Dũng mạnh để yêu thương (8)
Sự dữ phơi thây trên bờ biển
"Israel thấy quân Ai Cập phơi thây trên bờ biển…"
(Xh 14, 30)
Có điều gì hiển nhiên hơn sự dữ trong vũ trụ? Như con bạch tuộc, sự dữ vươn vòi đến mọi mặt của cuộc sống con người. Ta có thể tranh luận về nguồn gốc sự dữ. Còn về thực tại sự dữ thì chỉ những người lạc quan giả tạo mới dám tranh luận, Sự dữ là một sự kiện, trầm trọng và có thực trước mắt chúng ta.
Sách Thánh khẳng định rõ ràng thực tại sự dữ khi dùng biểu tượng con rắn để mô tả hành động xảo trá gieo rắc bất hòa trong bản hòa tấu nhịp nhàng là cuộc sống con người trong thửa vườn. Sách Thánh cũng tố cáo sự bất công dai dẳng và sự giả hình khả ố, đồng thời vẽ nên bức tranh bi thảm của một đám đông dân chúng lầm lạc khi họ đóng đinh trên thập giá Con Người quí báu nhất trên thế gian này giữa hai tên trộm cướp. Điều Sách Thánh nói về sự dữ quả rõ ràng, trong suốt như pha lê, Đức Giêsu không bỏ qua thực tại sự dữ. Mặc dù không bao giờ giải thích sự dữ về mặt thần học, nhưng Người không bao giờ biện minh cho sự dữ. Trong dụ ngôn, cỏ lùng, Đức Giêsu gọi cỏ lùng là cỏ lùng chứ không phải là ảo ảnh hay lầm lạc của con người phải chết. Được gieo vào ruộng lúa bởi Satan hay bởi lạm dụng sự tự do của mình, cỏ lùng luôn gây nên tai họa và dẫn đến sự chết. Về cỏ lùng Đức Giêsu nói đại khái như sau: "Tôi không tìm cách giải thích nguồn gốc của cỏ lùng, nhưng kẻ thù đã gieo chúng vào ruộng lúa". Người nhìn nhận rằng sức mạnh của sự dữ cũng có sự thật như sức mạnh của sự lành.
Trong cánh đồng rộng lớn của cuộc đời hằng ngày, ta nhận thấy sự dữ trong các chiều kích đáng sợ của nó: trong lòng ham muốn vô độ, trong tính ích kỷ làm mất đi trật tự hài hòa; khi con người sẵn sàng hy sinh sự thật để bảo vệ quyền lợi riêng tư, khi các đế quốc cầm giữ các dân tộc khác trong bất công xã hội, khi chiến tranh bùng nổ, gây điêu tàn đổ nát, làm cho con người và các quốc gia phải chịu thiệt thòi về vật chất cũng như tinh thần.
Theo một cách hiểu, lịch sử con người là lịch sử của cuộc chiến sự dữ và sự lành. Tất cả các tôn giáo lớn đều nhìn nhận rằng có một sự giằng co ngay trong lòng vũ trụ. Theo Ấn Độ giáo, một cuộc chiến giữa thần ánh sáng và thần bóng tối; theo Do Thái giáo và Kitô giáo, một cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Satan. Mọi người cảm nhận được rằng trong sức mạnh của điều lành hướng con người đi lên có sức mạnh của điều dữ kéo con người đi xuống.
Kitô giáo khẳng định rằng, trong cuộc chiến trường kỳ giữa sự lành và sự dữ, sự lành sẽ toàn thắng. Cuối cùng, sự dữ sẽ bị tiêu diệt bởi sức mạnh không gì thắng nổi của sự lành. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh phải dẫn tới khúc ca khải hoàn của ngày lễ Phục sinh. Cỏ lùng có thể bóp nghẹt lúa non trong một thời gian, nhưng đến mùa gặt, cỏ lùng sẽ được gom lại và đốt đi. César ở trong cung điện, còn Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng chính Đức Giêsu này lại phân chia lịch sử nhân loại thành hai phần: trước và sau Đức Giêsu, và, cuối cùng, người ta đã dùng danh Đức Giêsu để xác định niên đại của triều đại César trong lịch sử. Trong Sách Thánh, tôn giáo đã xác nhận điều William Cullen Bryant khẳng định: "Sự thật có ngã xuống thì rồi cũng sẽ trỗi dậy!". Cũng như điều Thomas Carlyle viết: "Không có điều dối trá nào có thể được nói lên và thực hiện, hoặc có thể quay trở lại sau một chu kỳ ngắn hay dài, mà lại không nhận được câu trả lời: Không có hiệu quả nào cả".
I
Lịch sử dân tộc Do Thái là một bằng chứng hùng hồn về sự thật này. Khi con cái Israel phải làm nô lệ người Ai Cập, thì Ai Cập là biểu tượng dự dữ, dưới hình thức một sự đàn áp tàn bạo, một sự bốc lột không nương tay, một sự thống trị hà khắc; còn Israel là biểu tượng của sự lành, dưới hình thức một sự tôn thờ và thần phục Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacóp. Ai Cập chiến đấu để duy trì ách nô lệ. Còn Israel chiến đấu để dành lại tự do. Vua Pharaô nhất mực từ chối lời yêu cầu của Môsê, ngay cả khi hết tai họa này đến tai họa khác ập xuống trên thần dân và vương quốc. Sự kiện này nhấn mạnh điều mà ta không bao giờ được phép quên: sự dữ luôn dai dẳng, ngoan cố, không dễ dàng buông tha, nếu không bị chống lại một cách mãnh liệt, gần như cuồng tín. Nhưng nơi nơi, người ta cũng nhận thấy rằng sự dữ không có khả năng tổ chức một cuộc cầm cự lâu dài. Vì thế, sau một cuộc chiến trường kỳ gian khổ, người Israel, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đã vượt qua Biển Đỏ. Nhưng, như những vệ binh thiện chiến không bao giờ đầu hàng, thì người Ai Cập cũng đã có một cố gắng gần như tuyệt vọng để ngăn cản người Israel ra đi, và đã đưa quân đuổi theo họ trong lòng Biển Đỏ. Khi người Ai Cập đi vào lòng biển, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu liền ập xuống vùi lấp toàn thể quân lực vua Pharaô. Người Israel quay lại nhìn bờ bên kia thì chỉ thấy quân Ai Cập phơi thây trên bờ biển. Đối với người Israel, đây là một thời điểm trọng đại, chấm dứt một giai đoạn bi thảm của lịch sử họ, là một buổi sáng tươi đẹp chấm dứt đêm tối của cuộc lưu đày. Ý nghĩa của biến cố này không phải việc người Ai Cập bị tiêu diệt, vì không một ai lại có thể vui mừng khi thấy một con người phải chết hay thất bại. Biến cố này là biểu tượng nói lên sự tiêu diệt của sự dữ, sự chấm dứt của sự đàn áp vô nhân đạo, của sự bốc lột tấn công.
Người Ai Cập phơi thây trên bờ biển nhắc ta nhớ lại rằng ngay cả thiên nhiên trong vũ trụ cũng góp sức với sự lành trong cuộc chiến chống lại sự dữ. Tân Ước nói rất đúng: "Ngay lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là sự bình an và công chính" (Dt 12, 11). Vua Pharaô đàn áp dân Israel, nhưng sau đó…! Quan Philatô chiều ý dân chúng và trao Đức Giêsu cho quân lính đóng đinh vào thập giá, nhưng sau đó...! Những Kitô hữu tiên khởi bị quẳng vào thao trường cho thú dữ cắn xé, nhưng sau đó…! Có cái gì đó trong vũ trụ này chứng thực điều Shakespeare nói:
"Có một thần minh
đang uốn nắn các cùng đích chúng ta
sao cho hợp với ý định
và khuôn mẫu của mình"
(Hamlet V, 2)
Hay điều Lowell nói:
"Sự dữ tràn lan thật đấy,
nhưng Sự Thật mới là mạnh hơn!"
Hay điều Tennyson nói:
"Tôi chỉ có thể tin rằng
cuối cùng điều lành sẽ đến với mọi người,
dù bây giờ còn xa xăm:
và mỗi mùa đông sẽ biến thành mùa xuân".
