Bài giảng của Đức Giáo hoàng - Ngày Thế giới Truyền giáo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 23 | Cật nhập lần cuối: 10/19/2024 6:56:09 PM | RSS

Bai giang cua Duc Giao hoang - Ngay The gioi Truyen giaoĐây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Giáo hoàng trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Ngày Thế giới Truyền giáo (Chúa nhật áp chót của tháng 10 hằng năm).

Đức Phanxicô, Bài giảng Ngày Thế giới Truyền giáo (20.10.2019) - Sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng mà là một quà tặng

Tôi muốn suy tư về ba từ được lấy trong các bài đọc trong phụng vụ hôm nay: một danh từ, một động từ và một tính từ.

Danh từ là ngọn núi: Isaia nói về nó khi ông loan báo về một ngọn núi của Chúa, cao hơn các ngọn đồi, nơi mà mọi quốc gia sẽ đổ về (x. Is 2, 2). Chúng ta thấy hình ảnh ngọn núi một lần nữa trong Phúc âm khi Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, bảo các môn đệ gặp Người trên núi Galilê; Galilê là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: “Galilê của dân ngoại” (x. Mt 4, 15). Do đó, có vẻ như ngọn núi là nơi yêu thích của Thiên Chúa để gặp gỡ nhân loại. Đó là nơi Ngài gặp gỡ chúng ta, như chúng ta thấy trong Kinh thánh, bắt đầu từ Núi Sinai và Núi Carmel, cho đến tận Chúa Giêsu, người đã công bố các Mối Phúc trên núi, đã biến hình trên Núi Tabor, đã hiến mạng sống trên Núi Canvê và lên trời từ Núi Ôliu. Ngọn núi, nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa Thiên Chúa và nhân loại, cũng là nơi Chúa Giêsu đã dành nhiều giờ để cầu nguyện (x. Mc 6, 46) để kết hợp trời và đất, và để kết hợp chúng ta, anh chị em của Người, với Chúa Cha.

Từ “ngọn núi” muốn nói gì với chúng ta? Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân. Đến với Thiên Chúa Tối Cao trong thinh lặng và cầu nguyện. Đến với tha nhân, những người chúng ta có thể nhìn bằng một cái nhìn rất khác: cái nhìn của Thiên Chúa – Đấng kêu gọi hết thảy mọi người. Từ trên cao, tha nhân có thể được thấy như một cộng đoàn mà vẻ đẹp hài hoà của nó chỉ có thể được nhận thấy trong cái nhìn toàn thể và bao quát. Ngọn núi nhắc nhở chúng ta rằng anh chị em của chúng ta không phải được lọc lựa, mà phải được ôm ấp, không chỉ bằng cái nhìn, nhưng bằng cả cuộc sống. Ngọn núi liên kết Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta trong một cái ôm duy nhất, đó là lời cầu nguyện. Núi mời gọi chúng ta hướng lên, và xa tránh những thứ mau qua, mời gọi chúng ta tái khám phá đâu là điều thiết yếu, quan trọng và vững bền: Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ mạng khởi đi từ ngọn núi: nơi đó, chúng ta nhận ra điều gì thực sự có giá trị. Trong tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự hỏi mình: đâu là điều thực sự có giá trị trong cuộc đời tôi? Tôi muốn leo lên ngọn núi nào?

Một động từ gắn liền với danh từ “ngọn núi”: động từ “đi lên”. Như tiên tri Isaia đã từng khuyến khích chúng ta: “Nào ta cùng lên núi Chúa” (Is 2, 3), chúng ta được sinh ra không phải để yên vị trên đất, để thoả mãn những điều tầm thường, nhưng là hướng tới những điều cao cả. Và ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và những người anh chị em của mình.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta phải đi lên: “Đi lên” nghĩa là chúng ta phải bỏ lại một điều gì đó, để kháng cự lại sức nặng của thói quy kỷ, để thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình. Đi lên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng đó là cách duy nhất để có được tầm nhìn tốt hơn về mọi thứ. Như những người leo núi biết, chỉ khi bạn lên đến đỉnh, bạn mới có thể có được tầm nhìn đẹp nhất; chỉ khi đó bạn mới nhận ra rằng bạn sẽ không có được tầm nhìn đó nếu không có con đường dốc đó.

