Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao Đài

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 920 | Cật nhập lần cuối: 10/28/2022 10:15:29 AM | RSS

Đi tìm cái lý xác thực của Đức tin Cao ĐàiTrong một lần giáng đàn tại Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long) vào năm 1973, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã đặt vấn đề để chất vấn chư Thiên ân Chức sắc về Đức tin như sau:

"Bần Tăng muốn chư đạo hữu tự hỏi lại lòng có khi nào lưu tâm đến cái lý xác thực trong việc thờ kính chiêm bái hằng ngày hay chăng? Có lẽ cũng có một thiểu số nào đó, mà đại đa số là luôn luôn đặt niềm tin tưởng hướng về một Đấng toàn tri, toàn năng, đủ huyền nhiệm đạo pháp cao siêu ở cõi vô hình nào đó, rồi đặt tất cả những hình ảnh huyền năng vào tư tưởng, vào tâm hồn để chiêm bái cầu phúc huệ gia ban, cầu danh cao lộc cả, v.v…

Bần Tăng phân như vậy là muốn cho chư đạo hữu hãy tĩnh sát nội tâm để tu hành cho đắc quả. Thời kỳ này, Đức Huyền Khung Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát đến với nhân loại bằng chiếc đàn không dây, bằng chiếc địch không lỗ để tái tạo dinh hoàn lập Thượng nguơn Thánh đức. Chỉ có một Thiên Nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai? Trước tầm mắt được họa lên bằng giấy bút, không có đem đến cho nhân loại chúng sinh một gương mẫu giá trị nào cụ thể như Thích Ca Phật Tổ, như Khổng Thánh Tiên Sư, như Gia Tô Giáo Chủ, chư Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu vịn vào lý do nào để đặt trọn niềm tin hiện tại mà quên mình hành đạo, có phải chăng do huyền nhiệm trên ngọn linh cơ hay trong vị đồng tử? Nếu niềm tin đặt như thế thì chưa hẳn là niềm tin chân lý của người giác ngộ tu hành.

"Này chư đạo hữu! Này chư Thiên ân chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ! Cùng sứ mệnh to tát ban trao cho mảnh đất cỏn con còn ít oi bé nhỏ này, Bần Tăng tưởng lại rất may duyên cho nước non dân tộc, vì thế từ thuở sơ khai đã có những hàng Thiên ân hướng đạo ý thức được mới chịu hy sinh mọi cái tư hữu của chính mình để lập thành nền Đại Đạo. Cho đến ngày nay, thế giới đã ghi nhận Cao Đài Thánh địa Nam bang, đó là đường giải thoát nạn khổ trầm luân của dân tộc Việt Nam, mà cũng là cơ cứu rỗi trong kỳ hạ nguơn của nhân loại. Những gì đã qua để cho chư đạo hữu ngày nay cũng được vào hàng Thiên ân hướng đạo đủ chứng minh cho những ai là chí tâm mộ đạo, những ai là người còn truyền thống Rồng Tiên, sực tỉnh giấc nồng qua bao thế kỷ, để nhìn lại cái hay, cái đẹp, cái hùng vĩ uy nghi, cái gấm vóc tân kỳ của Tạo Hóa ban cho, vẫn có thể un đúc nên Thánh Hiền Tiên Phật như lịch sử cổ kim.

"Tóm lại, Bần Tăng muốn bảo với chư liệt vị đạo hữu như thế này: Các hình thức phô bày trong vạn hữu, các pháp biến hiện ở trần gian đều do nhân duyên của mỗi con người cấu tạo. Cảnh và tâm là hai mà một, một mà muôn ngàn duyên nghiệp chủng tử hằng sa. Thì giờ đã điểm đúng với Thiên cơ, tất cả mọi cái giả sẽ trở về với vạn vật để chi phối mà tạo nhân duyên, còn lại, nếu người giác ngộ ắt nhận thấy cái thực để nắm giữ và dưỡng nuôi cho trở thành một hột giống trên cõi tối thượng niết bàn hay vào nơi vô sinh bất diệt. Đó mới chính thực là Đạo, là quyền năng sở hữu của Tạo Hóa ban cho con người, và con người là một trong tam tài có thể huyền đồng thiên địa như Lão Tử, Thích Ca, v.v...

Bần Tăng luận có hơi dài dòng, vì Bần Tăng muốn cái chân giá trị của các hàng Thiên ân hướng đạo trong Đại Đạo phải được biểu lộ một cách xứng đáng, và chân giá trị của người tín đồ đạo hữu trong Đại Đạo được thực sự chứng minh ở chỗ giác ngộ phi thường giữa cõi đời đầy chông gai cạm bẫy."

***

Thử giải đáp những câu hỏi của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:

- “Nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào để biết được Đấng mà chư thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn?”

- Nếu chỉ nhắm vào hình thức, thì hình thức nào cũng chỉ là vật tượng trưng cho một ý nghĩa hay một nhân vật thôi. Ví như một bức ảnh thờ ông bà hay cha mẹ trong một gia đình, đối với người ngoài là hình ảnh của một ông cụ hay bà cụ nào đó, bức chân dung chỉ đơn giản là một chân dung! Nhưng đối với con cháu trong gia đình đó, họ nhìn bức ảnh thờ với niềm xúc cảm sâu xa, nó hiện lên cả một chuỗi kỷ niệm sống động thân thương giữa người trong ảnh với những người thờ phượng.

Thiên nhãn = mắt Trời! Hai tiếng “mắt Trời” mặc nhiên gắn vào hình vẽ con mắt một ý nghĩa chủ quan từ tâm thức tín ngưỡng của người nhìn. Với một người không có tín ngưỡng, thì cho đó là một kiểu thờ “con mắt” bình thường! Còn người có tìm hiểu các loại hình tín ngưỡng mà chưa kinh qua đạo học thì có thể lầm tưởng là cách thờ “vật tổ” của tín ngưỡng sơ khai!

Trở lại Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hai chữ “Thiên nhãn” (天 眼 God Eye) là danh từ tôn giáo có chủ ý sùng kính biểu tượng Thượng Đế, Đấng Tối Cao trong Càn khôn vũ trụ. Nhưng, nếu chỉ là biểu tượng của Đấng Tối Cao, thì dựa vào đâu để biết, để có đức tin nơi Đấng ấy? _ Đối với tượng Đức Phật, tượng Phật được mang lịch sử cầu tu giải thoát và đại ngộ, chứng quả Thế Tôn của Ngài Sĩ Đạt Ta; hay tượng Chúa Giêsu, hoặc cây thập giá mang lịch sử truyền đạo và hy sinh cứu chuộc nhân loại của Ngài Còn “Thiên nhãn” cũng là một biểu tượng, biểu tượng của một chủ thể vô hình không có lịch sử hữu hình hữu vi, gọi là Thượng Đế. Có thể nói, “lịch sử” của Ngài trong biểu tượng “Thiên nhãn” được tóm gọn trong danh hiệu “Ngọc Hoàng Thượng Đế Kim Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương” hay “Cao Đài Tiên Ông, Giáo Chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Đó là một trong những lý do mà người thiên ân, đạo hữu tín đồ vịn vào để “đặt trọn niềm tin hiện tại mà quên mình hành đạo.

Lý do thứ hai nằm trong những chữ “Giáo đạo Nam Phương” và “Tam Kỳ Phổ Độ”, vì ngay trên một đất nước của địa cầu này, trong kỷ nguyên lịch sử này, Đức Cao Đài mở ra đại cuộc cứu độ Kỳ Ba cho cả nhân loại, khởi sự từ dân tộc Việt Nam. Đó là “sứ mạng to tát” mà Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã đề cập. Ý thức sứ mạng đó là niềm tin để người tín hữu hy sinh cho Cơ Cứu Độ.

Lý do thứ ba, trên nền văn hiến và truyền thống đạo đức hướng thượng lâu đời của dân tộc Việt Nam, lịch sử khai Đạo, lập Đạo, hoằng Đạo đã minh chứng cụ thể” “cái hay, cái đẹp, cái hùng vĩ uy nghi, cái gấm vóc tân kỳ của Tạo Hóa ban cho”. Đó là những gì kết tinh từ những giá trị nhân bản của dân tộc Việt Nam, của thế giới nhân loại, hình thành nền tảng Giáo Lý Đại Đạo. Từ truyền thống tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, thế giới quan Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, Nhất tán vạn-vạn qui nhất, đã dẫn đến chủ thuyết “đại đồng-giải thoát” và nguyên lý Thiên nhân hiệp nhứt trong Tam kỳ Phổ độ. Chính nguyên lý Thiên nhân hiệp nhất cộng với hoài bão nhân bản đã đem đến sứ mạng to tát cho chư thiên ân, tín hữu.

Thế nên, “cái thực để nắm giữ và dưỡng nuôi” là cái chân giá trị của con người, cái “bản vị bất biến” của mỗi người, là Thượng Đế nội tại hay Cao Đài nội tại, Phật gọi là Chân như bổn tánh, Đạo gia gọi là Nguyên tánh, Chân tánh; Nho gọi là Thiên tâm hay Thiên lương. Cao Đài gom mọi chứng nghiệm về Bản thể ấy vào Thiên nhãn là Tâm linh vũ trụ, và hơn nữa là Thần của Thượng Đế qui chiếu, tương giao với Tâm, với Thần của con người vì con người vốn có cái Đạo tự hữu đồng Bản thể với Đại Linh Quang Thượng Đế. Đó là lý do thứ tư bao hàm trong câu “Thầy là các con, các con là Thầy.”

Cuối cùng, những niềm tin hay đức tin nêu trên phải được chứng thực bằng quá trình thực thi “quyền pháp Đạo” cứu độ nhân sanh của người thiên ân hướng đạo, hoặc “sự giác ngộ phi thường” của người đạo hữu tín đồ, là người biết và tự tin vào “chân giá trị” của mình trong thế Tam Tài của trời đất, nghĩa là người có khả năng “thể Thiên hành hóa”.

Có thể mượn một đoạn thánh ngôn của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo để tóm lược những giải đáp trên đây về đức tin Cao Đài:

"Này chư hiền! Thượng Đế không ngự trị trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện Thánh thể Chí Tôn tại thế.

Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi. Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị.
Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể đạo của từng địa phương.

Tương tự, Đức Vân Hương Thánh Mẫu cũng khẳng định giá trị thật sự của Đức tin Cao Đài như sau:

"Các em đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các Đấng Thiêng Liêng qua linh cơ diệu bút để giác ngộ khải mê, giúp các em thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho là đúng. Đó là phần hướng lên. Còn phần hướng nội là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em- mỗi người Thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình. Thánh ngôn thánh giáo là kim chỉ nam để chỉ đường dẫn lối. Tự mỗi các em phải ý thức mà hành sự."

Vậy, cái lý xác thực của sự chiêm bái cúng kính hằng ngày của người tín hữu Cao Đài là cái Đức tin vượt lên trên Cao Đài Tôn giáo và thể hiện bằng tinh thần và hành động mang ý nghĩa Cao Đài Đại Đạo. Nói cách khác, mọi nghi thức, mọi động thái hành đạo không chỉ là sự chiêm ngưỡng đơn thuần hay tôn vinh Giáo hội mà là cả một tiến trình hiệp thông với Thượng Đế trong sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ.

Cái lý xác thực là người tín hữu phải tự khẳng định được mình là Con tin của Thượng Đế mang lấy sứ mạng cứu độ nhân sanh trong thế “Thiên nhân hiệp nhất”. Nên Đức tin Cao Đài là Đức tin cộng thông với lòng tự tin, tự tin nơi “quyền năng sở hữu của Tạo Hóa ban cho con người” mà Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã xác minh:

Cõi Hậu thiên thân sanh vào đó,
Điểm Tiên thiên sẵn có nơi thân,
Là mầm sống, là nguyên thần,
Là Trời, là Đạo, là Nhân của Người.

Thiện Chí
Quí Hạ Tân Mão, 16.07.2011

Thiện Chí
Nguồn: nhipcaugiaoly.com

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...