Nghĩ về chữ lễ trong câu đối của một nhà giáo xưa

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3588 | Cật nhập lần cuối: 2/10/2017 6:39:55 AM | RSS

Cuối năm 2014, sau khi hoàn thành sách về “Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương” – Giáo tông Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, tôi lại vinh hạnh được Thượng Hội và Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên mời làm đồng chủ biên công trình biên khảo, về “Ba vị Giáo tông của nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên”

Trong những chuyến đi cùng chức sắc Hội thánh tìm tư liệu tại các tỉnh thành, tôi có dịp hiểu thêm về cuộc đời và đạo nghiệp của 3 người Anh Cả (Phan Văn Tòng, Nguyễn Bửu Tài, Đặng Văn Huẩn). Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh ngộ Đạo, tu hành và hành Đạo khác nhau, nhưng đã đọng lại trong tôi những cảm nhận sâu sắc về 3 vị Giáo tông cả đời kính Đạo, trọng đời và chan chứa trong tâm một tình yêu thương đồng bào, đất nước. 3 người Anh Cả của nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên xứng đáng được tôn kính như những bậc chân tu, vì đã thấu suốt mọi lẽ huyền vi trong càn khôn vũ trụ, trở thành những con người của muôn thưở, muôn phương, đạt đạo và đắc pháp.

Trong nhiều sự kiện được ghi nhận từ những chuyến đi, tôi vẫn hay suy ngẫm đôi câu đối mà Đức Nguyễn Bửu Tài đã khắc trước cổng nhà mình vào năm 1910, khi Ngài còn là giáo viên và chưa nhập môn vào Đạo Cao Đài.

Đức Nguyễn Bửu Tài sinh năm Tân Tỵ (1881), tại làng Tân Hào – tổng Bảo Phước – tỉnh Bến Tre (nay là xã Tân Hào – huyện Giồng Trôm – tỉnh Bến Tre), trong một gia đình có truyền thống đạo đức. Cha và ông Nội Ngài đều có chức vị trong xã hội, nhưng lại có tiếng nhân đức, thường hay giúp đỡ dân nghèo và nhất là những người trong cơn hoạn nạn.

Thưở nhỏ, Ngài Nguyễn Bửu Tài nổi tiếng là người sáng dạ, học giỏi ở làng. Sau khi học hết bậc Tiểu học theo chương trình Pháp – Việt, Ngài thi đỗ vào trường Sư phạm Gia Định. Năm 1904, Ngài ra trường với tấm bằng loại ưu (đứng thứ 3 trong khóa học), rồi được Nha Học chính Đông Pháp điều về dạy bậc tiểu học ở Cần Thơ, Mỹ Tho. Đến năm 1907, Ngài xin về dạy học tại Bến Tre.

Sinh ra trong thời buổi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, cũng như bao sĩ phu và trí thức yêu nước cùng thời, Ngài luôn thấu hiểu thế nào là nỗi khổ nhục của người dân chịu cảnh đời nô lệ.

Là nhà Nho, đồng thời là một trí thức Tây học, nên Ngài nhìn rất rõ mặt trái của công cuộc khai phá thuộc địa, cũng như sự nô dịch về văn hóa mà thực dân Pháp đã áp đặt lên một đất nước có chủ quyền. Sự vơ vét, bóc lột về kinh tế có thể nhìn thấy qua sự cùng khổ của người dân, nhưng những nọc độc và bao tệ nạn như: thuốc phiện, cờ bạc, mại dâm, rượu chè…(nhà cầm quyền thực dân cổ xúy để vừa thủ tiêu ý chí phản kháng của người dân, vừa tận thu những đồng tiền thuế vô cùng tàn ác), thì như một loại kẻ thù giấu mặt. Tệ nạn đã đẩy biết bao gia đình vào bi kịch, làm suy thoái giống nòi, vấy bẩn thuần phong mỹ tục và làm băng hoại đạo đức xã hội một cách thật đáng sợ.

Đức Nguyễn Bửu Tài cho rằng giữa lúc những thói tật đang bao trùm lên xã hội, giữa một đời sống mà đạo đức đang điên đảo, suy đồi, nội tâm con người hoang tàn, giá lạnh… thì việc nuôi dưỡng đạo đức trong mỗi con người, để đủ sức tự vượt qua những cạm bẫy đang bủa giăng khắp chốn đã trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.

Như là sự tự nguyện nhận lấy trách nhiệm trước cuộc đời, nên ngay từ khi bước lên bục giảng và trong suốt quãng đời dạy học của mình, ngoài việc truyền trao kiến thức, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã cần mẫn khai tâm cho bao lớp học trò những đạo lý cao thâm về tứ trọng ân, về tam cang – ngũ thường, luật nhân quả…, với mong mỏi học trò của mình sẽ trở thành chánh nhân quân tử, sống cho ra con người thực sự. Bởi theo nhà giáo Nguyễn Bửu Tài, kiến thức thì giúp mở mang trí khôn, nhưng đạo đức mới là gốc, mới làm nên giá trị chân chính của con người và xã hội.

Dạy học trò của mình những đạo lý cao thâm về tứ trọng ân, về tam cang – ngũ thường, luật nhân quả…, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã thực hành theo một luận đề bất hủ của Nho gia, ấy là: “Một người biết đạo thì xã hội bớt đi một điều xấu xa. Chúng sanh biết đạo thì thiên hạ thái bình” (2)

*

Rồi như một “tuyên ngôn” cô đọng trước cuộc đời, năm 1910, khi xây dựng ngôi nhà mới, tại xóm Nhà Đèn trong nội ô tỉnh lỵ (nay thuộc phường 3 – TP Bến Tre), nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã khắc đôi câu đối ngay trước cổng:

“Ra cửa dạy trò văn hóa mới
Vào nhà dạy trẻ lễ nghi xưa”

Đây là một tự bạch vắn tắt về tư tưởng, quan điểm tác nghiệp của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài; đồng thời, còn là tâm tình cháy bỏng gửi đến các đồng nghiệp về bổn phận làm thầy trong công việc “trồng người”, với kỳ vọng đào tạo nên những con người hữu ích cho quê hương, đất nước.

Lời lẽ trong câu đối tuy mộc mạc, nhưng về phương diện ngữ nghĩa thì đa diện, đa tầng, chứa đựng nhiều hàm ý rất sâu xa. Chỉ với 2 câu đối, vỏn vẹn 14 từ, nhưng đã biểu lộ cả một hoài bão lớn. Qua 2 vế đối, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã chỉ ra được phương cách cụ thể để đạt đến mục đích, là thông qua giáo dục (bằng văn hóa mới và lễ nghi xưa) sẽ tạo ra những con người vừa có học thức và vừa có đạo đức.

Cấu trúc của câu đối được đặt trên 2 cặp khái niệm, chỉ không gian (ra cửa – vào nhà) và tính chất, nội dung (văn hóa mới – lễ nghi xưa).

Do những ràng buộc về niêm luật, nên khái niệm “ra cửa” trong vế “Ra cửa dạy trò văn hóa mới” chỉ mang tính ước lệ, ý nằm ngoài câu chữ (ý tại ngôn ngoại). Ở đây, không gian của người thầy chính là trường học, lớp học.

Ai cũng hiểu rằng khi đưa trẻ đến trường, các bậc phụ huynh luôn mong con em mình được mở mang tầm hiểu biết. Tầm hiểu biết sẽ được thầy cô truyền thụ qua những kiến thức về lịch sử, địa lý, khoa học, tự nhiên – xã hội… và kiến thức sẽ lớn dần theo từng cấp học.

