Đối chiếu tín điều về Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu và Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm
Dẫn nhập: Tiếp cận hai tôn giáo Thiên Chúa giáo (Công giáo) và Cao Đài giáo, người ta nhận thấy, đặc biệt, hai tôn giáo này có Tín điều về “ Đức Mẹ”. Giới tín đồ và các nhà nghiên cứu từng nêu câu hỏi, nội dung của hai Tín điều này tương đồng – dị biệt như thế nào? Muốn giải đáp, chúng ta lần lượt tìm hiểu giáo thuyết của hai tôn giáo đó.
Đối với Cao Đài giáo, Chủ thể “Đức Mẹ” được chính thức diễn giải trong các bài kinh Phật Mẫu Chơn Kinh và Kinh tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Đối với Thiên Chúa giáo, cố Đức Giáo hoàng PIO XII cũng đã chính thức công bố Tín điều về Đức Mẹ Maria vào năm 1950. Nhiều tài liệu giáo lý do các hàng Giáo phẩm, các hội đoàn tín đồ Thiên chúa giáo xưng tụng, ca ngợi công đức Đức Mẹ Maria. Trong bài viết này, xin đơn cử bài “ Mẹ Maria là ưu phẩm của Thiên Chúa” (https://giaophanphucuong.org/suy-niem-hang-ngay/suy-niem-le-duc-me-hon-xac-len-troi---me-maria-la-uu-pham-cua-thien-chua-2255.html)
KINH PHẬT MẪU (Trích đoạn)
Do Đức Bát Nương giáng cơ tại Thánh Thất Kim Biên (Cambodge), ngài Hộ Pháp Phạm Công Tắc thủ cơ. Ngài chú giải bài kinh này vào Trung Thu năm Đinh Hợi (1947)
'Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.'
+Từng Trời thứ chín gọi cung Tạo Hóa Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu, nắm cả Kim Bàn tức là nắm đẳng cấp Thiêng Liêng điều khiển chơn linh gọi là Phật Mẫu Diêu Trì. Bên Á Đông người ta thường kêu Phật Mẫu là Mẹ Sanh thờ bằng cốt tượng, cũng nhờ nơi Cửu Vị Tiên Nương truyền bá còn lưu lại ngày nay Các nước Á Đông đều biết Phật Mẫu là Mẹ sanh của nhơn loại.'
'Sanh quang dưỡng dục quần nhi'
+ Lấy khí sanh quang, nuôi nấng con cái của Người tức là vạn linh.
'Chơn linh phối nhứt thân vi thánh hình'
+ Chơn linh của Chí Tôn cho ta hiệp với thi hài là thành thân hình, ta gọi là phách hay vía, khi thoát xác chơn linh ấy xuất ngoại.
'Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp'
+ Do nơi Thiên Cung mà ra vạn loại, tức nhiên vạn vật tùng quyền pháp thiên cung mà sanh.
'Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh'
+ Lấy âm dương khí hòa hiệp nhau biến hóa ra vạn vật.
'Càn khôn sản xuất hữu hình'
+ Càn khôn trước là không không, Phật Mẫu biến ra cả vạn linh.
'Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh'
+ Trong bát hồn kể : vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn do trong Kim Bàn của Phật Mẫu mà ra. Bát đẳng cấp thiêng liêng chơn hồn vận chuyển biến thành vật chất, thảo mộc, cầm thú và nhơn loại gọi là chúng sanh.
Kinh "Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu" (*) [Trích đoạn]
Kể từ hỗn độn sơ khai,
Chí Tôn hạ chỉ trước đài Linh Tiêu.
Lưỡng nghi phân khí hư vô,
Diêu Trì Kim Mẫu nung lò hóa sanh.
Âm Dương biến tạo Chơn thần.
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi.
Mớm cơm vú sữa cũng tay,
Dưỡng sanh đùm bọc với tài chí công.
Xét vì nhơn vật lẽ đồng,
Chắt chiu hằng để trọn lòng chung thương.
Chí mong hòa hảo âm dương
Thuận căn theo lối bước đường vẹn chơn.
Mẫu Nghi hằng giữ lòng đơn,
Mảng lo cho trẻ đặng toàn mảnh thân.
Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu.
Đòi phen Mẹ luống ưu sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương
………………………………………………
Suy ngẫm: Bài kinh dạy rằng, Đức DTKM vận dụng hai nguồn năng lực Âm Dương trong Bản Thể Hư Vô biến ra Chơn thần để hóa sanh, đồng thời dưỡng sanh nhơn vật. Hơn nữa, với tình thương chúng sanh vô biên, Đức Mẹ còn cứu độ con cái khỏi bị tà mị mê hoặc vào đường tội lỗi, không tiến hóa trờ về nguồn cội thiêng liêng được.
Như thế, Có 3 chức năng thiêng liêng của Đức DTKM là:
- Hóa sanh
- Dưỡng sanh
- Cứu độ
Về Đạo học hay Thần học, Đức DTKM thuộc ngôi Vô Cực trong hệ phạm trù Vô Cực – Thái Cực – Âm Dương, nên Vô ngã, thuộc về Bản thể vô hình.
Bài kinh cũng cho thấy công năng của Đức DTKM phát sinh từ các Nguyên lý:
1. Bản thể nguyên sơ của càn khôn vũ trụ: “Khí Hư vô”
2. Van vật nhất thể: “nhơn vật lẽ đồng”
3. Luật tiến hóa: “thuận căn theo lối bước đường vẹn chơn”
________________
Thánh giáo Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU
Phò loan
Thượng Sanh, Hiến Pháp
Hầu đàn Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Đạo
Chư Chức Sắc Hiệp Thiên
Cữu Trùng và Phước Thiện Nam, Nữ.
_________________
Diêu Thượng Huyền Linh ngự Cữu Thiên
Trì danh thọ sắc phổ chơn truyền.
Phật tâm độ chúng tiêu oan trái,
Mẫu hóa quần sinh định nghiệp duyên.
Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2013 - Ảnh: caodai.com.vn
Diêu Trì Bửu Điện Thánh Thất Bình Hòa (Gia Định)
Tuất thời, 14/8 Nhâm Tý (21.9.1972)
Đại lễ Trung thu Nhâm Tý vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu
(Bộ phận HTĐ. CQPTGL)
TIẾP ĐIỂN Mẹ linh hồn các con! Mẹ mừng các con lớn nhỏ.
THI
VÔ vi chi khí dựng càn khôn,
CỰC điểm nguyên sanh đạo bảo tồn,
TỪ Mẫu khuyên con tu phục vị,
TÔN danh chủ thể giữ chơn hồn.
----------------
(*) Kinh "Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu" do Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu đặt ra, viết xong tại Thảo Xá Hiền Cung ngày 18/5-NhâmThân (dl 21.6.1932), theo sự chỉ định của Đức Phạm Hộ Pháp, có dâng lên Bát Nương giáng cơ chỉnh văn lại.
*
ĐỨC MẸ MARIA
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về Giáo Huấn của Giáo Hội qua biến cố Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Lễ Đức Mẹ lên trời là lễ trọng và cũng là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong Giáo Hội hiện nay.Vào thời điểm đầu, lễ này được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Nhưng đến năm 1950, Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã đổi tên thành lễ Đức Mẹ lên trời qua Tông hiến Munificentissimus Deus. Với tín điều này, Giáo Hội tin nhận: “Thân xác của Người Phụ Nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”; “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc” (Tông hiến Munificentissimus Deus). Từ lời tuyên bố long trọng hôm ấy, đã trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo Hội hôm nay.
