Hai đường đi đến cái Tâm (2) - Hai công cụ cơ bản để nhận biết Chơn Tâm

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3185 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


Phần 2: Hai công cụ cơ bản cho sự tìm kiếm con đường để nhận biết Chơn Tâm

Bài viết trước bàn về hai con đường mà con người có thể đi trên đó để đạt đến một nhận thức về cái Tâm. Thực tế, cả hai con đường đó đều đang tồn tại song hành với nhiều trạng huống khác nhau. Mỗi con đường là một thế giới rộng lớn khác nhau. Trên mỗi con đường đó, có nhiều dạng thức của các hành trình tùy vào nhận thức và khả năng của con người đi trên đó. Trong nhiều dạng thức như thế, ta chỉ nên tìm hiểu những công cụ nào đó, vừa gần gũi vừa cơ bản hướng ta đến cái tâm. Một là giúp ta đến được cái tâm của nhân sinh, hai là khiến ta có thể quay lại được với cái tâm bản nguyên.

Từ đây, hãy lấy điển hình từ khoa học tâm lý với công cụ MBTI và điển hình từ khoa học tâm linh với phương thức quán chiếu lục căn để thấy được những hình ảnh cụ thể của hai con đường này.

MBTI là gì?

Được xây dựng từ nhà phân tâm học C.Jung, sau đó tiếp tục được phát triển do hai nhà khoa học tâm lý Katharine Briggs và Isabel Myers.

MBTI là từ viết tắt của Myers-Briggs Type Indicator, có nghĩa là bộ định vị các kiểu tâm lý của Myers-Briggs. Công cụ này xác định tâm thể của con người thông qua 4 tiêu chí:

1. Nguồn năng lượng của tinh thần: trong cuộc sống hằng ngày, tâm của một cá nhân có thể thiên về nội tại (Introvertion) hoặc có thể thiên về ngoại tại (Extravertion).

2. Mối quan hệ với thế giới bên ngoài: Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp cận một sự việc hay một vấn đề ta dùng các giác quan hữu quan để ghi nhận thông tin. Đó là kiểu Cảm giác (Sensing). Hoặc là ta ghi nhận một cái nhìn tổng thể về sự việc hay vấn đề thay vì đi vào quá chi tiết, quá nhiều thông tin. Đó là kiểu dùng đến Trực giác (IntuitioN) để ghi nhận thông tin về sự việc hay vấn đề.

3. Phương thức ra quyết định hay đánh giá: Hai phương thức mà một cá nhân có thể đưa ra trong quyết định hoặc đánh giá của cá nhân đối với một sự việc hay vấn đề là dựa vào luận lý (Thinking) hoặc những giá trị từ kinh nghiệm tự thân (Feeling).

4. Phương thức tổ chức đời sống: Cũng có hai cách thức mà một cá nhân sẽ thực hiện trong việc tổ chức sinh hoạt đời sống của mình. Nếu là người thuộc kiểu Đánh giá (Judging) thường sẽ tổ chức theo kế hoạch, tiến trình công việc. Người thuộc kiểu Lĩnh hội (Perceiving) thường có xu hướng chấp nhận thay đổi, không nhất định một kế hoạch nào, khả năng linh hoạt.

Như vậy, thông qua 4 tiêu chí về tâm thể khả dĩ của con người, MBTI định ra được 16 loại tâm thể có thể có trong cộng đồng người trên toàn thế giới. Mỗi một dạng thức của tâm thể trong MBTI là một khuynh hướng của một cá thể con người trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài nó và với chính bản thân nó. ISTJ, ISFJ, INFJ, INTJ, ISTP, ISFP, INFP, INTP; ESTP, ESFP, ENFP, ENTP, ESTJ, ESFJ, ENFJ, ENTJ.