Song, ý nghĩa về “văn hóa mới” của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài chưa dừng lại ở đây. Theo Ngài, ngoài việc chỉ dạy cho học trò mình chữ nghĩa, tri thức (trí dục), người thầy còn phải dạy những điều hay lẽ phải, dạy về đạo làm người (đức dục)… Đó là những giá trị về Chân – Thiện – Mỹ, là luân lý và thuần phong mỹ tục của ông cha.

Những giá trị cao trọng đó tuy đã hình thành từ hàng ngàn năm và không mới đối với các nhà Nho, nhưng lại rất mới với các học trò, chưa từng được học.

Các nhà nghiên cứu văn hóa từ cổ chí kim đã từng đúc kết: Văn hóa luôn thuộc về con người, của con người – là chất người, tính người trong mỗi con người. Do vậy, người thầy dạy về văn hóa mới là đem những “hạt giống” Chân – Thiện – Mỹ, luân lý, thuần phong mỹ tục gieo vào tâm trí của học trò, giúp các em nhận ra những “khuôn vàng thước ngọc” cần noi theo, để hoàn thiện nhân cách sống, sao cho đúng mực.

Khi thiên lương vốn có được đánh thức, thì sự ô uế và những tha hóa của xã hội đương thời sẽ khó lòng xâm nhập được. Khi ấy, văn hóa sẽ hóa thành tấm áo giáp, thành lá chắn bảo vệ con người, trước những điều bất thiện.

Nếu xem “Ra cửa dạy trò văn hóa mới” là hướng ngoại, thì “Vào nhà dạy trẻ lễ nghi xưa” là chiều ngược lại, hướng vào mỗi gia đình và nội tâm của mỗi con người. Tương tự như “ra cửa”, “vào nhà” cũng không thể hiểu theo nghĩa đen. Ở đây, ý nói không gian của mỗi gia đình và trong nội tâm của mỗi con người, phải lấy lễ nghi làm chuẩn mực, để “giám sát” và uốn nắn mọi suy nghĩ, hành vi, nhằm giúp mỗi người sống có đạo đức, biết giữ gìn nền nếp của gia đình (gia quy).

Nhưng, vì sao nhà giáo Nguyễn Bửu Tài lại đặt ra vấn đề giáo dục “văn hóa mới” phải tiến hành song song với việc dạy “lễ nghi xưa”? Và lễ nghi là gì?...

Sách Lễ Ký (1) – một trong 5 quyển thuộc bộ Ngũ Kinh đã diễn đạt rành mạch về ý nghĩa và những công năng của lễ nghi. Theo đó, lễ nghi có 4 công năng chủ yếu:

- Thứ nhất, lễ nghi là một phương pháp rèn luyện tình cảm, khiến con người trở nên hòa nhã. Có tâm tính hòa nhã, con người mới có thể thành người đạo đức được. Thứ hai, lễ nghi là thước đo phải – trái, xác định trật tự trên – dưới – trước – sau, cũng như sự ứng xử với mọi người trong các mối quan hệ. Thứ ba, lễ nghi là quy tắc khiến con người phải luôn theo trung đạo (trung dung), tức là sự ôn hòa, cân bằng, tránh được những khuynh hướng quá khích, hay cực đoan (thái quá hoặc bất cập). Thứ tư, lễ nghi giúp con người biết tiết dục, kìm hãm được những điều ham thích (dục vọng), nhưng không được phép làm, vì trái đạo đức.

Chính vì 4 công năng trên mà lễ nghi đã trở thành hệ thống của những quy tắc đối đãi mang tính đạo lý, tạo ra tôn ti trật tự trong mỗi gia đình và cho cả cộng đồng, xã hội. Cho nên, lễ nghi cũng là những khuôn phép, quy chuẩn đạo đức quan trọng của mỗi con người và gần như trở thành những “định chế” chung cho mọi giai tầng. Những “định chế” đó, có khi là quy ước bất thành văn trong mỗi gia đình, nhưng cũng có lúc là những quy tắc phổ biến, công khai trong cộng đồng, xã hội (như các lệ làng, hương ước làng – xã…).

