Hiệp hành sống đức ái nhân theo đạo Phật

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 772 | Cật nhập lần cuối: 11/2/2022 1:29:41 PM | RSS

I. Dẫn nhập

Hiệp hành sống đức ái nhân theo đạo Phật“Hiệp hành sống đức ái nhân” trong tinh thần đối thoại liên tôn là chuyên đề của Hội thảo do Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tổ chức ngày 17 tháng 09 năm 2022 tại số 38 Kỳ Đồng, P. 9, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện rất ý nghĩa, mang tính nhân văn, đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như tìm lại những giá trị chung để có sự hài hòa giữa đường lối phụng sự nhân sinh và nếp sống đạo của mỗi tôn giáo trong thời hiện đại.

Chúng tôi được phân công thuyết trình với tiêu đề: “Hiệp Hành Sống Đức Ái Nhân” theo Đạo Phật. Có thể nói hai từ “Hiệp hành” đã gần gủi và dễ hiểu đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo, mặc dù từ ngữ này chỉ xuất hiện về sau, theo tài liệu: “Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội” (Synodality in the Life and Mission of the Church) của “Uỷ Ban Thần học Quốc tế” (1). Có thể hiểu “Hiệp hành” „là một lối sống‟ hay là „đi trên cùng một con đường‟, như vậy tiêu đề: {“Hiệp Hành Sống Đức Ái Nhân” theo Đạo Phật} nghĩa là “một lối sống thương yêu con người theo tinh thần của Đạo Phật”.

Trong giới hạn của một bài viết và thời lượng của buổi thuyết trình (20 phút), người viết chỉ nêu vài quan điểm của Phật giáo về nếp sống từ ái, thương yêu, cảm hóa và sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống nhân sinh thông qua giáo lý “Tứ nhiếp pháp” (2) để nói lên tinh thần nhập thế, sống vị tha của đạo Phật. Từ lòng yêu thương nhân loại sẽ hướng con người sống đời có trách nhiệm, có sự yêu thương, nâng đỡ lẫn nhau để cùng hướng đến đời sống thiện lành, an tịnh. Sự yêu thương và thấu hiểu của đạo Phật không phân biệt chủng tộc, hay tôn giáo sẽ giúp chúng ta gần nhau hơn, cảm thông nhiều hơn, sống đời hòa ái, an bình, hạnh phúc giữa chốn trần gian này.

II.Nội dung

Trên tinh thần Từ bi, Trí tuệ của đạo Phật, với mong muốn mang đến niềm an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, đức Phật đã dùng nhiều phương tiện cũng như thuyết giảng rất nhiều giáo lý để phù hợp với từng trình độ, căn cơ của mỗi người. Trong những bài giáo lý ấy, có bốn phương cách để cảm hóa lòng người được thể hiện qua giáo lý “Tứ nhiếp pháp”.

“Tứ nhiếp pháp” là bốn phương pháp thực hành nếp sống lợi tha, yêu thương, giúp đỡ mọi người từ phương diện vật chất đến tinh thần, nhờ đó mà cảm hóa được lòng người, hướng con người đến đời sống thanh cao, hạnh phúc và tu tập theo giáo pháp của đức Phật để được an vui hơn, hạnh phúc hơn ngay trong đời hiện tại và tương lai. Bốn phương pháp đó là: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

1.Thể hiện tâm từ ái bằng cách “Bố thí”

Việc Bố thí theo lời đức Phật dạy có nhiều phương cách khác nhau, nhưng phải xuất phát từ lòng Từ bi, Hỷ, Xả, yêu thương và quý trọng người có hoàn cảnh khó khăn, một lòng mong muốn giúp đỡ, chở che, an ủi, tạo điều kiện cho họ có công ăn, việc làm tốt để đời sống được an vui, hạnh phúc.

