Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (28)
Thiên Chúa biết tận đáy lòng chúng ta còn rõ hơn chúng ta nữa, và Người yêu thương chúng ta; biết điều ấy là đủ cho chúng ta rồi.
Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 07.03.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 28: Thinh lặng. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 07 tháng 03 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Trong các chương trước đây tôi đã nói về những lời cầu nguyện của Đức Giêsu, và tôi không muốn kết thúc suy tư này mà không dừng lại một giây lát ở chủ đề về sự thinh lặng của Đức Giêsu, điều rất quan trọng trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini, tôi đã đề cập đến vai trò của sự thinh lặng trong cuộc đời Đức Giêsu, đặc biệt là trên đồi Golgotha: “ở đây chúng ta đứng trước “ngôn ngữ thập giá” (1Cr 1, 18). Ngôi Lời im tiếng, Người trở nên thinh lặng trong sự chết, bởi vì Người đã tự “nói” về mình cho đến lúc im tiếng, không giữ lại bất cứ điều cần phải thông truyền nữa” [x. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini, n. 12]. Đối diện với sự thinh lặng này của Thập giá, thánh Maximô Confessor đặt trên môi Thánh Mẫu Thiên Chúa lời diễn tả sau đây: “Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha không lời, Đấng đã tạo dựng nên mọi loài thụ tạo có tiếng nói; không còn sự sống nơi đôi mắt của Đấng mà mọi sự đều chuyển động theo lời nói và mọi dấu chỉ của Người” [Life of Mary, n. 89: Testi mariani del primo millennio, 2, Rome, 1989, p. 253].
Thập giá của Đức Kitô không những chỉ cho thấy sự thinh lặng của Đức Giêsu như lời cuối cùng Người thưa với Chúa Cha, nhưng cũng vén mở cho thấy rằng Thiên Chúa nói qua sự thinh lặng: “Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Khi bị treo trên cây thập giá, Người đã kêu lên nỗi đau khổ do sự thinh lặng kia gây ra: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Kiên trì vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong bóng tối sự chết, Đức Giêsu đã cầu khẩn Chúa Cha. Chính là cho Chúa Cha mà Người phó thác bản thân vào thời khắc đi qua cái chết, để vào sự sống đời đời: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)” [Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini, n. 21]. Kinh nghiệm của Đức Giêsu trên thập giá nói lên một cách sâu xa về tình trạng của người cầu nguyện và cho thấy tột đỉnh của lời cầu nguyện: sau khi đã nghe và đón nhận lời của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải đo lường chính mình bằng sự thinh lặng của Thiên Chúa, là một diễn tả quan trọng của cùng một Lời Thiên Chúa.
Sự tác động lẫn nhau giữa lời nói và sự thinh lặng, là điều đánh dấu lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế của Người, cũng ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta bằng hai cách. Cách thứ nhất liên quan đến việc đón nhận Lời Chúa. Sự thinh lặng bên trong và bên ngoài là điều cần thiết để chúng ta có thể nghe được Lời này. Và điều này đặc biệt khó khăn đối với chúng ta trong thời đại này. Thật vậy, chúng ta sống trong một thời đại không mấy thuận lợi cho việc chiêm niệm; ngược lại, đôi khi người ta có ấn tượng rằng mình sợ tách rời, ngay cả chỉ một giây lát, khỏi sự ào ào của những lời nói và hình ảnh, là điều đánh dấu và tràn ngập thời đại chúng ta. Đó là lý do tại sao, trong Tông huấn Verbum Domini mà tôi vừa đề cập đến, tôi đã nhắc lại sự cần thiết phải được giáo dục về giá trị của thinh lặng: “Tái khám phá tính cách trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm. Truyền thống cổ kính của các Giáo phụ dạy chúng ta rằng các Mầu nhiệm của Chúa Kitô đều có liên hệ với sự thinh lặng; chỉ nhờ thinh lặng, Lời mới đến cư ngụ trong chúng ta, như nơi Đức Maria, vừa là người phụ nữ của Lời vừa là người phụ nữ của thinh lặng” [Ibid., n. 66]. Theo nguyên tắc này, không có sự thinh lặng, người ta không thể nghe, lắng nghe hay nhận được một lời, áp dụng đặc biệt trước hết vào cầu nguyện cá nhân, nhưng cũng đúng với các nghi thức phụng vụ của chúng ta: để tạo điều kiện lắng nghe thật, chúng phải là những giây phút đầy thinh lặng và đón nhận không lời. Nhận xét này của thánh Augustinô ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: Verbo crescente, verba deficiunt “Để Lời Thiên Chúa được lớn lên, thì các lời nói của con người phải ít đi” [cf. St. Augustine, Sermo 288, 5: pl 38, 1307; Sermo 120, 2: pl 38, 677]. Các sách Tin Mừng thường trình bày Đức Giêsu, nhất là vào những thời điểm quyết định quan trọng, rút lui đến những nơi yên tĩnh, cách xa đám đông và thậm chí khỏi các môn đệ để cầu nguyện trong thinh lặng và sống mối liên hệ con thảo với Thiên Chúa. Sự thinh lặng có thể tạo ra một không gian bên trong sâu thẳm của chúng ta để cho phép Chúa ngự ở đó, để lời của Người sẽ ở lại trong chúng ta, và tình yêu dành cho Người, ăn sâu vào tâm trí chúng ta, và truyền cảm hứng cho cuộc sống của chúng ta. Do đó, hướng đầu tiên: tái lập sự thinh lặng, cởi mở để lắng nghe, mở lòng ra với tha nhân và với Lời Chúa.
