Chia sẻ Niềm vui lễ Giáng sinh với Bạn Đạo (2)
(tiếp theo)
2. Ân Nhân ban Sự Sống
* Ân ban và Ân nhân
Đức tin vào Chúa Giêsu là một ân ban, vì chính Đức Giêsu Kitô là tặng phẩm cao quý nhất của Thiên Chúa cho con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha tặng ban chính mình cho toàn thể nhân loại. Vì là Tình yêu, Ngài cho hết mình không chút dè giữ, cho tất cả và cho hết mọi người, không hề phân biệt đối xử. Thiên Chúa "cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mátthêu 5, 45).
Chúa Giêsu không chỉ là Ân Ban mà cũng chính là Ân Nhân của toàn thể thế nhân, vì Người là Thân Nhân của con người.
* Hy tế hoàn vũ
Tuy được cử hành hầu như trong mọi tôn giáo, nhưng hy lễ không có cùng một ý nghĩa như nhau nơi các truyền thống tôn giáo. Một cách tổng quát, các tín hữu dâng hy lễ lên các thần linh nhằm tránh tai họa, cầu mong được ân sủng và sự trợ giúp của các vị này. Trong Kitô giáo, hy lễ diễn tả một thực tại đặc biệt, thực tại tại mang tích cách nhân-thần, bởi vì Thiên Chúa đã tự hiến tế chính mình để cứu độ và làm cho con người được hạnh phúc.
Thực vậy, đối với Kitô hữu, "hy Lễ thánh thiện duy nhất là hy lễ của Đức Giêsu chết trên thập giá để chuộc tội cho loài người"[1]. Chính Thánh lễ hiện tại hóa hy lễ cứu độ này trong thế giới hôm nay và trước khi tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, mọi Kitô hữu tuyên xưng lời công bố của Gioan Tiền Hô: "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian".
Hy lễ này không chỉ dành riêng cho Kitô hữu mà thôi, nhưng mang chiều kích hoàn vũ, vì "một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2 Cr 5,14-15).
* Người Phục vụ Đồng cảm
Thiên Chúa đến làm người "không để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mátthêu 20, 28).
Thực thế, Đức Giêsu Kitô "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân… " (Pl 2,6-8). Hình tượng Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn được chiêm niệm như "người tôi tớ đau khổ" (Is 53, 7), diễn tả mối đồng cảm và lòng từ bi, thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân mọi thời.
"Máu giao ước mới và vĩnh cửu" đổ ra, không chỉ dành riêng cho một thiểu số các môn đệ, mà cho nhiều người được tha thứ (x. Mátthêu 26, 28). Người Việt rất nhạy cảm với liên hệ huyết thống: "máu chảy ruột mềm". Cùng chia sẻ máu giao ước của Thầy, tình yêu và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là chứng từ khả tín về sự liên kết và tùy thuộc vào Thầy Giêsu, là Thiên Chúa và cũng là người Phục vụ con người.
Mầu nhiệm tự hạ (kenosis) của Thiên Chúa bày tỏ một chân dung Thượng Đế hoàn toàn khác, ngoài sức tưởng của con người. Đó không phải là một "quan tòa" hay "cảnh sát" siêu phàm, mà là một Thiên Chúa tự hủy mình ra không, "vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta" (Kinh Tin Kính). Một Thiên Chúa tự hạ, cúi mình xuống trên nhân loại và đưa con người lên thế giới thần linh, cho con người được dự phần vào hạnh phúc vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, chẳng phải là một Thiên Chúa tuyệt vời, độc nhất vô nhị đó sao?
* Bạn hữu của người nghèo
Dù giàu có vô cùng, Thiên Chúa làm người đã trở nên Bạn của những người nghèo, người cô thế cô thân và những người bị bỏ rơi, để làm cho họ được trở nên giàu có về tình thương, ân sủng và sự sống.
Khởi đầu một bài giảng quan trọng, quen được gọi là “Hiến chương Nước Trời” trong đó có đề tài “Tám mối Phúc thật”, Chúa Giêsu đã nói: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mátthêu 5, 3).
Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân, Đức Giêsu căn dặn họ sống thanh bần và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi” (Luca 9,2-4).
Bản thân Đức Giêsu cũng sống thanh bạch, siêu thoát và nghèo khó. Lần kia có người bày tỏ ý muốn theo Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo". Người trả lời : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Luca 9,57-58)
Trong giáo huấn của mình, Thầy Giêsu từng đề cao lòng quảng đại của một góa phụ nghèo khi thấy bà dâng hai đồng xu vào đền thánh.
“Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói : "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Mátcô 12,41-44).
Thái độ ứng xử trân trọng và tình thương của Đức Giêsu dành cho người nghèo đã bày tỏ khuôn mặt tuyệt diệu của một "Thiên Chúa - với người nghèo, Thiên Chúa của người nghèo và Thiên Chúa cho người nghèo"[2].
3. Con Thiên Chúa Hằng sống
"Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa (...) Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình".
(HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư Mục vụ năm 2002, số 2)
* Con yêu dấu của Thiên Chúa
Người sống Đạo hiếu - vốn được đề cao nơi Á châu và biểu hiện trong truyền thống thờ kính tổ tiên của Việt Nam - có thể tìm gặp nơi Đức Giêsu Kitô một chứng từ sinh động, cụ thể của một người con đầy lòng hiếu thảo. Hơn ai hết Chúa Giêsu là Hiếu tử của Cha trên trời, người con chí hiếu, chí ái của Thiên Chúa Cha. Lương thực của Người là thánh ý Chúa Cha (Gioan 4, 34).
Đức Giêsu đã sống trọn đạo làm con, để "Danh Cha cả sáng" và "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúa Giêsu có một tương quan cá vị với Chúa Cha, mà Người gọi là "Abba". Quan hệ này mật thiết đến độ Chúa Giêsu khẳng định: "Ai thấy Tôi là thấy Cha" (Gioan 14, 9), "Tôi với Cha là một" (Gioan 10, 30), "Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi" (Gioan 14, 11).
Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của các môn đệ: "Cha các con" (Mátthêu 5,16.45.48). Vì thế, nhờ, với và trong Chúa Giêsu, Kitô hữu thưa: "Lạy Cha chúng con…".
Lòng hiếu thảo của Đức Giêsu được minh định không những bởi cá nhân Người, mà còn được chính Chúa Cha xác nhận một cách long trọng qua hai biến cố: việc chịu Thanh tẩy ở sông Giođan bởi Gioan Tiền hô và Hiển linh (hay Biến hình[3]): "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con" (Mátcô 1, 11; Mátthêu 3, 17; Luca 3, 22).
* Huynh trưởng của nhân loại
Tại Việt Nam, người trưởng nam đóng một vai trò quan trọng trong tương quan gia đình và xã hội (từ nghi lễ tang, cưới, kính nhớ tổ tiên, mừng tuổi, phụng dưỡng cha mẹ, v.v…). Người Anh Cả đại diện các em trước mặt cha mẹ và thay quyền mẹ cha chăm sóc đoàn em, theo nguyên tắc "quyền huynh thế phụ". Chúa Giêsu là Anh của mọi người và thay mặt đoàn em phụng sự Cha, đồng thời nhân Danh Cha dưỡng dục nhân loại theo ý Cha.
Theo ý muốn của Chúa Cha, Đức Giêsu là Trưởng tử giữa mọi loài thọ sinh: Thiên Chúa "đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8, 29).
Chúa Giêsu đã "nên giống anh em mình về mọi phương diện" (Dt 2, 17), ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15). Trong cuộc đời trần thế, ngay từ tấm bé, Người đã kinh nghiệm di dân (Mátthêu 2, 13-15), lớn lên Người đã lao động tay chân như một người thợ cùng cha nuôi Giuse. Trên hành trình thực thi sứ mạng, Đức Giêsu đã trải nghiệm cơn đói (Mátcô 2,23-36; Mátthêu 21, 18), nổi khát (Gioan 4,6-7; 19, 28), không nơi định cư nhất định (Luca 9, 58), chịu cám dỗ (Mátthêu 4, 1-11; Mátcô 1, 12-13), v.v…
Như thế, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa sinh làm người bởi Trinh nữ Maria (mầu nhiệm nhập thể). Và Ngôi Hai Thiên Chúa đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, Người chia sẻ cuộc sống, niềm vui, hy vọng, đau khổ và cả cái chết của nhân loại chúng ta. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Nhờ đó, Người đã biểu hiện dung nhan con người của Thiên Chúa và đồng thời mạc khải chân dung thần linh của con người.
* Sứ giả Hòa giải
Đức Giêsu Kitô đích thực là "Hoàng tử thái bình", Sứ giả Hòa bình của toàn thể vũ trụ, vì không những Người đã giải hòa con người với con người mà còn hòa giải thế gian với Thiên Chúa (Cl 1, 20). Thiên Chúa đã muốn "nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người ... Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đ cho thế gian được hoà giải với Người" (2 Cr 5,18-19).
Vì là Con Người-Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã giao hòa con người với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người (x. Rm 5,10-11). Người ban lại sự sống đã bị đánh mất do việc từ chối ý định của Thiên Chúa.
Bình an chính là hoa quả của sự giao hòa được thực hiện nhờ Đức Kitô, Đấng ban bình an của Người cho chúng ta, không phải theo kiểu thế gian (x. Gioan 14, 27). Tin Mừng bình an mà Đức Giêsu Kitô loan báo dành cho hết mọi người, "cho những kẻ ở xa" cũng như "cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha" (Ep 2,17-18).
* Cửa vào Đại gia đình Thiên Chúa
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Chúa Giêsu đã tự trình bày mình như cửa ngõ của ơn cứu độ, để bất cứ ai qua ngài, sẽ được cứu thoát:
“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Gioan 10, 9).
Qua cách nói loại suy này, Đức Giêsu làm sáng tỏ vai trò trung gian và sứ mạng cứu độ phổ quát của Người đối với nhân loại.
Nhờ Chúa Giêsu, mọi người có thể trở thành con Thiên Chúa, trở nên thành viên của đại gia đình con cái Thiên Chúa. Thực thế, "những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Gioan 1, 12).
Bước vào tương quan cá nhân với Thiên Chúa như với người Cha, trở nên con cái của Ngài và có thể thân thưa: "Lạy Cha chúng con", đó là tính chất mới mẻ và độc đáo mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến cho toàn thể nhân loại. Xác tín về tính chất đặc biệt trong cách quan hệ giữa con người với Thiên Chúa này, các Giáo phụ Kitô giáo thường xuyên nhắc lại chân lý: "Con Thiên Chúa do bản chất đã làm người để con người có thể trở nên con Thiên Chúa nhờ ân sủng"[4].
Có thể nói khi bước theo Chúa Giêsu - người Anh Cả mẫu mực - trong suy nghĩ, thái độ và hành động, chúng ta vừa biểu lộ lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha, vừa bày tỏ tình huynh đệ đại đồng với mọi người. Thực ra, truyền thống văn hóa Đông phương không xa lạ với cách nhìn mọi người là anh em: "Tứ hải giai huynh đệ", hay “thương người như thể thương thân”, như người Việt thường nói. Nhưng điều mới mẻ mà Đức Giêsu, Con Người-Thiên Chúa, mang lại cho tương quan giữa người với người, chính là sự nối kết tình yêu nhân loại với tình yêu Thiên Chúa. Chính sự phối hiệp này đổi mới mọi quan hệ con người bằng sự hiện diện TÌNH YÊU của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu. Nhờ tình yêu toàn hiến, bất vụ lợi này, nhân loại có thể đi vào hiệp thông trong niềm Hạnh Phúc vĩnh hằng của Đại Gia Đình Thiên Chúa.
IV. Hệ quả của niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta
1. Con người được Thiên Chúa yêu thương. Niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta giúp cho ta không bao giờ thất vọng, dù cho thất bại trong cuộc sống, bị khước từ hay không được ai yêu thương.
2. Mục đích cao quý của đời sống con người là kết hiệp với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đi bước trước tìm đến ở với con người, để đồng hành, đồng cảm, chia sẻ kiếp người của chúng ta. Khi kết hiệp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hạnh phúc, và hạnh phúc ngay tại trần thế này, chứ không chỉ ở đời sau, kiếp tới.
3. Nhân loại là anh chị em cùng một nhà. Khi nhận ra Thiên Chúa ở cùng con người, chúng ta dễ dàng đón nhận nhau như anh chị em cùng một nhà, con cùng một Cha Trời. Yêu thương anh chị em là cách làm vui lòng cha của chúng ta và cũng là cách sống chữ Hiếu với Cha Trời.
4. Đồng tâm xây dựng đại gia đình nhân loại. Niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta mời gọi và thúc đẩy chúng ta đồng tâm hiệp lực để cùng nhau xây dựng cộng đồng xã hội-tôn giáo thành một cộng đồng thấm tình huynh đệ.
Thay lời kết
Chắc chắn do giới hạn của ngôn ngữ loài người, hạn chế của hiểu biết và kinh nghiệm sống Đạo, đạo đệ không thể giải bày hết thực tại huyền linh vô biên là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, kính mong các bậc tiền bối, quý Huynh Tỷ cùng quý đạo hữu, đạo tâm miễn chấp ngôn từ và giữ lại ý tứ mà người nói muốn truyền đạt.
Xin khép lại bài chia sẻ hôm nay với tâm tình rút ra từ một bài hát và lời trích từ bài Thánh giáo số 13 của Chúa Kitô:
Tinh thần Đại Đạo Việt Nam nầy,
Tiến triển rất cao hiệp với Thầy,
Ta chứng lòng thành tin-tưởng ấy,
Trong ngày sinh nhựt được sum vầy.
Lời của bài hát “The fist Christmas gift”: Món quà Giáng sinh đầu tiên đến từ trời cao, được bao bọc bằng những vì sao, đó là một em bé ngọt ngào, dễ thương, được trao ban trong niềm vui, cho Bạn và cho tôi.
Thánh Thất Bàu Sen (24.12.2012)
Linh mục Tâm Giao
-------------------------------------------