II
Sự thật mà Sách Thánh nói đến trên đây cũng xuất hiện trong cuộc chiến ngày nay giữa điều lành dưới hình thức tự do và công lý, và sự dữ dưới hình thức đán áp và thực dân. Trong số ba tỷ người sống trên mặt đất, hơn hai tỷ người - nghĩa là đa số nhân loại - sống tại châu Á và châu Phi. Khoảng hai mươi năm trước đây, đa số các dân tộc châu Á và châu Phi sống dưới chế độ thực dân, bị đàn áp về chính trị, bốc lột về kinh tế, phân biệt về chủng tộc và miệt thị bởi những cuồng quốc ngoại bang. Trong nhiều năm, các dân tộc này đã chống lại các bất công trầm trọng. Mỗi miền thuộc hai châu lục này đều có một Môsê can đảm đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình. Trong hơn hai thập niên Mahatma Gandhi đã lớn tiếng yêu cầu phó vương, toàn quyền, thủ tướng và vua chúa nước Anh để cho dân tộc ông "lên đường ra đi". Và cũng như vua Pharaô thuở xưa, các nhà cầm quyền nước Anh đã bỏ ngoài tai lời yêu cầu thống thiết này. Khi Mahatma Gandhi yêu cầu Sir Winston Churchill trả độc lập cho Ấn Độ, ông đã nhận được câu trả lời như sau: "Tôi không trở thành Thủ tướng của Hoàng đế để làm cho đế quốc phải tan rã". Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa hai thế lực - giữa thế lực thực dân và các dân tộc châu Á và châu Phi - đã là một cuộc chiến đấu quan trọng nhất và gây go nhất trong thế kỷ XX này.
Mặc dầu các đế quốc thực dân ngoan cố chống trả, nhưng sức mạnh của công lý và nhân phẩm đã từng bước giành được thắng lợi. Hai mươi lăm năm trước đây, chỉ có ba quốc gia độc lập trên khắp câu Phi; còn bây giờ thì có tới ba mươi hai. Mười lăm năm trước đây, đế quốc Anh thống trị hơn 650 triệu người châu Á và châu Phi; bây giờ con số này chỉ còn lại trên dưới 60 triệu. Biển Đỏ đã mở ra. Các người châu Á và châu Phi bị đàn áp đã giành lại được tự do từ Ai Cập tức là từ chế độ thực dân, và đang tiến tới đất hứa, tức là từ một nền kinh tế và văn hóa ổn định. Các dân tộc này cũng đã nhìn thấy chế độ thực dân phơi thây trên bờ biển.
Tại nước Mỹ, trong cuộc đấu tranh giành tự do và công lý, chúng ta cũng đang nhìn thấy sự dữ "phơi thay trên bờ biển". Năm 1619, người da đen bị bắt và dẫn từ châu Phi sang châu Mỹ. Suốt hai thế kỷ, châu Phi bị cướp bóc, các vương quốc tan rã, các bộ lạc và các người lãnh đạo mất tinh thần. Tại nước Mỹ, người da đen chỉ là một mắt xích trong cỗ máy to lớn tại các đồn điền. Nhưng cũng có những người ý thức được rằng một hệ thống bốc lột con người như thế quả thật là điều nghịch lý tại một quốc gia được thành lập theo nguyên lý cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Năm 1820, sáu năm trước khi chết, Thomas Jefferson đã viết những lời sầu muộn này:
"Vấn đề quan trọng này làm tôi phải sợ hãi, như một hồi chuông báo động trong đêm tối… Thế hệ 1776 đã chấp nhận hy sinh để quốc gia này được độc lập và hạnh phúc. Nhưng tôi e rằng các hy sinh này đang bị lãng phí… Điều duy nhất an ủi tôi là tôi không còn sống nữa để phải than khóc…"
Cùng với Jefferson, có nhiều người chống lại chế độ nô lệ. Họ đã sáng suốt nhận thấy rằng một chế độ như thế chỉ có thể làm mất nhân phẩm của người chủ da trắng cũng như của người nô lệ da đen.
Rồi đến ngày Abraham Lincoln cương quyết đối phó dứt điểm với vấn đề này. Ông viết: "Trả tự do cho người nô lệ là bảo đảm tự do cho người tự do… Trả tự do cũng cao quý như bảo đảm tự do vậy". Dựa trên nền tảng này, Abraham Lincoln đã ký sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ. Sắc lệnh này có một ý nghĩa to lớn, như Féderic Douglass đã nhận định: "Chắc chắn ngày 01 tháng 01 năm 1863 sẽ là ngày đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 04 tháng 07 là ngày đáng ghi nhớ, nhưng ngày 01 tháng 01 còn đáng ghi nhớ gấp bội, xét về các hậu quả mà nó đem lại. Ngày 04 tháng 07 liên quan đến một quốc gia được khai sinh về mặt chính trị; ngày 01 tháng 01 liên quan đến đời sống và nét đặc trưng của quốc gia này và sẽ quyết định xem chúng sẽ rực sáng vinh quang hay sẽ mãi mãi rơi vào tối tăm ô nhục".
Thế nhưng, sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ đã không đem lại tự do trọn vẹn cho người da đen. Đành rằng, trong thời gian tái thiết quốc gia, họ được hưởng một số quyền lợi chính trị và xã hội nào đó. Nhưng họ mau chóng nhận ra rằng các Pharaô miền Nam cương quyết cầm giữ họ dưới ách nô lệ. Sắc lệnh đã đưa họ đến Biển Đỏ nhưng đã không bảo đảm cho họ đi vào lòng biển khô cạn. Các Pharaô miền Nam dữa vào một phán quyết của tòa án Tối Cao nước Mỹ để duy trì bất công và phân biệt chủng tộc bằng mọi thủ đoạn. Có hơn một Môsê đã lên tiếng yêu cầu, nhưng họ vẫn từ chối để cho người da đen ra đi.
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi to lớn. Một phán quyết mới của Tòa Án Tối Cao hủy bỏ phán quyết năm 1896 và "khiến biển hóa thành đất khô" để con cái sự công chính qua bờ bên kia ráo chân. Theo phán quyết của Tòa Án Cối Cao, sự phân biệt trong các dịch vụ công cộng là bất công xét về thực chất, và việc phân biệt một đứa trẻ dựa trên sắc tộc tức là tước mất quyền của đứa trẻ đó được hưởng một sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Phán quyết này là một nguồn ánh sáng đem lại hy vọng cho hàng triệu người phải chịu thiệt thòi. Nhìn lại phía sau, chúng ta thấy các thế lực phân biệt chủng tộc đang từ từ "phơi thay trên bờ biển". Thế nhưng không phải vì vậy mà mọi vấn đề đã được giải quyết dứt điểm. Trên đường đi, còn có rất nhiều thế lực chống đối. Nhưng ít ra, chúng ta đã rời bỏ Ai Cập và, với một quyết tâm kiên cường, chúng ta tiến vào đất hứa. Sự dữ dưới hình thức bất công và bốc lột không thể tồn tại mãi trong lịch sử. Một lối đi trong lòng Biển Đỏ khô cạn dẫn con cái của sự lành tiến đến thắng lợi, và nước ập xuống nói lên sự tan rã của các thế lực của sự dữ.
Tất cả những điều này cho thấy rằng sự dữ mang nơi mình mầm mống hủy diệt chính mình. Trong cuộc chiến trường kỳ, sự lành bị đánh bại luôn tỏ ra mạnh hơn sự dữ đang thắng thế. Người ta đã hỏi sử gia Charles A. Beard đâu là bài học lớn mà lịch sử đã để lại. Ông trả lời như sau: "Thứ nhất, khi muốn tiêu diệt người nào thì các thần minh dùng quyền lực mà làm cho con người đó thành một "thằng điên". Thứ hai, các cối xay bột của Thiên Chúa xay chậm nhưng cho bột mịn. Thứ ba, con ong rút mật hoa nhưng lại làm cho hoa thụ phấn. Thứ tư, đêm có tối thì ta mới nhìn thấy được các vì sao".
Đây không phải là những lời lẽ của một nhà giảng thuyết nhưng là những kết luận của một sử gia dày công nghiên cứu lịch sử để có thể kết luận rằng sự dữ luôn hướng về sự tự hủy diệt mình. Sự dữ có thể kéo dài trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng cũng đạt tới các giới hạn của nó. Trong vũ trụ, có cái gì đó mà thần thoại Hy Lạp gọi là thần Némésis - vị thần báo oán, trừng phạt các bất công thái quá.
III
Ở đây, ta cần phải cảnh giác để khỏi rơi vào một thứ lạc quan giả tạo và để không vội vàng kết luận rằng một sự dữ cá biệt chấm dứt là tất cả mọi sự dữ phơi thây trên bờ biển. Mọi tiến bộ đều mong manh. Và khi giải quyết xong vấn đề, đó là lúc ta phải đối phó với một vấn đề khác. Xét như là một thực tại phổ quát, triều đại Thiên Chúa chưa được thiết lập vì tội lỗi vẫn còn đó, ở mọi mức độ của cuộc sống con người. Một bạo chúa ngã gục, thì lại xuất hiện một bạo chúa khác.
Nhưng nếu ta phải tránh để khỏi lạc quan giả tạo, thì ta cũng không được phép có một thái độ bi quan khả dĩ làm ta tê liệt. Mặc dù mọi tiến bộ đều mong manh, nhưng trong những giới hạn nào đó, một tiến bộ xã hội đích thực có thể thực hiện được. Trong cuộc lữ hành trần thế, con người không bao giờ đạt tới đích điểm ở đời này, nhưng các cố gắng trường kỳ của ta có thể đưa con người ngày càng tiến gần hơn tới thành đô là nơi Thiên Chúa ngự trị. Triều đại Thiên Chúa chưa thể được thiết lập trong lịch sử như một thực tại phổ quát, nhưng triều đại đó lại hiện hữu trong hiện tại dưới những hình thức riêng rẽ như phé phán, dấn thân, hay cuộc sống của một số tập thể con người. "Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông" (Lc 17, 21).
Nhất là ta phải luôn nhớ rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử. Thiên Chúa không ở ngoài thế giới, nhìn thế giới từ xa, với thái độ dửng dưng lạnh lùng. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống, Thiên Chúa đang chiến đấu cùng với chúng ta. Như một người Cha đầy lòng yêu thương, Thiên Chúa luôn hoạt động trong lịch sử để giải thoát con cái mình. Khi ta chiến đấu chống lại các sức mạnh của sự dữ, thì Người có mặt và chiến đấu bên cạnh ta. Sự dữ phơi thây trên bờ biển, không phải vì con người tập trung sức lực chống lại nó, nhưng vì Thiên Chúa toàn thắng có thể đánh tan sự dữ.
Thế thì tại sao Thiên Chúa lại tỏ chậm chạp trong cuộc chiến chống lại các sức mạnh sự dữ? Tại sao Thiên Chúa lại để cho Hitler giết chết hơn sáu triệu người Do Thái? Cho chế độ nô lệ tồn tại tại nước Mỹ hơn hai trăm bốn chục năm? Cho các băng nhóm khát máu giết hại tùy thích người da đen, đàn ông cũng như đàn bà hay nhận chìm người da đen xuống sông, con trai cũng như con gái? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp để đạp tan ý đồ xấu xa của quân gian ác?
Tôi không dám chắc là tôi hiểu hết mọi đường lối của Thiên Chúa cũng như lịch trình của Người trong cuộc chiến chống lại sự dữ. Có lẽ, nếu Thiên Chúa tiêu diệt sự dữ một cách vũ bão như ta mong muốn, thì ý định của Người cũng vì thế mà tiêu tan. Ta là những con người có trách nhiệm, chứ đâu phải là những người máy mù quáng; những nhân vị chứ đâu phải là những rôbô. Khi ban cho ta sự tự do, Thiên Chúa đã tự bỏ một phần quyền năng tuyệt đối của Người và chấp nhận một số giới hạn. Nếu con cái Thiên Chúa được tự do, thì họ phải thực thi ý muốn của Người bằng một sự lựa chọn tự do. Vì thế Thiên Chúa không thể áp đặt ý muốn của mình cho con cái, đồng thời lại đuổi theo mục đích mà Người đề ra về con người. Nếu Thiên Chúa dùng quyền năng tuyệt đối của Người mà làm tiêu tan mục đích đã được đề ra, thì Thiên Chúa chứng tỏ Người yếu đuối hơn là quyền năng. Quyền năng là khả năng đạt tới mục đích; hành động mà không đạt được mục đích chính là yếu đuối vậy.
Thiên Chúa từ chối chống lại sự dữ một cách có hiệu quả trực tiếp. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa không làm gì. Tuy là những con người yếu đuối và giới hạn, nhưng chúng ta không đơn độc trong cuộc đấu tranh cho Công Lý. Như Matthew Arnold đã nói: "Chính là một sức mạnh trường tồn chứ không phải chúng ta, đang tiến tới Công Lý".