Nhưng cũng có một mối liên hệ quan trọng thứ hai của sự thinh lặng với cầu nguyện. Thật vậy, không phải chỉ có sự thinh lặng của chúng ta, là điều làm cho chúng ta sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa; thường trong cầu nguyện, chúng ta thấy mình đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy hầu như bị bỏ rơi, có vẻ Thiên Chúa không lắng nghe chúng ta và cũng không trả lời chúng ta. Nhưng sự thinh lặng của Thiên Chúa, như Đức Giêsu cũng đã cảm thấy, không phải là dấu chỉ của sự vắng mặt của Ngài. Người Kitô hữu biết rằng Chúa hiện diện và lắng nghe, ngay cả trong đêm đen của đau khổ, bị khước từ và cô đơn. Đức Giêsu bảo đảm với các môn đệ của Người, và với mỗi người trong chúng ta rằng Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta. Người dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8): một tâm hồn hiểu biết, thinh lặng và cởi mở quan trọng hơn nhiều lời. Thiên Chúa biết tận đáy lòng chúng ta còn rõ hơn chúng ta nữa, và Người yêu thương chúng ta; biết điều ấy là đủ cho chúng ta rồi.
Trong Kinh Thánh, kinh nghiệm của ông Gióp là điều thật đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực này. Không mấy chốc, ông mất tất cả mọi sự: gia đình, tài sản, bạn bè và sức khỏe của ông; cách cư xử của Thiên Chúa đối với ông có vẻ thực sự là một sự từ bỏ, hoàn toàn thinh lặng. Tuy nhiên, trong sự liên hệ của ông với Thiên Chúa, ông Gióp thưa với Ngài và kêu lên với Ngài: bất chấp tất cả những điều này, trong lời cầu nguyện của ông, ông vẫn giữ được đức tin của mình toàn vẹn, và cuối cùng, ông khám phá ra giá trị của kinh nghiệm của mình và sự thinh lặng của Thiên Chúa. Và như thế rốt cuộc ông kết luận khi thưa cùng Đấng Tạo Hóa: “Con biết Ngài chỉ vì nghe người ta nói, nhưng bây giờ đôi mắt con đã nhìn thấy Ngài” (G 42, 5): hầu như tất cả chúng ta biết Thiên Chúa chỉ bởi nghe nói về Ngài, và chúng ta càng mở lòng ra cho thinh lặng của Ngài và sự thinh lặng của chúng ta, thì chúng ta bắt đầu càng thực sự biết Ngài. Lòng tin tưởng tột độ này mở ra một cuộc gặp gỡ rất thân tình với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ trưởng thành trong thinh lặng. Thánh Phanxicô Xaviê đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu Chúa không phải vì Ngài có thể cho con lên thiên đàng hoặc luận phạt con trong hỏa ngục, nhưng bởi vì Ngài là Thiên Chúa của con. Con yêu mến Ngài bởi vì Ngài là chính Ngài mà thôi.”
Gần đến lúc kết thúc những suy niệm về cầu nguyện của Đức Giêsu, chúng ta hãy nhớ lại một số giáo huấn của Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo: “Việc cầu nguyện được mặc khải cho chúng ta một cách trọn vẹn nơi Ngôi Lời, là Đấng đã nhập thể và ở giữa chúng ta. Tìm cách hiểu lời cầu nguyện của Người qua những gì các nhân chứng của Người rao giảng cho chúng ta trong Tin Mừng, là đến gần Đấng Thánh là Đức Giêsu, như ông Môsê đến gần bụi gai đang bốc cháy: trước tiên là để chiêm ngưỡng Chính Người trong khi cầu nguyện, rồi lắng nghe Người dạy chúng ta cầu nguyện, để sau cùng nhận biết cách Người đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2598].
Và Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện thế nào? Chúng ta tìm thấy một câu trả lời rõ ràng trong Sách Toát Yếu Giáo Lý của Giáo hội Công giáo: “Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không những với lời Kinh Lạy Cha” - chắc chắn là việc làm chính trong giáo huấn của Người về việc phải cầu nguyện thế nào - “nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, Người cho chúng ta thấy, bên cạnh nội dung của lời cầu nguyện, còn có những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực: tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; sự tin tưởng mạnh mẽ, đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ” [Toát yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 544].
Qua việc nghiên cứu tổng quát các sách Tin Mừng, chúng ta đã thấy rằng Chúa là người đối thoại, bạn bè, nhân chứng và thầy dạy thế nào trong việc cầu nguyện của chúng ta. Trong Đức Giêsu tỏ lộ tính mới mẻ của cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa: một lời cầu nguyện con thảo, mà Chúa Cha mong đợi nơi các con của Ngài. Và chúng ta học nơi Đức Giêsu làm sao lời cầu nguyện liên lỉ giúp chúng ta giải thích cuộc đời mình, đi đến những chọn lựa, cùng nhận ra và đón nhận ơn gọi của mình, khám phá ra những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho ta, để mỗi ngày làm trọn thánh ý Chúa, là con đường duy nhất để đạt được cùng đích của đời ta.
Đối với chúng ta, những người thường bận tâm về hiệu quả cúa việc làm và những kết quả kết quả cụ thể, lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải dừng lại, để cảm nghiệm những giây phút thân tình với Thiên Chúa, bằng cách “xa lánh” những tiếng ồn ào hằng ngày để lắng nghe, để đi về “cội rễ” là điều nâng đỡ và nuôi dưỡng đời sống của mình. Một trong những giây phút cầu nguyện đẹp nhất của Đức Giêsu là chính những giây phút - để đối đầu với bệnh tật, những nỗi thống khổ và hạn chế của những kẻ đối thoại với Người - Người hướng Chúa Cha trong cầu nguyện, và như thế Người đã dạy cho những kẻ chung quanh Người phải đi tìm nguồn gốc của niềm hy vọng và ơn cứu độ ở đâu. Tôi đã nhắc lại ví dụ cảm động về lời cầu nguyện của Đức Giêsu tại ngôi mộ của Ladarô. Thánh Gioan kể lại sự kiện này: “Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,41-43).
Nhưng chính trong giờ phút khổ nạn và giờ chết của Người mà Đức Giêsu đạt đến tột đỉnh chiều sâu của lời cầu nguyện của Người đối với Chúa Cha, khi Người thưa lời “xin vâng” tuyệt đối với chương trình của Thiên Chúa, và cho thấy làm sao ý chí con người tìm thấy sự thể hiện của nó trong việc gắn bó hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải là ngược lại. Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong tiếng kêu lên với Chúa Cha trên Thập giá, “Tất cả những đau khổ của nhân loại ở mọi thời sống dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu trong toàn lịch sử cứu độ... Ở đây Chúa Cha đã đón nhận tất cả và Người đã nhận lời vượt quá mọi hy vọng của chúng ta khi cho Chúa Con sống lại. Như thế, toàn thể kinh nguyện trong nhiệm cục sáng tạo và cứu độ đã được thực hiện và hoàn tất” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2606].
Anh chị em thân mến, hãy tin tưởng cầu xin Thiên Chúa để chúng ta có thể sống con đường cầu nguyện con thảo của mình, bằng cách học hàng ngày từ Người Con Một, là Đấng đã làm người cho chúng ta, để biết phải hướng về Thiên Chúa thế nào. Những lời của thánh Phaolô về đời sống Kitô hữu nói chung cũng áp dụng cho lời cầu nguyện của chúng ta: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com
* Bài liên quan:
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (16)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (17)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (18)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (19)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (20)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (21)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (22)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (23)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (24)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (25)