Chữ Nhân - Agapè

5 /5
2 người đã bình chọn
Đã xem: 1089 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Quy Luật Vàng mà Tin Mừng nói đến (Mt 7, 12 = Lc 6, 31):


“… Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”

 

Dẫn Nhập


Khi các sứ giả loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến bán đảo hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương, họ không thấy nơi đây một mảnh đất vô tôn giáo, nhưng là một vùng, mà toàn dân, mặc nhiên hay minh nhiên đã sống một tôn giáo tự nhiên được quen gọi là đạo ông bà hay tổ tiên,[1] trong vô thức thâm sâu còn ẩn chứa một tam giáo đồng nguyên[2] và đồng quy.[3]

 

Thật vậy, con người Việt Nam từ vua quan đến thứ dân với nền văn hóa hòa hợp, kết quả của niềm tin vào truyền thống tổ tiên, ngay từ đầu Công Nguyên, đã vui vẻ tiếp nhận Phật giáo từ Ấn độ đến. Tiếp theo đó, họ đã đón nhận hai tôn giáo theo chân các quan lại từ Trung Hoa đến dưới thời Bắc Thuộc: Nho giáo vào thế kỉ I TCN và Lão giáo từ cuối thế kỉ II SCN.  Trong thực tế,dân tộc Việt Nam đã dung hòa ba tôn giáo này qua thái độ sống chứ không phải hòa trộn chung Phật, Khổng và Lão với nhau[4].

Triết lý Tam giáo đã thắm vào chiều sâu của mỗi người dân Việt một cách tự nhiên như hơi thở, không cần phải quyến rủ, không cần phải mời mọc, không cần đem danh lợi ra để khuyến dụ...[5]

Nhưng trong thực tế, lễ tắc của Nho giáo hàng ngàn năm qua được chắt lọc và dần Việt hóa, đã ăn sâu vào văn hóa xã hội Việt Nam qua các nghi thức định hướng cuộc sống[6] (ví dụ hôn nhân, tang chế) và đạo nghĩa giúp con người ứng xử trong việc “tề gia, trị nước, bình thiên hạ.”

Trong bài tiểu luận ngắn ngủi này về  chữ nhân từ góc độ Kitô giáo, tác giả sẽ lưu ý những ảnh hưởng từ Tam giáo, đặc biệt từ Nho giáo với tư tưởng “nhân ái” trải rộng qua cuộc sống con người Việt Nam. Thật vậy, Đức Khổng Tử mà từ ngày Nho giáo xuất hiện, suốt đời đã cố đem hết tài năng sở học, cùng lý tưởng của mình để cổ vũ cho thuyết “Chính Danh Quân Tử” và dùng nó làm nền tảng thiết lập trật tự tốt lành cho xã hội. Trong Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín[7], ngài đặt đức tính đầu tiên là Nhân ()[8]. Theo nghĩa đen, nhân tức là nhân đạo, là lòng thương yêu con người qua sự thể hiện lòng “cung kính, khoan dung, thành tín, cần mẫn và ơn huệ”[9], và đồng thời có trách nhiệm với giang sơn, một con đường mà bất cứ ai cũng nên bước theo để trở thành "Chính Nhân Quân Tử".

Chữ Nhân và Chữ Agapè

Ta biết Quy Luật Vàng mà Tin Mừng nói đến (Mt 7, 12 = Lc 6, 31)

“… Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” đã ở dưới dạng phủ định của Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN) trong Luận Ngữ[10] (15, 23): “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác”[11]. Sách Mạnh Tử (VII. A.4) cũng nhấn mạnh rằng việc cố áp dụng chữ Thứ vào đời sống thì không có gì gần đức Nhân bằng.

1. Nhân như là Một Đức Hoàn Thiện

Trong viễn tượng của Khổng Tử, "Nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là đức hoàn thiện của con người. Vì thế, nếu "Đạo" được hiểu như là Con Đường, là Chính Đạo, là Con Đường của Thiên Nhiên, thì "Nhân" chính là đạo làm người, sống với bản thân, sống với con người. Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là "Nhân", người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông.  Cho dù cũng có nhà tư tưởng hiểu ngược với Khổng Tử, nhưng tư tưởng "Nhân" của nhà hiền triết vẫn đi vào lòng của nhiều người đương thời và thúc đẩy họ sống đời chính-nhân-quân-tử"[12]. Chữ "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử được đề cập ở rất nhiều tác phẩm, đặc biệt trong sách Luận Ngữ[13].

Trong Luận ngữ, khái niệm này được ông nhắc đến  nhiều lần như là một nguyên tắc đạo đức trong nhiều hoàn cảnh khác nhau[14]. Thông qua các Tứ Thường khác (= lễ, nghĩa, trí, tín) ông giải thích bản tính con người và quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội. Ngoài ra, theo ông "Nhân" còn có thể hiểu là "trung thứ"[15], tức là đạo đối với con người, nhưng cũng là đạo đối với bản thân mình nữa. “Trung" ở đây là tận tâm, làm hết sức mình, còn "thứ" là suy từ lòng mình ra mà biết lòng người: “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác”, vì tha nhân cũng không muốn điều đó. Vì thế, "trung thứ" là sống đúng với bản thân mình và mang điều đó ứng xử tốt với người. Và ông xem đây chính là đức hạnh của người "nhân"[16].

Trong thiên "Nhan Uyên" của Luận Ngữ "Nhân" có thể là có tính chất bao quát hơn cả. Không sợ sai, có thể nghĩ ở đây chữ "Nhân" theo Khổng Tử là "yêu người"[17] được hiểu khá tổng quát. Vì đi liền với "Nhân" ông phân biệt các khái niệm "thiện nhân", "đại nhân", "thành nhân", "nhân nhân", "thánh nhân”. Nhưng đừng tưởng Khổng Tử không biết dùng chữ “ghét” cho bậc chính nhân quân tử. Theo ông: "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi"[18]. Ghét kẻ "tiểu nhân", vì họ có tính cách thấp hèn, trong khi kính trọng và yêu mến “thánh nhân" vì là là người có đạo đức cao siêu. Nhưng nói cách chung theo ông, "ái nhân" là yêu thương mọi người, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ.

Trong Luận Ngữ, có chỗ nhà hiền triết không dùng trực tiếp chữ "Nhân" (yêu người), nhưng nội dung thể hiện ở đó lại thấm đẫm tình yêu thương bao la. Khi ông dùng chữ “Hiếu” ví dụ với cha mẹ, thì ông giải thích chính là lòng nhân (yêu thương cao cả) đi kèm với lòng kính trọng sâu xa[19]. Hoặc nó còn được thể hiện trong mối quan tâm đến con người hơn các giống nòi khác, vì con người cao cả hơn[20] là sự sống còn của ngựa (tức là của cải). Tư tưởng "Nhân" là "yêu người" của ông thực sự đã được thể hiện ra mọi nơi, mọi lúc.

Coi "Nhân" là "yêu người", trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dành không ít lời để nói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về "Nhân", Khổng Tử đã nói:

"Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?"[21].

Nói tóm lại, Nhân có thể được xem như là nguyên lý đơn thuần với ba chiều kích: một sự thống nhất giữa con người-vũ trụ, một lòng nhân luân lý-siêu hình, một tình yêu thiết thực-phổ quát.

2. Chữ Nhân Kitô Giáo Như Là Agapè

Khái niệm Kitô giáo về chữ nhân-agapè xuất hiện không quá phức tạp như chữ nhân của Nho giáo.

Trước tiên nó nói đến tình yêu giữa con người và Thiên Chúa, và yêu thương giữa con người với con người trong nhân loại. Tình yêu Người-Người chỉ mang ý nghĩa khi nó là biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa-Người.

Sống chữ Nhân-Agapè là sống và thực hành giới luật hàng đầu của Kitô giáo,  nền tảng của Kitô giáo[22].

a) Nhân-Agapè Đó Là Tình Yêu-Tự Hiến

 Cho dù tình yêu này đi từ Thiên Chúa đến Con Người hay Con Người đến Thiên Chúa, hay từ Con Người đến Con Người, nó mang tất cả sức mạnh của lệnh truyền của Đức Giêsu “yêu với tất cả tâm hồn, tâm trí, linh hồn và sức mạnh” (x. Mt 22, 37-39).

Bởi vì Thiên Chúa không muốn gì cho bản thân mình, tình yêu (= nhân-agapè) của Ngài là hoàn toàn hiến dâng. Một cung cách vô cùng quan trọng thể hiện con người đáp trả tình yêu này với Thiên Chúa, đó là yêu mến toàn nhân loại, không loại trừ ai, cho dù đối với kẻ thù của mình, đến mức độ Đức Giêsu xem lệnh truyền yêu người cũng giống như lệnh truyền thứ nhất, yêu Chúa (Mt 22, 39), và Ngài xem “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ (nghĩa là toàn bộ Cựu Ước) đều tuỳ thuộc vào hai lệnh truyền này” (Mt 22, 40).

 Có lẽ định nghĩa hay nhất của chữ Nhân-Agapè đó là thư thứ nhất của Phaolô gởi giáo đoàn Corintô: Đức mến (= nhân-agapè) thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (1 Cr 13, 4-7).

Trong một cái nhìn, agapè tổ hợp một lòng thương cảm siêu nghiệm từ Thiên Chúa đến con người; một sự quí mến tôn giáo từ người đến người; và một mối quan tâm luân lý từ người đến tha nhân. Agapè là tất cả những điều trên.