Bố thí là một pháp tu tập trong Phật giáo, là hành động hiến tặng vật chất, cũng như năng lực hoặc trí tuệ của mình cho người khác, tùy theo trình độ của người thực hành mà có sự khác biệt (3). Bố thí là sự mở lòng ra đối với thế giới chung quanh, cảm thông, thấu hiểu đến những hoàn cảnh kho ng may của người khác để rọ ng lòng giúp đỡ. Ở đây xin giới thiệu ba phương pháp bố thí đơn giản, dễ thực hành mà tất cả chúng ta đều có thể làm được, đó là Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

1.1.Tài thí

Tất cả chúng ta đều có thể thực tập bố thí để nuôi dưỡng và thể hiện lòng từ ái, yêu thương đến tất cả mọi người. Tài thí là sự biếu, tặng, cho người khác tiền tài, của cải vật chất để san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Của cho không bằng cách cho, tức là chúng ta vì lòng thương yêu, kính trọng mà bố thí giúp người thì việc làm đó mới có ý nghĩa trọn vẹn. Chúng ta có thể bố thí vật chất ít nhưng với tầm lòng thương yêu đúng nghĩa thì người nhận cũng cảm nhận được sự ấm áp và được an ủi rất nhiều.

Ngoài bố thí tài sản, vật chất ra chúng ta cũng có thể bố thí giúp người bằng nhiều cách như hiến máu để giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và với tinh thần vô ngã vị tha của người tu học Phật cũng sẵn sàn hiến tặng một số chi phần trong cơ thể để cứu lấy mạng sống của người khác. Việc ký giấy hiến xác sau khi chết cho khoa học cũng được khích lệ.

1.2.Pháp thí

Pháp thí là sự chia sẻ những phương pháp, tri thức, những hiểu biết, kinh nghiệm có thể giúp người khác mang lại lợi lạc cho đời sống hiện tại và mai sau. Trong giáo lý của Phật giáo chỉ dạy rất rõ về Pháp thí có hai phần là “thế gian pháp thí” và “xuất thế pháp thí”.

“Thế gian pháp thí” là sự bố thí giúp người bằng những phương pháp nhằm mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc giới hạn trong phạm vi đời sống thế tục.

“Xuất thế pháp thí” tức là chia sẻ những đạo lý, giáo lý giải thoát của đức Phật để con người nhận ra chân lý tối thượng của kiếp nhân sinh, biết được sự vô thường, vô ngã của các pháp, không chấp thủ và diệt trừ tham, sân, si hướng đến đời sống thánh thiện, thoát tục.

Con người không chỉ khổ vì thiếu vật chất, thiếu cơm ăn, áo mặc không thôi, mà những thói hư, tật xấu và những nghiệp ác của chính họ đã làm họ khổ đau nhiều hơn. Với tinh thần cứu khổ, ban vui của đạo Phật thì phương cách bố thí pháp “Pháp thí” sẽ giúp con người trở nên sáng suốt hơn, thấy rõ điều thiện lành cần phải thực tập, điều xấu, quấy, ác cần phải dứt trừ để đời sống mỗi ngày được an vui hạnh phúc thật sự.

1.3.Vô úy thí

Vô úy thí là chúng ta đem cho sự không sợ hãi, giúp người qua cơn sợ hãi tức là với lòng từ mẫn thương yêu, cảm thông, muốn giúp đỡ những người có quá nhiều mối lo âu, sợ hãi mà ta tìm cách giúp cho họ được bình an, hiểu rõ vấn đề hiện tại của họ để có phương pháp phù hợp giải quyết vấn đề làm cho họ không còn lo sợ nữa.

Những nỗi lo sợ của con người rất nhiều, như sợ tai nạn, sợ mất việc làm, sợ gặp hoàn cảnh khó khăn, sợ nghèo,…sợ những thế lực đàn áp…

Người thực hành hạnh vô úy thí là người có đủ tâm từ bi và trí tuệ với lòng thương bao la, tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống, những nổi sợ hãi làm chi phối đời sống của con người. Cho người sự không sợ hãi tức là chúng ta cần phải gần gủi, an ủi, sẻ chia và lý giải cũng như đưa ra những phương pháp xử lý tình huống để đương sự thoát khỏi tâm lý sợ hãi mà được sống đời an vui, tự chủ.

Việc bố thí, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn từ của cải vật chất, giảng giải đạo lý, che chở, bảo vệ họ khi cần thiết, từ những hành động này mà cảm hóa được nhân tâm, giúp họ trở về với đời sống thánh thiện, an vui hạnh phúc.

2.Thể hiện lòng từ ái bằng cách “Ái ngữ”

“Ái ngữ” nghĩa là lời nói dịu dàng, dễ nghe, phát xuất từ lòng từ bi, yêu thương chứ không phải là lời nói khách sáo, hoa mỹ, màu mè. Người thực hành hạnh ái ngữ có khả năng đem lại niềm an vui, thanh thản cho người khác bằng cách an ủi, vỗ về khiến cho người nghe được an lòng, vui vẻ thoát khỏi những tâm lý sân hận, buồn phiền.

Nói lời ái ngữ là ngăn ngừa những điều xấu xa do lời nói gây ra như nói dối, khoe khoan, đâm thọc, chửi rủa, nói lời gây chia rẻ,…làm hại người.

Lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho con người, nhưng cũng có thể mang lại sự ly tán, đổ vỡ hạnh phúc của người khác và cho cả chính người nói nữa!

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nói từ ái, thân mật, ngay thẳng, từ tốn, khiêm hạ thì rất dễ cảm hóa lòng người, và dễ dàng hướng dẫn họ theo chánh đạo. Kết quả của việc thực hành hạnh “ái ngữ" là chúng ta dẹp được tâm nóng giận, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ, tâm hơn thua.

3.Thể hiện lòng từ ái bằng cách “Lợi hành”

“Lợi hành” tức là làm những việc có lợi ích cho mọi người bằng lời nói, ý nghĩ và hành động cụ thể như xây nhà tình thương, sửa đường, bắt cầu…tất cả những việc làm thiện lành có lợi ích chung đều phải siêng năng cộng tác. Người thực hành hạnh “Lợi hành” tức là người hướng đến lợi ích chung cộng đồng để cùng nhau xây dựng một đời sống ấm no, an vui, hạnh phúc, đồng thời cùng hướng đến đời sống đạo đức thanh cao, tu tập chuyển hóa những thói hư tật xấu, cùng làm cho nhau tiến bộ.

4.Thể hiện lòng từ ái bằng cách “Đồng sự”

Đồng sự là gần gủi, tham gia làm việc chung với mọi người để thấu hiểu tâm tư, hoài bão, ước muốn của họ, vừa giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, vừa nêu cao đạo đức, nếp sống đạo của chính bản thân mình, khiến họ cảm phục mà theo con đường thiện lành tu tập.

III.Kết luận

Nền tảng của đời sống xã hội con người là tình yêu thương, vượt ra giới hạn của sự yêu thương thuộc về giới tính hay tình yêu thương gia đình, thân quyến, chúng ta sẽ gặp nhau ở một tình yêu thương lớn hơn đó là tình yêu nhân loại, tình yêu thương chúng sanh, không phân biệt chủng tộc, màu da hay tôn giáo. Có thể nói tình yêu là lẽ sống, tình yêu là kết tinh của những điều tốt đẹp, ở nơi tình yêu thương cao cả ấy, con người xóa đi những hận thù, những ranh giới bởi những ý thức hệ hay thành kiến bởi những người khác tôn giáo, khác màu da, khác nền văn hóa với mình.

Nếu mỗi người đều thực tập tâm từ ái, yêu thương mọi người với tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật qua ý nghĩa giáo lý “Tứ nhiếp pháp” thì thế giới này sẽ hòa bình, an vui, hạnh phúc, mọi người sẽ gần nhau hơn, yêu thương và chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau để sống đời tươi đẹp hơn./.

Đại đức Thích Minh Sơn

_______________________

Chú thích:

(1) https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html

(2) Giáo lý này được thể hiện rất nhiều trong các kinh, luận Phật giáo như: kinh Thiện Sanh; kinh Tạp A-hàm quyển 26 (kinh 636 và 637); kinh Tăng Chi Bộ 1, kinh Trung A-hàm 33, kinh Tăng Nhất A-hàm 22; Thành Thật luận; Đại Tập kinh 29; Đại Phẩm Bát Nhã kinh 24; Phạm Võng kinh quyển thượng; A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc luận 9; Đại Trí Độ Luận 66 và 88; …

(3) Bố thí có nhiều chủng loại, phương thức, mục đích và tâm nguyện khác nhau, là một trong sáu hạnh tu tập Ba-la-mật-đa (Lục độ: ố thí, tr gi i, nh n nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) của Phật giáo.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...