Để leo núi, người ta không thể mang quá nhiều thứ. Cũng vậy, chúng ta phải đánh liều bỏ lại những điều không cần thiết. Bí quyết của sứ mạng là: để có thể ra đi, người ta phải bỏ điều gì đó lại phía sau, để có thể rao giảng, người ta phải từ bỏ. Một lời rao giảng đáng tin không phải được thêu dệt bằng những từ hoa mĩ văn chương, nhưng bằng một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ, một đời sống biết chối từ những thứ vật chất gây nguy hại cho tâm hồn hoặc khiến người ta trở nên vô cảm, thờ ơ; Một đời sống gương mẫu là một lối sống dám từ bỏ để có thể dành giờ cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi đang nỗ lực leo lên thế nào? Tôi có biết chối từ những bao bị mang tính thế gian, vừa nặng nề vừa vô ích, để leo lên núi Chúa hay không?

Nếu ngọn núi nhắc nhớ chúng ta điều gì là quan trọng – Thiên Chúa và tha nhân – còn động từ “đi lên” cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt tới điều ấy, thì từ thứ ba còn quan trọng hơn, nhất là trong ngày lễ hôm nay: tính từ “tất cả”. Đây chính là từ mà Thiên Chúa không mỏi mệt nhắc đi nhắc lại. Isaia nói với “toàn dân” (Is 2, 2), Thiên Chúa muốn “tất cả được cứu” (1 Tm 2, 4), con thầy Giêsu nói: “hãy đi và làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Thiên Chúa cố tình lặp lại từ “tất cả”, vì Ngài biết chúng ta luôn sử dụng từ “tôi” hoăc “chúng tôi”, ví dụ: những thứ của tôi, dân tộc tôi, cộng đoàn chúng tôi ... Ngài liên tục sử dụng từ “tất cả”, bởi không ai bị loại khỏi con tim và ơn cứu độ của Ngài. “Tất cả” để con tim của chúng ta vượt ra khỏi những ranh giới con người và chủ nghĩa đặc thù vốn chỉ dựa trên sự quy kỷ. “Tất cả”, bởi mọi người là một kho tàng quý giá, và ý nghĩa cuộc đời được tìm thấy chỉ khi biết trao tặng kho tàng ấy cho người khác. Đây chính là sứ mạng của chúng ta: lên núi để cầu nguyện cho mọi người và xuống núi để trở nên món quà trao ban cho tất cả.

Đi lên và đi xuống: do đó, người Kitô hữu luôn luôn di chuyển, hướng ra ngoài. “Hãy đi” thực sự là mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Phúc âm. Chúng ta gặp nhiều người mỗi ngày, nhưng - chúng ta có thể tự hỏi - chúng ta có thực sự gặp những người chúng ta gặp không? Chúng ta có chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu hay chỉ đơn giản là đi làm việc của riêng mình? Mọi người đều mong đợi những điều từ người khác, nhưng người Kitô hữu đi đến với người khác. Làm chứng cho Chúa Giêsu không bao giờ là để được người khác khen ngợi, mà là yêu thương những người thậm chí không biết Chúa. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu đi ra với tất cả mọi người, không chỉ với những người quen biết của họ hoặc nhóm nhỏ của họ. Chúa Giêsu cũng đang nói với anh chị em: "Hãy đi, đừng bỏ lỡ cơ hội để làm chứng cho Ta!" Anh chị em thân mến, Chúa mong đợi từ anh chị em một lời chứng mà không ai có thể thay thế bạn làm được. "Ước gì bạn có thể nhận ra ý nghĩa của lời ấy, nghĩa là sứ điệp của Đức Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới qua cuộc đời bạn… kẻo bạn thất bại trong sứ mệnh quý giá của mình." (Gaudete et Exsultate, 24).

