Dũng mạnh để yêu thương (6)
Nửa đêm có người gõ cửa
"Ai trong anh em có một người bạn
và nửa đêm đến nhà người ấy mà nói:
'Bạn ơi cho tôi vay ba cái bánh,
vì tôi có anh bạn lỡ đường
và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả…".
(Lc 11,5-6)
Mặc dầu dụ ngôn này muốn nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện kiên trì nhưng cũng có thể làm nền tảng cho các suy tư của chúng ta về nhiều vấn đề quan trọng hiện nay và về cách thức Giáo hội đã đối phó với các vấn đề ấy.
I
Đời sống xã hội chúng ta đang ở vào thời điểm nửa đêm. Trên chính trường quốc tế, các quốc gia đang đối đầu với nhau một cách quyết liệt và ra sức giành giật ưu thế bằng mọi giá. Hai cuộc thế chiến đã xảy ra trong thời gian một thế hế và những đám mây kéo đến đen nghịt như báo trước một cuộc thế chiến khác sắp xảy đến. Ngày nay, con người nắm chắc trong tay vũ khí nguyên tử, hạt nhân có sức hủy diệt các đô thị lớn trên khắp thế giới trong khoảnh khắc vài ba giây đồng hồ. Cuộc chạy đua vũ trang vẫn còn tiếp tục, các cuộc thử nghiệm hạt nhân vẫn được tiến hành, các tia phóng xạ không ngừng làm ô nhiễm môi trường đang dẫn nhân loại tới chỗ diệt vong?
Trong quá khứ, vào thời điểm nữa đêm trong đời sống xã hội, chúng ta đã phải cậy dựa vào khoa học. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên. Trong rất nhiều trường hợp, khoa học đã chẳng cứu chúng ta đó sao? Khi chúng ta ở trong đêm tối là yếu kém về thể lực, thiếu thốn về tiện nghi, thì khoa học đưa chúng ta đến bình minh là các tiện nghi vật chất, làm cho cuộc sống dễ chụi hơn. Khi chúng ta ở trong đêm tối là ngu dốt và mê tín, thì khoa học đã đưa chúng ta đến bình minh là tự do và tinh thần cởi mở. Khi chúng ta ở trong đêm tối là bệnh tật, thì khoa học đã đưa chúng ta đến bình minh là sức khỏe, với các tiến bộ về y học, phẫu thuật, vệ sinh, và, nhờ vậy, chúng ta được bảo vệ tốt hơn và sống thoải mái hơn. Vì thế, tin tưởng vào khoa học là điều tự nhiên, trong khi các vấn đề thế giới ngày càng tỏ ra khó khăn hơn, xấu hơn nữa là đàng khác.
Nhưng than ôi! Khoa học không thể cứu chúng ta vì các người làm công tác khoa học cũng đang tiến sâu vào đêm tối dày đặc của thời đại chúng ta. Trong thực tế, khoa học cung cấp cho thời đại chúng ta những phương tiện có thể đưa vũ trụ này đến chỗ tự hủy diệt mình. Trong đời sống xã hội, con người ngày nay phải đối phó với đêm tối thật khủng khiếp, kinh hoàng.
Song song với đêm tối trong đời sống tập thể và ngoại giới, còn có đêm tối trong đời sống cá nhân và nội tâm con người. Đây chính là thời điểm nửa đêm của đời sống tâm linh. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện những nỗi sợ hãi đang làm tê liệt và hành hạ con người ban ngày, cũng như đang đeo đuổi và ám ảnh con người vào ban đêm. Những nỗi lo âu, trầm uất cứ lơ lửng như những đám mây trong bầu trời là tâm trí chúng ta. Tại bệnh viện, các phòng chữa trị tâm bệnh không còn một chỗ trống, và các bác sĩ được trọng vọng ngày nay chính là các bác sĩ tâm thần, các nhà phân tâm học. Trong lãnh vực tâm lý học, các sách bán chạy nhất là những sách đại loại như: "Con người chống lại chính mình", "Con người thời đại ngày nay trên đường đi tìm một 'linh hồn'". Trong lãnh vực tôn giáo, các sách được nhiều người đọc nhất là những cuốn như: "Tinh Thần và Bình An tâm hồn", "Tâm hồn thanh thản". Các nhà giảng thuyết cũng triển khai những chủ đề hợp thời có sức thoa dịu, chẳng hạn như "Làm thế nào để sống hạnh phúc?" hay "Làm thế nào để thư giãn?". Một số người cũng đã cố gắng "xét lại" lệnh truyền của Đức Giêsu thành một lệnh truyền được diễn tả như sau: "Hãy đi khắp thế gian, hãy giữ huyết áp thầy và Ta sẽ làm cho con trở thành những kẻ thích ứng với thời đại ngày nay". Tất cả những điều này cho thấy đời sống nội tâm của con người, nam cũng như nữ, đang ở vào thời điểm nửa đêm.
Đời sống luân lý cũng đang ở vào thời điểm nửa đêm. Trong đêm tối, các màu sắc mất hết sắc độ và hòa lẫn với nhau để trở thành bóng đêm xám xịt. Các nguyên tắc luân lý cũng mất đi nét đặc trưng của chúng. Đối với con người ngày nay, điều tốt tuyệt đối và điều xấu tuyệt đối lệ thuộc vào cách xử sự và hành động của đám đông dân chúng. Tốt và xấu lệ thuộc vào thị hiếu và thói quen của một cộng đồng nhất định. Một cách vô thức, chúng ta đang áp dụng thuyết tương đối của Einstein trong lãnh vực vật lý vào trong lãnh vực luân lý.
Nửa đêm là thời điểm con người cố gắng giữ thật đúng "Điều răn thứ mười một" là "Chớ để bị bắt tại trận". Theo nền luân lý này, tội trọng nhất là "tội bị bắt tại trận"; nhân đức trọng nhất là tránh khỏi bị bắt tại trận. Nói dối là hoàn toàn phù hợp với nền luân lý này, nhưng phải biết nối dối thật khôn khéo, thật tài tình. Lấy của người ta cũng vậy; những kẻ lấy của người ta phải tỏ ra mình là kẻ điệu nghệ để, nếu có bị bắt tại trận, thì đây chỉ là lạm dụng lòng tin tưởng của người khác chứ không phải là lấy của người khác, tức là ăn trộm. Thù ghét cũng vậy. Được phép thù ghét, nhưng phải mặc cho nó bộ áo của tình yêu để thù ghét mang dáng vẻ yêu thương. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, Darwin chủ trương rằng kẻ tồn tại là kẻ biết thích nghi cách tốt nhất. Còn trong đời sống luân lý, người ta thay thế khái niệm trên đây bằng một thứ triết lý, theo đó, kẻ tồn tại là kẻ gian manh nhất. Cách suy nghĩ và hành động như thế chỉ có thể làm cho các chuẩn mực luân lý trược dốc thê thảm và đêm tối lại càng đen tối hơn mà thôi.
II
Trong thế giới ngày nay, cũng như trong dụ ngôn, đêm tối bị "đánh động" bởi tiếng gõ cửa. Nhiều triệu người đã đến gõ cửa Giáo hội. Tại quốc gia này, "Sổ Nhân Danh" chưa bao giờ lại dày cộm như bây giờ. Hơn 115 triệu người đã ghi tên làm thành viên của một Giáo hội hay Hội đường. Như thế, số tín hữu đã tăng 100% kể từ năm 1929, trong khi dân số chỉ tăng 31%.
Chúng ta không thể phóng đại tầm quan trọng của số lượng và cũng phải đề cao cảnh giác để khỏi lẫn lộn sức mạnh đích thực của số lượng với chất lượng. Điều mà có người đã gọi là "một cuộc tăng vọt về số lượng" thực chất không phải là thước đo chính xác về chất lượng. Một cộng đoàn có nhiều thành viên hơn, không đương nhiên là một cộng đoàn gắn bó với Đức Kitô. Hình như, trong đại đa số trường hợp, chính một thiểu số sáng tạo, dấn thân đã làm cho thế giới này trở nên tốt hơn. Nhưng nếu tăng số thành viên không đương nhiên là tăng tinh thần dấn thân, thì vẫn có điều gì đó đúng khi hàng triệu người nghĩ rằng Giáo hội có thể cung cấp câu trả lời cho các biến động sâu xa đang làm đảo lộn cuộc sống của họ. Giáo hội là cột mốc quen thuộc duy nhất cho người lữ khách mệt mỏi vào thời điểm nửa đêm. Giáo hội là ngôi nhà duy nhất đứng vững tại nơi mà Giáo hội đã có mặt, ngôi nhà mà người lữ khách quyết định hay từ chối tìm đến vào thời điểm nửa đêm. Một số người quyết định không bao giờ tìm đến với Giáo hội. Còn những người tìm đến với Giáo hội, thì họ gõ cửa và tìm kiếm một cách tuyệt vọng cái bánh mà họ đang cần.
Người lữ khách xin ba cái bánh. Bánh thứ nhất là bánh niềm tin. Trong một thế hệ thất vọng bởi biết bao ảo tưởng, con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào con người, và vào tương lai. Nhiều người đồng ý với điều William Wilberforce đã nói năm 1801: "Tôi không dám cưới vợ… Tương lai quá bấp bênh", hay với điều William Pitt đã nói năm 1806: "Chung quanh chúng ta chỉ còn lại điêu tàn và thất vọng". Trong số những con người tuyệt vọng này, có nhiều người xin bánh niềm tin.
Bánh thứ hai là bánh niềm hy vọng. Trong những năm đầu thế kỷ XX, ít ai xin bánh này. Những máy điện thoại, xe hơi, phi cơ đầu tiên đã đưa họ lên tận trời cao, hồ hởi phấn khởi. Họ thờ lạy Thần Tiến Bộ. Họ tin rằng mỗi tiến bộ mới trong các lãnh vực khác nhau sẽ đưa con người đến một mức hoàn thiện cao hơn. Thế nhưng, tiến trình tiến bộ đã cho thấy rõ tính ích kỷ và sự thối nát của con người và, như thế, chứng minh điều mà Lord Acton đã nói trước đây là đúng: "Quyền bính có khuynh hướng làm thối nát, và quyền bính tuyệt đối chỉ làm thối nát hoàn toàn mà thôi". Một khi khám phá ra điều đáng ghê sợ này, chưa bao giờ trong lịch sử, con người lại đánh mất hết lạc quan như thế. Đối với biết bao nhiêu người, già cũng như trẻ, ánh sáng của niềm hy vọng đã tắt và họ bắt đầu lang thang mệt mỏi, chìm sâu xuống vực thẳm bi quan. Nhiều người kết luận rằng: cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả! Có người tâm đắc với triết gia Schopenhauer khi ông cho rằng cuộc sống chỉ là đau khổ triền miên, và cũng chỉ chấm dứt trong đau khổ, hay cuộc sống chỉ là một bi hài kịch được diễn đi diễn lại với một vài thay đổi nhỏ trong phần dần dựng. Có người tán thành ý kiến của nhân vật Macbeth trong vở kịch của Shakespeare cho rằng cuộc sống chỉ là một câu chuyện được kể lại bởi một thằng khùng, khua chiêng gõ trống rùm beng nhưng rốt cuộc chẳng ra trò trống gì. Thế nhưng, trong những giờ phút tuyệt vọng không thể thiếu của cuộc sống, con người biết rằng không hy vọng gì thì không thể sống được, nên họ lại chạy đến gõ cửa Giáo hội và xin bánh niềm hy vọng.
Cuối cùng bánh thứ ba là bánh tình thương. Mỗi người đều ước mong yêu thương và được yêu thương. Người không cảm thấy được yêu thương thì có ấn tượng mình không đáng kể đối với người khác. Nhiều điều xảy ra torng thế giới ngày nay cho con người thấy rằng chúng chẳng liên quan gì đến mình. Cuộc sống trong một thế giới đang bóp chết con người làm cho nhiều người có ấn tượng rằng chẳng qua chúng ta chỉ là những con số. Ralp Borsodi đã mô tả cách sâu sắc thế giới trong đó, tại nhà hộ sinh, người mẹ mang số 8434, khi người ta lấy các dấu tay, người con trở thành số 8003 và khi chết, đám tang được cử hành tại phòng B, với các vòng hoa, màn trướng loại B, do Mục sư số 14 và ca viên số 84 hát bài tiễn biệt số 174. Kinh hoàng trước khuynh hướng biến con người thành một con số, một cột trong cuốn sổ ghi chép, con người tìm đến với Giáo hội và gõ cửa khẩn thiết xin bánh tình thương.
III
Nhân vật trong dụ ngôn đến gõ cửa nhà người bạn và xin vay ba chiếc bánh, nhưng anh bạn cự tuyệt: "Xin đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng cả rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được". Biết bao lần nhiều người đã thất vọng khi đến gõ cửa Giáo hội. Hàng triệu người châu Phi đã gõ cửa Giáo hội để xin bánh công bằng xã hội, nhưng Giáo hội đã làm ngơ và họ chỉ nhận được một câu trả lời chung chung rằng vấn đề sẽ được giải quyết sau, nghĩa là không bao giờ được giải quyết cả. Hàng triệu người da đen châu Mỹ đói khát tự do cũng đã nhiều lần gõ cửa Giáo hội gọi là Giáo hội của người da trắng, nhưng cũng chỉ được đón tiếp bằng một thái độ lạnh nhạt, giả hình. Ngay cả những người lãnh đạo Giáo hội muốn mở cửa cho bánh cũng tỏ ra thận trọng hơn là can đảm, và thường giải quyết vấn đề theo giải pháp hoàn cảnh hơn là theo luật lệ luân lý. Một trong những thảm kịch ô nhục nhất của lịch sử nhân loại là cái cơ chế đáng lẽ phải đưa con người thoát khỏi thời điểm nửa đêm là sự phân biệt chủng tộc, thì lại cộng tác với những kẻ muốn kéo dài thời điểm này… Vai trò của Giáo hội luôn phải là phê phán, hướng dẫn chứ không phải tiếp tay cho các cơ chế chính trị, kinh tế và phân biệt chủng tộc đang cầm giữ con người trong thời điểm nửa đêm. Nếu Giáo hội không tìm lại được vai trò ngôn sứ của mình thì sẽ mau chóng trở thành một câu lạc bộ vừa không có hiệu quả vừa không có uy tín về mặt tinh thần cũng như về đạo đức. Nếu Giáo hội không tích cực tham gia đấu tranh cho hòa bình, công bằng xã hội, hòa hợp chủng tộc, thì Giáo hội sẽ phản bội hàng triệu tín hữu trung thành và đẩy họ đến chỗ phải nói lên khắp nơi rằng Giáo hội đã đánh mất ý chí của mình. Nhưng nếu Giáo hội biết tự giải thoát khỏi các xiềng xích đang cầm giữ mình trong tình trạng như hiện có và, nhờ vậy, tìm lại được sứ mạng của mình trong dòng lịch sử nhân loại, thì Giáo hội sẽ lên tiếng và hành động với lòng can đảm, kiên trì để cổ võ cho hòa bình và công lý. Giáo hội sẽ khơi dậy trí sáng tạo và nung đốt tâm hồn con người bằng cách truyền đạt cho họ lòng ái mộ chân lý, công lý và hòa bình. Nhờ vậy mỗi người gần xa sẽ nhận thấy trong Giáo hội tình huynh đệ đại đồng đem lại ánh sáng và bình an cho những người lữ khách đang mò mẫm trong đêm tối.
IV
Chúng ta nhận thấy rằng, sau khi bị từ chối cho vay bánh, nhân vật trong dụ ngôn vẫn tiếp tục gõ cửa, quấy rầy, và cuối cùng, thuyết phục được người bạn dậy ra mở cửa. Nhiều người vẫn tiếp tục gõ cửa Giáo hội vào lúc nửa đêm, mặc dầu trước đó họ đã phải thất vọng, vì họ biết rằng Giáo hội có bánh sự sống. Giáo hội ngày nay đang bị thách đố công bố cho mọi người biết rằng Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, là niềm hy vọng của họ trong tất cả các vấn đề phức tạp thuộc lãnh vực cá nhân cũng như xã hội. Nhiều người trẻ gõ cửa Giáo hội vì họ lo âu trước cuộc sống bấp bênh đầy thất vọng giữa các thăng trầm của lịch sử. Trong số những người trẻ này, có nhiều người đã phải rời bỏ gia đình, nhà trường, xí nghiệp để trở thành những người lính tại chiến trường. Chúng ta phải đem lại cho họ bánh niềm hy vọng và khơi dậy nơi họ xác tín rằng Thiên Chúa Quyền Năng có thể thực hiện điều tốt lành từ điều xấu xa. Cũng có những người trẻ đã phải hối hận khi để mình chìm sâu vào đêm tối bằng cách xem mọi sự chỉ là tương đối trong lãnh vực luân lý hay bằng cách khẳng định mình bằng mọi phương thế. Chúng ta phải dẫn họ đến với Đức Kitô để Người ban cho họ bánh tha thứ. Cũng có những người gõ cửa Giáo hội vì hoảng sợ trước cái chết, chúng ta phải đem đến cho họ bánh niềm tin vào tính bất tử, để họ hiểu rằng cuộc sống trần thế chỉ là khúc dạo đầu của cuộc sống mai sau.
Nửa đêm là thời điểm đáng sợ. Vào thời điểm này chúng ta khó lòng giữ vững niềm tin. Điều mà Giáo hội có thể nói như một điều an ủi chúng ta, đó là không có một đêm tối nào lại có thể kéo dài quá lâu. Người lữ khách mệt mỏi trong đêm tối đến gõ cửa xin bánh, thật ra là người đang mong đợi bình minh. Sứ điệp đem lại niềm hy vọng mà chúng ta phải công bố: đó là bình minh phải xuất hiện. Các tổ phụ chúng ta là những người da đen nô lệ. Họ đã biết rõ điều này. Họ không bao giờ quên được đêm tối, cây roi da trong tay những tên quản đốc, cuộc ngã giá giữa các ông chủ, gia đình phân tán; tất cả luôn nhắc họ nhớ lại thân phận người nô lệ. Và mỗi lần nhớ đến đêm tối bao trùm cuộc đời, họ lại cất tiếng hát:
"Ôi! Chẳng một ai hiểu hết
nỗi ô nhục tôi phải chịu.
Lạy Chúa tôi! Halleluia!
Khi tôi trồi lên, khi tôi ngụp xuống,
Ôi! Lạy Chúa tôi!
Khi tôi hầu như chết chìm,
Ôi!Lạy Chúa tôi!
Ôi! Chẳng một ai hiểu hết
nỗi ô nhục tôi phải chịu.
Lạy Chúa tôi! Tôn vinh Chúa. Halleluia!
Ngập chìm trong đêm tối khắc nghiệt nhưng luôn xác tín rằng bình minh sẽ xuất hiện, họ cất tiếng hát:
"Tôi mừng vui
vì khổ nhục không kéo dài mãi mãi.
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, tôi sẽ làm gì?"
Các tổ phụ chúng ta đã xác tín rằng bình minh sẽ xuất hiện sau đêm tối, vì họ đã tin vào Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và xét xử công bằng. Ai tin như vậy thì biết rằng các đau khổ không phải là dấu chấm hết của cuộc đời con người. Kẻ ấy có thể vượt qua đêm tối mà vẫn luôn xác tín rằng mọi sự đều có thể mưu ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa.
Trong giai đoạn đầu của cuộc tẩy chay xe buýt công cộng tại Montgomery, bang Alabana, chúng tôi đã tổ chức một hệ thống đưa đón công nhân bằng xe hơi tư nhân. Hệ thống chuyên chở này hoạt động rất tốt trong thời gian mười một tháng. Sau đó, thị trưởng Gayle đã chỉ thị cho bộ phận tư pháp của thành phố phải nghiên cứu luật pháp để chấm dứt hệ thống xe hơi tư nhân tự nguyện đưa đón công nhân và đồng thời để ngăn chặn mọi hình thức chuyên chở tư nhân phát xuất từ cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt công cộng. Phiên tòa được triệu tập vào ngày thứ Ba 13.11.1956.