Ta cũng phải nhớ rằng Thiên Chúa không quên con cái của Người. Thiên Chúa ban cho ta sức mạnh tinh thần để gánh chịu các bất hạnh của cuộc sống. Nếu ta đang bị áp bức tại một Ai Cập tối tăm nào đó, thì Thiên Chúa là ánh sáng chỉ đường cho ta tiến tới. Nếu niềm hy vọng sút giảm và niềm tin lung lay nơi ta, thì Thiên Chúa làm cho ta thêm mạnh sức can đảm. Thiên Chúa ở với ta không chỉ khi mặt trời đúng ngọ và còn trong đêm tối dày đặc, không chỉ trong thành công mà còn trong thất bại.
Chúng tôi đã có dịp viếng thăm bang Kerela ở cực nam Ấn Độ. Một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi đến bãi biển Cap Comorin, thường được gọi là "nơi tận cùng của thế giới", vì đây là mũi đất cuối cùng của lục địa Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương. Trước mắt chúng tôi là đại dương mênh mông, với các đợt sóng nhấp nhô. Nơi đây được gọi là "điểm hẹn" của ba biển cả: Ấn Độ Dương, biển Ảrập và vịnh Bengal. Ngồi trên tảng đá nhô ra trên mặt nước, chúng tôi cảm thấy mình bị cuốn hút vào biển cả mênh mông. Trong khi các đợt sóng dồn dập đập vào mỏm đá, tạo nên một bản nhạc nhịp nhàng, thì, về phía tây, chúng tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói chang dần dần đi vào biển cả. Khi mặt trời gần khuất, vợ tôi đánh động tôi và nói: "Xem kìa, Martin, thật là tuyệt vời, phải không?" Tôi đưa mắt nhìn chung quang và kìa mặt trăng đang từ từ đi lên khỏi mặt biển trong khi mặt trời từ từ đdi vào lòng biển. Khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm mặt đất, nhưng, từ phía đông, mặt trăng mọc lên, rực rỡ, sáng chói.
Tôi nói với vợ tôi: "Cảnh tượng này cũng giống như điều thường xảy ra torng cuộc sống". Chúng ta trải qua nhiều kinh nghiệm, trong đó ánh sáng mặt trời tắt dần và dìm ta vào trong bóng tối dày đặc. Trong những thời điểm này, ta nhìn thấy các niềm hy vọng to lớn biến thành thất vọng nặng nề, ta chỉ là những nạn nhân của bất công và bóc lột. Và ta nghĩ rằng chẳng bao giờ ta lại nhìn thấy ánh sáng. Nhưng, mỗi lần như vậy, ta nhìn về phía đông và ta thấy một ánh sáng khác rực rỡ huy hoàng ngay trong đêm tối. Và đêm đen lại sáng tỏ như ban ngày.
Chúng ta sẽ không thể nào sống được trong thế giới này, nếu Thiên Chúa chỉ dựng nên một ánh sáng. Nhưng, tạ ơn Thiên Chúa, Người đã dựng nên hai ánh sáng: một ánh sáng để hướng dẫn ta ban ngày, khi các ước mơ trở thành hiện thực và mọi sự thuận buồm xuôi gió; và một ánh sáng để hướng dẫn ta ban đêm, khi ta gặp chống đối tư bề và thất vọng lại trổi dậy trong chúng ta như con mãnh thú đưa ta tới chỗ diệt vong. Theo kinh nghiệm của tác giả thánh vịnh, ta không bao giờ phải bước đi trong tối tăm:
"Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài
lẫn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
Con tự nhủ: "Ước gì bóng tối bao phủ tôi
và ánh sáng quanh tôi trở thành đêm tối!
Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt,
và đêm đen sáng tỏ như ban ngày,
bóng tối và ánh sáng cũng như nhau".
(Tv 138,7-12)
Niềm tin này sẽ nâng đỡ ta trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức sự dữ tồn tại tại một Ai Cập nào đó. Niềm tin này sẽ là ngọn đèn dẫn lối ta đi con đường gập ghềnh. Không có niềm tin này, các ước mơ tốt đẹp nhất của con người cũng chỉ là cát bụi mà thôi.
Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.89-101
__________________
Chú thích:
(1) Martin Luther King, "La mort du mal ser le rivage de la mer", trong "La Force d'aimer", Ed. Casterman , 1965, trang 101-113. Tóm tắt.
* Bài liên quan: