Dũng mạnh để yêu thương (3)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1032 | Cật nhập lần cuối: 6/8/2021 9:57:47 AM | RSS

Trở thành một người thân cận tốt lành

"Ai là người thân cận của tôi" (Lc 10, 29)

Dũng mạnh để yêu thương (3)Tôi muốn nói với các bạn về một con người tốt lành mà đời sống sẽ luôn là ánh sáng chói lọi, có sức đánh động lương tâm của loài người chúng ta. Con người tốt lành này không thụ động tin tưởng vào các xác tín của mình, nhưng tích cực tham gia hoạt động để đem lại giải thoát và sự sống cho người khác. Con người tốt lành này không để cho những phân tích vô bổ dẫn mình tới mục đích, nhưng để cho tình thương thúc đẩy mình rảo bước trên các nẻo đường rộng lớn của cuộc sống. Con người ấy tốt lành vì là một người thân cận tốt lành.

Điều con người ấy đã quan tâm đã được diễn tả một cách tuyệt vời trong một câu chuyện ngắn. Câu chuyện bắt đầu bằng một cuộc tranh luận thần học về sự sống đời đời và kết thúc bằng một hành động đầy tình thương trên một con đường nguy hiểm nhất. Một người thông luật hỏi Đức Giêsu: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?". Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?". Sau khi suy nghĩ, người thông luật thưa: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình". Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm, cứ làm như vậy là sẽ được sống".

Nhưng người thông luật tỏ ta bối rối. Dân chúng có thể thắc mắc: "Tại sao người thông luật đặt ra một câu hỏi mà ngay cả một người mới học luật cũng có thể trả lời được?". Và ông muốn chứng tỏ mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?". Người thông luật muốn biến cuộc đối thoại thành một cuộc tranh luận thần học trừu tượng. nhưng Đức Giêsu không muốn để mình rơi vào một cuộc phân tích vô bổ, nên Người đã hướng câu trả lời vào một khúc quanh nguy hiểm trên con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô.

Đức Giêsu kể lại câu chuyện: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua một bên rồi đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua một bên mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc" (Lc 10,29-31).

"Ai là người thân cận của tôi?". Đại khái Đức Giêsu trả lời rằng tôi không biết tên người ấy. Người thân cận là người mà bạn phải đối xử thế nào để chứng tỏ mình là người bạn tốt. Là người ở bên vệ đường đang cần các bạn giúp đỡ. Người thân cận cũng không phải là người Do Thái hay dân ngoại, người Mỹ hay người Nga, người da trắng hay người da đen. Người thân cận là 'người kia', hay bất cứ một người nào đang cần đến bạn trên một trong vô số con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô. Như vậy, Đức Giêsu không định nghĩa người thân cận bằng một công thức thần học nhưng bằng một hoàn cảnh của cuộc sống.

Người Samari tốt lành ở điểm nào? Tại sao ông sẽ luôn là một gương mẫu và là một nguồn cảm hứng cho chúng ta trong cách xử thế? Tôi nghĩ rằng người Samari này là một con người tốt lành vì ông có lòng vị tha. Lòng vị tha là gì? Từ điển định nghĩa như sau: "Vị tha là có tinh thần chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình". Người Samari là con người tốt lành vì ông xem việc chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác như là điều luật thứ nhất của cuộc sống mình.

I

Người Samari đã có thể chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của mọi người. Ông ta đã tỏ ra nhạy bén đến những gì ở bên kia các yếu tố phụ thuộc vào chủng tộc, tôn giáo, quốc gia. Một trong các thảm kịch của nhân loại trên các nẻo đường của lịch sử là giới hạn việc chăm lo đến lợi ích của người thân cận vào bộ lạc, giai cấp, quốc gia. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là một Thiên Chúa của một bộ lạc; nền luân lý cũng là nền luân lý của một bộ lạc. "Ngươi không được giết người" có nghĩa là "ngươi không được giết người anh em thuộc bộ lạc ngươi, nhưng người Philitinh thì cứ giết, vì lòng yêu mến Thiên Chúa ngươi". Nến dân chủ Hy Lạp chỉ dành cho những người thuộc một tầng lớp quý tộc nào đó, chứ đâu có dành cho những người nô lệ là những người đã đổ công sức xây dựng các thành thị quốc gia. bản Tuyên Ngôn Độc Lập của quốc gia chúng ta đã nhìn nhận các quyền dành cho mọi người thuộc quốc gia này. Thế nhưng, tại miền Bắc cũng như miền Nam, người ta lại có khuynh hướng thay thế cụm từ 'mọi người' bằng cụm từ 'một số người'. Chế độ tư bản bốc lột người lao động. Nhưng chúng ta lại gắn bó với chế độ này đến nỗi quan tâm đến lợi ích của người chủ hơn của người thợ mà mồ hôi và sức lao động đã góp phần bảo đảm cho chế độ này tồn tại và hưng thịnh.

Đâu là hậu quả tai hại của cách nhìn thiển cận tập trung vào một nhóm này? Điều này có nghĩa là người ta không còn thực sự quan tâm đến những gì xảy ra cho những người không thuộc nhóm mình. Nếu một người Mỹ chỉ quan tâm đến quốc gia mình, thì sẽ không còn quan tâm đến các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Phải chăng chính vì thế mà các quốc gia dấn thân vào một cuộc chạy đua điên rồ để chuẩn bị chiến tranh mà không chút hối tiếc? Phải chăng chính vì thế mà giết một công dân nước này là một trọng tội trong khi giết các công dân thuộc một quốc gia khác lại được xem là một chiến công oanh liệt? Nếu các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, thì sẽ 'tránh qua một bên mà đi' trong khi hàng vạn công nhân mất việc và bị bỏ nửa sống nửa chết trên một con đường xuống Giêricô nào đó, chỉ vì tiến trình tự động hóa trong sản xuất. Nếu các công nhân đấu tranh để các của cải được phân phối một cách công bằng hơn, thì các người chủ lại xem đây là một phong trào phá hoại, không hơn không kém. Nếu người da trắng chỉ quan tâm đến sắc tộc mình, thì cũng sẽ 'tránh qua một bên mà đi' và sẽ không quan tâm đến người da đen mà phẩm giá đang bị chà đạp và bị bỏ nửa sống nửa chết bên một vệ đường nào đó.

Cách đây vài năm, xe buýt chở đội bóng rổ của một trường trung học bị tai nạn trên một xa lộ miền Nam. Trường trung học này là trường dành riêng cho người da đen. Có ba em học sinh bị thương nặng. Một xe cứu thương được gọi đến. Nhưng người tài xế dứt khoát từ chối chở các em đi cấp cứu vì, như anh nói, anh là người da trắng và không có thói quen làm những việc như vậy cho người da đen. và anh bỏ đi. Một chiết xe đi qua đó, chấp nhận chở các em bị thương đến bệnh viện gần nhất. Nhưng, tại đây, bác sĩ trực đã tuyên bố với giọng hằn học: "Bệnh viện này không nhận người da đen". Cuối cùng, các em được chở đến một bệnh viện dành cho người da đen, tại một thị trấn cách nơi xảy ra tai nạn khoảng sáu mươi dặm. Một em đã chết trên đường đến bệnh viện, hai em kia cũng chết sau đó 30 phút và 50 phút. Có thể tất cả ba em đã được cứ sống, nếu được cấp cứu kịp thời. Đây chỉ là một trong vô vàn cảnh ngộ xảy ra hàng ngày tại miền Nam. Và điều này cũng đủ cho chúng ta thấy tính cách man rợ và các hậu quả tai hại của một nền luân lý đặt nền tảng trên bộ lạc, quốc gia hay chủng tộc.

Thảm họa chúng ta phải chịu do chủ trương kỳ thị chủng tộc gây nên, đó là chúng ta chỉ nhìn con người như một thực thể hay một đồ vật. Rất ít khi chúng ta nhìn con người như 'con người'. Chúng ta trở nên thiển cận đối với những gì xảy đến cho con người. Chúng ta nhìn con người như người Do Thái hay dân ngoại, Công giáo hay Tin Lành, người Tàu hay người Mỹ, người da đen hay người da trắng. Chúng ta không xem họ như những người anh em, những con người được tạo dựng bởi cùng một chất liệu và theo cùng một hình ảnh là hình ảnh Thiên Chúa. Thầy tư tế và thầy Lêvi chỉ nhìn thấy một con người bị đánh nhừ tử thay vì một con người giống như họ. Nhưng người Samari tốt lành sẽ nhắc chúng ta biết phải vứt bỏ cái vảy kỳ thị khỏi con mắt để biết nhìn con người như 'con người'. Nếu người Samari chỉ nhìn người bị đánh nhừ tử như một người Do Thái, thì ông sẽ không dừng lại, vì người Samari và người Do Thái không giao thiệp với nhau. Trước hết, ông nhìn người bị đánh nhừ tử như một con người, còn việc người này là người Do Thái thì chỉ là điều phụ thuộc. Người thân cận tốt lành biết nhìn bên kia các điều phụ thuộc bên ngoài để có thể nhận ra các đặc tính bên trong làm cho tất cả mọi người là 'con người', và, vì thế, là người anh em.

II

Người Samari tốt lành đã có thể chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác và chấp nhận các nguy hiểm có thể xảy đến cho mình. Ông liều mất mạng sống để cứu một người anh em. Nếu chúng ta hỏi tại sao thầy tư tế và thầy Le6vi đã không dừng lại để chăm sóc người bị đánh nhừ tử, thì chúng ta có thể đưa ra nhiều giả thuyết có thể giải thích sự kiện này. Có thể các thầy đã phải tham dự một buổi họp quan trọng, vì thế không thể dừng lại, sợ rằng sẽ đến trễ. Có thể các quy định phụng vụ cấm các thầy đụng đến thân thể người khác hai hoặc ba giờ trước khi cử hành các nghi thức trong đền thờ. Cũng có thể các thầy phải tham dự một cuộc họp được triệu tập bởi Hiệp Hội Bảo Vệ An Ninh trên đường xuống Giêricô. Trong trường hợp này, hẳn đây là một điều cần thiết. Thật vậy, giúp đỡ một người bị đánh nhừ tử thì chưa đủ, còn phải tạo điều kiện đảm bảo an ninh và xóa bỏ nạn cướp giật. Thương người là điều tốt, nhưng không vì thế mà bê trễ việc loại trừ các điều kiện kinh tế bất công làm cho thương người trở thành cần thiết. Các thể các thầy nghĩ rằng nên loại trừ bất công tận gốc hơn là dừng lại chăm sóc một người anh em, quan tâm đến một trường hợp cá biệt.

Đây chỉ là những lý do có thể làm cho thầy tư tế và thầy Lêvi bước qua một bên mà đi. Nhưng cũng còn có một lý do khác thường ít được nói tới: đó là hai thầy sợ. Con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô là một con đường nguy hiểm. Ngày hai vợ chồng chúng tôi viếng Thánh Địa, chúng ta đã thuê một chiếc xe đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Trong khi xe chạy chầm chậm trên con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu, tôi đã nói với vợ tôi: "Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Đức Giêsu đã chọn con đường này để đưa vào dụ ngôn người Samari tốt lành. Giêrusalem ở độ cao khoảng 600 mét so với mực nước biển, còn Giêricô thấp hơn mực nước biển khoảng 300 mét. Con đường này có nhiều khúc ngoặt gấp là nơi lý tưởng để trộm cướp ẩn nấp và bất ngờ tấn công khách bộ hành. Ngày xưa, con đường này được gọi là "Dốc Máu". Như vậy, rất có thể thầy tư tế và thầy Lêvi đã sợ bọn cướp tấn công, nếu các thầy dừng lại, vì chúng có thể còn quanh quẩn gần đó. Và người bị đánh nhừ tử cũng có thể là một 'con mồi' để chúng dễ dàng ra tay hành động mau chóng và không tốn sức. Tôi nghĩ rằng thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?". Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?". Người Samari tốt lành đã dấn thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.

Chúng ta thường tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho công ăn việc làm, thanh danh, địa vị của tôi, nếu tôi có một quyết định trong vấn đề này? Ngôi nhà của tôi sẽ bị đánh bom? Mạng sống của tôi sẽ bị đe dọa? Tôi sẽ bị tống ngục? Trái lại, con người tốt lành luôn đảo ngược câu hỏi. Albert Schweitzer đã không tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho uy tín và an toàn của tôi trong tư cách là giáo sư thực thụ của một trường đại học danh tiếng, một bậc thầy đại phong cầm, một người chuyên môn về các tác phẩm của nhạc sĩ J. S. Bach, nếu tôi đến làm việc với các người châu Phi? Trái lại, ông đã tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho hàng triệu người bị tổn thương bởi bất công, nếu tôi không đến với họ?" Abraham Lincoln đã không tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho tôi nếu tôi ban hành Sắc Lệnh bãi bỏ và chấm dứt chế độ nô lệ?. Nhưng ông đã tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và hàng triệu người da đen nếu tôi không làm điều này?". Một người da đen có nghề nghiệp ổn định, không tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho công ăn việc làm, địa vị trung lưu trong xã hội và sự an toàn của cá nhân tôi, nếu tôi tham gia phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc", nhưng sẽ tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho công lý, cho các tầng lớp người da đen không được hưởng các phúc lợi về mặt kinh tế, xã hội, nếu tôi không tích cực và can đảm tham gia phong trào này?".

Rốt cuộc, một con người không được đánh giá bởi cách thức hành động trong các hoàn cảnh dễ dàng, thuận lợi, nhưng bởi cách thức hành động trong những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi. Người thân cận đích thực sẽ liều mất địa vị, uy tín và ngay cả mạng sống mình vì lợi ích của người khác. Trong các thung lũng nguy hiểm và trên các nẻo đường phiêu lưu, người thân cận tốt lành sẽ đưa người anh em bị đánh nhừ tử hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, thanh cao hơn.

III

Cuối cùng, người Samari đã có thể chăm lo đến lợi ích của người khác trên mức đòi hỏi. Tự tay ông băng bó vết thương và đặt người bị đánh nhừ tử trên lưng lừa của mình. Gọi xe cứu thương đến chở người bị tai nạn thì dễ dàng hơn tự mình băng bó vết thương và áo quần có thể bị vấy máu. Lòng vị tha đích thực vượt xa lòng thương hại. Có lòng thương hại thì chỉ có thể là quan tâm và sẵn sàng gửi một tấm ngân phiếu để giúp đỡ người khác. Nhưng có lòng vị tha đích thực thì quan tâm đến một con người cá biệt và đòi hỏi mình phải biết hy sinh vì người ấy. Lòng thương hại đối với con người có thể phát sinh từ quan niệm trừu tượng về nhân loại; còn lòng vị tha thì phát sinh từ một con người cá biệt, cụ thể, con người bị đánh nhừ tử và bị bỏ nửa sống nửa chết bên một vệ đường nào đó của cuộc sống và đang cần được giúp đỡ. Người có lòng vị tha thì biết cảm thương đối với người anh em đang phải thiếu thốn, lo âu, buồn phiền và đang mang gánh nặng. Các cố gắng truyền giáo của chúng ta thường thất bại vì được đặt trên nền tảng là lòng thương hại thay vì lòng cảm thương. Chúng ta thường chỉ tìm kiếm làm một việc gì đó cho các dân tộc châu Phi và châu Á thay vì làm một việc gì đó cho họ. Có lòng thương hại mà thiếu lòng cảm thương thường dẫn đến thái độ gia trưởng mà một con người tự trọng không thể nào chấp nhận được. Các đồng đôla có thể cứu giúp con cái Thiên Chúa đang bị bỏ nửa sống nửa chết trên các nẻo đường xuống Giêricô của cuộc sống. Nhưng nếu các đồng đôla này không được phân phát bởi những bàn tay thân ái, thì chúng ta sẽ chẳng làm giàu cho kẻ nhận cũng như người cho. Trong công cuộc truyền giáo, các thành viên thuộc các Giáo hội đã gửi nhiều triệu đôla giúp đỡ các dân tộc châu Phi. Nhưng các thành viên này lại chấp nhận để cho một triệu người châu Phi phải chết trước khi ban cho người châu Phi đặc ân tham gia cử hành các nghi thức trong cộng đoàn của mình. Qua Phong Trào Kiến Tạo Hòa Bình, hàng triệu đôla đã được đầu tư vào châu Phi bởi một số người cuong7 quyết chống lại việc các nhà ngoại giao châu Phi được quyền tham gia vào câu lạc bộ ngoại giao hay thuê nhà ở cạnh nhà mình. Phong Trào này sẽ thất bại nếu tìm cách làm một cái gì đó cho các dân tộc nghèo khổ, nhưng sẽ thành công nếu tìm cách làm một cái gì đó với các dân tộc này. Phong Trào sẽ thất bại, nếu chỉ nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản; nhưng sẽ thành công, nếu nỗ lực chống lại nghèo đói, dốt nát và bệnh tật. Tiền của không tình thương cũng giống như muối không vị mặn, chỉ đáng cho người ta chà đạp thôi. Muốn trở thành một người thân cận tốt lành, thì đích thân chúng ta phải dấn thân. Người Samari đã tự tay băng bó các vết thương thể xác của người bị rơi vào tay bọn cướp và cũng đã có đủ tình thương để xoa dịu các đau khổ tinh thần của con người bất hạnh này.

Một điều khác nói lên lòng vị tha trên mức đói hỏi của người Samari tốt lành, đó là ông làm nhiều hơn bổn phận phải làm. Sau khi băng bó vết thương, ông đã đặt người bị đánh nhừ tử trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc, đưa tiền cho chủ quán à sẵn sàng đưa thêm, nếu thiếu: "Có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoan lại bác". Ngay cả khi không làm như vậy, thì người Samari cũng đã làm hơn những gì bổn phận đòi hỏi đối với một người ngoại kiều bị đánh trọng thương. Ông đã đi xa hơn hai dặm (x. Mt 5, 41). Tình thương của ông đích thực là một tình thương trọn vẹn.

Harry Emerson Fosdick đã phân biệt rõ ràng thế nào là một đòi hỏi có tính bó buộc và thế nào là một đòi hỏi không có tính bó buộc. Các đòi hỏi có tính bó buộc được quy định rõ ràng bởi luật pháp trong xã hội và bởi sự can thiệp mạnh mẽ của các bộ phận có chức năng bảo đảm việc thi hành luật pháp. Các điều khoản chi tiết đã được ghi lại trong các bộ luật và việc vi phạm các điều luật này đã dẫn đến chỗ các nhà tù không còn chỗ để giam giữ tội nhân. Nhưng các đòi hỏi không có tính cách bó buộc thì không lệ thuộc vào luật pháp trong xã hội. Các đòi hỏi này liên quan đến các thái độ của lòng người, các tương quan thật giữa người với người, các cách thức biểu lộ lòng cảm thương mà không bộ luật nào có thể quy định được và không một nhà tù nào có thể uốn nắn được. Các đòi hỏi này phát sinh từ việc con người vâng phục một lề luật được ghi trong lòng người. Lề luật do con người đặt ra thì bảo đảm sự công bằng, còn lề luật lớn hơn được ghi trong lòng người thì làm nảy sinh tình thương. Không một bộ luật nào có thể thuyết phục người cha yêu thương con mình hay người chồng tôn trọng vợ mình. Các tòa án có thể buộc người cha gia đình cung cấp bánh nuôi sống thân xác, nhưng không thể thuyết phục người cha cung cấp bánh tình thương. Một người cha gia đình tốt lành luôn theo các đòi hỏi không có tính bó buộc từ bên ngoài. Người Samari tốt lành là biểu trưng cho lương tâm nhân loại, vì ông đã tuân theo điều không có tính bó buộc từ bên ngoài. Không một lề luật nào trên thế giới này có thể làm nảy sinh lòng cảm thương trong sáng, tình thương đích thực, lòng vị tha trọn vẹn này.

Một cuộc chiến đang diễn ra tại quốc gia chúng ta. Một cuộc chiến chống lại con quái vật có tên gọi là phân biệt chủng tộc. Một cuộc chiến mà chúng ta phải giành được phần thắng. Con quái vật này đã tàn phá đất nước chúng ta hơn hai trăm năm qua, đã chà đạp phẩm giá hàng triệu người da đen và tước đoạt quyền của họ được sống tự do.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng luật pháp chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc. Tính cách luân lý không thể quy định bằng các bộ luật, nhưng cách cư xử có thể quy định bằng các bộ luật. Luật pháp không thể thay đổi con tim nhưng có thể ngăn ngừa những người không có con tim làm điều phi pháp. Luật pháp không thể làm người chủ yêu thương người thơ nhưng có thể ngăn ngừa người chủ từ chối thuê tôi làm việc chỉ vì màu da của tôi. Các tập quán của quần chúng, nếu không phải là con tim của họ, đã và đang được thay đổi mỗi ngày bởi các bộ luật của ngành lập pháp, các quyết định của ngành tư pháp và các quy định của ngành hành pháp. Chúng ta đừng bao giờ để mình bị lừa gạt bởi những người chủ trương rằng luật pháp không thể ngăn chặn được nạn phân biệt chủng tộc.

Sau khi đã ghi nhận những điều trên đây, chúng ta phải công nhận rằng giải pháp chung cuộc cho vấn đề phân biệt chủng tộc ở nơi thiện chí của con người sẵn sàng thực thi các đòi hỏi không có tính bó buộc từ bên ngoài. Các quyết định của các tòa án và các bộ phận thi hành án có một giá trị to lớn đối với công cuộc hòa hợp chủng tộc. Tuy vậy, đây chỉ là bước đầu cần thiết nhưng chưa trọn vẹn trong tiến trình tiến tới mục tiêu cuối cùng mà chúng ta nhắm tới, đó là một thể thức sống hài hòa giữa các nhóm chủng tộc với nhau và giữa con người với con người. Hòa hợp chủng tộc sẽ dẹp bỏ các hàng rào luật pháp và đưa con người xích lại gần nhau hơn, nhưng phải có một cái gì đó đánh động con tim mỗi người để họ có thể sống hòa hợp với nhau, vì đây là điều hợp với lương tri và đạo lý. Áp dụng một cách triệt để các bộ luật dân sự sẽ chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc trong tổ chức chuyên chở công cộng, nhưng không thể chấm dứt các nỗi sợ hãi, các thành kiến, tính kiêu ngạo, sự điên rồ đang là những chướng ngại đối với sự hòa hợp chủng tộc đích thực. Cái thái độ mờ ám và ma quái này chỉ biến mất khi con người tuân theo lề luật được ghi trong lòng mình và làm mình xác tín rằng mọi người là anh em với nhau và yêu thương chính là sức mạnh biến đổi con người và xã hội. Hòa hợp chủng tộc đích thực sẽ được thực hiện bởi những con người thân cận đích thực, sẵn sàng tuân phục những đòi hỏi không có tính bó buộc.

Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay các người thuộc các sắc tộc và quốc gia đang phải sống chung với nhau không phải là lời nói suông nhưng là lời mời gọi xây dựng một thể thức sống có sức biến đổi bài ta thán về thảm họa sắp xảy ra trên thế giới thành một bài thánh ca ca ngợi sự hoàn tất của tạo thành. Chúng ta không thể tự cho phép mình 'bước qua một bên mà đi'. Ngày xưa, hành động điên rồ như vậy nói lên sự yếu kém về nhận thức; ngày nay, hành động điên rồ như vậy sẽ đưa nhân loại đến chỗ tự sát. Chúng ta không thể tồn tại lâu dài, nếu chúng ta sống xa cách nhau trong một thế giới đang xích lại gần nhau về mặt địa lý. Xét cho cùng, tôi không thể không biết đến người bị đánh nhừ tử trên con đường xuống Giêricô, vì con người này cũng là một phần của chính tôi và tôi cũng là một phần của con người ấy. Đau khổ con người ấy phải chịu cũng làm cho tôi tổn thương và sự cứu độ con người ấy nhận được cũng làm cho tôi được thăng tiến.

Để giúp chúng ta có thể yêu thương người thân cận, ngoài gương sáng của người Samari tốt lành, chúng ta còn có đời sống đại lượng của Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta. Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi người vì Người xem mọi người là anh em với nhau, kể cả người thu thuế và người tội lỗi. Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi người, sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm khi rảo bước trên mọi nẻo đường, vì chính nghĩa. Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi người trên mức đòi hỏi: Người đã bằng lòng chịu chết trên cây thập giá và lịch sử loài người không thể cho chúng ta một cách thức biểu lộ tuyệt vời nào hơn lòng tuân phục đối với các đòi hỏi không có tính bó buộc (1).

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr. 25-38

______________________

Chú thích:

(1) Martin Luther King: "Etre un bon prochain" trong "La Force d'aimer" Ed. Casterman, Paris 1965, trg 37-48. Tóm tắt.

* Bài liên quan:

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (1)

DŨNG MẠNH ĐỂ YÊU THƯƠNG (2)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...