Dũng mạnh để yêu thương (7)
Kẻ ngu ngốc
"Đồ ngốc, nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi".
(Lc 12, 20)
Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện bi thảm mà kết luận lại trực tiếp liên quan đến chúng ta một cách rất sâu sắc. Đó là câu chuyện của một con người mà, theo cách đánh giá thời đại ngày nay, có thể xem là một con người thành đạt về mọi mặt. Nhưng Đức Giêsu lại xem là "kẻ ngu ngốc".
Nhân vật chính của câu chuyện là "một người giàu có", ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, đến nỗi ông quyết định xây nhiều kho mới, lớn hơn. Ông nói: "ta sẽ tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào đó" và "ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm, cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã". Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi". (x. Lc 12,16-20). Và chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Ở tận đỉnh cao của vinh hoa phú quý, người giàu có ấy phải lìa bỏ đời này.
Các bạn hãy xem con người này. Nếu ông sống vào thời đại ngày nay, mọi người sẽ xem ông là một nhân vật vị vọng, một con người có địa vị cao trọng trong xã hội, được mọi người nể trọng. Có thể ông là một "ông vua" torng lãnh vực kinh tế. Thế mà, một người nhà quê miền Galilê lại gọi ông là "kẻ ngu ngốc".
Đức Giêsu đã không xem ông là "kẻ ngu ngốc" vì ông có nhiều của cải. Người không bao giờ lên án của cải nói chung, nhưng lên án cách sử dụng của cải. Cũng như mọi thứ sức mạnh khác, như tiền chẳng hạn, tiền bạc tự thân không có giá trị đạo đức. Nó có thể sử dụng cho việc tốt cũng như việc xấu. Đành rằng Đức Giêsu đã nói với người thanh niên giàu có phải "bán hết của cải anh có"; nhưng trong trường hợp này, như George A. Buttrick đã nhận định, Đức Giêsu kê một toa thuốc dành cho một con người nhất định, chứ không đưa ra một chẩn đoán dành chung cho mọi người. Tự bản chất, của cải không phải là xấu xa, và, tự bản chất, nghèo khó cũng không phải là nhân đức.
Đức Giêsu cũng không lên án ông là "kẻ ngu ngốc", vì có thể ông đã làm giàu một cách bất chính. Hình như câu chuyện cho thấy ông đã lao động cật lực, đã biết tận dụng thiên thời địa lợi và hoạch định một chương trình dài hạn như một nhà doanh nghiệp tài ba. Vậy tại sao ông lại là "kẻ ngu ngốc"?
I
"Người giàu có" là "kẻ ngu ngốc" vì ông đã không phân biệt cùng đích của cuộc sống với các phương tiện giúp ông đạt tới cùng đích này, vì ông đã để cho cơ cấu kinh tế lấn át vận mệnh con người. Mỗi người chúng ta sống trên hai bình diện: bên trong là nội giới, bên ngoài là ngoại giới. Nội giới là phạm vi của cùng đích tinh thần, được biểu lộ qua nghệ thuật, văn học, đạo đức và tôn giáo. Ngoại giới là tổng hợp phúc tạp gồm các chương trình, các kỹ thuật, các phương tiện cho phép ta duy trì và phát huy sự sống. Đó là ngôi nhà ta ở, cái xe ta đi, quần áo ta mặc, của cải ta có. Tắt một lời, là toàn bộ hành trang vật chất ta cần để tồn tại. Ta sống nhờ phương tiện nhưng lại sống cho cùng đích. Vậy mà luôn có nguy cơ ta thường để cho phương tiện chiếm chỗ cùng đích, nội giới tan biến trong ngoại giới. "Người giàu có" là "kẻ ngu ngốc" vì ông không phân định rạch ròi ranh giới giữa phương tiện và cùng đích, điều kiện cuộc sống và vận mệnh con người. Đời sống của ông bị nhận chìm bởi các ngọn sóng là các phương tiện trong cuộc sống của ông.