Khi cuộc họp hằng tuần được dự định vào trước ngày ra Tòa, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải báo trước cho mọi người biết rằng rất có thể Tòa sẽ ra lệnh không cho phép hệ thống đưa rước hoạt động như trước đây nữa. Tôi biết rằng họ đã tự nguyện chấp nhận cực nhọc suốt mười một tháng nay, nhưng chẳng lẽ bây giờ tôi lại bảo họ phải cuốc bộ sao? Và nếu không làm như vậy, thì chúng tôi sẽ phải chấp nhận thất bại trong cuộc đấu tranh này hay sao? Lần đầu tiên, tôi càm thấy lo âu, ọ hãi khi thấy mình sẽ phải chủ trì cuộc họp.
Chiều đến, trong cuộc họp, tôi đã can đảm nói cho họ biết tất cả sự thật. Tuy vậy, tôi cũng đã cố gắng kết luận với một tia hy vọng: "Trong những tháng qua, chúng ta hành động và tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía chúng ta torng cuộc đấu tranh này. Kinh nghiệm trong thời gian qua đã chứng minh điều đó một cách tuyệt vời. Chiều nay, chúng ta phải tin rằng một con đường sẽ được khai mở tại nơi không còn con đường nào nữa". Nhưng tôi vẫn nhận thấy rằng bầu khí bi quan bao trùm cử tọa. Hy vọng bị dập tắt và niềm tin bị chao đảo.
Vài giờ sau, thẩm phán Carter chủ tọa phiên tòa. Đại diện thành phố đọc bản cáo trạng cho thấy chúng tôi đã thành lập mộ tổ chức tư nhân chuyên chở công nhân mà không có giấy phép của thành phố. Các luật sư chúng tôi đã hùng hồn biện hộ rằng tổ chức nói trên đơn thuần là một tổ chức tự nguyên, phi lợi nhuận do các Giáo hội người da đen lập ra để phục vụ các thành viên của mình mà thôi. Nhưng mọi sự cho thấy rằng thẩm phán Carter sẽ xử cho thành phố thắng kiện.
Trong giờ nghỉ trưa, tôi nhận thấy tòa án sôi động hẳn lên. Thị trưởng Gayle được mời vào hậu trường, nơi có nhiều nhà báo ra vào hối hả. Bỗng một nhà báo tiến lại chỗ tôi đang ngồi trong tư cách là bị cáo. Ông nói: "Đây, quyết định các ông đang chờ đợi! Hãy cầm lấy và đọc đi! Quyết định trả tự do cho ông đó!".
Vừa lo âu, vừa hy vọng, tôi đọc: "Tòa Án Tối Cao Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhất trí phán quyết: phân biệt chủng tộc trong hệ thống xe buýt tại Montgomery, bang Alabana, là bất hợp hiến". Tim tôi đập mạnh, mừng vui khôn xiết. Giờ đen tối nhất trong cuộc đấu tranh đã trở thành giờ chiến thắng - cuộc chiến thắng thứ nhất mà chúng tôi đã giành giật được. Từ cuối phòng xử án, có ai đó đã hô lớn tiếng: "Thiên Chúa Toàn Năng đã nói từ Washington!".
Bình minh sẽ xuất hiện. Buồn phiền, nhọc nhằn, thất vọng phát sinh vào thời điểm nửa đêm. Nhưng, sau đó, ánh sáng bình minh sẽ ló dạng. tác giả thánh vịnh đã nói:
"Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo"
(Tv 29, 5)
Niềm tin xua đuổi tuyệt vọng và đem ánh sáng đến tận mọi ngõ ngách chứa đầy bi quan. (1)
Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.65-76
_____________________
Chú thích:
(1) Martin Luther King: "Minuit… Quelqu'un frappe à la porte" trong "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965. Tóm tắt.
* Bài liên quan: