Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (26)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 68 | Cật nhập lần cuối: 6/21/2024 10:55:17 PM | RSS

Giao ly ve cau nguyen cua Duc Benedicto XVI (26)Chúng ta phải vững tin rằng Thiên Chúa thật gần gũi, mặc dù xem ra Người có vẻ thinh lặng.

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 08.02.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 26: Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 08 tháng 02 năm 2012

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về lời cầu nguyện của Đức Giêsu khi giờ chết đã gần, bằng cách nói về những điều được kể trong Tin Mừng Máccô và Mátthêu. Hai thánh sử diễn tả lời cầu nguyện của Đức Giêsu lúc sinh thì trên Thập giá không chỉ bằng tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ các ngài dùng để viết câu chuyện, nhưng cũng vì tầm mức quan trọng của những lời cầu nguyện đó, nên chúng đã được viết bằng sự pha trộn giữa tiếng Do Thái và tiếng Aram. Các ngài cũng đã truyền lại cho chúng ta không những chỉ nội dung, mà cả âm thanh mà lời cầu nguyện này được thốt ra trên môi miệng Đức Giêsu: chúng ta thực sự nghe những lời của Đức Giêsu như Người đã thốt ra. Đồng thời, các ngài mô tả cho chúng ta thái độ của những người hiện diện lúc đóng đinh, là những người không hiểu hoặc không muốn hiểu lời cầu nguyện này.

Như chúng ta hãy coi thánh Máccô đã viết: “Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Eloi, Eloi, lama sabacthani!”, nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34). Trong cấu trúc của trình thuật, lời cầu nguyện, tiếng kêu của Đức Giêsu ở tột đỉnh của ba giờ đen tối này, từ trưa cho đến ba giờ chiều, là những giờ mà tăm tối bao trùm khắp mặt đất. Ba giờ đen tối này là sự tiếp tục của một khoảng thời gian trước đó, cũng ba giờ, bắt đầu với việc đóng đinh Đức Giêsu. Quả thật, thánh sử Máccô cho cho chúng ta biết rằng: “Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba” (x. Mc 15, 25). Tóm lại, những dấu chỉ về thời gian của trình thuật cho thấy rằng sáu giờ của Đức Giêsu trên Thập giá được chia thành hai phần bằng nhau theo thứ tự thời gian.

Trong ba giờ đầu, từ chín giờ sáng đến trưa, chúng ta thấy sự chế nhạo của các nhóm người khác nhau, những kẻ bày tỏ sự hoài nghi của họ và xác định rằng họ không tin. Thánh Máccô viết: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người” (Mc 15, 29), “các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy” (Mc 15, 31), và “cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người” (Mc 15, 32). Trong ba giờ tiếp theo, từ trưa đến ba giờ chiều, thánh sử chỉ nói về bóng tối bao trùm khắp mặt đất: một mình bóng tối chiếm toàn cảnh mà không đề cập đến những chuyển động hay lời nói nào của các nhân vật. Khi Đức Giêsu gần tới cái chết hơn bao giờ hết, chỉ có bóng tối đang bao trùm “khắp mặt đất”. Ngay cả vũ trụ cũng tham gia vào biến cố này: bóng tối bao phủ con người và sự vật, nhưng ngay cả trong giờ đen tối này Thiên Chúa vẫn hiện diện, Ngài không từ bỏ. Trong truyền thống Kinh Thánh, bóng tối có một nghĩa kép: nó là dấu chỉ của sự hiện diện và hoạt động của thần dữ, mà cũng là một sự hiện diện mầu nhiệm và hoạt động của Thiên Chúa, Đấng có thể thắng vượt tất cả mọi sự tối tăm. Ví dụ, trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy rằng: “Đức Chúa phán với ông Môsê: “Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc” (Xh 19, 9); và thêm nữa: “Dân đứng xa xa, còn ông Môsê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự” (Xh 20, 21). Và trong bài giảng của ông Môsê trong sách Đệ Nhị Luật rằng: “Núi bốc lửa cao đến tận trời, trong bóng tối mây đen mù mịt” (Đnl 4, 11), vì “khi anh em nghe tiếng từ giữa bóng tối, trong khi núi đang bốc lửa” (Đnl 5, 23). Trong lúc Đức Giêsu bị đóng đinh thì bóng tối bao phủ mặt đất và là bóng tối của sự chết, mà Con Thiên Chúa đã dấn thân vào trong đó để đem lại sự sống qua hành động yêu thương của Người.