Là một trí thức thâm Nho, nên chắc chắn nhà giáo Nguyễn Bửu Tài hiểu rõ tính chất của lễ nghi trong văn hóa Việt Nam, không hoàn toàn rập khuôn với chữ Lễ trong nền triết lý Nho gia (nhất là sau thời Tuân Tử và Đông Hán). Sự biến đổi này làm cho nội dung và hình thức của lễ nghi Việt Nam phong phú hơn, nhưng vẫn giữ được tư tưởng tinh túy của Đức Khổng Tử, Mạnh Tử…

Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, rồi biến những tinh hoa của người thành của mình, chính là nét độc đáo của ông cha ta trong việc chọn lọc, bảo tồn và nâng cao những giá trị văn hóa đã hình thành…, nhằm làm đa dạng, sâu sắc thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trải qua quá trình biến đổi, các nhà Nho Việt Nam có rất nhiều cách diễn dịch về lễ nghi, nhưng chung quy – lễ nghi được hiểu như những qui định đạo đức và nghi lễ. Từ đó, phát sinh nhiều quan niệm về lễ nghi, như: Lễ nghi là lễ phép; Lễ nghi là lễ độ; Lễ nghi là lễ nghĩa, lễ giáo; Lễ nghi là nghi lễ (thờ cúng; tế tự trong trong quan – hôn – tang – tế)…

Trong các quan niệm vừa nêu, thì lễ nghĩa – lễ giáo được người Việt cho là quan trọng nhất, là cái cốt lõi của lễ nghi. Như bóng với hình, lễ nghĩa luôn sóng đôi cùng nhân nghĩa.

Một người không thể được xem là hiếu thảo, nếu khi phụng dưỡng cha mẹ mà chưa trọn lòng thương yêu, còn so hơn, tính thiệt (thiếu nhân); hoặc có thái độ, hành vi bất kính với đấng sinh thành (thiếu lễ). Hay một người không thể được xem là người trí, người tín nghĩa, trung nghĩa…, khi luôn tự cao tự phụ, xem thường mọi người (thất lễ), sống vong ân bội nghĩa (bất nghĩa), hoặc phản trắc (bất trung)…

Lễ nghĩa và nhân nghĩa luôn được người đời suy tôn, nhưng không phải là điều quá trừu tượng, xa vời. Trái lại, lễ nghĩa và nhân nghĩa được thể hiện bằng những đạo lý cụ thể, đôi khi khá giản đơn, gần gũi – mà nếu thành tâm, mọi người đều học được và thực hành rốt ráo ngay trong cuộc sống thường ngày.

Như bổn phận làm con, cháu thì phải: hiếu kính ông bà, cha mẹ; kính trên, nhường dưới… Làm người thì phải biết các đạo nghĩa: thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách; ăn trái nhớ kẻ trồng cây; ăn cây nào, rào cây ấy; tu nhân tích đức; tôn sư, trọng đạo; uống nước nhớ nguồn; thương nòi giống, mến quê hương… Hiểu các định luật của cuộc sống: ở hiền gặp lành; gieo gió gặt bão; nhân nào quả ấy… Coi trọng các quy tắc hành xử trong gia đình: nhập gia tùy tục; đi thưa, về trình; tiếng chào cao hơn mâm cỗ; ăn coi nồi, ngồi coi hướng; học ăn, học nói, học gói, học mở; chị ngã, em nâng; một sự nhịn, chín sự lành; con dại cái mang…

Bằng “lễ nghi xưa”, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài muốn khuyến nghị các bậc ông bà, cha mẹ hãy nêu gương và chớ quên trách nhiệm giáo hóa về lễ nghĩa, nhân nghĩa cho các thành viên trong mái ấm của gia đình. Theo đó, trẻ nhỏ phải học lễ nghi, người lớn phải thực hành lễ nghi và người già thì đem lễ nghi dạy lại cho trẻ nhỏ.

