Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (31)
Nếu hai lá phổi cầu nguyện và Lời Chúa không nuôi dưỡng được hơi thở đời sống tâm linh của chúng ta, chúng ta có nguy cơ bị nghẹt thở giữa hàng ngàn điều phải lo lắng mỗi ngày: cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và của đời sống...
Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 25.04.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 31: Đức ái. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 25 tháng 04 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Trong chương trước, tôi đã nêu lên rằng từ khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Giáo hội phải đương đầu với nhiều hoàn cảnh bất ngờ, những vấn đề mới và những trường hợp khẩn cấp mà Giáo hội đã cố gắng trả lời trong ánh sáng đức tin. Bây giờ tôi muốn ngừng lại và suy niệm về một hoàn cảnh khác trong những hoàn cảnh này, một vấn đề nghiêm trọng mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã phải đương đầu và giải quyết, như thánh Luca cho chúng ta biết trong Sách Công vụ Tông đồ, chương 6, về vấn đề phục vụ bác ái cho những người cô nhi quả phụ, những người cần giúp đỡ và trợ cấp.
Vấn đề được đặt ra không phải là thứ yếu đối với Giáo hội và có nguy cơ tạo ra sự chia rẽ trong Giáo hội vào thời điểm ấy. “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên” (Cv 6, 1). Trước tình trạng khẩn trương này liên quan đến một khía cạnh thiết yếu trong đời sống của cộng đoàn, là tình bác ái đối với những người yếu đuối, người nghèo, người tàn tật, và với công lý, các Tông đồ đã triệu tập nhóm môn đệ lại. Trong hoàn cảnh mục vụ khẩn trương ấy, điều nổi bật là sự phán đoán mà các Tông đồ đã thực hiện. Các ngài phải đương đầu với một việc hết sức cần thiết là phải công bố Lời Chúa, theo mệnh lệnh của Chúa; nhưng dù đó là nhu cầu cấp bách hàng đầu của Giáo hội, các ngài cũng coi trọng không kém nhiệm vụ thực thi bác ái và công lý, tức là nhiệm vụ giúp đỡ các góa phụ và người nghèo, việc yêu thương cung cấp cho anh chị em mình trong những hoàn cảnh túng thiếu, để đáp lại mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,12.17).
Như vậy, hai thực tại mà các ngài phải sống trong Giáo hội – việc rao giảng Lời Chúa, quyền tối cao của Thiên Chúa, cùng việc bác ái cụ thể và công lý – đang tạo ra những khó khăn và cần phải tìm ra một giải pháp, để cả hai thực tại này đều có thể có chỗ đứng, và sự liên hệ thiết yếu của chúng. Phán đoán của các Tông đồ thật rõ ràng, các ngài nói, như chúng ta đã nghe: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2- 4).
Hai điều xuất hiện ở đây: điều thứ nhất, kể từ lúc đó trong Giáo hội có một thừa tác vụ bác ái. Giáo hội không những chỉ công bố Lời Chúa, nhưng cũng phải thực hành Lời Chúa, là bác ái và chân lý. Và, điều thứ hai, những người này không những chỉ có uy tín, nhưng họ phải là những người tràn đầy Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan; nghĩa là họ không thể chỉ là những nhà tổ chức biết phải “làm” thế nào, nhưng họ phải “làm như thế” trong tinh thần đức tin với ánh sáng của Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của tâm hồn. Cho nên, chức năng của họ, dù chính yếu là có bản chất thực tế, nhưng cũng vẫn là một chức năng tinh thần. Bác ái và công lý không chỉ là những hành động xã hội, nhưng còn là những hành động tinh thần được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng các Tông đồ đã giải quyết tình trạng này với một tinh thần trách nhiệm rất cao, khi các ngài đi đến quyết định này là việc chọn bảy người. Các Tông đồ cầu nguyện để xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần; và sau đó đặt tay các ngài trên họ để họ được đặc biệt thánh hiến cho việc phục vụ bác ái này. Như vậy, trong đời sống Giáo hội, ở những bước đầu tiên, phản ảnh một cách nào đó những gì đã xảy ra trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, tại nhà chị em cô Mácta và Maria ở Bêthania. Cô Mácta đã tận tâm tận lực phục vụ và đón tiếp Đức Giêsu cùng các môn đệ của Người; còn cô Maria thì chú tâm lắng nghe Lời Chúa (x. Lc 10,38-42). Trong cả hai trường hợp, những giờ phút cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa, và các hoạt động hàng ngày, như việc thực thi bác ái, không trái ngược nhau. Lời nhắc nhở của Đức Giêsu: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42 ), cũng như sự suy nghĩ của các Tông đồ: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4), chứng tỏ những ưu tiên mà chúng ta cần phải dành cho Thiên Chúa.
Lúc này tôi không muốn giải thích về đoạn văn liên quan đến chị em Mácta, Maria ấy. Dù sao đi nữa, không ai có thể lên án việc phục vụ người lân cận, và tha nhân; tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng ngay cả hoạt đông ấy cũng phải được thấm nhuần trong lòng bởi một tinh thần chiêm niệm. Ngoài ra, thánh Augustinô nói rằng thực tại của cô Maria cũng là một viễn tượng thuộc về chúng ta ở trên trời. Cho nên nơi trần thế, chúng ta không bao giờ sở hữu nó một cách hoàn toàn được, nhưng một chút thưởng thức trước phải hiện diện trong tất cả các hoạt động của chúng ta. Việc chiêm ngắm Thiên Chúa cũng phải hiện diện. Chúng ta không được phép đi lạc trong chủ nghĩa thuần túy duy hoạt động, nhưng luôn luôn để cho mình được thấm nhuần, ngay cả trong hoạt động của mình, bằng ánh sáng của Lời Chúa, và do đó, học bác ái thật, việc phục vụ người khác thật, là điều không cần quá nhiều thứ – chắc chắn là cần những gì thiết yếu, nhưng trên hết cũng cần cảm tình của trái tim chúng ta, và ánh sáng của Thiên Chúa.
Thánh Ambrôsiô, khi chú giải về câu chuyện của Mácta và Maria, đã khuyên nhủ các tín hữu của mình và cả chúng ta nữa: “Chúng ta cũng hãy tìm cách chiếm hữu được những gì mà không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta được, bằng cách chú tâm cách chăm chỉ vào Lời Chúa, không bị phân tâm: vì cũng xảy ra việc hạt giống của Lời trên trời bị lấy đi mất nếu chúng bị gieo vãi dọc đường. Như cô Maria, anh chị em hãy khích lệ trong mình ước muốn hiểu biết: đó là công việc hoàn hảo nhất, lớn nhất”, và ngài thêm rằng “ước mong rằng việc chăm sóc phục vụ không làm anh chị em sao nhãng việc hiểu biết những Lời trên trời”, qua việc cầu nguyện (1).
Vì thế, các thánh đã cảm nghiệm một sự hiệp nhất sâu xa của đời sống giữa việc cầu nguyện và hành động, giữa tình yêu Thiên Chúa hoàn toàn và tình yêu dành cho anh em. Thánh Bênađô, đấng là mẫu gương của sự hòa hợp giữa việc chiêm niệm và chuyên cần làm việc, trong sách De consideratione viết cho Đức Giáo hoàng Innôcentê II, để cung cấp cho ngài một số suy tư về sứ vụ của ngài, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc suy niệm trong lòng và cầu nguyện để bảo vệ mình chống lại sự nguy hiểm của hoạt động quá mức, bất kể tình trạng nào mà chúng ta gặp phải và công việc nào mà chúng ta làm. Thánh Bernarđô quả quyết rằng quá nhiều công việc, một cuộc sống điên cuồng, thường đưa đến kết quả là cứng lòng và làm cho tâm trí bị đau khổ (2).
Đó là một lời nhắc nhở quý giá cho chúng ta ngày nay, thường có thói quen đánh giá mọi sự theo chỉ tiêu năng suất và hiệu quả. Đoạn văn từ Sách Công vụ Tông đồ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc làm – vì chắc chắn rằng có một tác vụ thật sự được lập ra – về tầm quan trọng của việc tham gia vào các hoạt động hằng ngày được thực hiện với tinh thần trách nhiệm và dấn thân, nhưng cũng nhắc cho chúng ta về việc chúng ta cần Thiên Chúa, cần sự hướng dẫn của Ngài, cần ánh sáng của Ngài, là điều ban cho chúng ta sức mạnh và hy vọng. Nếu chúng ta không trung thành sống lời cầu nguyện hàng ngày, thì hành động của chúng ta trở thành trống rỗng, vô hồn, bị giảm xuống thành chủ trương hoạt động thuần túy, là điều cuối cùng không thỏa mãn được chúng ta.
Có một lời cầu xin rất đẹp của truyền thống Kitô giáo được đọc trước mọi hoạt động như sau: “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh, mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen. – Actiones nostras, quæsumus, Domine, aspirando præveni et adiuvando prosequere, ut cuncta nostra oratio et operatio a te semper incipiat, et per te coepta finiatur. Amen.” Mỗi bước đi của cuộc đời chúng ta, mỗi hành động, ngay cả của Giáo hội, cũng cần phải được thực hiện trước mặt Thiên Chúa, và trong ánh sáng Lời Chúa.
Trong chương trước tôi đã nhấn mạnh đến lời cầu nguyện đồng tâm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi phải đương đầu với thử thách và làm thế sao, chính trong cầu nguyện, trong việc suy niệm Kinh Thánh, họ có thể hiểu được những biến cố mà họ đã trải qua. Khi lời cầu nguyện được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, chúng ta có thể thấy thực tại bằng cặp mắt mới, cặp mắt đức tin, và Chúa là Đấng nói với trí khôn và tâm hồn, ban ánh sáng mới trên con đường của chúng ta trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh.
Chúng ta tin vào quyền năng của Lời Chúa và cầu nguyện. Ngay cả những khó khăn mà Giáo hội đang trải qua trong vấn đề phục vụ người nghèo, trong vấn đề bác ái, cũng vượt qua được nhờ cầu nguyện, trong ánh sáng của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần.
Các Tông đồ đã không chỉ đơn thuần phê chuẩn việc lựa chọn thánh Stêphanô và những vị khác. nhưng “sau khi đã cầu nguyện, các ngài đã đặt tay trên họ” (Cv 6, 6). Thánh sử ghi lại cử chỉ này một lần nữa trong việc tuyển chọn thánh Phaolô và thánh Banaba, ở đó chúng ta đọc: “Sau khi ăn chay và cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và sai hai ông đi” (Cv 13, 3). Điều này tái khẳng định rằng việc thực thi bác ái cũng là việc phục vụ tâm linh. Hai thực thể phải đi đôi với nhau.
Với việc đặt tay, các Tông đồ ban cho bảy vị một tác vụ đặc biệt, để họ nhận được ân sủng tương xứng. Việc nhấn mạnh đến cầu nguyện “sau khi đã cầu nguyện”, là điều quan trọng, bởi vì nó làm nổi bật chiều kích tâm linh của hành động này. Đây không đơn thuần là việc trao một tác vụ, như trong một tổ chức xã hội, mà là một biến cố thuộc về Giáo hội, trong đó Chúa Thánh Thần dành riêng cho mình bảy vị được Giáo hội tuyển chọn bằng cách thánh hiến họ cho Chân Lý là Đức Giêsu Kitô: chính Người là tác nhân thầm lặng, hiện diện trong việc đặt tay, để những vị được chọn có thể được biến đổi bởi quyền năng của Ngài cùng được thánh hóa để đương đầu với những thách đố thực tiễn, những thách đố của đời sống mục vụ. Hơn nữa, việc nhấn mạnh đến cầu nguyện nhắc nhở chúng ta rằng chỉ trong một sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa được vun trồng mỗi ngày mà việc đáp trả sự lựa chọn của Chúa được phát sinh và mọi thừa tác vụ trong Giáo hội được trao ban.
Anh chị em thân mến, vấn đề mục vụ đưa các Tông đồ đến việc chọn lựa và đặt tay trên bảy vị được trao cho nhiệm vụ phục vụ bác ái, để các ngài có thể chăm lo cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa, cho chúng ta thấy tính ưu việt của cầu nguyện và Lời Chúa, là điều cũng phát ra những hoạt động mục vụ. Đối với các mục tử, đây là hình thức phục vụ tiên quyết và quý giá nhất cho đàn chiên được trao phó cho họ. Nếu hai lá phổi cầu nguyện và Lời Chúa không nuôi dưỡng được hơi thở đời sống tâm linh của chúng ta, chúng ta có nguy cơ bị nghẹt thở giữa hàng ngàn điều phải lo lắng mỗi ngày: cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và của đời sống. Và có một lời nhắc nhở quý giá khác mà tôi muốn nhấn mạnh: trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta ở trong sự thinh lặng nơi một nhà thờ hoặc trong phòng riêng của mình, chúng ta kết hợp trong Chúa, với rất nhiều anh chị em khác trong đức tin, như một tổng hợp các nhạc cụ, mặc dù vẫn giữ cá tính riêng của chúng, dâng lên Thiên Chúa một buổi hòa tấu vĩ đại của lời chuyển cầu, tạ ơn và chúc tụng.
Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com
_____________________________
Chú thích:
(1) Saint Ambrose, Expositio Evangelii secundum Lucam, VII, 85 PL 15, 1720.
(2) Cf. Saint Bernard, De consideratione, II,3.
* Bài liên quan:
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (16)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (17)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (18)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (19)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (20)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (21)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (22)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (23)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (24)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (25)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (26)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (27)
GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (28)