Đâu là điều Thiên Chúa chỉ dẫn chúng ta khi đến với người khác? Chỉ có một điều thôi, một điều rất đơn giản: làm cho họ trở thành môn đệ. Nhưng hãy chú ý, môn đệ của Thầy, chứ không phải môn đệ của chúng ta. Giáo hội loan báo Tin Mừng chỉ khi Giáo Hội sống cuộc đời của một môn đệ. Một môn đệ đi theo Thầy của mình mỗi ngày và chia sẻ niềm vui làm môn đệ với người khác, không phải bằng cách chinh phục, ép buộc hay kết nạp, mà bằng lời chứng, bằng cách hạ mình và trao hiến với tình yêu mà chính chúng ta đã nhận được. Đây là sứ mệnh của chúng ta: mang lại sự tươi mới và trong trẻo cho những ai đang đắm chìm trong sự ô nhiễm của thế giới, mang đến bình an tràn ngập niềm vui mỗi khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trên núi khi cầu nguyện, cho thế giới thấy rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả và không bao giờ mỏi mệt với bất kỳ ai.

Anh chị em thân mến, mỗi chúng ta đều có và đều là một sứ mạng trên mặt đất này (Evangelii Gaudium, 273). Sứ mạng của chúng ta là làm chứng, chúc lành, an ủi, nâng dậy và làm tỏ rạng vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên! Thầy Giêsu mong đợi rất nhiều từ anh chị em. Cuộc đời của anh chị em là một sứ mạng cao quý: sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng phải mang lấy, nhưng là một quà tặng để cho đi. Hãy can đảm và đừng sợ đi đến với tất cả mọi người!

***

Đức Bênêđictô XVI, Suy niệm về việc truyền giáo (08.10.2012) - Ý nghĩa của từ Tin Mừng (Evangelium)

Thưa anh chị em,

Hôm nay, trong bài suy niệm của mình, tôi sẽ đề cập đến từ ngữ Tin Mừng "Evangelium" "euangelisasthai" (cf. Lk 4, 18). Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta muốn hiểu rõ hơn điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và điều gì chúng ta có thể và sẽ phải làm. Bài suy niệm của tôi chia làm hai phần: trước hết là việc phản tỉnh về ý nghĩa của những từ ngữ này; sau đó, tôi sẽ nỗ lực để giải thích bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus," trong trang thứ 5 của cuốn Sách Nguyện.

Từ ngữ “Tin Mừng” (Evangelium, euangelisasthai) có một lịch sử rất xa xưa. Từ này xuất hiện trong tác phẩm của Homer: đó là lời loan tin chiến thắng, tin tốt lành, tin vui, tin hạnh phúc. Về sau, từ ngữ “Tin Mừng” này xuất hiện trong Isaia Đệ Nhị (cf Is 40, 9), như một tiếng nói loan truyền niềm vui từ Thiên Chúa; tiếng nói ấy cho thấy rằng Thiên Chúa đã không lãng quên con người, rằng Thiên Chúa có vẻ như đã rút lui khỏi lịch sử nhưng thật ra Ngài vẫn có đó và vẫn luôn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đầy sức mạnh, Ngài trao ban niềm vui và mở toang cánh cửa lưu đày. Sau đêm dài của thời lưu đày, ánh sáng của Ngài lại xuất hiện để giúp cho dân Ngài có thể trở về để làm mới lại lịch sử của những điều tốt lành, lịch sử của tình yêu. Như vậy, trong bối cảnh của Tin Mừng Hóa, ta thấy sự xuất hiện của ba từ ngữ: dikaiosyne, eirene, soteria - công chính, hòa bình và cứu độ. Tại Nazaret Đức Giêsu đã sử dụng lời của Isaia, khi Ngài nói về “Tin Mừng” mà Ngài mang đến lúc này cho những người bị loại trừ, bị giam cầm, bị áp bức và những người nghèo khổ.

Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa của từ “Tin Mừng” trong Tân Ước, ngoài những ý nghĩa mà sách Isaia Đệ Nhị đã mở ra, cũng cần để ý đến cách sử dụng từ này trong Đế Quốc Roma, khởi đi từ Hoàng đế Augusto. Thời ấy, thuật ngữ “Tin Mừng” được dùng để chỉ về một lời hay một sứ điệp của Hoàng Đế. Vì thế, đây là sứ điệp mang lại sự tốt lành: là một sự đổi mới thế giới, là tin cứu độ. Hơn nữa, vì là sứ điệp của Hoàng Đế nên nó có sức mạnh và quyền lực, nó là sứ điệp cứu độ, canh tân và chữa lành. Các sách Tân Ước đã thu nhận nghĩa này. Thánh Luca đã minh nhiên so sánh Hoàng Đế Augusto với Hài Nhi được sinh ra ở Belem: “Tin Mừng” chính là lời của Hoàng Đế, một vị Vua đích thực của thế giới. Vị Vua đích thực này đã tỏ mình ra và đã nói với chúng ta. Và sự kiện này tự nó là một ơn cứu độ. Thật vậy, đau khổ lớn nhất của con người thời ấy cũng như con người ngày nay đó là nỗi nghi vấn: Đằng sau cái vẻ thinh lặng của vũ trụ, đằng sau những đám mây mù của lịch sử, liệu có một Thiên Chúa hay chăng? Và nếu có, vị Thiên Chúa này có biết chúng ta, có liên quan gì đến chúng ta không? Vị Thiên Chúa này có phải là một Đấng tốt lành không? Và những điều tốt lành có chút ảnh hưởng gì trong thế giới này chăng?... Đấy là những chất vấn thường gặp, cả ở ngày xưa cũng như ngày nay. Nhiều người tự hỏi: phải chăng Thiên Chúa chỉ là một giả thiết? Ngài có phải là một thực tại không? Tại sao chúng ta không nghe thấy Ngài? “Tin Mừng” có nghĩa là: Thiên Chúa đã phá vỡ sự thinh lặng, Thiên Chúa đã nói và có Thiên Chúa. Sự kiện này tự bản chất đã là ơn cứu độ: Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại. Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở với chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài, Ngài cũng đã chịu đau khổ với chúng ta cho đến chết và đã sống lại. Đây chính là Tin Mừng. Thiên Chúa đã nói, Ngài không còn là một Đấng vô danh, nhưng đã tỏ mình ra, và đây chính là ơn cứu độ.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Thiên Chúa đã nói, đã phá vỡ sự thinh lặng và đã tỏ mình ra, nhưng làm sao chúng ta có thể truyền đạt điều này cho con người trong thế giới ngày nay để nó trở thành hồng ân cứu độ? Tự nó, việc Thiên Chúa nói với con người đã là cứu độ, là sự cứu chuộc. Nhưng làm sao con người biết được? Với tôi, điều này dường như là một câu hỏi nhưng đồng thời cũng là một đòi hỏi, một lệnh truyền cho chúng ta: chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời bằng cách suy niệm bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus". Câu đầu tiên nói rằng: "Dignàre promptus ingeri nostro refusus, péctori", nghĩa là: chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong chúng ta và với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không làm nên Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể công bố điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Giáo Hội không khởi đi từ những việc làm của chúng ta, nhưng với “việc làm” và “lời nói” của Thiên Chúa. Cũng vậy, không phải sau vài cuộc hội họp rồi các Tông Đồ tuyên bố: bây giờ chúng tôi muốn lập nên Giáo hội, dưới dạng thức của một quốc hội lập hiến, rồi cùng nhau viết ra hiến chương. Không, các ngài đã cầu nguyện, và trong cầu nguyện các ngài chờ đợi, vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể sáng tạo ra Giáo hội và Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất. Nếu Thiên Chúa không hành động, những điều chúng ta làm chỉ là của chúng ta và không bao giờ nên trọn. Chỉ có Thiên Chúa làm chứng rằng chính Ngài đã nói và Ngài tiếp tục cất lời. Lễ Hiện Xuống là điều kiện khai sinh Giáo hội: chỉ bởi vì Thiên Chúa đã hành động trước, các Tông đồ mới có thể hành động cùng với Ngài, và cùng với sự hiện diện của Ngài thực hiện những gì Ngài thực hiện. Thiên Chúa đã nói, và việc “đã nói” này chính là sự hoàn thiện cho Đức tin, nhưng nó cũng luôn ở thì hiện tại. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa không chỉ là quá khứ, vì dù nó là quá khứ đích thực nhưng cũng mang nơi mình hiện tại và tương lai. Thiên Chúa đã nói, nghĩa là Ngài còn tiếp tục nói. Như khi xưa, chính nhờ vào sáng kiến của Thiên Chúa mà Giáo hội khai sinh và Tin Mừng có thể được biết đến, thì ngày nay, chỉ Thiên Chúa mới có thể khởi sự và chúng ta chỉ có thể cộng tác. Khởi đầu phải luôn đến từ Thiên Chúa. Vì thế, khi chúng ta bắt đầu những công việc quan trọng mỗi ngày bằng việc cầu nguyện, đấy không chỉ là một công thức đơn thuần, nhưng là điều chính đáng hợp với thực tế. Chỉ khi nào Thiên Chúa khởi sự, thì hành trình của chúng ta mới trở nên khả thi, sự cộng tác của chúng ta - và luôn chỉ là sự cộng tác - không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Do đó, thật quan trọng khi nhận biết rằng, lời đầu tiên, sáng kiến đích thực, và những hoạt động đúng nghĩa chỉ đến từ Thiên Chúa. Phần chúng ta, chỉ ngang qua việc tháp mình vào trong sáng kiến của Thiên Chúa và chỉ bằng việc nài xin ân sủng của Ngài, chúng ta mới có thể trở nên những nhà rao giảng Tin Mừng với Ngài và trong Ngài. Thiên Chúa luôn khởi sự, chỉ có Ngài mới có thể làm nên lễ Hiện Xuống và làm khai sinh Giáo Hội. Chỉ có Ngài mới có thể vén mở thực tại về chính mình cho chúng ta, hiện hữu với chúng ta. Dẫu vậy, vị Thiên Chúa này cũng muốn chúng ta tham dự vào hoạt động của Ngài, để các hoạt động đó trở nên những hoạt động mang tính thần nhân tương hợp, nghĩa là được làm bởi Thiên Chúa nhưng có sự dự phần của chúng ta và hiện hữu của chúng ta.

Vì thế, sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa của chúng ta phải luôn là một sự cộng tác với Thiên Chúa, ở lại cùng với Thiên Chúa, đặt nền tảng trên việc cầu nguyện và sự hiện diện đích thực của Ngài.

Giờ đây, hoạt động của chúng ta, nối tiếp những gì mà Thiên Chúa đã khởi sự, có thể được diễn tả trong câu thứ hai của bài Tụng ca: "Os, lingua, mens, sensus, vigor, confessionem personent, flammescat igne caritas, accendat ardor proximos". Ở đây, trong câu thứ hai, chúng ta thấy hai danh từ xác định, “tuyên xưng” (confessio) trong câu thứ nhất và “đức ái” (caristas) trong câu thứ hai. “Tuyên xưng” và “đức ái” là hai cách thế mà trong đó Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta, làm cho chúng ta hành động với Ngài, trong Ngài, cho con người và cho những thụ tạo của Ngài. Những động từ được thêm vào: trước hết là động từ “personent”, và sau đó là “caritas”, được diễn giải bằng những từ ngữ như ngọn lửa, sự nhiệt thành, thắp lên, bùng cháy.

Trước hết chúng ta cùng xem xét cụm từ “confessio personent”. Niềm tin có một nội dung: Thiên Chúa thông truyền chính mình Ngài, nhưng chủ từ “Tôi” (I) của Thiên Chúa được thực sự mạc khải trong hình ảnh Đức Giê-su và được giải thích trong việc “tuyên xưng”, vén mở cho chúng biết về việc sinh hạ nhờ sự thụ thai đồng trinh của Ngài, về cuộc khổ nạn, về Thập giá và Phục Sinh. Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách trọn vẹn nơi Người Con: Đức Giê-su là Ngôi Lời, là nội dung đích thực được diễn tả trong lời “tuyên xưng”. Như vậy, bước đầu tiên là chúng ta phải đi vào trong lời “tuyên xưng”, và để cho lời “tuyên xưng” thấm nhuần một cách cá vị trong chúng ta và qua chúng ta.

Ở đây chúng ta cần phải xem xét một điểm nhỏ trên khía cạnh triết học. “Confessio” thời Tiền Kitô Giáo Latinh không phải là “confessio” nhưng là “proffessio”: đây là một sự trình bày tích cực về thực tại. Thực vậy, từ ngữ confessio đề cập đến một tình huống diễn ra trong toà án. Trong một phiên toà thường có một ai đó mở lòng mình ra và tuyên thệ. Nói cách khác trong bối cảnh Kitô giáo latinh, từ “confession” thay thế từ “professio”, mang yếu tố chứng tá để làm chứng cho đức tin trong những thời điểm thù nghịch, làm chứng thậm chí trong những trạng huống đau khổ và nguy hiểm đến tính mạng. Việc tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu hàm chứa một cách thiết yếu sự sẵn sàng chịu khổ đau. Với tôi điều này rất quan trọng. Trong bản chất của lời “tuyên xưng” trong Kinh Tin Kính của chúng ta luôn hàm chưa một thái độ sẵn sàng trước đau khổ, và thậm chí là từ bỏ mạng sống mình. Chính thái độ này giúp cho việc tuyên xưng trở nên khả tín hơn bao giờ hết. Việc “tuyên xưng” không phải là một điều gì có thể từ bỏ dễ dàng, nhưng hàm chứa cả việc từ bỏ mạng sống mình và chấp nhận đau khổ. Đây đích thực là một sự minh xác của đức tin. Việc “tuyên xưng” cũng không chỉ là một từ ngữ được nói ra, nhưng nó vượt qua cả sự đau khổ và cái chết. Để sống lời “tuyên xưng” ấy, dù có phải chịu đau khổ hay chịu chết thì cũng đáng. Người nào làm việc “tuyên xưng” như thế sẽ minh chứng rằng quả thật những gì mà người ấy tuyên xưng còn có giá trị hơn cả sự sống: lời tuyên xưng ấy chính là sự sống, là một kho báu, một viên ngọc quý vô giá. Chính trong chiều kích chứng nhân của từ “tuyên xưng” mà chúng ta tìm thấy chân lý: chân lý là minh chứng cho chính mình, rằng có phải chịu đau khổ vì chân lý ấy thì cũng xứng đáng, rằng chân lý ấy mạnh hơn cả cái chết. Lời tuyên xưng ấy minh chứng rằng điều tôi nắm giữ trong tay mình chính là chân lý, chân lý mà tôi hằng chắc chắn, rằng tôi đảm nhận sự sống của mình bởi vì tôi tìm thấy sự sống trong lời tuyên xưng ấy.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem lời “tuyên xưng” này phải thấm nhuần vào nơi nào: "Os, lingua, mens, sensus, vigor". Từ thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Roma, chúng ta biết rằng lời tuyên xưng đức tin nằm trong trái tim và trên môi miệng. Lời tuyên xưng phải nằm sâu thẳm trong trái tim ta, nhưng cũng được tuyên xưng công khai; niềm tin được cưu mang trong trái tim cần phải được công bố. Niềm tin chưa vào giờ chỉ là điều của con tim, nhưng còn phải được thông truyền và cần phải được tuyên xưng trước mắt toàn thế giới. Vì thế, chúng ta phải học để được bước sâu vào trong tâm điểm của lời tuyên xưng, để nhờ đó, con tim của chúng ta sẽ được định hình. Từ trong con tim này, cùng với một lịch sử lâu dài của Giáo hội, chúng ta sẽ tìm thấy lời tuyên xưng và sự khích lệ của lời tuyên xưng ấy. Lời này soi dẫn cho hiện tại của chúng ta, và chúng ta thấy rằng lời tuyên xưng của chúng ta chỉ là một.

Mens”: sự tuyên xưng không chỉ là điều thuộc trái tim và miệng lưỡi, mà con thuộc về lý trí. Sự tuyên xưng cần phải được đón nhận và suy tư bằng lý trí, để nhờ đó, đụng chạm đến người khác. Như thế, sự tuyên xưng cũng luôn hàm nghĩa rằng suy tưởng của tôi cũng đã thực sự được bám rễ trong lời tuyên xưng này.

Sensus”: không là điều hoàn toàn trừu tượng và duy lý, lời tuyên xưng phải được thấm nhuần trong các giác quan của cuộc đời chúng ta. Thánh Bernard of Clairvaux với cho chúng ta rằng: trong mạc khải và trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã ban cho các giác quan của chúng ta khả năng chiêm ngắm, đụng chạm, và cảm nến mạc khải. Thiên Chúa không còn chỉ là một thực tại thiêng liêng, nhưng Ngài đã đi vào thế giới của các giác quan, và như thế, các giác quan của chúng ta phải được lấp đầy bởi sự cảm nếm này, bởi vẻ đẹp của Lời Thiên Chúa, một thực tại chân thực.

Vigor”: là sức mạnh sống động của sự hiện hữu chúng ta và cũng là sức mạnh hợp lý của một thực tại. Với toàn bộ sức sống cũng như sức mạnh của mình, chúng ta phải được thấm nhuần bởi việc tuyên xưng. Việc tuyên xưng này phải được cá vị hóa (personare). Giai điệu của Thiên Chúa phải tấu khúc dạo đầu cho trọn vẹn cuộc hiện hữu của chúng ta.

Như thế, có thể nói rằng lời “tuyên xưng” là phần thứ nhất của Tin Mừng hóa, và “đức ái” là yếu tố thứ 2. Lời tuyên xưng không phải là một khái niệm trừu tượng nhưng là đức ái, là tình yêu. Chính trong cách thế này mà lời tuyên xưng thực sự là sự phản chiếu của chân lý thần linh, một chân lý không thể tách rời tình yêu. Bằng những từ rất mạnh, bản tụng ca miêu tả tình yêu này: ấy là sức mạnh, là ngọn lửa, làm bùng cháy những ngọn lửa khác. Có một khao khát cháy bỏng của chúng ta cần phải lớn lên nhờ niềm tin, và phải được chuyển thành ngọn lửa của đức ái. Đức Giê-su nói với chúng ta: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12, 49). Giáo phụ Origen đã thông chuyển cho chúng ta lời ấy của Đức Giê-su: “Bất cứ ai gần tôi, là gần ngọn lửa”. Người Ki-tô hữu không được phép là kẻ thơ ơ lãnh đạm. Sách Khải Huyền nói với chúng ta rằng điều nguy hiểm nhất đối với người Kitô hữu không phải là việc nói không, nhưng là việc đồng ý một cách lãnh đạm. Chính sự lãnh đạm hủy hoại Ki-tô giáo. Đức tin phải trở nên như một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta, một ngọn lửa thực sự làm bùng cháy trọn vẹn cuộc đời chúng ta, trở nên một khao khát lớn lao trong chúng ta, và như thế nó cũng làm bùng cháy ngọn lửa nơi tha nhân. Đây là cách thế của việc Tin Mừng Hoá: "Accéndat ardor proximos": chân lý phải trở nên đức ái trong tôi, và đức ái này sẽ trở nên ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Chỉ ngang qua việc thắp lên nơi anh chị em mình ngọn lửa của đức ái mà công cuộc Tin Mừng hoá và sự hiện diện của Tin Mừng mới thực sự được lớn lên. Khi đó Tin Mừng không còn là một từ ngữ đơn thuần, nhưng là một thực tại đã được sống.

Thánh Luca tường thuật với chúng ta rằng vào ngày lễ Hiện Xuống, vào ngày khai sinh của Giáo hội, Chúa Thánh Thần là ngọn lửa biến đổi thế giới, ngọn lửa dưới hình thức lưỡi lửa. Nghĩa là dù đây là một ngọn lửa nhưng đồng thời cũng là một thực tại hữu lý và thánh thiêng, và con người có thể hiểu được. Ngọn lửa này được nối kết với tư tưởng, với “mens”. Chính ngọn lửa lý tính này (sobria ebretas) làm nên đặc tính của Kitô giáo.

Chúng ta biết rằng lửa hiện diện ngay từ buổi bình minh của văn hoá nhân loại; lửa chính là ánh sáng, là hơi ấm và là sức mạnh để biến đổi. Văn minh nhân loại khởi đi từ việc con người tìm được phương pháp để tạo ra lửa. Với một ngọn lửa con người có thể huỷ diệt, nhưng cũng có thể biến đổi và canh tân. Ngọn lửa của Thiên Chúa là ngọn lửa làm biến đổi, ngọn lửa của khao khát, ngọn lửa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa; đồng thời đấy cũng là ngọn lửa huỷ hoại nhiều điều trong chúng ta. Trên tất cả, ngọn lửa này làm biến đổi, canh tân và sáng tạo nên những sự mới mẻ trong con người, biến con người nên ánh sáng trong Thiên Chúa.

Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện để lời “tuyên xưng” được bám rễ sâu xa trong tâm hồn chúng ta và trở nên một ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Nhờ đó, ngọn lửa của sự hiện diện của Thiên Chúa và sự mới mẻ của việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta trở nên thự sự hữu hình và trở nên nguồn sức mạnh cho hiện tại lẫn tương lai của chúng ta.

