Nhìn lại Đại hội Các bề trên Thượng cấp ĐNÁ lần thứ XIV tại Bali - Indonesia
Đại Hội SEAMS XIV tiếp nối ĐH SEAMS XIII (2007 tại Phi Luật Tân) hướng đến việc đào tạo người tu sĩ cho sứ vụ ngày nay tại Á Châu, vì thế, Đại Hội Bề Trên Thượng Cấp Đông Nam Á XIV đã chọn chủ đề: “Căn tính của người tu sĩ cho một cuộc đối thoại hiệu quả tại Á châu đa văn hóa và đa tôn giáo”.
1. Những mục tiêu của Đại Hội SEAMS XIV
Như chủ đề được giới thiệu ở trên, Đại Hội SEAMS XIV hy vọng đem lại cho các tham dự viên khoảng không gian và thời gian thật tốt:
- Để nhìn lại ý nghĩa của đời sống tu trì hiện nay khi Đức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta trung thành bước theo Ngài và cảm thấy lòng say mê Đức Kitô hun đúc chính mình. Nhận thức rõ về đặc sủng của Đấng sáng lập và tìm kiếm những cách thức thực hiện trọn vẹn đặc sủng ấy trong bối cảnh Á Châu, nhưng không đánh mất đi sự nối kết với Hội Thánh hoàn vũ và địa phương.
- Để có nhận thức về bối cảnh và thách đố Hội Thánh ở Á Châu, cụ thể chúng ta đang sống tại những quốc gia đa tôn giáo và đa văn hóa. Điều này đòi hỏi sự khẳng định rõ ràng hơn về căn tính của người Công giáo và tu sĩ ngày nay. Và nhận thức về thực tại Á Châu được mô tả trong “sự nghèo nàn và đối thoại tôn giáo.”
- Để có sự cởi mở hướng đến đón nhận quan điểm của những người khác niềm tin và văn hóa, và để phát triển một kiểu hình mới của chiều hướng đa tôn giáo và đa văn hóa bằng việc cùng nhau sống hết mình cho nhân loại. Chúng ta muốn trả lời cho những thách đố của thực tại nghèo nàn và sự đa dạng của cuộc sống tại Á Châu như sứ vụ của đời sống tu sĩ ngày nay.
2. Hoạt động của Đại Hội SEAMS XIV
Đáp lại tiếng mời gọi sâu thẳm từ cõi lòng của người tu sĩ Á Châu, các bề trên thượng cấp thuộc các quốc gia Đông Nam Á đã cử các đại diện của mình đến Đại Hội, để cùng nhau tìm một hướng đi nhằm canh tân đời sống tu trì cho phù hợp với sứ vụ của mình tại Á Châu.
Mặc dù ngày khai mạc Đại Hội là 16/11, nhưng ngày 15.11.2010 các phái đoàn từ Thailand, Philippines, Singapore và Việt Nam đã đến khách sạn Palm Beach, nơi sẽ diễn ra Đại Hội. Ngày 16/11 các phái đoàn khác từ Myanmar, Malyasia, East Timor mới đến Bali. Phái đoàn nước chủ nhà Indonesia đến từ khắp mọi miền đất nước chào đón anh chị em thật thân thiện và ấm cúng.
Gm Leopoldo Girelli, Gm Aloysius Sudarso và Lm Riyo Mursanto, chủ tịch DEAMS
Vào lúc 17 giờ chiều ngày 16/11, Đức cha Leopoldo Girelli chủ tế thánh lễ khai mạc “Đại Hội Bề Trên Thượng Cấp Đông Nam Á XIV” cùng với Đức cha Aloysius Sudarso và đoàn quí cha đồng tế, tại thánh đường giáo xứ thánh Phanxicô Xaviê, Kuta, Bali.
Sau thánh lễ các thành viên tham dự Đại Hội về lại khách sạn Palm Beach để gặp gỡ, chia sẻ với nhau trong bữa cơm tối thân tình và vui tươi, với những bài ca và điệu múa mang đậm nét văn hóa Hindu của hòn đảo thiên đường Bali.
Các ngày 17-20/11, Đại Hội đi vào những hoạt động chính thức để tìm hiểu và đào sâu chủ đề: “Căn tính người tu sĩ cho cuộc đối thoại hiệu quả tại Á châu đa tôn giáo và đa văn hóa” qua những bài tham luận từ các đại diện của Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo hay những buổi trao đổi với đại diện của Khổng giáo và Tin Lành.
Các đoàn Indonesia, East Timor và Việt Nam báo cáo và trao đổi với các tham dự viên
Sau bốn ngày làm việc tích cực, ngày 21/11, tất cả tham dự viên của Đại Hội cùng nhau đóng góp xây dựng bản tuyên bố chung của Đại Hội SEAMS XIV. Sau buổi làm việc góp ý cho bản dự thảo từ các tổ, các bản thảo này được trao đổi và thảo luận chung trong Đại Hội, sau đó Đại Hội đề cử một ban soạn thảo dựa trên những bản dự thảo của các tổ để làm bản dư thảo chung cho Đại Hội. Cuối cùng bản dự thảo chung ấy một lần nữa được đưa ra toàn Đại Hội để biểu quyết từng phần. Cùng chiều ngày 21/11 bản tuyên bố chung chính thức được toàn thể Đại Hội biểu quyết chấp thuận.
Góp ý cho Bản Tuyên bố chung
3. Vài suy nghĩ bắt nguồn từ Đại Hội SEAMS XIV
Đại Hội SEAMS XIV đã kết thúc nhưng bản tuyên bố chung của Đại Hội vẫn đang mời gọi chúng ta dấn thân vào công cuộc đối thoại này. Đối thoại thuộc về bản chất và sứ vụ của Hội Thánh, nên có thể nói rằng: “không có đối thoại không có sứ vụ.” Do đó, mỗi người tu sĩ Á Châu đều mong ước có những hoạt động để cuộc đối thoại thực sự trở thành hướng canh tân đời sống Kitô hữu và tu sĩ ngày nay tại Á Châu đa tôn giáo và đa văn hóa, cụ thể là:
- Mỗi Hội Đồng Giám Mục tại mỗi quốc gia Đông Nam Á nên có một Ủy Ban về Đối Thoại Liên Tôn.
- Mỗi một Giáo Phận nên có một Ban Đối Thoại Liên Tôn ở cấp giáo phận của mình.
- Các Hội Thánh Công giáo địa phương (cấp giáo phận) cần có một chương trình huấn luyện người giáo dân thực hành việc đối thoại liên tôn.
- Các hội dòng quốc tế hay địa phương nên đưa việc đào tạo đối thoại liên tôn vào chương trình huấn luyện ở mọi cấp độ (học viện, hậu học viện và thường huấn).
- Vì đối thoại thuộc về bản chất và sứ vụ của Hội Thánh, nên đối thoại liên tôn phải là một phần trong chương trình đào tạo các tu sĩ nam nữ, linh mục và những người lãnh đạo giáo dân tương lai.
Lm. Phêrô Đinh Ngọc Lâm