Với lời tuyên tín trên, Đức Giáo hoàng đã liệt kê bốn chân lý tuyệt đối thuộc về lòng tin nơi Đức Maria. Bốn chân lý đó là:
1) Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa;
2) Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội;
3) Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời;
4) Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Khi tuyên bố cùng lúc những đặc ân đó của Đức Mẹ, Giáo Hội muốn cho các tín hữu hiểu được cách tổng quát những ân huệ cao cả của Đức Maria, và đây cũng là dịp để xác tín hơn nữa những nguyên lý liên quan đến việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Nguyên lý thứ nhất: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được ưu tuyển để đón nhận việc cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa, và Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu Thiên Chúa.
Việc được Thiên Chúa cất nhắc cả hồn xác Mẹ về trời là điều không có gì khó hiểu, bởi lẽ cả cuộc đời của Mẹ đã hiệp thông cách chặt chẽ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nên khi Đức Giêsu về trời, Ngài không thể để lại để thân xác của người mẹ yêu dấu phải hư nát trong mồ được.
Nguyên lý thứ hai: vì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi cách nhiệm mầu, nên khi mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Thế quyền năng, Mẹ vẫn đồng trinh trước, trong và sau khi sinh. Vì thế, việc đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời là điều cần thiết để bảo tồn vẻ trinh nguyên nơi Mẹ.
Nguyên lý thứ ba: nếu trước kia, Nguyên Tổ loài người đã bất tuân, chống lại Thiên Chúa và đi vào cõi chết, thì khi Đức Maria xuất hiện với lời “Xin vâng” tuyệt đối, Mẹ đã trở thành Evà mới liên kết mật thiết với Đức Giêsu – Ađam mới, Đấng là nguồn cội của sự sống, đã từ cõi chết sống lại và lên trời hiển vinh, thì không có lẽ gì Mẹ lại phải chịu cảnh hư nát, bởi vì hư nát là kết quả của tội lỗi. Như vậy, Mẹ đương nhiên và rất hợp lý để được đưa lên trời cả hồn lẫn xác (x. GLHTCG số 963- 975).
Tóm lại, ngay từ khi thân xác Mẹ cưu mang chính xác thân Đấng Cứu Thế, thì Đức Giêsu con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa đã thánh hóa Mẹ cả xác và hồn ngay từ lúc đầu thai. Vì vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không thể tách rời việc phục sinh Thân Mẫu là người đã cưu mang Cây Sự Sống nơi cung lòng thanh khiết của mình. Mẹ không thể “nhục thân bất hoại” theo lẽ thường được. (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
SUY NGẪM
Bà Maria, là mẹ hữu hình tại thế, sanh ra Đức Jesus Ki-Tô; sau nhiều năm xem xét lòng tôn kính sâu sắc của đa số dân Chúa và các hàng Giáo phẩm, Giáo hội dựa trên “mặc khải” tuyên bố Tín điều gồm 4 Chân lý và 3 Nguyên lý nêu trên.
Suy ra: có thể hình dung Tín điều này qua góc nhìn thần học: “Thiên Chúa xuống làm người để con người trở nên con Thiên Chúa” , cũng thế: Thiên Chúa xuống làm người, (vậy nên) Bà Maria trở về Trời (nên là Đức Mẹ Maria .NV). Suy ra: Bà Maria đã được Thiên Chúa thánh hóa hoàn toàn ngay tại thế gian nên “vô nhiểm” và “đồng trinh” (NV)
TỔNG LUẬN
Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu là ngôi Bảo Tồn trong Bản Thể Hư Vô theo Vũ trụ quan Cao Đài và Đạo học Đông Phương, gọi là Mẹ hay Mẫu theo nghĩa là người sinh ra con đồng thể với mẹ. Mẹ Diêu Trì, theo giáo lý Cao Đài, ban “Chơn thần” tức bản năng cho mỗi con người được sinh ra. Nên Mẹ ở đây là Mẹ thiêng liêng, vô hình.
Đúc Bà Maria là mẹ sinh ra Jesus tại thế mà Thánh kinh gọi là Chúa Cứu Thế, con một của Thiên Chúa (Chúa Cha). Do Ân phước hi hữu này, Đức Bà Maria được tôn vinh là Đức Mẹ Maria và Giáo hội xác tín là đã “thánh hóa”, nên đã về Trời cả hồn lẫn xác.
Như thế, Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu ở cõi Trời là Mẹ chung của toàn nhân loại. Còn Mẹ Maria là Mẹ tại thế, vô nhiểm, sinh ra con Thiên Chúa, nên đương nhiên được “thánh hóa” vì dự phần vào công cuộc cứu độ nhân loại qua sứ mệnh “cứu chuộc” của Đức Jesus Kitô. Hơn nữa đã trở về Trời, theo Giáo Hội và đức tin dân Chúa, trở nên Mẹ thiêng liêng vĩnh cửu, biểu trưng cho tình yêu thiêng liêng, lòng thương xót đối với nhân loại.
Vậy, hai Đấng, theo tín điều của hai Tôn giáo, sự hình thành tín lý có khác nhau, nhưng đều có công đức, công năng “Làm Mẹ” trong “Thiên cơ” Cứu Độ nhân loại của Đức Thượng Đế - tức Đức Chúa Trời.
ĐỐI CHIẾU HAI TÍN ĐIỀU
ĐỨC MẸ DIÊU TRÌ KIM MẪU (Giáo lý Cao Đài giáo)
ĐỨC MẸ MARIA (Giáo lý Thiên Chúa giáo)
Nguồn gốc DTKM: Bản thể nguyên sơ (Vô Cực) - Vô ngã – Vô hình
Nguồn gốc Mẹ Maria: Sanh ra tại thế gian- Được Thiên Chúa Thánh hóa để thọ thai Con Thiên Chúa (Jesus)
Kinh điển DTKM: Phật Mẫu Chơn Kinh
'Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì.'
……………………………………..
Kinh điển về Mẹ Maria:
“Thân xác của Người Phụ Nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”; “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc” (Tông hiến Munificentissimus Deus)
Công đức DTKM: Sanh hóa chúng sanh – Dưỡng dục- Giáo hóa Công đức
Công đức Mẹ Maria: Sanh Con Thiên Chúa từ thân xác vô nhiễm để Con Thiên Chúa cứu chuộc loài người
Giáo thuyết về DTKM:
Vạn vật nhất thể trong Bản thể Vô Cực- Chúng sanh là anh em cùng một Mẹ là Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu.
VÔ vi chi khí dựng càn khôn,
CỰC điểm nguyên sanh đạo bảo tồn,
TỪ Mẫu khuyên con tu phục vị,
TÔN danh chủ thể giữ chơn hồn.
Giáo thuyết về Mẹ Maria:
“Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được ưu tuyển để đón nhận việc cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa, và Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu Thiên Chúa.”
Đức Mẹ DTKM:
Mẹ vô vi ở cõi Trời ban Chơn thần nhập thế sinh ra làm người thế gian.
Tính cách làm Mẹ: Mẹ tâm linh nguyên thủy
Đức Mẹ Maria:
Mẹ hữu hình tại thế gian được thánh hóa tho thai sinh Con Thiên Chúa. Mẹ trở về Trời, con Thiên Chúa ở thế gian cứu chuộc loài người.
Tính cách làm Mẹ: Mẹ sanh trực tiếp đấng Cứu Thế tại thế gian, về Trời trở nên biểu tượng tình thương của người mẹ thánh khiết và vẫn luôn luôn bày tỏ lòng thương xót khổ nạn tại thế gian.
Thiên cơ:
Đức Mẹ Diêu Trì là Ngôi Bảo Tồn Uyên nguyên vĩnh cửu
Mẹ Maria là trung gian giữa Cõi Trời và Cõi người.
Thiện Chí
Nguồn: nhipcaugiaoly.com