Nghĩ về chữ lễ trong câu đối của một nhà giáo xưa

Ảnh trên: Đốc học Nguyễn Bửu Tài (giữa) chụp ảnh lưu niệm với Ngài Hội đồng Quản hạt Nguyễn Văn Lai (phải) và Ngài Quận trưởng quận Cần Giuộc Nguyễn Ngọc Tương (trái) vào năm 1925. Sau này, Ngài Nguyễn Ngọc Tương là Giáo tông Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.

Luận về “sức nặng” của đôi câu đối và nhìn lại quãng đường tác nghiệp của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài, tôi có đôi dòng suy nghĩ:

Trước nhất, cần khẳng định nhà giáo Nguyễn Bửu Tài là một nhà Nho có tấm lòng yêu nước, thương dân.

Tuy không cầm súng xông pha trận mạc, nhưng bằng trí lực (dạy học trò học văn hóa và đạo đức) và bằng tâm lực, tư tưởng (2 câu đối), nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã đứng vào trận tuyến bảo vệ và đẩy lùi sự suy thoái đạo đức của dân tộc, dìu dắt thế hệ tương lai và mọi người bước qua vũng bùn của những thói hư, tật xấu, nọc độc từ chính sách nô dịch về văn hóa của nhà cầm quyền thực dân đương thời.

Nếu nhà giáo Nguyễn Bửu Tài không nặng lòng với đất nước – quê hương, không thấu hiểu nỗi khổ, niềm đau của đồng bào khi phải sống trong một xã hội mà đạo đức đang suy tàn, thì Ngài không thể nào đủ lòng nhẫn nại để dạy người về đạo lý và càng không thể viết nỗi một chân ngôn như thế!

Thứ hai, trong một xã hội bị cai trị bởi những chính sách nô dịch, nhưng nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã vượt ra khỏi những ràng buộc của chế độ thực dân, kể cả những lề thói cố hữu và chỉ ra chính xác 2 môi trường giáo dục quan trọng là nhà trường và gia đình.

2 môi trường giáo dục này nếu được kết hợp chặt chẽ sẽ trở thành nhân tố quyết định, trong việc hình thành nên nhân cách và đạo đức của con người (như các nhà giáo dục đương đại đã định hình nền giáo dục Việt Nam, chính là sự kết hợp giữa 3 môi trường: nhà trường – gia đình – xã hội). Xét trong thời điểm lúc bấy giờ (năm 1910), thì tư tưởng và quan điểm về giáo dục của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài là rất sáng suốt, biện chứng và cực kỳ tiến bộ – có thể nói, đó là một tầm nhìn xuyên thời đại, vượt thời gian – đến bây giờ vẫn đúng và vẫn còn hữu dụng.

Thứ ba, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã có cách nhìn rất trí tuệ trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho thế hệ “mầm non” – những người chủ tương lai của đất nước.

Nếu xem “văn hóa mới”, “lễ nghi xưa” là phương tiện, thì “ trò” và “trẻ” là đối tượng cần hướng đến, là mục tiêu mà Ngài đã đặt ra cho chính mình và cho cả cộng đồng xã hội phải quan tâm. Nhìn qua lăng kính của một nhà giáo từng trải, thâm Nho, thông hiểu đạo lý và kinh điển của Thánh Hiền…, chúng ta hiểu rằng phạm vi giáo hóa của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài trước nhất là trẻ nhỏ – nhưng không chỉ dừng lại ở trẻ nhỏ, mà phạm vi đó còn mở rộng đến tất cả mọi người trong xã hội.

Ngài hiểu rằng, theo triết lý Nho gia và Đạo gia, bản tính con người vốn thiện (Nhân chi sơ tính bổn thiện), phàm con người khi mới sinh ra như một tờ giấy trắng (vô ký), không có vết tích của sự yêu và ghét, thế nhưng sau đó môi trường sống mới vẽ lên tờ giấy kia sự yêu và ghét. Về bản chất, yêu và ghét không có tiết độ bên trong, nhưng bên ngoài thì chịu sự tác động của xã hội làm cho mê muội, dẫn đến không làm chủ được bản thân mình, không còn biết phân biệt đâu là phải – trái. Và nếu tất cả chỉ biết sống theo những ham muốn thấp hèn, thì thiên lý ắt bị tiêu diệt.

