Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (29)
Thân Mẫu Đức Giêsu đã được Chúa đặt trong những giây phút quyết định của lịch sử cứu độ, và Mẹ đã luôn biết phải đáp ứng thế nào với một tâm hồn hoàn toàn sẵn sàng.
Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 14.03.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 29: Cầu nguyện với sự hiện diện của Mẹ Maria. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 14 tháng 03 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Để tiếp tục các chương về lời cầu nguyện Kitô giáo, bây giờ tôi muốn bắt đầu nói về việc cầu nguyện trong Sách Công vụ Tông đồ và các Thư thánh Phaolô. Như chúng ta biết, thánh sử Luca đã cho chúng ta một trong bốn sách Tin Mừng, dành riêng cho cuộc đời trần thế của Đức Giêsu; nhưng ngài cũng để lại cho chúng ta một sách được gọi là sách đầu tiên về lịch sử Giáo hội, Sách Công vụ Tông đồ. Trong hai sách này, một trong những yếu tố được lặp lại nhiều lần, đó là cầu nguyện, từ cầu nguyện của Đức Giêsu đến cầu nguyện của Đức Mẹ Maria, của các môn đệ, các phụ nữ và cộng đoàn Kitô hữu. Con đường ban đầu của Giáo hội được đánh dấu cách nhịp nhàng bằng tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng biến đổi các Tông đồ thành những chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh cho đến đổ máu của mình, cùng việc lan tràn nhanh chóng của Lời Chúa ở Đông Phương và Tây Phương. Tuy nhiên, trước khi việc công bố Tin Mừng được lan tràn, thánh Luca ghi lại câu chuyện Lên Trời của Chúa Phục Sinh (x. Cv 1,6-9). Chúa đã ban cho các môn đệ chương trình của Người về cuộc đời của các ngài, là hiến thân để rao giảng Tin Mừng. Người nói: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Ở Giêrusalem, vì sự phản bội của Giuđa Iscariốt, các Tông đồ chỉ còn mười một vị, đã họp nhau trong nhà để cầu nguyện, và chính trong cầu nguyện mà các ngài đón chờ hồng ân mà Đức Kitô Phục Sinh đã hứa ban là Chúa Thánh Thần.
Trong bối cảnh chờ đợi này, giữa thời gian Chúa Lên Trời và Lễ Ngũ Tuần, lần cuối cùng thánh Luca đề cập đến Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, và các anh em của Người (Cv 1, 14). Thánh Luca đã dành phần đầu Tin Mừng của mình cho Đức Maria, từ việc thiên thần truyền tin cho đến việc ra đời và thời thơ ấu của Con Thiên Chúa làm người. Chính với Mẹ Maria mà cuộc đời trần thế của Đức Giêsu bắt đầu, thì cũng với Mẹ Maria mà những bước đầu tiên của Giáo hội đã bắt đầu. Trong cả hai trường hợp, bầu khí là một bầu khí lắng nghe Thiên Chúa và suy niệm. Vì thế, hôm nay tôi muốn dừng lại ở sự hiện diện trong cầu nguyện này của Đức Trinh Nữ Maria giữa các môn đệ, là những người đầu tiên sẽ trở thành Giáo hội sơ khai.
Đức Mẹ Maria đã âm thầm đi theo suốt cuộc hành trình của Con Mẹ trong sứ vụ công khai, ngay cả cho đến chân Thập giá. Và giờ đây Mẹ tiếp tục âm thầm cầu nguyện mà đi theo con đường của Giáo hội. Trong lúc Truyền Tin trong ngôi nhà ở Nadarét, Đức Mẹ Maria đã đón chào sứ thần của Thiên Chúa; Mẹ chú tâm đến những lời của ngài; Mẹ đón nhận những lời ấy và đáp lại chương trình của Thiên Chúa, như thế bày tỏ lòng hoàn toàn sẵn sàng của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi theo ý Ngài” (x. Lc 1, 38). Nhờ thái độ lắng nghe nội tâm mà Đức Mẹ có thể giải thích lịch sử của mình và khiêm tốn thừa nhận rằng chính Chúa là Đấng hành động.
Trong chuyến thăm viếng người chị họ của Mẹ là bà Êlisabét, Mẹ thốt lên một kinh nguyện ngợi khen và hân hoan, mừng ân sủng của Thiên Chúa là điều tràn đầy tâm hồn và cuộc đời Mẹ, làm cho Mẹ trở thành Mẹ Chúa (x. Lc 1,46-55). Ngợi khen, tạ ơn, vui mừng: trong bài thánh thi Magnificat (Kinh Ngợi Khen), Đức Mẹ Maria không những chỉ nhìn vào những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, mà còn cả những gì Ngài đã làm và luôn làm trong lịch sử. Thánh Ambrôsiô, trong một bài chú giải nổi tiếng về kinh Magnificat, mời gọi chúng ta có cùng một tinh thần cầu nguyện khi ngài nói: ”Chớ gì tâm hồn của Đức Mẹ Maria ở trong mỗi người trong anh em để ca ngợi Chúa; và chớ gì tinh thần của Đức Mẹ Maria ở trong mỗi người trong anh em để vui mừng trong Thiên Chúa” (1).
Ngay cả trong Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem, trong “căn phòng trên lầu”, nơi các môn đệ của Đức Giêsu “thường cư ngụ” (x. Cv 1, 13), Mẹ hiện diện trong bầu không khí lắng nghe và cầu nguyện, trước khi những cánh cửa mở tung ra và các ngài bắt đầu rao giảng Đức Kitô cho muôn dân, dạy họ tuân giữ tất cả những gì mà Người đã truyền (x. Mt 28,19-20). Các giai đoạn của cuộc hành trình của Đức Mẹ Maria, từ ngôi nhà ở Nadarét đến Giêrusalem, qua thập giá, nơi Con Mẹ trao Mẹ cho Thánh Gioan Tông đồ, được đánh dấu bằng khả năng duy trì một bầu không khí hồi tưởng liên tục, để Mẹ có thể suy đi nghĩ lại mỗi biến cố trong thinh lặng của tâm hồn mình trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 2,19-51) và suy niệm trước Thiên Chúa, cũng như hiểu được thánh ý Thiên Chúa và như thế có thể chấp nhận Thánh ý này trong lòng. Vì vậy, sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa với Nhóm Mười Một, sau khi Chúa Lên Trời, không phải chỉ là một ghi chú lịch sử về một điều trong quá khứ, nhưng có một ý nghĩa có giá trị lớn lao, bởi vì Mẹ chia sẻ với các ngài những gì là gia sản quý giá nhất: ký ức sống động về Đức Giêsu, trong cầu nguyện; và Mẹ chia sẻ sứ vụ này của Đức Giêsu: gìn giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu và như thế giữ gìn sự hiện diện của Người.
Việc đề cập cuối cùng về Đức Mẹ Maria trong hai tác phẩm của thánh Luca xảy ra vào ngày Sabáth: ngày nghỉ ngơi sau việc tạo dựng của Thiên Chúa, ngày thinh lặng sau cái chết của Đức Giêsu và mong đợi sự Phục Sinh của Người. Truyền thống kính Đức Mẹ vào ngày thứ Bảy được bắt nguồn từ biến cố này. Giữa ngày Lên Trời của Đấng Phục Sinh và ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên của Kitô giáo, các Tông đồ và Giáo hội quây quần quanh Đức Mẹ Maria để cùng Mẹ chờ đợi hồng ân Chúa Thánh Thần, mà nếu không có hồng ân ấy thì người ta không thể trở thành nhân chứng. Mẹ đã nhận được Ngài để Mẹ có thể hạ sinh Ngôi Lời Nhập Thể, thông phần với toàn thể Giáo hội trong việc mong đợi cùng một hồng ân ấy, ngõ hầu “Đức Kitô được hình thành” (x. Gl 4, 19) trong tâm hồn mỗi tín hữu. Nếu không có Giáo hội mà không có lễ Hiện Xuống, thì cũng không có lễ Hiện Xuống mà không có Mẹ Đức Giêsu, vì Mẹ đã sống một cách hoàn toàn độc đáo điều mà Giáo hội trải qua mỗi ngày dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Chrômatiô thành Aquileia chú giải về Sách Công vụ Tông đồ rằng: “Giáo hội kết hợp trong phòng trên lầu với Đức Mẹ Maria, Mẹ Đức Giêsu, và với anh em của Người. Cho nên, một người không thể nói về Giáo hội, trừ khi có sự hiện diện của Đức Mẹ Maria, Mẹ của Chúa … Nơi nào mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô từ lòng Đức Trinh Nữ được rao giảng thì nơi đó có Giáo hội của Đức Kitô, và nơi nào các Tông đồ, là anh em của Chúa, giảng dạy, thì nơi đó người ta được nghe Tin Mừng” (2).
Công đồng Vaticanô II đã muốn nhấn mạnh cách đặc biệt đến mối dây liên hệ được biểu lộ rõ ràng trong việc Đức Mẹ Maria và các Tông đồ cùng nhau cầu nguyện, ở cùng một nơi, trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần. Hiến chế Tín Lý Lumen Gentium xác định rằng: “Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa, cho nên chúng ta thấy các Tông Đồ trước ngày Ngũ Tuần: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1, 14). Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ Mẹ trong ngày Truyền Tin” (3). Chỗ đặc biệt của Đức Mẹ là Giáo hội, ở đó “Mẹ được công nhận là phần tử ưu việt và tuyệt đối độc đáo…, và là kiểu mẫu và gương mẫu tuyệt vời về đức tin và đức ái của Giáo hội” (4).
Như thế, việc tôn kính Mẹ của Đức Giêsu trong Giáo hội có nghĩa là học từ Mẹ để trở thành một cộng đoàn cầu nguyện: đó là một trong những đặc điểm thiết yếu trong mô tả đầu tiên về cộng đoàn Kitô hữu được nêu lên trong Sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 2, 42). Thường thì cầu nguyện được định đoạt bởi những tình trạng khó khăn, những vấn đề cá nhân làm cho chúng ta chạy đến Chúa để tìm ánh sáng, sự an ủi và giúp đỡ. Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta mở rộng những chiều kích của cầu nguyện, hướng về Thiên Chúa không phải chỉ trong những lúc cần thiết, và không phải chỉ cho bản thân mình, nhưng còn một cách trọn vẹn, kiên trì và trung thành, với “một lòng và một ý” (x. Cv 4, 32).
Các bạn thân mến, cuộc đời con người trải qua những giai đoạn chuyển tiếp khác nhau, thường rất khó khăn và đòi hỏi, là những điều đòi buộc phải có sự lựa chọn bắt buộc, từ bỏ và hy sinh. Thân Mẫu Đức Giêsu đã được Chúa đặt trong những giây phút quyết định của lịch sử cứu độ, và Mẹ đã luôn biết phải đáp ứng thế nào với một tâm hồn hoàn toàn sẵn sàng, kết quả của một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện chuyên cần và sốt sắng. Giữa Thứ Sáu tuần Thương Khó và Chúa Nhật Phục Sinh, người môn đệ Chúa yêu, và cùng với ngài toàn thể cộng đoàn các môn đệ được trao phó cho Mẹ (x. Ga 19, 26). Giữa ngày Chúa Lên Trời và ngày Lễ Hiện Xuống, người ta tìm thấy Mẹ cầu nguyện với Giáo hội và trong Giáo hội (x. Cv 1, 14). Như Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, Mẹ Maria thực thi tình mẫu tử của Mẹ cho đến khi kết thúc lịch sử. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mọi giai đoạn của đời sống cá nhân và Giáo hội, kể cả giờ phút cuối cùng của đời ta. Xin Mẹ Maria dạy chúng ta sự cần thiết của việc cầu nguyện, và cho chúng ta thấy rằng, chỉ nhờ mối liên hệ không ngừng, mật thiết, đầy yêu thương với Con của Mẹ mà chúng ta có can đảm rời “ngôi nhà của mình”, là chính bản thân mình, để đi đến tận cùng trái đất mà rao giảng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian.
Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com
____________________________
Chú thích:
(1) Expositio Evangelii secundum Lucam 2, 26: PL 15, 1561.
(2) Sermo 30, 1: SC 164, 135.
(3) Lumen Gentium, n. 59.
(4) Ibid., n. 53.
* Bài liên quan:
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (16)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (17)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (18)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (19)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (20)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (21)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (22)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (23)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (24)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (25)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (26)