnh đó thi hành vào trong trần thế.

Đấng Kitô phải chăng là mẫu người quân tử khi Ngài biết rõ ý định của Cha, và Ngài thể hiện ý định đó giữa nhân loại? Mẫu người quân tử của Tam Tài so với mẫu người của Đấng Kitô như thế nào? Có thể sử dụng danh từ quân tử đó hay không?

B. Lý thuyết chỉ đạo trong xã hội mới của chúng ta là duy vật, nghĩa là đi từ dưới lên trên, nên không thích duy tâm, trong đó có Khổng giáo.

Duy vật có mẫu người của duy vật. Con người của duy vật phải là con người lao động, con người sản xuất, con người làm chủ thiên nhiên. Tôn giáo được coi chỉ là phóng ảnh của ước vọng giải thoát con người.

C. Kitô giáo là một đạo mạc khải, nhưng mạc khải Kitô giáo luôn luôn mang tính chất hiện sinh sống động của nó. Có nghĩa là không có cái mạc khải tự tại, nhưng chỉ có mạc khải được thu nhận. Như trên đã nói, mỗi cau Thánh Kinh đều mang tính chất Thiên Chúa trong mạc khải của nó, nhưng đồng thời cũng mang tính chất con người ở chỗ là có phần của con người lãnh nhận mạc khải. Chúng ta phải luôn luôn phân biệt hai ý thức đó để đi tìm mạc khải trung thực của nó.

Trong Kitô giáo, chúng ta có mẫu người Kitô là con người nhập thể mang Thiên Chúa tính, và con người đó phải hòa hợp trong chân lý và tình yêu, cái mẫu người của ước vọng thiên đàng, con người eschaton.

Có thể đưa ra một kết luận: Nếu chúng ta so sánh Khổng, Kitô giáo và duy vật để tìm tổng hợp cho cả ba, thì chắc chắn chúng ta phải chọn mẫu số chung của nó là Con người, chứ không còn cách nào khác.

Trong mẫu số chung đó, chúng ta phải nhấn mạnh đến khả năng lao động, khả năng sáng tạo, khả năng làm chủ vũ trụ, xã hội tính, siêu việt tính, sự hòa hợp với thiên nhiên và xã hội. Khi đi tìm cái mẫu số chung đó, chúng ta phải chấp nhận con đường từ dưới lên trên, từ con người đến Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, chúng ta phải chấp nhận mạc khải bổ túc và hướng dẫn cho tôn giáo.

***

A. So sánh giữa Khổng giáo và tôn giáo, cũng như giữa Khổng giáo và đạo mạc khải (lấy thí dụ như là Do thái giáo): Khổng giáo được xem như là đạo tự nhiên, đạo làm người…, trong khi Do thái giáo là đạo mạc khải (chúng ta chưa đi đến Đấng Giêsu). So sánh giữa đạo tự nhiên và đạo mạc khải, chúng ta thấy đạo tự nhiên được hiểu như là cố gắng của con người vươn lên Thượng Đế. Và một yếu tố nữa là trong đạo tự nhiên, như Công Đồng Vatican II chấp nhận, là nó chứa cái gọi là Logos spermatikos, nghĩa là nó mang mạc khải tiềm tàng trong đó.

Khi mà nhận như thế, chúng ta cũng phải chấp nhận hai yếu tố trong logos spermatikos:

- cái logos đó không trọn vẹn

- nhưng mà chắc chắn có logos.

Đó là chúng ta suy diễn từ những kết luận của Công Đồng, và từ những căn bản thần học.

Khi chấp nhận điều đó, chúng ta phải kết luận là con người phải có siêu việt tính của nó. Siêu việt tính của con người là vừa mở rộng ra để chấp nhận con người khác theo chiều ngang, và cái điểm thứ hai là được lôi lên. Siêu việt tính của con người nằm ngay ở chỗ đó.

Khi chúng ta chấp nhận hai yếu tố mở ra và được lôi lên đó, chúng ta mới thấy con người đủ khả năng để thành một tế bào của xã hội, có đủ khả năng chấp nhận tha nhận, và đủ khả năng tiếp nhận logos.

Chúng ta phải nhận rằng con người tự nó mang "siêu việt tính" (ở trong duy vật, mặc dầu không nói siêu việt tính, nhưng trong thực tế họ cũng có siêu việt tính của họ, khi họ quyết nhận rằng từ vật chất có thể sinh ra cái mà ta gọi là thiêng liêng: nghĩa là cố vượt lên, có thay đổi bản tính được). Siêu việt tính ở ngay chỗ tính tôn giáo nơi con người để con người có thể vươn lên. Vậy cái tính tôn giáo ở trong Khổng giáo như thế nào?

B. So sánh Khổng giáo và Kitô giáo. Tất nhiên chúng ta so sánh trong tương quan với Đấng Giêsu. Về Kitô giáo, chúng ta thấy rõ rệt là có quan niệm về Thiên Chúa rất cụ thể, tất nhiên có phân biệt tức khắc với quan niệm về Thiên Chúa của tất cả các tôn giáo khác.

Chúng ta so sánh con người của Khổng giáo và con người Kitô giáo qua mẫu người quân tử trong ý thức tri mệnh và hành đạo. Xét về tri mệnh, thì cái mệnh của Khổng giáo là theo lẽ tự nhiên, theo một trật tự, và khi hành đạo cũng theo lẽ tự nhiên đó qua hình thức tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, sống theo một cái trật tự mà đạo trời đã vạch ra cho chúng ta, cái đạo trật tự.

Còn tri mệnh của Kitô giáo? Chúng ta thấy rằng đạo Tình yêu là thiên mệnh, và hành đạo của chúng ta theo mẫu người của Đấng Giêsu. Hành đạo theo mẫu người của Đấng Giêsu, chúng ta thấy hai điểm:

1. Nhiệm hiệp với Thiên Chúa
2. Đạo Tình yêu là phản ảnh của Ba ngôi Thiên Chúa.

Vậy kết luận:
1. Thần học theo thuyết Tam Tài thế nào?
2. Sử dụng phạm trù Tam Tài để giải thích mạc khải thế nào?
3. Tìm cái tương quan
4. Tìm cái tương đương.

Nguyễn Văn Trinh
Anh Sơn (ghi)
Trích "Thuyết Tam Tài và mẫu người Kitô giáo"
Tài liệu nghiên cứu nội bộ tu sĩ, tr. 25-29

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...