Muốn điều phục được tâm, thì nhất thiết phải dùng đến Lễ (lễ nghi, lễ nghĩa, lễ giáo) – và đó cũng là điều mà nhà giáo Nguyễn Bửu Tài muốn truyền tải trong thông điệp: “vào nhà dạy trẻ lễ nghi xưa”

Thứ tư, với việc dạy dỗ về đạo đức, về những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, luân lý, thuần phong mỹ tục, lễ nghi (cho trẻ nhỏ nói riêng và mọi người nói chung)…cho thấy tầm hiểu biết tận cùng của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài về các triết thuyết của Nho gia và Đạo gia.

Làm sáng rõ tôn chỉ của Đạo Nho, Đạo giáo, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã giúp học trò và mọi người nhận ra một quy luật sống: “Con người sống cao thượng, phẩm giá được tôn quý là do biết giữ Lễ. Còn phạm lỗi lầm, làm mất tư cách con người, bị thiên hạ khinh bỉ là do nơi thất Lễ”

Từ sự nhận thức rõ ràng về bản chất của Lễ và Đạo(2) trong Nho gia và Đạo gia, Ngài đã trở thành một người hướng Đạo thực thụ – một nhà giáo huấn đầy thuyết phục, dìu dắt bao người cùng tiến bước trên con đường đạo đức.

Thứ năm, theo tôi – trong lòng phụ huynh và đồng nghiệp thời ấy, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài là một tấm gương, là người thầy khả kính về nhân cách và đạo đức.

Vì nếu thiếu tư cách và đạo đức, thì chắc chắn nhà giáo Nguyễn Bửu Tài sẽ không can đảm khắc vào cổng nhà mình đôi câu đối, khuyên nhủ người đời về đạo đức và lễ nghi. Tiếc rằng, do nhiều lần dời đổi, sửa sang đường sá, tường rào xưa và câu đối cũng không còn, nên cháu con, người đời sau đã mất đi cơ hội chiêm ngưỡng điều nhà giáo Nguyễn Bửu Tài gửi gấm trong đôi câu đối ấy.

Cuối cùng, nói theo cách suy nghĩ của người đời nay, thì việc truyền thụ đạo đức cho học trò, cho mọi người thông qua những giá trị về Chân – Thiện – Mỹ, luân lý, thuần phong mỹ tục, lễ nghi…, trong suốt chặng đường dài tác nghiệp, nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã chứng minh và khẳng định một chân lý: văn hóa, đạo đức xã hội muốn bền vững, phải được xây từ gốc, ngay chính trên nền móng cũ – đó là những tinh hoa của cha ông ta đã tích lũy, chắt chiu và lưu truyền qua bao thế hệ.

Nghĩ về chữ lễ trong câu đối của một nhà giáo xưa
Anh Cả Nguyễn Bửu Tài trong Đại hội Vạn Linh đăng điện Giáo Tông, vào ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1958).

Sự minh triết của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài đã trở thành nền móng kiên cố của một đời tu. Do vậy, sau gần 30 năm hành Đạo, cuối năm Ất Mùi – 1955, Đức Nguyễn Bửu Tài được Đức Chí Tôn thiên phong phẩm vị quyền Giáo tông của nền Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đầu năm Mậu Tuất – 1958, Đức Nguyễn Bửu Tài thọ phong phẩm Giáo tông chánh vị, chính thức trở thành Giáo tông thứ 2 (sau Đức Giáo tông Phan Văn Tòng) của Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên. Cuối năm 1958, Đức Giáo tông Nguyễn Bửu Tài liễu Đạo và đắc quả vị: Pháp Lực Kim Tiên(3).

