Chia sẻ Niềm vui lễ Giáng sinh với Bạn Đạo (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3403 | Cật nhập lần cuối: 5/24/2023 10:29:47 PM | RSS

Sáng ngày 24.12.2012, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn, đại diện ban Mục vụ Truyền thông TGP và một số anh chị em phong trào Focolare đã đến chung vui lễ Giáng sinh với các đạo hữu Cao Đài tại Thánh thất Bàu Sen.

Trong dịp này, Ban Cai Quản Thánh thất Bàu Sen đã mời linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc thuyết minh Giáo lý nhân ngày Đại lễ và cũng là kỷ niệm 45 năm tái thiết Thánh thất. Sau đây là nội dung bài chia sẻ mang chủ đề “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”:

Nội dung

I. Lý lịch nhân trần

II. Nguồn gốc thần linh

III. Mầu nhiệm thiên-nhân hợp nhất nơi Đức Giêsu Kitô

IV. Hệ quả của niềm tin Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Khai đề

Có khá nhiều hình tượng xuất hiện mỗi khi mùa lễ Giáng sinh trở về: từ những cánh thiệp, máng cỏ, cây thông Giáng sinh, các đèn ngôi sao, đến ông già Noel, ba nhà đạo sĩ.

Câu chuyện Thiên Chúa Giáng sinh đã là nguồn cảm hứng và đề tài cho nhiều tác phẩm, thi nhạc, điêu khắc, kịch bản sân khấu hay phim trường.

Bầu khí lễ Giáng sinh mang lại niềm vui cho nhiều người, từ sinh viên-học sinh cho đến anh chị em công nhân, từ người sống nơi đô thị lẫn người ở thôn quê, từ trẻ em cho đến người lớn, v.v… Niềm vui ấy còn mang sắc thái tâm linh với những tâm tình thánh thiêng, sâu lắng nơi những người tín hữu bốn phương.

Ngày nay, màu sắc dân gian và lễ hội của việc kỷ niệm Thiên Chúa Giáng sinh làm người đã mang chiều kích hoàn vũ, dù cho ý nghĩa mà thiên hạ gán cho lễ này có khác nhau, tùy theo niềm tin và tôn giáo của mỗi người. Dù thế nào đi nữa, thì ít ai phủ nhận rằng cột mốc tính thời gian theo năm dương lịch hiện tại được qui chiếu về biến cố Thiên Chúa nhập thể và nhập thế này. Thực vậy, dấu vết của từ BC (Before Christ) và AC (After Christ) trong tiếng Anh là một bằng chứng lịch sử cho sự kiện trọng đại này đối với người tin.

Có lẽ người Công giáo sẽ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi biết hàng năm anh chị em Cao Đài, đặc biệt tại Thánh thất Bàu Sen, mừng lễ “Đức Gia-tô giáo chủ Giáng sinh”. Và họ càng ngạc nhiên hơn khi biết các Đạo hữu của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ có tới “36 bài Thánh giáo của Đức Gia-tô và các Thánh”[1], trong đó bài Thánh giáo cổ nhất được ghi lại vào năm 1926 bằng Pháp ngữ có dạy hai huấn điều mà chúng ta đang thực hành: (1) “các con hãy thương mến nhau” (2) “các con hãy học hỏi nhau”. “Tất cả chơn lý đều ở trong Đạo (đạo Kitô, đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng)”[2].

Vì thế, lễ Giáng sinh không chỉ là một đại lễ dành riêng cho những người theo Kitô giáo mà còn là một lễ lớn đối với anh chị em tín đồ Cao Đài; và đó cũng là lý do vì sao đạo đệ hiện diện nơi đây để chia sẻ về niềm tin vào Thiên Chúa làm người của mình với quý đạo huynh, đạo tỷ có mặt tại Thánh thất Bàu Sen nói riêng và với quý đạo hữu độc giả nói chung.

Xin chân thành cảm ơn Ban cai quản và quý Huynh Tỷ thuộc Thánh thất Bàu Sen đã dành cho đạo đệ niềm vinh hạnh và trọng trách được trình bày bài thuyết minh giáo lý như một đạo sự trong Ngày lễ của niềm vui và tình huynh đệ đại đồng này.

I. Lý lịch nhân trần

Nhân vật trung tâm của lễ Giáng sinh là ai? Xét về mặt lịch sử nhân thế, lễ này đánh dấu sự ra đời của một hài nhi Do Thái mang tên Giêsu, sinh bởi Đức Maria, có nguyên quán ở Bêlem, miền nam Israel (nay thuộc lãnh thổ Palestine), do mối liên hệ với dưỡng phụ là thánh Giuse, người thuộc dòng tộc hoàng gia Đavít. Vì gia đình Giuse-Maria định cư lâu dài ở Nagiarét (Nazareth), nên tên của Đức Giêsu thường được gọi chung với địa danh này: Giêsu Nagiarét.

Tên “Giêsu” (- Kitô) là một mục từ có mặt trong các từ điển phổ thông cho thấy tính cách lịch sử của nhân vật trung tâm của Ngày Lễ mà chúng ta đang đề cập đến ở đây.

  • Le Petit Larousse Illustré, Paris, 1993 ghi: Jésus: “Représentation du Christ enfant”.
  • The Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, Oxford University Press, 2005.

Jesus => Jesus Christ: The man that Christians believe is the son of God and on whose teachings the Christian religion is based.

  • Wikipedia, the free encyclopedia:

Jesus (dʒiːzəs/; Ancient Greek: Ἰησοῦς Iēsous; 7–2 BC/BCE to 30–36 AD/CE), also referred to as Jesus of Nazareth, is the central figure of Christianity, whom a majority of Christian denominations believe to be the Son of God (x. Mk 1:1)[3].

  • Enciclopedia Zanichelli (a cura di Edigeo):

Theo Tân ước và Giáo lý của Giáo hội thiết lập trên nền móng của Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Đức Chúa Thánh Thần, và là ngôi thứ hai trong Ba ngôi Thiên Chúa, có hai bản tính : con người và Thiên Chúa. Các chứng từ lịch sử về cuộc sống của Đức Giêsu, ngoài những chứng cứ riêng biệt trong văn bản tiếng do thái (Josephus Flavius, Talmud) hay từ phía ngoại giáo (Tacitus, Suetonius), được ghi trong các sách Phúc âm (vốn là sách được viết khoảng vài chục năm sau cái chết của Người và trong một bối cảnh và ngôn ngữ khác với bối cảnh và ngôn ngữ nơi Người sinh sống) là tài liệu lịch sử đáng tin cậy. Đức Giêsu sinh ra khoảng giữa năm 9 và năm 5 trước Công Nguyên (niên lịch sinh nhật của Người bị tính toán lầm lẫn do Dionigio Nhỏ) tại Bethlem xứ Giuđê, bởi ông Giuse và bà Maria, là người được sứ thần Gabrien truyền tin sẽ thụ thai bởi quyền năng Đức Chúa Thánh Thần. Bị buộc phải rời đi đến xứ Ai cập để trốn thoát cuộc bách hại của vua Hêrôđê, và khi vua này chết (năm 4 trước CN), gia đình trở về định cư tại Nazareth. Thông tin về cuộc đời thơ ấu và tuổi trẻ của Người rất ít ỏi, chỉ khi đến khoảng 30 tuổi Người mới bắt đầu đi rao giảng công khai; cuộc đời công khai ấy, được Gioan Tẩy Giả loan báo trước, diễn tiễn trong một năm (theo các Phúc âm Nhất Lãm) hoặc trong ba năm (theo Phúc âm Gioan và truyền thống). Trong suốt thời gian ấy, chính yếu ở vùng Galilê, Đức Giêsu đã rao giảng một giáo lý mới, làm nhiều phép lạ thu hút nhiều người, và lập một nhóm môn đệ trung tín (12 tông đồ), nhóm mà Người ủy thác tiếp tục công trình của Người sau khi Người chết. Bị giới tư tế do thái và nhất là những người phái Sađuxêu thù ghét, Người bị kết án tử hình chịu đóng đinh trên thập tự vì đã phạm thượng. Theo lời chứng của các tông đồ, sau ba ngày Người đã sống lại và hiện ra với họ trong nhiều bối cảnh khác nhau, loan báo sẽ gửi đến Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần (Hiện Xuống). Sứ điệp của Đức Kitô, nền tảng của Kitô giáo, xoay quanh Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận, tóm lược trong Kinh “Lạy Cha“, xoay quanh ý tưởng dành ưu tiên cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi, lên án người giàu có và quyền thế, và rao giảng Lòng Thương Xót của Chúa đối với những người tội lỗi [4].