Có thể cho rằng MBTI đã phân định được cách thức mà tâm thức nhân sinh hiện hữu. Sự hiện hữu của 16 dạng thức tâm thức này không dựa trên cơ sở của bảy tình và sáu căn. Chúng cũng không do sự phân biệt với ngoại cảnh để hình thành. Chính xác, chúng dựa trên mối liên hệ căn bản nhất của con người với môi trường xung quanh. Hay nói cách khác, chúng là xu hướng cơ bản của con người để tồn tại và phát triển. Nhờ vào công cụ này, người ta có thể hiểu nhau, biết rõ về nhau hơn. Do đó mà công cụ MBTI được dùng nhiều trong xây dựng tổ chức (trong việc xây dựng đội nhóm làm việc cùng nhau, xây dựng phương thức kiến tạo môi trường cộng tác), xác định phương hướng học tập, hàn gắn xung đột, phát triển cá nhân … MBTI có thể được tìm hiểu và ứng dụng trong môi trường tu học như ở CQPTGL. Ngoài ra, nó còn nên được quan tâm như một công cụ khảo sát chữ Tâm theo hướng khoa học tâm lý cũng như các chuyên ngành tâm lý khác (kể cả lý thuyết và ứng dụng).

Lục Căn là gì?

Con đường thứ hai được lấy ví dụ có liên quan đến triết lý tôn giáo về tâm. Trong các nền tôn giáo thế giới, có một sự đồng tình rất lớn khi nhận định rằng Phật giáo là tôn giáo khoa học về lĩnh vực tâm lý học. Cũng dễ hiểu khi nhìn vào kho tàng tri thức của tôn giáo này với nhiều nghiên cứu và tài liệu về chữ tâm rất cao siêu và đầy tính lý luận. Từ xưa đến nay, giáo lý Phật giáo luôn luôn nhận được sự ngưỡng mộ của bậc trí thức và người tu hành chân chính.

Trong các bản kinh văn ghi chép lại, có lẽ kinh Thủ Lăng Nghiêm là bản kinh đặt ra nhiều vấn đề về chữ tâm nhất. Sau này, có nhiều bản luận về tâm như trong học phái Duy Thức là một thí dụ.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bản kinh chuyên chú vào việc minh định chơn tâm thường tại, có rất nhiều lời dẫn dụ của đức Phật về tâm và cả lục căn, lục trần và lục thức. Bài học từ giáo lý Phật giáo, hay từ Thủ Lăng Nghiêm kinh về sáu căn là những cánh cửa để đi vào tâm của con người tu học. Do đó, việc tu tập cho sáu căn thanh tịnh chính là định hình một con đường nữa đi đến cái tâm của người tu học.

Sáu căn bao gồm: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỉ (mũi) , thiệt (lưỡi), thân và ý. Tâm nếu xét như là hữu thể, giả định này thuần túy là một giả định không đi đến bản chất của chơn tâm, chỉ như là một khối năng lực có các cơ năng chính của nó là sáu căn. Hình dung như thế chỉ muốn nói rằng sáu căn chính là chỗ vào ra cái tâm của con người. Khi sáu căn đi ra ngoài để đối diện với sáu trần và ở đó, cái tâm vì thế sẽ trở nên hư vọng như cảnh trần đó. Khi sáu căn thanh tịnh, tâm sẽ được minh định và sáng tỏ.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, khi nói về tu tập các căn, đức Phật cũng cho thấy được tính căn bản của sáu căn:

“A Nan ! Ông muốn ngược dòng sanh tử hãy xét sáu căn ông hiện thọ dụng. Cái nào hợp, cái nào ly, căn nào sâu, căn nào cạn, căn nào viên thông, căn nào không viên thông. Nếu khai ngộ được một căn viên thông thì đảo ngược tất cả dòng nghiệp vô thỉ. Đối với hiệu quả tu hành, bấy giờ một ngày bằng một kiếp.

Tôi đã chỉ rõ cho ông: Sáu căn, căn nào cũng trong sáng và đều có số lượng công năng. Tùy ông chọn lựa. Thích hợp căn nào tôi sẽ hướng dẫn cho ông để ngày thêm tăng tiến.

Mười phương Như Lai, căn, trần, thức, 18 giới đều là công cụ để viên mãn vô thượng bồ đề. Căn cơ trí tuệ còn non nớt, ông cần đi sâu tu tập một căn. Một căn thanh tịnh thì sáu căn đồng thời được tháo mở hoàn toàn thanh thoát. ”

Mối liên quan giữa sáu căn và tâm có lẽ không có gì để bàn luận thêm. Tâm bị đảo điên mà mất đi bản chất thanh tịnh là do sáu căn đảo điên với cảnh trần, sanh nhiều vọng tưởng. Tâm có được thanh tịnh không bị đảo điên bởi cảnh trần là nhờ sáu căn thanh tịnh. Sáu căn như sáu cửa vào được bản tâm. Bởi thế để đi đến được tâm, con đường sáu căn là con đường nhanh nhất. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đoạn như sau:

“A Nan! Cái gút thắt khiến cho ông luân hồi sanh tử, chính là sáu căn của ông, chớ chẳng phải cái gì khác!