***

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Ngày Truyền giáo Thế giới (18.10.2009) - Các dân tộc sẽ đi dưới ánh sáng của Người

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúa nhựt thứ ba trong tháng mười là ngày khánh nhật truyền giáo, một dịp thôi thúc mỗi cộng đoàn giáo hội và mỗi người Kitô hữu dấn thân loan báo và làm chứng Tin mừng cho tất cả mọi người, cách riêng là những người chưa biết Chúa. Trong sứ điệp viết nhân cơ hội này, tôi đã gợi hứng từ đoạn sách Khải huyền, vọng lại một lời tiên báo của ông Isaia: “Các dân tộc sẽ đi dưới ánh sáng của Người” (Kh 21, 24). Ánh sáng nói đây là ánh sáng của Thiên Chúa, được tỏ bày nhờ Đấng Thiên sai và phản chiếu trên dung nhan của Hội thánh, được diễn tả như là thành Giêrusalem mới, đô thành tráng lệ chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Đó là ánh sáng của Tin mừng, soi dẫn nẻo đường của các dân tộc, và hướng dẫn họ đến việc kiến tạo một đại gia đình, trong công lý và hoà bình, dưới một hiền phụ duy nhất là Thiên Chúa tốt lành và lân tuất. Hội thánh hiện hữu là để loan truyền sứ điệp hy vọng của toàn thể nhân loại, ngày nay “đang chứng kiến nhiều khám phá rực rỡ nhưng xem ra đã đánh mất ý nghĩa của những thực tại tối hậu và của chính sự hiện hữu” (thông điệp Redemptoris Missio 2).

Trong tháng mười, đặc biệt là vào chúa nhựt hôm nay, Hội thánh hoàn vũ nêu bật ơn gọi truyền giáo của mình. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Hội thánh ý thức rằng mình được kêu gọi tiếp tục công trình của Chúa Giêsu qua việc loan báo Tin mừng về Triều đại Thiên Chúa, đó là “công lý, bình an và hoan lạc trong Thánh Linh” (Rm 14, 17). Triều đại này đang hiện diện trong thế giới như là sức mạnh của tình yêu, tự do, liên đới, tôn trọng phẩm giá mọi ngươi, và Cộng đoàn Giáo hội cảm thấy thúc bách phải hoạt động sao cho Chúa Kitô được ngự trị hòan toàn. Hết mọi phần tử của Hội thánh hợp tác vào kế hoạch ấy, tuỳ theo bậc sống và đặc sủng của mình. Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, tôi muốn nhắc đến các nhà truyền giáo – linh mục, tu sĩ, giáo dân thiện nguyện – đã hiến dâng cuộc đời để mang Tin mừng cho thế giới, đương dầu với những khó khăn hiểm trở và thậm chí đôi khi những cuộc bách hại nữa. Tôi nghĩ đến cha Ruggero Ruvoletto, linh mục theo dự án fidei donum, mới bị sát hại bên Brasil, cha Michael Sinnot, tu sĩ, mới bị bắt cóc cách đây mấy hôm bên Philippin. Và làm sao không nghĩ đến những gì đang đuợc bàn trong Thượng hội đồng giám mục về châu Phi, có liên quan đến việc hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô và cho Hội thánh? Tôi xin cám ơn các Hội Giáo hoàng truyền giáo vì công tác phục vụ việc cổ động và đào tạo cho việc truyền giáo. Tôi xin mời tất cả các Kitô hữu hãy góp phần chia sẻ vật chất và tinh thần để giúp đỡ các giáo hội non trẻ tại các nước nghèo.

Các bạn thân mến, hôm nay ngày 18 tháng mười cũng là lễ thánh sử Luca. Ngoài sách Tin mừng, người còn viết cuốn Công vụ các thánh tông đồ, kể lại việc truyền bá sứ điệp Kitô giáo cho đến tận cùng mặt đất mà người đương thời biết đến. Chúng ta hãy xin thánh nhân chuyển cầu, cùng với thánh Phanxicô Xavier và thánh Terêsa Hài đồng, bổn mạng các nơi truyền giáo, và của Đức Trinh nữ Maria, ngõ hầu Hội thánh tiếp tục truyền bá ánh sáng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho khoá họp đặc biệt của Thượng hội đồng giám mục về Phi châu, đang diễn ra tại Vatican vào những ngày này.

Văn Việt (tổng hợp)
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...