 Đàng khác, khi Đức Giêsu xem “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai lệnh truyền này” (Mt 22, 40), Ngài đã chỉ ra sự công chính của Mười Giới Răn chỉ có ý nghĩa trọn vẹn bởi tình yêu-agapè. Thật vậy, tình yêu Chúa mang tất cả sức mạnh của cá vị và ngôi vị, không chỉ dựa trên tổ tiên và chủng tộc, liên quan hơn đến đức tin, lòng thương cảm đối với nỗi khổ đau và tha thứ tội lỗi con người. Chính vì thế ơn cứu rỗi trước tiên  chính là thái độ của niềm tin vào Thiên Chúa: “Anh có tin là Ta có thể chữa lành cho anh không?” như lời Đức Giêsu nói với người bị bệnh tật (thể xác và tâm hồn).

b) Ngoài ra Nhân-Agapè Như là Vượt Mọi Dạng Chữ Nhân  Khác

Đối với Kitô giáo, sống chữ Nhân-Agapè cách hoàn hảo nhất, đúng đắn nhất, đó là bước vào con đường cũng là đích điểm: Chúa Kitô, cội nguồn Kitô giáo, tôn giáo của cái Nhân-Agapè, cái “đạo” đề cao yêu thương, nhân danh bác ái, và chỉ sống chết cho tình yêu.

Chính vì thế, Đức Giêsu đòi hỏi tình yêu Ngài vượt quá mọi tình yêu nhân loại cho dù nó chính đáng đến đâu: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10, 37). Đó là một tình yêu tuyệt đối cá vị đối với Ngài. Và nếu lệnh truyền của Ngài là yêu thương cả kẻ thù, đó là vì mọi ranh giới của con người với nhau (ở đây ranh giới thù nghịch) chỉ là nhỏ nhoi, phải vượt qua để xứng đáng  với tình yêu của Ngài; chỉ vì tình yêu-cứu độ của Ngài bao trùm tất cả mọi người không trừ ai, cho dù người đó là kẻ thù của ta.

Do đó, như ta sẽ xem chữ Nhân - Kitô giáo khác nhiều với chữ Nhân - Nho giáo. Mọi dạng tình yêu phải xuất phát từ Thiên Chúa, và đáp lại, mọi tình yêu là sự đáp trả tình yêu của Ngài. Trong Kitô giáo, chuỗi Tin, Cậy, Mến định hướng con người Kitô hữu, nhưng “cao trọng hơn cả là đức mến (= nhân-agapè)” (1 Cr 13, 13).

c) Nhân-Agapè vượt trào Nhân -Quân Tử, Nhân-Vô Vi, Nhân-Từ Bi

Chính vì là hiện thân của Tình Yêu–Agapè tuyệt đối, Đức Kitô dạy con người vượt trào tình yêu nhân loại để đến mức “Yêu như Chúa yêu.” Giáo phụ Augustinô đã chỉ ra mức độ của tình yêu này là yêu không mức độ. Trong bữa tiệc giã biệt, trước khi bước vào con đường biểu lộ tình yêu vô biên đối với Cha của Ngài, và đối với nhân loại, Ngài hé lộ mức độ chữ Nhân-Agapè này:

Thầy ban cho các con một điều răn mới: là hãy yêu mến nhau. Như Thầy đã yêu mến các con, các con cũng phải yêu mến nhau…Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con(Ga 13, 14. 34).

Yêu như Thầy!” đó là lời mời gọi đến cái Nhân-Agapè của Đấng, phận là Thiên Chúa mà đã vâng phục Thiên Chúa Cha đến hóa mình ra không và chết trên thập giá vì con người (x. Philip 2, 6-8), để con người được ơn cứu độ. Nói cách khác, cho dù tình yêu nhân loại cao quí đến đâu, tình yêu-người quân tử, tình yêu-người vô vi, tình yêu-từ bi thì phải được vượt trào để đến tình yêu-Thiên Chúa-Làm-Người.

Chữ Nhân-Agapè thúc đẩy người Kitô hữu đi đến tận cùng của của tình yêu này. Đó là một tình yêu như là một sự “lụy vì tình”[23], “đầu hàng vô điều kiện”[24], một tình yêu không còn để phải nói “I’m sorry”[25]. Nơi tình yêu này, mỗi nhân vị  không còn lấy mình làm trọng tâm nữa, nhưng bị thúc bách bắt chước gương của Thầy mình như Phaolô đã nói. Thật vậy, chữ Nhân của người Kitô hữu đó là chữ Nhân to lớn của  Đức Giêsu Kitô, chuẩn mực của mọi chữ Nhân của nhân loại.

3. Nhân-Agapè như một Mối Phúc

Trong bài diễn từ trên núi, Đức Giêsu đã gọi lòng Nhân-Agapè hay lòng thương cảm, là một trong tám phúc (Mt 5, 7.4):

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...