II. Nguồn gốc thần linh

Nếu như tính cách lịch sử của Đức Giêsu tìm được sự đồng thuận của nhiều học giả cũng như sử gia, thì chiều kích thần linh nơi Người được ghi nhận với ít nhiều khác biệt, tùy theo quan điểm và niềm tin tôn giáo.

* Các đạo hữu thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tin nhận và tôn kính Đức Giêsu như Đấng sáng lập Kitô giáo trong Nhị kỳ Phổ độ và quen gọi là “Đức Gia Tô Giáo chủ” trong lời cầu nguyện cũng như nơi các sách Giáo lý Cao Đài. Đức Giêsu còn được xem như sự phân thân của Thượng Đế, dựa trên niềm tin “vạn vật đồng nhất thể”.

* Theo cái nhìn của Đức Đạt-lai Lạt-ma, “Đức Giêsu Kitô hoặc là một Đấng Toàn giác hoặc là một vị Bồ-tát đã thể nghiệm tâm linh cao độ”[5]. Các Phật tử Thái Lan cũng xem Đức Giêsu như một Bodhisattva (Bồ tát) vì Người đã hy sinh thân mình trên thập giá nhằm cứu thoát chúng sinh.

* Đối với anh chị em theo đạo Islam, thì Đức Giêsu được gọi là “Isā” trong kinh Qur’an và quan niệm như một tôi tớ của Thiên Chúa, một tiên tri được Allah sai đến trần gian. Cuốn Từ vựng Đạo Islam ghi như sau:

ISÂ IBN MARYAM: Tên ghi trong kinh Coran về Đức Giêsu, chỉ người con của Maryam (Maria) và một tiên tri được Thiên Chúa gửi đến. Việc thọ thai lạ lùng, sứ mạng và cái chết của ngài là đối tượng của các văn bản được gợi lên nơi các trình thuật Phúc âm. Nhưng Isā xuất hiện ở đó đơn giản như “tôi tớ của Thiên Chúa” hay ‘abd, chứ không phải là Con Thiên Chúa: “Đấng Messia, Isā ibn Maryam, chỉ là Sứ đồ của Thiên Chúa, là Lời của Ngài đặt nơi Maryam và là Tinh Thần phát xuất từ Ngài. Chúng con hãy tin vào Thiên Chúa và các Sứ đồ của Ngài và đừng nói đến Ba (Thiên Chúa)[6].

* Nhà Thơ Rabindranath Tagore (1861-1941), trong tập Thơ Dâng có một bài diễn tả sự tự hạ của Thiên Chúa đến với người nghèo:

Chỗ này là thảm hoa để người đặt chân,

nhưng người lại đứng đằng kia bên hàng hạ nhân tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.

Cho dẫu muốn cúi đầu chào người, lòng kính cẩn trong tôi cũng không thể chạm tới chỗ chân người

đang ngừng nghỉ cùng những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.

Lòng kiêu ngạo chẳng bao giờ đi tới nơi người trong manh quần tả tơi,

tấm áo đơn sơ đang cùng đi với những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.

Tim tôi chửa một lần tìm thấy đường đi dẫn đến nơi

người đang bước cùng những kẻ lạc loài trong đám người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn [7].

* Theo niềm tin Kitô giáo, việc Giáng sinh của Con Thiên Chúa trong lịch sử loài người đã được chuẩn bị lâu dài, được tiên tri Isaia báo trước nhiều thế kỷ “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Isaia 7, 14)

Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).

III. Mầu nhiệm thiên-nhân hợp nhất nơi Đức Giêsu Kitô

Tâm hồn người Việt chúng ta vốn thấm nhuần tính chất tôn giáo: niềm tin vào Ông Trời/Thượng Đế, các vị thần thánh, sự phù hộ của ông bà tổ tiên,… Đó cũng là điểm gặp gỡ giữa nhiều niềm tin tôn giáo trên quê hương chúng ta cũng như tại châu Á. Truyền thống Việt tộc lại chất chứa bao nghĩa tình với đạo hiếu, đạo vợ chồng, lòng nhân ái, tôn sư trọng đạo, tình bằng hữu, tinh thần tương trợ. Khởi đi từ lăng kính những giá trị đạo đức này, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Giêsu để khám phá ra những nét đặc thù và độc đáo của Đấng sáng lập Kitô giáo [8] này.

Nơi Đức Giêsu Kitô hội tụ cả nhơn đạo lẫn thiên đạo, vì Người có thể giúp con người tu dưỡng thân tâm, xây dựng một cộng đồng huynh đệ cho xã hội loài người và đồng thời hướng dẫn con người đến với Cha Trời/Thượng Đế cũng là Cha của Người[9]. Thánh Phêrô đã xác quyết rằng Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Phêrô 1, 4). Đức Giêsu có thể giúp các đạo hữu chúng ta xây dựng và phát triển tính toàn diện nhân sinhtâm linh tức là cả “thế đạo đại đồng” và “thiên đạo giải thoát”. Đạo đệ xin mượn ba hình ảnh mang tính tổng hợp và dựa trên cơ sở thần học-Kinh thánh để trình bày chân lý mà bản thân đã “ngộ” và “nghiệm” ra khi sống với Đức Giêsu Kitô như một môn sinh và một tiểu đệ, đó là “Người Thầy”, “Ân nhân” và “Con Thiên Chúa”.

1. Người THẦY Tối thượng

Vai trò quan trọng của người thầy được xã hội và gia đình nhìn nhận, đồng thời ghi dấu ấn trong văn hóa dân gian Việt Nam:

"Không thầy, đố mầy làm nên!"

"Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy".

Khác với các bậc thầy nhân loại, thường được các môn sinh "tầm sư học đạo", còn Đức Giêsu lại là người đi bước trước để tìm môn sinh, sau khi đã tham khảo ý Chúa Cha trong nguyện cầu. "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em" (Gioan 15, 16). Phải chăng đó chính là huyền nhiệm của ơn gọi Kitô hữu và độc đáo tính của đạo Kitô?

Hơn nữa, Thầy Giêsu không những là người chỉ đạo, người hướng đạo, đồng đạo, mà còn chính là ĐẠO, là đường dẫn đưa đến Nước Trời, là Chính Đạo. Người đã khẳng định với các môn đệ xưa và nay rằng "không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Gioan 15, 5). Không chỉ lời nói mà hành động, cử chỉ và cả cuộc đời của Thầy Giêsu là Bài Học sinh động mà Chúa Cha muốn giáo hóa con người. Ngôn hành của Chúa Giêsu thống nhất, hài hòa và phát sinh hiệu năng, có sức chữa lành, giải thoát, ban sự sống, niềm vui, hạnh phúc cùng ơn cứu độ.

* Thầy Sự Sống (xem Pl 1, 21; GLHTCG 561)

Lời của Chúa Giêsu đầy sức sống, nuôi dưỡng tâm linh và ban sự sống đời đời cho con người. Chúa Giêsu còn được gọi bằng Danh hiệu “Ngôi Lời” (Logos). Vì thế, người Công giáo được mời gọi thường xuyên lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa, cách đặc biệt trong mỗi ngày Chúa nhật.

Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, khi được Đức Giêsu hỏi về ý muốn xa lìa Thầy, Phêrô – vị tông đồ cả trong 12 đệ tử đầu tiên của Đức Giêsu – đã trả lời: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (Gioan 6, 68)

Thầy Giêsu đã nêu rõ mục đích việc đến trần gian của mình là để cho con người được sống dồi dào: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Gioan 10, 10)

Do đó, tương quan giữa người môn đệ với Thầy Giêsu không chỉ là tương quan trên bình diện tri thức hay giáo huấn luân lý, đạo đức, mà chủ yếu là mối liên hệ sự sống.

‚* Người Chiến thắng sự chết

Đức Giêsu làm cho người chết hồi sinh. Thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trường hợp điển hình về việc hồi sinh người thanh niên con một góa phụ thành Nain:

Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!" Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và ... (còn tiếp)

Ban MVĐTLT

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...