Thực hành di nguyện của Anh Cả Phan Văn Tòng, Giáo tông Nguyễn Bửu Tài đã dìu dắt nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên tiếp tục đi theo con đường hoằng dương Chánh Pháp, phụng sự đạo đức chánh nghĩa, tích cực ủng hộ công cuộc kháng chiến của dân tộc…Giai đoạn từ năm 1945 – 1958, được sử Đạo ghi nhận là thời kỳ cực thịnh của nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên trên các phương diện. Với tri thức uyên thâm, trong quãng thời gian từ năm 1929 – 1955, Đức Giáo tông Nguyễn Bửu Tài đã trứ tác gần 20 đầu kinh và các phương pháp tịnh luyện…, để lại một di sản vô giá về Đạo Pháp cho nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên.

Trí tuệ của bậc chí Thánh thì rộng lớn, bao la như trời cao, sâu xa vô cùng tận, mà trí lự của phàm phu thì luôn hữu hạn; nên lấy cái giới hạn để đo cái vô hạn thì quả là khiên cưỡng.

Bên tách trà ngày xuân, nhắc lại câu đối cũ của nhà giáo Nguyễn Bửu Tài, tôi không có ý nguyện nào hơn – là muốn thắp lên nén hương lòng, thành kính tưởng nhớ nhân cách và công đức của một con người đạo đức – một người thầy, một bậc chân tu đã sống trọn lòng vì đời, vì Đạo.

Tôi ước mong sao mỗi người, mỗi gia đình và tất cả mọi người hãy lắng nghe lời dạy bảo của một nhà giáo từ hơn 100 năm về trước, để biết trau dồi lễ nghĩa và xem đó như chuẩn mực không thể thiếu trong mọi hành xử ở đời.

Trong không khí ấm áp của mùa xuân, tôi thầm nghĩ: Lễ giáo – lễ nghĩa Việt Nam ví như thỏi vàng ròng quý giá, ông cha ta đã rất nhọc công đào luyện mà thành, rồi truyền lại cho cháu con trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.

Vì thế, dù cho kinh tế có phát triển đến đâu, trình độ khoa học – kỹ thuật có tiến bộ thế nào, thì hậu thế vẫn không có cớ gì để được phép xem thường, hoặc bỏ qua những giá trị, mà lớp lớp tiền nhân đã dày công vun đắp và luôn trân trọng, nâng niu!

Cuối năm Bính Thân – 2016,

Nguyễn Quang Trị (*)

-------------------------------------------------------------
(*) Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre.

Chú thích:

(1) Lễ ký còn gọi là Kinh Lễ, là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử. Tương truyền, Kinh Lễ do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết. Sau này, Lễ Ký được nhiều nho gia thời Hán (cả Tây Hán lẫn Đông Hán) hiệu chỉnh, rồi thêm thắt vào những lý giải riêng. Dù vậy, nhưng Kinh Lễ từ cổ chí kim vẫn được xem là một tác phẩm kinh điển dạy về đạo lý.

(2) Đạo ở đây được hiểu không đơn giản chỉ là tôn giáo hay đạo lý, Đạo còn là con đường để hoàn thiện chính mình, để trở về cái chân ngã thường hằng, tuyệt đối. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần có cách lý giải khác về Đạo: “Đạo” nghĩa là nhân cách, là bản thể của muôn vật, là cái qui luật phổ biến mà mọi sự vận động biến hóa của sự vật đều phải tuân theo.

(3) Theo nhiều vị cao minh ở Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, thì sau khi liễu Đạo – qua cơ bút, Đức Nguyễn Bửu Tài cho biết Ngài đã trải qua 81 kiếp tu hành trong tiền kiếp, kiếp này là kiếp sau cùng – bằng con đường tịnh luyện, Ngài đã đắc pháp và trở thành bậc giác ngộ, thể nhập với chơn như, toàn giác.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...