GIÁO LÝ TÍN LÝ - Bài 2: Nền tảng Đức Tin Công giáo
(tiếp theo)
Bài 2: Nền tảng Đức Tin Công giáo
Tại sao tôi tin theo đạo Công Giáo ?
1. Ý thức về lý do Đức Tin
Rất thường khi tiếp xúc với người ngoài Công Giáo, chúng ta mới có ý thức rõ ràng về lý do Đức Tin của chúng ta.
Vì sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo, được rửa tội từ khi còn nhỏ ; lớn lên, bầu không khí đạo giáo trong gia đình như thấm nhập vào con người một cách vô ý thức, chúng ta như “tự nhiên có đạo”. Đến tuổi dậy thì, óc ương ngạnh ưa chống đối để đòi lấy quyền tự lập của một nhân phẩm đang thành hình, đôi khi cũng có đặt những nghi vấn tôn giáo. Thế nhưng nếp sống gia đình, nếp sống xứ đạo lại dần dần phủ lấp và tiêu tan luôn những gì gọi là chống đối hay đi ngược, đi ngoài nếp sống đó ! Thế là ta lại trở về với thứ đạo giáo gần như “hồn nhiên” ! Nhất là khi đến lúc mà nghề nghiệp sinh kế chiếm trọn óc suy tư, tìm tòi, sáng kiến của ta, khoảng từ 40 tuổi trở lên : con người lúc đó như suy nghĩ hết mọi sự trừ ra đạo giáo ! Sinh hoạt tôn giáo, lễ lạy kinh kệ…, lúc đó làm là vì khung cảnh xã hội đưa đẩy, vì thói quen nề nếp trong con người, vì một thứ nhu cầu tôn giáo lúc mạnh lúc yếu…
Thế nhưng giả sử có những lần gặp người ngoại Đạo nói trái Đạo của mình, thì rất thường lại chỉ phản ứng tự vệ dựa vào tâm tình hơn là sự thật: tâm tình tức giận vì nói xấu Đạo, hay tâm tình bao dung hỉ xả : đạo ai nấy giữ, đạo nào cũng tốt v.v…
Thiết tưởng phải là một tâm hồn truyền giáo thực sự, là “men sống”, là “muối mặn”, một tâm hồn luôn nhớ lời Chúa dạy:
“Ai không đi với Ta là chống Ta, ai không xây dựng với Ta là phá hoại” (Lc 11,23).
Hoặc một tâm hồn không cầu an thứ bình an “ru ngủ”trong nguy hại, trong tầm thường, một tâm hồn luôn gây thức tỉnh bằng hành động, bằng chống đối (Lc 12,51-53 ; Mt 10,34-36), tâm hồn đó kèm theo một tình yêu tha nhân tha thiết, mong cho mọi người tiến bộ phát triển về phương diện tôn giáo, tâm hồn đó mới thực sự luôn ý thức rõ ràng về lý do Đức Tin của mình.
Vì lý do tại sao tin, không phải chỉ để cho đời sống đạo của riêng mình được phát triển tâm linh, mà còn là sức thúc đẩy tôi đến với anh em để giúp họ thấy nếu chưa thấy, thấy rõ hơn nếu còn mơ hồ !
2. Lý do Đức Tin Công Giáo
Có thể phân chia thành 2 loại hợp với 2 giai đoạn tiến bộ của con người tìm kiếm.
- Giai đoạn hướng về Đức Tin Công Giáo.
- Giai đoạn tìm hiểu để có Đức Tin Công Giáo.
(trong ngôn ngữ Truyền Giáo gọi là: giai đoạn Tiền Rao Giảng và Rao Giảng, và giai đoạn Dự Tòng).
Loại lý do Đức Tin Công Giáo thuộc giai đoạn thứ nhất thường rất gần với Đạo Tự Nhiên Độc Thần do trí khôn suy luận nhận định về những biến cố trong đời sống, hoặc về hiện hữu của vạn vật (Rm 1,20 ; Kn 13,1-9).
