Diễn văn của ĐGH Gioan Phaolô II tại Assisi trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình

5 /5
2 người đã bình chọn
Đã xem: 2756 | Cật nhập lần cuối: 5/24/2023 9:53:03 PM | RSS

Diễn văn của ĐGH Gioan Phaolô II tại Assisi 1986

Thưa Anh chị em,

Kính thưa quý vị lãnh đạo, đại diện các Giáo Hội Kitô giáo cùng các Cộng đồng Giáo Hội và các Tôn giáo trên thế giới,

Các bạn thân mến,

1. Tôi hân hạnh và vui mừng chào đón tất cả các bạn tham dự Ngày Thế giới cầu nguyện của chúng ta tại thành phố Assisi này. Xin cho tôi được bắt đầu bằng lời tri ân từ đáy lòng mình, cảm ơn các bạn đã nhận lời mời đến Assisi để cầu nguyện với tấm lòng cởi mở và thiện chí.

Là các nhà lãnh đạo tôn giáo, các bạn đến đây không phải để tham dự Hội nghị liên tôn về hòa bình, để tập chú vào việc thảo luận hay nghiên cứu những kế hoạch hành động trên quy mô toàn cầu vì một mục tiêu chung.

Sự kiện nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo cùng đến đây để cầu nguyện tự nó là một lời mời gọi thế giới nhận thức rằng có một chiều kích khác của hòa bình và một phương thức khác để thúc đẩy hòa bình, vốn chẳng phải là kết quả của sự thương thảo, của những thỏa hiệp chính trị hay mặc cả kinh tế. Đó là kết quả của việc cầu nguyện mà –nơi nhiều tôn giáo khác nhau-, biểu hiện mối tương quan với một quyền năng tối cao, vượt quá khả năng con người chúng ta.

Đối với nhiều người trong chúng ta, chúng ta đến từ xa, không chỉ xa vì khoảng cách địa lý, nhưng chủ yếu là do nguồn gốc lịch sử và tinh thần đặc thù của mình.

2. Sự kiện chúng ta đến đây không bao hàm bất kỳ ý định tìm kiếm một sự đồng thuận tôn giáo nào hoặc thương lượng về niềm tin của chúng ta. Cũng không có nghĩa là các tôn giáo có thể được hòa giải ở cấp độ của một cam kết chung về một dự án mang tính trần thế vượt trội hơn tất cả. Cũng không phải là một nhượng bộ đối với chủ thuyết duy tương đối về niềm tin tôn giáo, bởi vì mỗi người phải chân thành tuân theo lương tâm ngay thẳng của mình trong ý hướng tìm kiếm và tuân phục chân lý.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta chỉ chứng tỏ một điều –và đây là ý nghĩa thực sự cho con người thời đại chúng ta – là trong cuộc tranh đấu lớn lao vì hòa bình, hành vi đạo đức của mọi con người phải phát xuất từ những nguồn mạch sâu xa và sinh động nhất của nhân loại vốn vô cùng đa dạng; nguồn mạch ấy là nơi mà lương tâm được hình thành và xây dựng trên đó.

3. Tôi thấy cuộc gặp gỡ hôm nay là một dấu hiệu rất quan trọng về sự cam kết của tất cả các bạn cho hòa bình. Chính cam kết này đã đưa chúng ta đến Assisi. Việc chúng ta tuyên xưng những niềm tin khác nhau không làm giảm thiểu ý nghĩa của Ngày gặp gỡ này. Ngược lại, các Giáo Hội, các cộng đồng Giáo Hội và các Tôn giáo trên thế giới lại chứng tỏ rằng họ thiết tha với thiện ích của nhân loại.

Hòa bình, nơi nào có, bao giờ cũng cực kỳ mong manh. Nó đang bị đe dọa bằng quá nhiều cách và với những hậu quả không lường trước được đến độ chúng ta phải cố gắng tạo lập các nền tảng an toàn cho nó. Nếu đã không thể phủ nhận nhu cầu phải duy trì và củng cố hòa bình bằng nhiều nguồn nhân lực, chúng ta đến đây bởi vì tin chắc rằng: trên hết và vượt lên mọi biện pháp ấy, chúng ta cần cầu nguyện-cầu nguyện cách mãnh liệt, khiêm nhu và tin tưởng– để cuối cùng thế giới trở thành một nơi hòa bình đích thực và vĩnh cửu.

Do đó, Ngày này là một ngày để cầu nguyện và thực hành những gì gắn liền với việc cầu nguyện: thinh lặng, hành hương và chay tịnh. Một khi kiêng ăn, chúng ta sẽ ý thức hơn về nhu cầu chung phải sám hối và biến đổi nội tâm.

4. Các tôn giáo thì rất nhiều và đa dạng, chúng phản ánh mong muốn của con người qua các thời đại là thiết lập được mối tương quan với Đấng Tuyệt Đối.

Cầu nguyện đòi chúng ta phải cải hóa nội tâm mình, nghĩa là đào sâu cảm thức của chúng ta về Thực Tại Tối hậu. Đây chính là lý do khiến chúng ta đến họp mặt ở đây với nhau.

Từ đây chúng ta sẽ đến những nơi riêng biệt để cầu nguyện. Mỗi tôn giáo sẽ có thời gian và cơ hội để thể hiện mình qua nghi lễ truyền thống riêng của mình. Sau đó, từ những địa điểm cầu nguyện riêng, chúng ta sẽ đi xuống Quảng trường thánh Phanxicô trong thinh lặng. Khi đã tụ họp tại quảng trường, một lần nữa lần lượt mỗi tôn giáo có thể dâng lên lời cầu nguyện riêng của mình.

Khi cầu nguyện riêng như thế, chúng ta sẽ thinh lặng chiêm niệm về trách nhiệm của chính mình đối với hành động cho hòa bình. Rồi một cách biểu trưng, chúng ta sẽ công bố cam kết chung vì hòa bình. Đến cuối ngày, tôi sẽ cố gắng diễn tả tiếng lòng mình về buổi cử hành độc đáo, như một người tin vào Chúa Giêsu Kitô, và như người tôi tớ thứ nhất của Giáo hội Công giáo.

5. Một lần nữa tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn quý vị đã đến Assisi để cầu nguyện. Tôi cũng cảm ơn tất cả các cá nhân và cộng đồng tôn giáo đã liên kết với lời cầu nguyện của chúng tôi.

Tôi đã chọn thành phố Assisi này làm nơi diễn ra Ngày cầu nguyện cho Hòa bình của chúng ta, vì ý nghĩa đặc biệt của vị thánh được tôn kính nơi đây – thánh Phanxicô – nhân vật được rất nhiều người biết đến và tôn kính trên toàn thế giới như một biểu tượng của hòa giải hòa bình và tình huynh đệ. Được cảm hứng từ tấm gương sống của ngài, từ sự hiền lành và khiêm nhường của ngài, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn mình sẵn sàng để cầu nguyện trong thinh lặng nội tâm thực sự.

Chúng ta hãy làm cho Ngày này trở thành một tiên trưng về một thế giới hòa bình.

Nguyện xin bình an ngự đến trên chúng ta và đong đầy tâm hồn chúng ta!

Pope’s inter-faith summit in Assisi belongs to an ongoing revolution

ĐGH Gioan Phaolô II và lãnh đạo các tôn giáo trong buổi gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi - Italia (27.10.1986)

Ảnh: CNS/Osservatore Romano

ĐGH Gioan Phaolô II

Chuyển ngữ: Minh Đức
Nguồn: hdgmvietnam.org
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...