Trở lại trình thuật của thánh Máccô: trước những lời nhục mạ của các nhóm người khác nhau, trước bóng tối bao trùm tất cả mọi sự, vào lúc Người đang phải đối diện với cái chết, qua tiếng kêu của lời cầu nguyện của Người, Đức Giêsu cho thấy rằng, dưới gánh nặng của đau khổ và cái chết, mà khi đó có vẻ như Người bị Thiên Chúa bỏ rơi và vắng mặt, Đức Giêsu xác tín về sự gần gũi của Chúa Cha chấp nhận hành động tình yêu tối cao này, việc hoàn toàn dâng hiến chính mình, dù không được nghe tiếng nói từ trời cao như trong những dịp khác.

Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng, trong những giây phút quan trọng khác của cuộc đời dương thế của mình, Đức Giêsu đã thấy những dấu hiệu liên hệ đến sự hiện diện và chấp nhận của Chúa Cha về con đường tình yêu của Người. Ví dụ, trong câu chuyện ngay sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, khi ấy các tầng trời mở ra, chúng ta đã nghe lời của Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1, 11). Rồi trong cuộc biến hình, một tiếng nói cũng phát ra từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7). Ngược lại, khi cái chết đến gần Đấng Chịu Đóng Đinh, thì thinh lặng phủ xuống và chẳng ai nghe thấy một lời, nhưng cái nhìn yêu thương của Chúa Cha vẫn còn hướng tới quà tặng tình yêu của Chúa Con.

“Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con?” Lời cầu nguyện này của Đức Giêsu kêu lên cùng Chúa Cha có nghĩa gì, có phải là sự nghi ngờ về sứ vụ của Người, hay về sự hiện diện của Chúa Cha hay chăng? Lời cầu nguyện này chẳng lẽ không hàm chứa ý thức bén nhạy rằng mình đang bị bỏ rơi sao? Những lời mà Đức Giêsu thưa cùng Chúa Cha là những lời mở đầu của Thánh vịnh 22, trong đó tác giả Thánh vịnh đã trình bày cùng Thiên Chúa sự căng thẳng giữa việc cảm thấy bị bỏ rơi một mình và một ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Tác giả Thánh vịnh cầu nguyện rằng: “Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên. Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài” (Tv 22,3-4). Vịnh gia nói về một “tiếng kêu” để diễn tả tất cả nỗi đớn đau của lời cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Đấng dường như vắng mặt: trong gây phút đau khổ tột cùng, lời cầu nguyện trở thành một tiếng kêu.

Và điều này cũng xảy ra trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa: khi phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn và đau thương nhất, khi Thiên Chúa có vẻ không lắng nghe, chúng ta đừng sợ phó thác cho Người toàn thể gánh nặng mà chúng ta mang trong tâm hồn mình, đừng sợ kêu lên với Người trong nỗi đau của mình; chúng ta phải vững tin rằng Thiên Chúa thật gần gũi, mặc dù xem ra Người có vẻ thinh lặng.

Trong khi lặp lại trên Thập giá những lời mở đầu của Thánh vịnh 22, “Eli, Eli, lama sabachthani?” – “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46), trong việc kêu lên bằng những lời của Thánh vịnh, Đức Giêsu cầu nguyện trong giờ phút bị mọi người chối bỏ lần cuối, trong giây phút bị bỏ rơi; tuy nhiên, Người cầu nguyện bằng Thánh vịnh với ý thức về sự hiện diện của Chúa Cha, ngay cả trong giờ này khi Người cảm thấy thảm cảnh về cái chết của con người. Nhưng một câu hỏi phát ra trong trí chúng ta: làm sao mà một Thiên Chúa quyền năng như thế lại không can thiệp để tránh cho Con mình sự thử thách khủng khiếp này? Điều quan trọng là phải hiểu rằng lời cầu nguyện của Đức Giêsu không phải là tiếng kêu của một người đón nhận cái chết trong tuyệt vọng, cũng không phải là tiếng kêu của một người biết rằng mình đang bị bỏ rơi. Trong giây phút ấy, Đức Giêsu đã áp dụng toàn bộ Thánh vịnh 22 cho mình, Thánh vịnh cao cả của dân Israel đau khổ, và như thế Người tự mình gánh lấy không chỉ nỗi thống khổ của dân Người, mà còn của tất cả mọi người bị sự dữ áp đảo, và đồng thời, Người mang tất cả những điều này đến trước trái tim của chính Thiên Chúa, trong khi tin chắc rằng tiếng kêu của Người sẽ được Chúa Cha nhận lời qua sự kiện Phục Sinh, “tiếng kêu của đau khổ tột cùng đồng thời vẫn là niềm tin chắc chắn về một câu trả lời từ Thiên Chúa, niềm tin chắc chắn về ơn cứu độ – không chỉ cho chính Đức Giêsu, nhưng còn cho “nhiều người” [cf. Jesus of Nazareth, II, pp. 239-240.]. Lời cầu nguyện này của Đức Giêsu chứa đựng niềm tin tưởng và phó thác một cách tuyệt đối nơi bàn tay Thiên Chúa, ngay cả khi Thiên Chúa xem ra vắng mặt, ngay cả khi Người có vẻ tiếp tục lặng im, theo một kế hoạch mà chúng ta không thể hiểu nổi. Chúng ta đọc trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo như sau: “Trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha, cho đến độ Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên Thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 603]. Người chịu đau khổ trong sự hiệp thông với chúng ta và cho chúng ta, là điều phát sinh từ tình yêu và đã mang lại ơn cứu độ, là chiến thắng của tình yêu.

Những người có mặt dưới chân thập giá của Đức Giêsu không hiểu và nghĩ rằng tiếng kêu của Người là một lời cầu xin cùng ngôn sứ Êlia. Trong một cảnh bị kích động, họ đã cố gắng làm giảm cơn khát của Người để kéo dài cuộc sống của Người và xem ông Êlia có thực sự đến cứu Người không. Nhưng một tiếng kêu lớn kết thúc cuộc đời dương thế của Đức Giêsu và sự mong muốn của họ. Trong giây phút cuối cùng, Đức Giêsu để cho trái tim Người diễn tả nỗi đớn đau của nó; nhưng đồng thời, Người cho phép cảm giác về sự hiện diện của Chúa Cha xuất hiện cùng với sự ưng thuận của Người về kế hoạch cứu độ nhân loại của Người.

Chúng ta cũng thế, chúng ta không ngừng thấy mình phải đương đầu với “hôm nay” của đau khổ, của sự thinh lặng của Thiên Chúa – chúng ta thường diễn tả nó trong lời cầu nguyện của mình – nhưng chúng ta cũng đang thấy mình đối diện với “ngày hôm nay” của Phục Sinh, của sự đáp trả của Thiên Chúa, Đấng đã lấy đi nỗi đau khổ của chúng ta, để Người cùng vác chúng với chúng ta, và ban cho chúng ta niềm hy vọng vững chắc rằng chúng sẽ được vượt qua [cf. Spe Salvi, nn. 35-40].

Các bạn thân mến, trong cầu nguyện, chúng ta hãy mang Thập giá hàng ngày của mình đến dâng lên Thiên Chúa trong niềm xác tín rằng Ngài hiện diện và lắng nghe chúng ta. Tiếng kêu của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng trong cầu nguyện chúng ta phải vượt qua những chướng ngại của “cái tôi” và những vấn đề của mình để mở lòng ra với nhu cầu và đau khổ của người khác.

Xin cho lời cầu nguyện của Đức Giêsu lúc sinh thì trên Thập giá dạy chúng ta cầu nguyện với tình yêu dành cho tất cả anh chị em của mình, những ai đang cảm thấy bị đè nặng bởi gánh nặng của cuộc sống hàng ngày, những ai đang sống những giây phút khó khăn, đau đớn, không được một lời an ủi; chúng ta hãy mang tất cả những điều này đến dâng cho trái tim Thiên Chúa, để họ cũng có thể cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương, Đấng không bao giờ bỏ rơi ta.

Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com

* Bài liên quan:

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (16)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (17)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (18)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (19)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (20)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (21)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (22)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (23)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (24)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (25)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...