Ông lại cũng muốn biết, phải làm sao mau đến chỗ an lạc, giải thoát, tịch tĩnh vô thượng Bồ đề!

Này! A Nan! Thì cũng chính là sáu căn của ông đó, chớ chẳng phải cái gì khác.”

Qua đó, ta thấy được ý nghĩa của sáu căn trong việc nhận ra được đâu là cái tâm chân thật, đâu là cái tâm vọng tưởng. Khoan bàn đến pháp môn nào khác. Chỉ nói đến sáu căn của con người, ta cũng thấy ở đó có lối vào bản tâm của ta. Như cái thấy và cái nghe vẫn luôn thường tại nơi con người. Biết rằng chúng không phải là cảnh trần, nên biết rằng chúng thường tại. Biết rằng chúng là căn đề cho Niết Bàn, nên tu tập sáu căn để thánh hóa trí năng.

Trong Duy Thức, khi ở địa vị con người thế tục, sáu căn điên đảo sanh tâm vọng tưởng. Con người thế tục trầm luân ngay trong đời sống thường nhật, nên phiền não lại sanh phiền não. Khi sáu căn nhờ tu trì mà được thanh tịnh, tâm nhờ đó mà sáng, trí nhờ đó mà được thánh hóa, đoạn được luân hồi sanh tử, phiền não lại sanh được cội bồ đề. Quan niệm như thế thật đã làm rõ giá trị căn bản và trường tồn của sáu căn và cái tâm. Khi nào vẫn còn con người, khi đó vẫn còn phải suy niệm về tâm và căn.

Tương quan giữa MBTI và lý thuyết về Lục căn

Tạm đưa ra một đối chiếu để thấy sự khác biệt nhưng đồng thời cần thiết của hai công cụ và phương tiện để đạt đến chữ tâm trong thời đại mới mà Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đang triển khai sứ mạng đối với cuộc tiến hóa tâm linh của nhân sinh.

Mối tương quan của MBTI, một đại diện đơn cử của con đường khoa học và lý thuyết về sáu căn, đại diện cho con đường tâm linh là hai chiều kích của một cái tâm. Khi con người hướng đến xã hội, cộng đồng nhân sinh, khoa học là phương tiện hữu hiệu để xây dựng một cái tâm tổng thể mang tính nhân sinh để đặt nền tảng cho sự tiến bộ. Khi con người hướng về thế giới nội tại thì tôn giáo là phương tiện không thể thiếu để tìm đến một nguồn sống bất tận, một cái tâm tĩnh lặng thuần nhất để đặt nền tảng cho nhân bản và an lạc.

Tuy nhiên, cũng nên chia sẻ với nhau rằng cả MBTI và thuyết về sáu căn chỉ là hai đại diện cho hai con đường đến chữ Tâm. Ngoài chúng ra, ta còn nhiều kiểu cách khác nữa cũng đồng hành trên hai con đường đó.

Cũng nên nhắc lại điều quan trọng rằng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã đặt một hướng đi rộng lớn cho con người. Mức độ rộng lớn đó đã được Ơn Trên giáng dạy nhiều lần từ thuở khai đạo đến nay. Hướng đi đó phổ quát và cho nên bao hàm cả hai con đường đã được bàn trong bài viết này, Hai Đường Đi Đến Cái Tâm. Trên một phương diện nào đó, điều này khiến chúng ta sẽ suy tư và sớm nhận ra rằng Cao Đài là dòng tư tưởng hiện sinh siêu linh.

                                                                                                                                                                                                 

Thanh Long

                                                                                                                                                                                    Nguồn: nhipcaugiaoly.com

--------------------------

Mời quý vị xem thêm:

 

Hai đường đi đến cái Tâm (2) - Hai công cụ cơ bản để nhận biết Chơn Tâm

Hai đường đi đến cái Tâm (1)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...