Loại lý do thuộc giai đoạn thứ hai mới trực tiếp và đặc biệt thuộc Đức Tin Công Giáo. Đạo Công Giáo không phải là Đạo Tự Nhiên, do trí khôn suy luận theo cách lập luận trừu tượng. Đạo Công Giáo khởi đầu từ công việc Chúa can thiệp vào lịch sử một cách dứt khoát và mạnh mẽ bằng cách cho chính Con Một của Ngài, cũng làThiên Chúa như Ngài, là một với Ngài, xuống thế trở thành loài người sống trong lịch sử loài người và vạn vật. Chính việc Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào lịch sử này tạo nên một trật tự mới, một cách nhìn mới: Đấng Tạo Hoá không còn là đối tượng của Đạo Tự Nhiên, nhưng là Chúa Cha, Cha Chúa Giêsu và Cha chúng ta; trật tự và vẻ đẹp vạn vật thiên nhiên không còn là một môi trường hoạt động của khoa siêu hình học, nhưng là gia tài của Cha ta ban cho ta mà ta vui hưởng với tất cả tình cảm mến của người con yêu đối với người Cha nhân từ; và sau hết, lịch sử cùng với muôn vật trong đó sẽ không còn nằm trong trật tự tự nhiên, nhưng là được hướng về cùng đích mới do sức mạnh của việc Chúa Nhập Thể, đó là “Trời mới Đất mới”.
Lý do đưa đến niềm tin như thế, Niềm Tin là Đức Tin Công Giáo, không thể dựa vào suy luận của lý trí, của triết học! Nhưng là dựa hoàn toàn vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế.
Chúa Giêsu chính là căn bản Đức Tin Công Giáo.
Chấp nhận Chúa Giêsu chính là nhận được Đức Tin Công Giáo, từ chối hay không biết Chúa Giêsu, sẽ không thể có được Đức Tin Công Giáo.
Vậy những lý do nào đưa ta đến việc chấp nhận Chúa Giêsu? (và đấy cũng là lý do để có Đức Tin).
Sách Công Vụ Tông Đồ cho ta lý do thứ nhất, đó là lý do chứng nhân (Cv 1,8 ; 1,21-22 ; 2,32). Chứng nhân đầy đủ, đứng đắn, trong đời sống thường ngày cũng như trong trường hợp tố tụng, chính là lý do để ta tin. Đời sống xã hội con người dựa vào “chứng nhân”…
Sách Phúc Âm nhất lãm thường hay đối chiếu việc Chúa Giêsu làm với Cựu Ước, gợi cho ta một lý do khác đó là lý do được Thánh Kinh báo trước. Điều gì xẩy ra đúng như đã báo trước, đó là một lý do để tin: một nhân vật đến theo như ngày giờ và thể thức loan báo và chuẩn bị, thì tôi có lý để tiếp nhận nhân vật đó !
Nhưng đặc biệt nhất là Phúc Âm thứ tư, Phúc Âm Đức Tin, Thánh Gioan đã nói rõ ràng về lý chứng Thánh Kinh trên (Xem Ga 5, 39.45-47) và còn thêm lý chứng của Chúa Cha đó là các phép lạ Chúa Giêsu làm (Ga 6,27 ; 5,3-6 ; 10,37-38); lý chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước (Ga 5,31-35); và sau hết là lý do do chính lời Chúa Giêsu giảng dạy: Chúa Giêsu quả quyết rất nhiều lần Ngài là: Đấng Thiên Chúa sai đến (Ga 10,36 ; 17,8…); là một với Chúa Cha (Ga 7,28-29 ; 10,30.38…). Nếu sự thật không đúng như lời Ngài nói, thì Ngài quả một tên lừa bịp, phạm thượng, lộng ngôn…, hay là một người mất trí điên khùng… Nhưng như vậy thì làm sao hợp với lòng đạo đức sâu đậm, sự đứng đắn lạ thường, và một trí khôn sáng suốt bình tĩnh có một không hai của Ngài !?
Trên đây là những lý do của Đức Tin Công Giáo. Và cũng là những lý do để biện hộ cho Đức Tin Công Giáo mà những tác giả các sách hộ giáo vẫn trình bày từ xưa đến nay.
Những lý do đó chính Chúa Giêsu cũng đã dùng để khuất phục người ta chấp nhận Chúa, và ai không chấp nhận thì hết đường chối cãi và bản án luận phạt kể là đãy án rồi (Ga 9,39-40 ; 8,24). “Con người Giêsu” quả thực đã trở thành “hòn đá vấp phạm”, “hòn đá góc tường” không thể trốn tránh được: nhận Ngài thì được cứu thoát, không nhận Ngài thì sẽ bị luận phạt (Lc 20,18; 2,34), tan tành cả sự khôn ngoan thông thái (1 Cr 1,19-25).
Đề tài trao đổi
1. Tại sao lại nói: Chúa Giêsu là nền tảng Đức Tin Công Giáo ?
2. Đạo Công Giáo khác với Đạo tự nhiên thế nào?
3. Tại sao chúng ta buộc phải tin theo Chúa Giêsu?
Lm. Antôn Trần Văn Trường
Nguồn: giaolyductin.com
(còn tiếp)
= = = = = = = = = =
Bài liên quan: