Buổi thuyết trình “Hơi thở nhiệm mầu” tại TT Mục vụ TGP
Thở là hít không khí vào lồng ngực, vào cơ thể rồi đưa trở ra qua mũi, miệng. Thở là thực hiện chức năng hấp thụ oxygen và thải ra khí carbonic. Thở cũng là điều kiện và biểu hiện của sự sống, người ta có thể nhịn ăn và nhịn uống trong nhiều ngày, thậm chí cả tháng nhưng không thể nhịn thở quá 5 phút. Từ thuở tạo dựng, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (x St 2,7), sự sống con người có được là do ân ban của Thiên Chúa. Hơi thở con người là một điều hiển nhiên không thể chối cãi, thế nên đôi khi người ta không còn chú ý đến nữa và quan tâm đến nhiều điều được cho là đáng lo toan hơn trong cuộc sống. Nhưng điều chỉnh hơi thở và rèn luyện đúng cách sẽ làm cho người ta khỏe mạnh hơn và tâm hồn thư thả, thoải mái hơn qua việc tập thể dục, tập yoga, thiền.
Để giới thiệu cách thức điều hòa hơi thở con người trong sự mầu nhiệm của cuộc sống, chiều thứ Bảy, ngày 19/03/2011, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện đề tài: “HƠI THỞ NHIỆM MÀU” do Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ, Giảng viên Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM, trình bày.
Đến tham dự buổi nói chuyện có một số ni sinh đến từ trường Cao Đẳng Phật Giáo, tỉnh Đồng Nai và một số Phật tử học trò của sư cô. Hiện diện trong buổi thuyết trình còn có cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Hôn nhân Gia đình, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục vụ Đối thoại Liên Tôn và khoảng 200 khán thính giả thuộc nhiều thành phần khác nhau.
Ngay trong lời giới thiệu mở đầu cho buổi thuyết trình, Sư cô cho hay đời sống hiện đại, cuộc sống vật chất tăng lên tưởng chừng như mọi người sẽ được hạnh phúc. Nhưng thật sự kết quả lại không như mong muốn, vì khắp nơi vẫn là những tiếng nói của sự khổ đau và con người luôn cần sự thông cảm, chia sẻ.
Tại sao con người đau khổ trong khi có mọi thứ trong tay? Vì người ta luôn nghĩ rằng hạnh phúc đến từ những gì bên ngoài, là vật chất, tiền tài, địa vị, danh vọng, nghĩ rằng khi có tất cả những điều đó thì con người sẽ có hạnh phúc. Thật ra, những điều đó không thể đem lại giá trị hạnh phúc vĩnh hằng mà hạnh phúc phải đến từ nội tâm. Nếu những giá trị bên ngoài có thể đem lại cho người ta niềm tin, thì có lẽ không cần đến niềm tin, sự cầu nguyện, không có những buổi họp mặt thân ái vì đức tin để củng cố những giá trị bên trong.
Sư cô cũng đề cập đến nạn động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa mới xảy ra làm hơn 6.000 người chết, hơn 10.000 người mất tích (số liệu ngày 19/3) để nói rằng cho dù là đất nước văn minh hiện đại với những con người thông minh, giàu có, tài giỏi như thế thì cũng không thể tránh khỏi được tai họa, đau khổ. Những trận động đất, tai họa xảy ra đây đó trên thế giới là do chính từ thái độ đối xử với thiên nhiên thật là phủ phàng của con người. Vì vậy, con người ta cần phải có một thái độ sống, một niềm tin, một tinh thần với tất cả tình yêu thương trong trái tim mình để hiểu biết và tự xác định mình nên có một thái độ sống như thế nào.
Mỗi người đều liên quan đến đất mẹ, liên quan với nhau như là một cơ thể toàn vẹn mà không có sự phân biệt đối xử để rồi gây ra chiến tranh với lòng tham lam, sân si độc ác. Chính lòng tham con người đã gây ra sự đau khổ cho chính con người. Sự tài ba, thông minh, giàu có của những đất nước tiến bộ nhất vẫn không tránh được những nạn tai và bất hạnh.
Hơi thở nhiệm mầu là một phần của sự kết hợp giữa thân và tâm. Khi thân ở hiện tại mà tâm ở quá khứ, là sự nuối tiếc quá khứ, mang lại sự dằn vặt đau khổ. Thân ở hiện tại mà tâm cứ vọng tưởng về tương lai, một tương lai chưa biết sẽ ra sao, thì sẽ đem lại sự trăn trở, âu lo và cả sợ hãi. Có người dành ra 5 năm, 10 năm để chạy theo mục đích của mình, như một bằng cấp, một tài sản, một sự nghiệp, nhưng chưa bao giờ được sống vì không biết dừng lại lắng nghe với hơi thở, với giây phút hiện tại. Chỉ hơi thở nhiệm mầu mới kết nối giữa thân và tâm, để thấy được giữa thân và tâm chỉ là một mà thôi. Khi hít vào thật sâu, từ từ thở ra là biết rằng sự sống đang hiện hữu và người ta có thể hạnh phúc với giây phút hiện tại.
Người ta thường chạy theo những thứ phù du bên ngoài để rồi thất vọng, khổ đau nên cần có những giây phút nhắc lại nhau tài sản quý giá mình đang có là hơi thở nhiệm mầu để thấy rằng sự khổ đau vô cùng nhỏ bé so với bao nhiêu con người bất hạnh, đau khổ hơn ta nếu đời sống không có một niềm tin. Nhưng không phải lúc nào con người cũng kết nối với hơi thở, kết nối với thiên nhiên nên đời sống lúc nào cũng khô cằn như sỏi đá, thế nên hơi thở được gọi là nhiệm mầu là chiếc cầu kết nối giữa thân và tâm nhắc chúng ta hãy an vui trong giây phút hiện tại, không luyến tiếc quá khứ, không vọng tưởng tương lai.
Giới trẻ tin rằng, những nước văn minh như Nhật Bản, Hoa Kỳ rất giàu có nên hạnh phúc, nhưng qua các nghiên cứu ở Mỹ, nếu sức mua tăng 16% trong 30 năm qua thì tỷ lệ người tự cho là hạnh phúc giảm từ 36% xuống còn 29%; còn ở Nhật Bản, trong năm 2006, đã có hơn 30.000 người tự tử, và con số này tăng lên hàng năm, ước tính khoảng 7% mỗi năm. Ở những quốc gia này, con người phải chịu áp lực công việc, thất nghiệp, thất bại trong thị trường chứng khoán…
Theo nghiên cứu xã hội học, 75% dân số ở các quốc gia phát triển và yên bình nhất thế giới như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… tự nhận mình có cuộc sống hạnh phúc. Họ có đầy đủ tiền bạc, đầy đủ điều kiện vật chất, xã hội ổn định, phúc lợi xã hội tốt… đảm bảo cho cuộc sống “hạnh phúc”, nhưng khi mất đi những vật chất đó, thì họ lại không còn cảm giác hạnh phúc ấy nữa.
Những người dân Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ… rất nghèo đói nhưng lại luôn lạc quan, yêu đời, vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc… Còn ở Việt Nam, hiện nay người ta cố sức kiếm đồng tiền để trang trải cuộc sống kể cả quên ăn, bỏ ngủ, thức khuya, dậy sớm, đôi khi sống mà chưa được sống, cả cuộc đời chạy theo đồng tiền bác gạo, đánh mất cuộc sống, đánh mất giây phút hiện tại.
Những khía cạnh phức tạp của cuộc sống là muôn hình muôn vẻ, đó là thất nghiệp, áp lực công việc, giàu cũng đem lại sự đau khổ, nghèo cũng lắm vấn đề phức tạp. Tất cả những khía cạnh đó làm cho người ta cảm thấy càng thêm điên đảo. 60% bệnh nhân đến với bác sĩ do các căn bệnh rối loạn chức năng, suy nhược thần kinh làm cho người ta đau nhức, kém ăn, mất ngủ… Đó là những căn bệnh có nguyên nhân từ xã hội do người ta chạy theo những ước muốn giàu có, cám dỗ vật chất… làm cho cuộc đời không có những giây phút thực sự đang sống.
Người đang an trú trong hơi thở nhiệm mầu tức là thiền định là thở trong chánh niệm, là biết rằng mình đang nói gì, nghĩ gì, làm gì và việc làm đó có đem lại hạnh phúc cho người khác hay không. Khi người ta thoải mái thì hơi thở lâng lâng, sảng khoái. Khi người ta mệt nhọc, rã rời, lúc như quên thở, lúc thì khi thở hổn hển, hơi thở nặng nề. Chính hơi thở làm cho người ta biết được trạng thái của thân, để thấy rằng thân và tâm là một, nếu rời hơi thở ra, hít vào mà không thở ra được xem như đã chết. Nhưng hầu như người ta quên đi hơi thở nhiệm mầu như thế nào.
Vì sao chúng ta khổ đau nhiều hơn hạnh phúc? Con người ta chỉ quan tâm đến những khía cạnh vô cùng phức tạp của cuộc sống, nào là tài chính, nào là kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp, các mối quan hệ… vì họ cho rằng những điều đó sẽ đưa đến đỉnh cao, đến hạnh phúc nhưng thật ra người ta vẫn khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Chúng ta đau khổ vì chỉ muốn lao vào hưởng thụ mà không quan tâm đến việc tu tập tâm đức. Ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây với hơi thở của sự sống hàng ngày và chăm sóc thương yêu mọi người, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật.
Đôi khi tri thức, địa vị, danh vọng, tiền tài vẫn không chinh phục được trái tim con người, chỉ có tình yêu và trí tuệ mới chinh phục được người ta. Cuộc sống của những người chọn đời sống tâm linh là mục đích sống của cuộc đời mình hình như không lúc nào ngừng làm việc, nhưng lúc nào cũng có nụ cười, lúc nào cũng là một sự thanh thản, bình yên vì bên cạnh những công việc, lòng hy sinh cho tất cả lúc nào cũng tịnh tâm với hơi thở nhiệm mầu của chính mình.
Để nhận biết cảm xúc đang giận dỗi hay yêu thương hay đang căm thù nếu dừng lại một chút hít vào thật sâu và thở ra để thấy hơi thở có dễ dàng không, nếu khó và nghẹn lại nghĩa là mình đang tức, đang giận, đang ham muốn mà không được thỏa mãn hay đang ích kỷ, đang ghen ghét nên hơi thở không lưu thông một cách dễ dàng. Người ta thường đau khổ vì không nhìn ra bản thân mình mà chỉ đổ lỗi cho người xung quanh.
Đau khổ là một vị thầy tốt vì không kinh qua những nổi niềm trăn trở, băn khoăn, thậm chí thất vọng thì sẽ không thông cảm được sự đau khổ của người khác. Cuộc sống, dù là người sống đời tu hay sống đời thường, luôn có những đợt thủy triều dâng cao và hạ thấp và người ta phải tự chiến thắng bản thân mình. Không kinh qua đau khổ không biết giá trị của hạnh phúc. Trong cuộc sống, người ta đau khổ vì nhiều lý lẽ, không chỉ có vật chất hay đời sống bên ngoài mà còn đau khổ trong tâm khi người ta dùng những lời lẽ xúc phạm nhau, làm tổn thương đến bản ngã con người. Thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn là yếu tố cơ bản không thể bỏ qua trong bất kỳ trạng thái của hơi thở nhiệm mầu, nghĩa là biết mình đang là ai, và biết rằng những chuyện bên ngoài có đến rồi cũng sẽ đi.
Những tác dụng thực tế của hơi thở: chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc và hành vi. Hơi thở nhiệm mầu là hít vào thật sâu, thở ra cho hết, khi hít vào nhớ rằng mình đang hít vào sự an lạc, năng lượng của vũ trụ, sự bình yêu, thở ra tất cả sự phiền não trong tâm để cảm nhận sự sống đang hiện hữu. Người biết cách thở là nhận thức được (recognize) đang thở như thế nào, thở chậm hay thở nhanh, thở sâu hay thở cạn, thở trong tức giận hay trong bình tĩnh, bình an; ý thức rõ (realize) được mình đang thở, đang biết và mình đang sống đây; cảm nhận đựơc (perceive) cái sự thở làm đem lại sự bình yên, hạnh phúc, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia, đó mới là điều cốt lõi!
Thực tập hơi thở nhiệm mầu là điều hòa hơi thở để dằn cơn nóng giận, sân si và tất cả mọi thứ làm cho hơi thở của mình biến đổi. Việc thực tập có thể làm chuyển biến tâm trạng, chuyển hóa cảm xúc và hành vi, nhất là chuyển hóa cơn giận. Chuyển hóa cơn giận là điều mầu nhiệm nhất mà chúng ta nên thực tập vì trong đời sống ai cũng có thể giận, chỉ có nhiều hay ít và cách biểu lộ như thế nào.
Hơi thở nhiệm mầu điều chỉnh được áp lực của cuộc sống, giảm thiểu stress. Học sinh thì bị áp lực thi cử, người trưởng thành thì bị áp lực gia đình, phải làm ra của cải để nuôi sống gia đình, có người bị áp lực từ vật chất như đam mê xe cộ, điện thoại di động… áp lực của sự cô đơn, cái chết… Tất cả những áp lực và tham lam, sân hận, si mê chi phối cuộc sống của con người, chính hơi thở nhiệm mầu sẽ điều chỉnh những áp lực trong cuộc sống.
Hơi thở nhiệm mầu cũng chuyển hóa được trầm cảm. Trầm cảm là do quá ham muốn hay điều gì đó không nói được, uất ức rồi đưa đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm là căn bệnh của thời đại. Những người bị stress thực tập hơi thở nhiệm mầu, tức thiền định thì kết quả mang lại sẽ tự hóa giải, căn bệnh tự hết và mang lại cuộc sống hạnh phúc.
Người thường xuyên thực tập hơi thở nhiệm mầu sẽ giảm bệnh tật, tăng tuổi thọ và phải xuất phát từ con người có tâm đức, vì biết nhìn lại chính mình mới đi vào thiền định được. “Có rất nhiều món ăn tuyệt vời, nhưng trong mùa Chay, món ăn ngon nhất đó là gì? Đó là ăn năn và sám hối”.
Hơi thở nhiệm mầu còn giúp người ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, giao hòa với thiên nhiên:
“Buổi trưa im nắng vàng trên thảm cỏ
Gió lùa qua những cành lá đong đưa
Những bông hoa rực sắc đỏ như vừa
Tô thắm sắc cho khu vườn óng ả
Nghe đâu đó tiếng chuông chùa thong thả
Để tâm người lắng đọng khúc thiền ca
Buổi trưa im như một khúc thăng hoa
Giữa cuộc sống quay cuồng và vội vã”
Hơi thở nhiệm mầu còn trao truyền và tiếp nhận năng lượng của sự chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là luôn ý thức được sự có mặt của mình một cách trọn vẹn, tự chủ và sáng tỏ ngay trong mỗi phút giây của hiện tại, bây giờ và ở đây, đó là trái tim của thiền định, là trái tim của hơi thở nhiệm mầu.
Người thực tập chánh niệm là người luôn làm chủ mình, không để cho tâm ý tán thất trôi lăn theo những loạn tưởng và bị lôi kéo bởi những âm thanh, sắc xướng bên ngoài. Nếu thực tập hơi thở thường xuyên với đạo đức tinh thần trong sáng sẽ trị được tham lam, sân hận, si mê, trong khi thực tập có thể vừa cầu nguyện để mang lại kết quả tốt. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc với sự sống, giúp ta sống sâu sắc và trọn vẹn từng phút giây, giúp ta thực tập quán chiếu để nhìn sâu, để thấy và để hiểu năng lượng của sự thực tập.
Thực tập hơi thở căn bản nhất: Buổi sáng khi tâm trí tỉnh táo nhất sau một giấc ngủ, có thể thực hành thiền ở một vị trí lý tưởng nhất, một không gian yên tĩnh trong nhà hay trong vườn trong khoảng thời gian 15 phút. Có thể ngồi thiền trên một cái gối, một cái ghế, trên sàn nhà hoặc ngồi ở bất cứ tư thế nào đem lại sự thoải mái. Nếu là người trẻ nên ngồi kiết già (thế hoa sen: bàn chân phải gác lên đùi chân trái và bàn chân trái gác lên đùi chân phải) hoặc bán già (bàn chân phải gác lên đùi chân trái hoặc bàn chân trái gác lên đùi chân phải).
Khi ngồi thiền, cần tập giữ lưng cho thẳng nhưng không gồng cứng mà rất nhẹ nhàng, thư thả và cân bằng. Đầu phải giữ thằng, cân bằng trên vai, mặt hướng về phía trước, hướng về một đối tượng như ảnh Chúa, mắt khép hờ không nhắm hẳn vì dễ gây buồn ngủ, hai tay nhẹ nhàng đặt trên đùi, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay tiếp giáp nhẹ nhàng vào nhau, trong lúc thực hành thiền nên tập mỉm cười.
Cử chỉ và tư thế này ảnh hưởng đến nếp nghĩ, hành vi, cách cư xử và cách sống của người ngồi thiền. Bước đầu, cần theo dõi hơi thở, thở tự nhiên, hít vào thở ra một cách điều hòa, bình thường, không cố ý. Cảm nhận luồn khí đi vào, đi ra lỗ mũi, chính sự chú ý sẽ loại đi những chi phối bên ngoài, ghi nhận mọi cảm xúc, cảm giác nóng lạnh trong thân mình. Có thể đếm khi hít vào, thở ra từ 1 đến 10 để tập trung chú ý đến hơi thở. Có thể dùng cách thở khác là hít vào thật sâu cảm nhận sự tinh khiết năng lượng của vũ trụ đi vào thân thể, thở ra từ từ tất cả những phiền não, buồn phiền, ganh tị, đau khổ, ghen ghét, hận thù sẽ đi ra để thấy mọi sự an lành.
Trong khi hướng dẫn thiền định, Sư cô Hương Nhũ đã mời một ni sinh lên làm mẫu tư thế ngồi thiền để đáp ứng sự quan tâm của các tham dự viên.
Sau khi nhận được đóa hoa để đáp tạ bài thuyết trình mạch lạc, cuốn hút, Sư cô cùng các học trò và các phật tử đã chụp hình lưu niệm để lưu lại những phút cởi mở của khán giả nơi một giảng đường Công Giáo.
Thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ rồi lan truyền sang nhiều nước, dù người ta thường nghĩ rằng nó gắn liền với Phật giáo. Thực vậy, qua những giao thoa văn hóa, thiền biến thái thành nhiều môn phái, ngay Thiền Tông Trung Hoa, mà người Việt quen thuộc, cũng chia ra nhiều phái, vì vậy không thể đưa ra một dạng cụ thể nào làm mẫu mực khi nói về thiền. Từ lâu thiền cũng đã xâm nhập vào Kitô giáo, Thiền Kitô giáo chính là dạng thiền của Đông Phương phối hợp với lối chiêm niệm của các ẩn sĩ Kitô giáo trong thế kỷ III. Linh hồn Kitô hữu phải gặp Chúa của mình. Thiền là cách giữ tâm thanh tịnh và trong sạch, là chiêm niệm trong im lặng, là cách cầu nguyện với kinh vô thanh.
Mục đích của thiền là giúp người ta cởi bỏ những gì thuộc thế giới ảo ảnh, vén tấm màn che dấu để năng lực sống của Thiên Chúa truyền vào chúng ta. Hữu thể của ta đã nối kết với Thượng Đế ở một nơi ngoài tầm của ngôn ngữ, của lý trí và của những thực thể. Thiền không phải là làm một việc gì. Không phải là tu luyện để trở thành một nhân vật khác. Thiền là trở thành chính mình: sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian “tu thân” chúng ta mới hiểu ích lợi của thiền. Như kho tàng dấu trong ruộng, bản tính đạo đức ẩn khuất từ từ khai triển và mở ra. Chẳng hạn ta tự nhiên có lòng bác ái, điều mà ta đã cố gắng lập đức từ lâu mà không sao thể hiện được. Sự diễn biến xảy ra rất tự nhiên trong khi ta không biết tại sao. Chính Thiên Chúa đã thanh lọc tâm hồn ta trong những lần ta đến an trú trong Người. Vào mỗi buổi sáng, sau khi chìm trong thiền định, sự thanh tịnh tồn tại bao phủ tâm hồn ta suốt cả ngày. Mọi việc tầm thường ta làm trong ngày đều có ý nghĩa hơn, vì ta có cảm nhận Thiên Chúa đứng đàng sau mọi việc (Trích từ Thiền Kitô giáo, Đỗ Trân Duy, http://www.daminhvn.net/tai-lieu/490-thien-kito-giao).
Sàigòn, ngày 27.3.2011
Tạ Ân Phúc
Nguồn: dunglac.org