Nói như vậy không phải là phủ nhận tầm quan trọng của các điều thuộc ngoại giới trong cuộc sống con người. Chúng ta vừa có quyền vừa có bổn phận tìm kiếm những phương tiện căn bản cần thiết cho cuộc sống. Một tôn giáo lệch lạc là thứ tôn giáo không cảm thấy cần phải quan tâm tới các điều kiện sống của con người về mặt kinh tế. Trái lại, một tôn giáo lành mạnh luôn ý thức được rằng tinh thần bị dày vò bao lâu thân xác còn phải chịu đói khát, không nơi trú ẩn. Đức Giêsu biết rõ ta cần có cơm ăn áo mặc, có nơi trú ẩn an toàn. Người nói lên điều này một cách rõ ràng, ngắn gọn: "Cha anh em biết rõ anh em cần gì" (Mt 6, 8). Nhưng Đức Giêsu cũng biết rõ con người không phải là một con chó mà người ta có thể thỏa mãn cơn đói với vài cục xương. Người cũng biết rất rõ rằng điều thuộc nội giới cũng quan trọng như điều thuộc ngoại giới. Nên Người nói thêm: "Trước hết, anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, người sẽ thêm cho" (Mt 6, 33). Lo lắng trước hết tìm kiếm phương tiện, và để cho cùng đích tan biến trong phương tiện: đó chính là thảm kịch của cuộc sống "người giàu có".
"Con người giàu có" này càng giàu có về của cải vật chất, thì đời sống tinh thần và thiêng liêng càng trở nên nghèo nàn. Có thể ông đã có vợ, nhưng chắc chắn ông không yêu vợ. Có thể ông đã tặng vợ những món quà đắt giá, nhưng chắc chắn ông không thể tặng vợ điều cần thiết nhất, đó là tình yêu. Có thể ông đã có con cái, nhưng chắc chắn ông không quý mến chúng. Có thể ông đã có rất nhiều sách quý, thuộc nhiều thời đại, đặt ngay ngắn trên giá để sách, nhưng chắc chắn ông đã chẳng bao giờ đọc. Có thể ông đã có tiền để mua những đĩa nhạc hay, nhưng chắc chắn ông đã không bao giờ nghe. Mắt ông không biết chiêm ngắm vẻ huy hoàng rực rỡ của trời cao. Tai ông không bao giờ nghe các giai điệu êm dịu của dàn nhạc trên thiên quốc. Tâm trí ông cũng không bao giờ chú ý đến điều các thi sĩ, các ngôn sứ, các triết gia muốn nói. Ông thật xứng với biệt danh của ông: "kẻ ngu ngốc".
II
"Người giàu có" là "kẻ ngu ngốc" vì ông đã không ý thức được rằng ông lệ thuộc rất nhiều vào người khác. Bài đọc thoại của ông gồm khoảng chừng 60 chữ, thế mà đã có tới mười hai chữ "tôi". Ông đã nói "tôi" quá nhiều đến nỗi không còn có thể nói "chúng tôi". Là nạn nhân của một căn bệnh trầm kha, một thứ bệnh ung thư, đó là tính vị kỷ, nên ông không còn nhận thấy rằng của cải cá nhân là do của cải tập thể đem lại. Ông nói như thể chỉ có một mình ông là người làm ruộng, xây kho. Ông không thấy rằng ông là người thừa hưởng một kho tàng gồm các ý tưởng và các tiến bộ mà người sống cũng như kẻ chết góp phần tạo nên. Khi một cá nhân hay một quốc gia không phân biệt sự lệ thuộc hỗ tương này, thì sẽ rơi vào một tình trạng điên rồ dẫn tới một thảm kịch.
Ý nghĩa của dụ ngôn này đối với cơn khủng hoảng hiện nay trên thế giới quả thật rõ ràng. Quốc gia chúng ta làm ra nhiều sản phẩm đến nỗi phải xây thêm nhiều kho mới, lớn hơn, rộng hơn, và phải chi trên một triệu đôla một ngày để có nơi cất giữ các sản phẩm dư thừa. Mỗi năm, chúng ta tự hỏi: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu?" Câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã tìm thấy nơi khuôn mặt của hàng triệu người nam người nữ sống nghèo khổ tại châu Á, châu Mỹ Latinh, châu Phi. Câu trả lời cho câu hỏi này, tôi cũng đã tìm thấy nơi thung lũng nghèo khổ sông Missisippi, cũng như tại các khu nhà nghèo nàn là nơi ở của những người thất nghiệp, tại các thành phố công nghiệp lớn thuộc miền Bắc nước Mỹ. Ta có thể làm gì? Câu trả lời quả là đơn giản: cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần truồng áo mặc, chăm sóc người đau yếu. ta có thể cất giữ của cải ta ở đâu? Câu trả lời lại còn đơn giản hơn nữa: ta có thể cất giữ số thực phẩm dư thừa của chúng ta trong các bao tử trống rỗng của hàng triệu con cái Thiên Chúa, khi mỗi tối họ phải lên giường nằm ngủ mà không có gì để ăn. Làm như vậy, ta chẳng tốn kém đồng xu nào cả. Ta có thể sử dụng các tài nguyên to lớn của chúng ta để xóa bỏ sự nghèo đói khỏi mặt đất này.
Tất cả cho thấy rằng có một điều gì đó thật căn bản trong sự lệ thuộc giữa con người và các quốc gia với nhau. Dù có ý thức được hay không, mỗi người chúng ta là một con nợ đối với những người nam và người nữ mà chúng ta quen biết hay chẳng hề quen biết. Ta không thể ăn sáng mà không lệ thuộc vào hơn nửa phần nhân loại. Buổi sáng. khi thức dậy, bước vào phòng tắm, ta sử dụng miếng bọt biển lấy từ một hòn đảo thuộc Thái Bình Dương, cục savon được sản xuất bởi một người Pháp, chiếc khăn tắm bởi một người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngồi vào bàn ăn, ly cà phê được cung cấp bởi một người châu Mỹ Latinh, ly trà bởi một người Trung Quốc, ly cacao bởi một người châu Phi. Trước khi đi ra khỏi nhà để đi làm, ta đã là con nợ của hơn phân nửa nhân loại.
Theo một nghĩa rất thực, mọi cuộc sống là một chùm tương quan giữa người với người, giữa người này với người khác. Tất cả mọi người đều ở trong hệ tương quan hỗ tương này, đều liên kết với nhau trong cùng một vận mệnh chung. Điều trực tiếp làm tổn thương người này cũng gián tiếp làm tổn thương mọi người khác. Tôi không thể bao giờ trở thành điều tôi phải trở thành nếu các bạn không trở thành điều các bạn phải trở thành. Và các bạn không thể bao giờ trở thành điều các phạn phải trở thành, nếu tôi không trở thành điều tôi phải trở thành. Đây chính là hệ tương quan hỗ tương, nơi thực tại được hình thành.
"Người giàu có" đã không hiểu được điều này và đây chính là thảm kịch của đời ông. Ông nghĩ rằng ông có thể sống sung túc trong thế giới nhỏ bé, chật hẹp mà ông là trọng tâm. Ông là một con người sống theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Và, vì thế, mãi mãi ông là "kẻ ngu ngốc".
III
Đức Giêsu đã gọi "người giàu có" là "kẻ ngu ngốc" vì ông đã không ý thức được rằng ông lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ông suy nghĩ và nói như thể chính ông làm cho bốn mùa thay đổi, đất đai thêm phì nhiên, chính ông kiểm soát chu kỳ mặt trời mọc và lặn, mưa rơi và sương sa trên mặt đất, theo ý muốn của ông. Một cách vô ý thức, ông tưởng mình là Đấng Tạo Hóa, trong khi đó ông chỉ là một thụ tạo, không hơn không kém.
Xem con người là trọng tâm quả thật là điên rồ. Và sự điên rồ này đã tồn tại lâu dài và gây nhiều hậu quả tai hại torng lịch sử nhân loại. Một đôi khi sự điên rồ này được diễn tả rõ ràng và có hệ thống như trong chủ nghĩa duy vật, cho rằng thực tại có thể giải thích được bằng vận hành của vật chất, rằng sự sống chỉ là "một tiến trình sinh lý hướng tới một ý nghĩa sinh lý", rằng con người là một điều chóng qua trong vận hành mất phương hướng của các electron và proton, rằng tư duy con người là sản phẩm tạm thời của chất xám, và các biến cố lịch sử chỉ là tác động giữa vật chất và vận hành theo hướng tất yếu. Không dành một chỗ đứng cho Thiên Chúa hay các Ý tưởng vĩnh cửu, chủ nghĩa duy vật chống lại chủ nghĩa hữu thần cũng như chủ nghĩa duy tâm.
Tất nhiên, chủ nghĩa duy vật này dẫn đến bế tắc trong một thế giới thiếu vắng ý nghĩa, xét về mặt tinh thần. Tin rằng nhân cách con người chỉ là kết quả của một sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các nguyên tử và phân tử, thì cũng phi lý như tin rằng một con khỉ chỉ cần gõ hết phím này đến phím khác trên máy đánh chữ là có thể viết được một bi kịch của Shakespeare. Quả là chuyện kỳ quái! Đúng hơn phải nói như nhà vật lý Sir James Jeans rằng: "Hình như vũ trụ tỏ ra gần với một tư duy lớn hơn là một cỗ máy lớn", hay như triết gia Arthur Balfour rằng: "Giờ đây chúng ta biết quá rõ về vật chất để còn có thể là những người duy vật". Chủ nghĩa duy vật chỉ là một ngọn lửa heo hắt không đủ sức chống lại một tư duy chín chắn.
Cũng có một cố gắng khác để làm cho Thiên Chúa thành vô ích, đó là chủ nghĩa nhân bản vô thần - một chủ nghĩa thần thánh hóa con người, xem con người là thước đo mọi sự. Ngày nay, có nhiều người theo học thuyết này và họ nhất trí với J. J. Rousseau, rằng bản tính con người là tốt lành. Điều xấu xa chỉ ở trong các cơ cấu, và, nếu sự nghèo khó và ngu dốt không còn nữa, thì mọi sự sẽ nên hoàn hảo.
Thế kỷ XX đã bắt đầu với một thứ lạc quan như thế. Người ta tin rằng nền văn minh sẽ không ngừng tiến bộ và dẫn tới một thiên đàng trên mặt đất. Herbert Spencer đã khôn khéo nhào nặn thuyết tiến hóa của Darwin thành một ý thức hệ lệch lạc về tiến bộ. Người ta tin rằng xã hội sẽ tiến bộ theo một định luật tương tự như định luật vạn vật hấp dẫn trong lãnh vực vật lý.
Say men lạc quan, ngày nay con người lao mình vào công việc khám phá thiên nhiên và thu lượm được nhiều thành quả về mặt khoa học, phát triển các kỹ thuật khả dĩ tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi trái đất. Những gì khoa học kỹ thuật thực hiện được quả thật là kỳ diệu, cụ thể!
Tận mắt chứng kiến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, con người thời đại ngày nay đã có thể thốt lên:
"Khoa học là mục tử chăn dắt tôi,
Tôi sợ gì nguy hiểm, vì có Khoa học ở cùng!"
Từ nay khát vọng của con người không còn hướng về Thiên Chúa hay về trời nữa. Trái lại, con người chỉ nghĩ về con người và trái đất. Con người sáng tác một bản kinh nhại lại Kinh Lạy Cha: "Lạy anh em chúng ta ở dưới đất, nguyện danh chúng ta được cả sáng, triều đại chúng ta mau đến, ý chúng ta được thể hiện ở dưới đất này, vì đâu còn có trời nữa!". Những người trong quá khứ còn hướng về Thiên Chúa để tìm một lời giải đáp cho các vấn đề của mình, thì nay lại hướng về khoa học kỹ thuật, vì xác tín rằng bây giờ họ có trong tay các phương tiện cần thiết để xây dựng một xã hội mới.
Thế nhưng, huyền thoại này đã tan biến với cảnh hãi hùng ghê sợ khi hai trái bom nguyên tử nổ tại Nagasaki và Hiroshima, cùng với các trái bom khinh khí có sức mạnh tàn phá gấp bội. Giờ đây, ta nhận thấy rằng khoa học chỉ có thể cho ta một sức mạnh vật chất tàn phá vũ trụ này, nếu nó không được kiểm soát bởi một sức mạnh tinh thần. Những lời Alfred Le Grand nói vẫn còn đúng: "Sức mạnh chỉ là một điều tốt lành, nếu người có nó là một người tốt lành". Ta cần có một cái gì đó tốt hơn là khoa học, để nâng đỡ ta trong đời sống thiêng liêng và kiểm soát ta trong đời sống đạo đức. Được tinh thần của Thiên Chúa hướng dẫn, khoa học là một công cụ có khả năng dẫn con người tới một mức độ an toàn cao hơn. Không được tinh thần Thiên Chúa hướng dẫn, khoa học chỉ là một vũ khí gieo rắc chết chóc và hỗn loạn. Tại sao ta lại tự lừa dối mình về sự tiến bộ tất yếu và về khả năng con người có thể tự cứu được mình? Ta phải đưa tâm hồn và con mắt hướng tới các đỉnh cao từ đó sự cứu độ có thể đến được với ta. Lúc đó, và chỉ lúc đó, các thành quả khoa học hiện đại sẽ là một phúc lành thay vì là một tai họa.
Nếu ta không tuân phục Thiên Chúa, các cố gắng của ta chỉ tạo nên một đống tro tàn và bình minh cũng chỉ là tối tăm. Trừ khi tinh thần thâm nhập đời sống, ta chỉ cần tìm được điều mà G. K. Chesterton gọi là "những lời chúc dữ không chúc dữ, những lời chúc lành không chúc lành, những giải pháp không giải quyết vấn đề".
"Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu,
là sức mạnh của ta;
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ,
khi ta phải ngặt nghèo".
(Tv 45, 1)
Đáng tiếc là "người giàu có" đã không hiểu được điều này. Cũng như nhiều người trong thế kỷ XX này, ông quá bận rộn với các việc quan trọng cũng như với các việc tầm thường đến nỗi ông quên mất Thiên Chúa. Ông gán cho điều hữu hạn một giá trị vô hạn, xem một việc là hoàn tất khi nó vừa mới được khởi sự.
Khi "người giàu có" đã tích trữ cơ man nào là của cải, khi các kho lẫm của ông ta đã đầy ắp, và cung điện tráng lệ của ông làm mọi người phải trầm trồ, thì đó cũng là lúc ông trải qua kinh nghiệm mà mọi người phải trải qua: ông phải chết. Cái chết của ông vào thời điểm này làm tăng thêm tính bi thảm của câu chuyện. Nhưng giả như ông có sống lâu như ông Mathusalem thuở xưa, thì sự thật căn bản mà dụ ngôn muốn làm sáng tỏ vẫn y nguyên. Cho dù ông không chết về thể xác, nhưng tinh thần thì đã chết lâu rồi. Việc ông ngưng thở chỉ là dấu hiệu báo cho ta biết một cái chết đã xảy ra trước đó lâu rồi. Ông đã chết khi không còn biết phân biệt đâu là phương tiện và đâu là cùng đích của cuộc sống, khi ông quên mất rằng ông lệ thuộc vào người khác và vào Thiên Chúa.
Phải chăng "người giàu có" lại không phải là nền văn minh Phương Tây chúng ta? Giàu có về của cải vật chất, ta có những tiêu chuẩn đánh giá thành công gắn liền với lòng tham muốn vô độ. Các phương tiện làm cho ta sống quả thật là kỳ diệu. Tuy vậy, ta vẫn còn thiếu một cái gì đó. Ta đã bay lên trời như loài chim, lặn xuống biển như loài cá, nhưng lại không học cho biết nghệ thuật sống với nhau như những người anh em. Giàu sang phú quý đã không làm cho tinh thần được bình an, tâm hồn được thanh thản. Một nhà văn Phương Đông đã mô tả tình trạng của ta như sau:
"Quý vị nói rằng hàng ngàn máy móc làm việc cho quý vị, nhưng quý vị vẫn luôn bận rộn. Càng có nhiều máy móc, quý vị càng tỏ ra mệt mỏi, lo âu, bồn chồn, không bao giờ được thỏa mãn. Càng có nhiều, quý vị càng muốn có thêm. Có ở một nơi nào đi nữa, quý vị cũng muốn đi đến một nơi khác. Quý vị có một cái máy để khai thác tài nguyên, một cái máy để làm việc, một cái máy để chuyên chở, một cái máy để hút bụi, một cái máy để chuyển tải thông tin, để viết, để nói, để hát, để bầu cử, để may… Quý vị có hàng trăm cái máy để làm hàng trăm thứ việc cho quý vị… Nhưng quý vị vẫn là con người bận rộn nhất trên thế gian này. máy móc của quý vị không thể cứu được thời gian và linh hồn. Chúng chỉ thúc đẩy quý vị sáng chế ra nhiều máy móc hơn và làm việc nhiều hơn mà thôi!" (Abraham Mitrie Rilbany, "Những người khôn ngoan từ Đông đến Tây", 1922).
Bức tranh về nền văn minh Phương tây như được phác họa ở đây quả là đúng với sự thật. Ta không thể dễ dàng bỏ qua những lời này và xem đây là những lời phóng đại của một tư tưởng gia Phương Đông bày tỏ thái độ ganh tị của mình đối với sự phồn vinh của Phương Tây. Ta không thể tránh né những lời kết án này. Các phương tiện nhờ đó ta sống đã vượt quá xa các cùng đích của cuộc sống mà ta nhắm tới. Sức mạnh khoa học đã bỏ lại rất xa phía sau sức mạnh thiêng liêng. ta có nhiều hỏa tiễn được hướng dẫn tốt nhưng lại có quá nhiều con người được hướng dẫn xấu. Như "người giàu có" thuở xưa, trong cuộc sống, ta đã làm nhiều điều điên rồ sau đây: thu hẹp nội giới tới mức tối thiểu và mở rộng ngoại giới đến mức tối đa. Ta đã làm tan biến sự sống trong phong cách sống. Thế hệ chúng ta sẽ không tìm được sự bình an, nếu ta không học biết rằng mạng sống con người không bảo đảm bởi của cải, dù có dư thừa chăng nữa, mà bởi những kho tàng thiêng liêng trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt không đục phá (x. Lc 12, 33).
Ta hy vọng có được một cuộc sống sáng tạo, vì ta có khả năng lặp lại thế quân bình giữa cùng đích và phương tiện nơi bản thân mỗi người và trong xã hội. Nếu ta không khơi dậy và phát huy đời sống thiêng liêng và tinh thần, thì ta sẽ tự hủy diệt mình bằng các công cụ mà ta đã làm ra. Thế hệ chúng ta không thể tránh né câu hỏi mà Chúa chúng ta đã đặt ra: Có được tất cả mọi của cải thuộc ngoại giới (phi cơ, đèn điện, xe hơi, tivi màu,…) mà mất đi thực tại căn bản thuộc nội giới, tức là linh hồn, thì nào được ích gì? (1)
Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.77-88
__________________
Chú thích:
(1) Martin Luther Kinh: "L' homme insensé" trong "La Force d' aimer", Casterman, Paris, 1965, trg.89-99. Tóm tắt.
* Bài liên quan: